Từ tiền lương đến lương tâm

Cán bộ lương thấp, dân chúng đói nghèo thì chẳng hay ho gì. Tệ hại hơn, tuy lương thấp, nhưng có những cán bộ sống trong giàu sang nhung lụa, hưởng thụ trên sự nghèo đói của dân chúng.

Lương của bộ trưởng chỉ hơn 14 triệu đồng/tháng, một khoản thu nhập quá thấp, không tương xứng với chức vụ của một bộ trưởng. Lương của bộ trưởng như vậy, nên lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự rất thấp, khoảng 3,58 triệu đồng.

Chỉ lấy hai vị trí, một là bộ trưởng, hai là người mới hết tập sự, để nói lên một điều, lương của Nhà nước trả cho cán bộ viên chức không phù hợp.

Bộ trưởng chịu trách nhiệm rất lớn trong việc quản lý điều hành một ngành, một lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc, quan hệ quốc tế. Công việc nhiều, áp lực cao, lao tâm lao lực, thì cần phải có đồng lương tương xứng, để tái tạo sức lao động, để yên tâm lo việc nước. Các vị trí khác cũng như vậy, cán bộ nhà nước luôn phải chịu trách nhiệm nặng nề, thì phải nhận lương cao mới công bằng.

Dân mong muốn trả lương cao cho cán bộ, để cán bộ phục vụ nhân dân được tốt. Bộ trưởng làm việc tốt, tạo ra nhiều chính sách hiệu quả, xây dựng đất nước phồn thịnh, thì lương cao mấy dân cũng hài lòng. Cán bộ hưởng lương cao, vật chất đầy đủ, cùng với sự giàu sang của họ là năng lực làm ra những sản phẩm xã hội giá trị cao, giúp cho người dân có đời sống no ấm như các nước phát triển, đó mới là mô hình được nhân dân mong đợi.

Cán bộ lương thấp, dân chúng đói nghèo thì chẳng hay ho gì. Tiết kiệm, đạm bạc, nhưng nghèo khổ từ quan đến dân thì dân cũng chẳng mong.

Tệ hại hơn, tuy lương thấp, nhưng có những cán bộ sống trong giàu sang nhung lụa, hưởng thụ trên sự nghèo đói của dân chúng. Đau đớn thay, hiện thực đó đang tồn tại nhưng chưa có giải pháp loại trừ.

Ai cũng biết làm quan thì có bổng lộc, nếu không ít người phấn đấu để thăng tiến trong cuộc sống. Nhưng điều quan trọng là “ăn lộc nước” thì cũng phải làm được việc nước, và càng không thể hại nước. Bản thân, gia đình có cuộc sống tử tế thì cũng mở mắt nhìn thấy cuộc sống của người dân và hành động với trách nhiệm của mình. Về vấn đề này, không phải là chuyện lương tiền, mà là lương tâm.

Lý tưởng nhất vẫn là xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, cán bộ viên chức được trả lương cao. Một bộ máy cồng kềnh với 30% cán bộ vác ô thì không thể đủ tiền để trả lương cao, chưa kể làm kiệt quệ ngân sách. Và với bộ máy cồng kềnh này thì khó có chỗ cho “lương tâm” tồn tại.

Mặt khác, “lương tâm” cần phải được bảo quản trong môi trường “lương tiền” có chất lượng. Không thể đòi hỏi một cán bộ, công chức, giáo viên làm việc với tất cả lương tâm và trách nhiệm, sống liêm khiết và có đạo đức nghề nghiệp, một khi đồng lương của họ không đủ sống.

Theo LÊ THANH PHONG / LAO ĐỘNG ONLINE (2015)

Tags: ,