Từ pháo đài Đồng Đăng đến đảo Gạc Ma: Không quên xương máu các anh

Pháo đài Đồng Đăng năm 1979, đảo chìm Gạc Ma năm 1988, những dấu mốc, những địa chỉ anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước, không thể lãng quên, không thể chìm khuất.

Từ pháo đài Đồng Đăng đến đảo Gạc Ma: Không được quên xương máu các anh

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến trah bảo vệ biên giới phía Bắc tại Pò hèn, Móng Cái.

Tôi nhớ mãi cái lần đội mưa đi qua thành nhà Mạc rồi leo tiếp một triền dốc nhiều đá mồ côi khá chênh vênh nữa để đến với nàng Tô Thị. Nàng cõng con đứng đó, thời gian đợi chồng đã mấy nghìn năm, đằng đẵng những thiên thu mưa nắng nơi trập trùng biên ải. Mưa thấm lạnh và những đợt gió bấc hun hút thổi đến từ phương Bắc âm u gieo vào tôi nỗi buồn khó tả. Đây là lần đầu tiên, trong tôi có một xứ Lạng buồn, thật buồn bởi sự đơn côi đến hiu hắt trong dáng người đàn bà hóa đá đáy thắt lưng ong, tóc búi cao, ngực đầy căng, hơi lao về phía trước. Bàn chân chinh phụ đã chôn vào đá, qua thăm thẳm thời gian vẫn còn nguyên dáng kiễng chân vời vợi; thêm một tấc cao là thêm một dặm trông xa. Trông xa, trông mãi, trông hoài, người lính biên ải vẫn chưa trở về, người đàn bà thủy chung đã quyết hóa đá để được vĩnh viễn chờ chồng.

Vệt buồn rộng dài thêm, từ đó, từ đây, đến với một địa danh khác, liên quan đến bài bút ký Lạng Sơn, có một góc nhìn của tôi viết vào tháng 8/2001. Trong chồng bản thảo cũ của tôi vẫn còn lưu bài bút ký ấy và hôm nay, xin trích lại một đoạn:

Cửa hầm phía Đông của pháo đài được khai thông vào năm 2001. Nhẩm tính xem: Nó đã là 20 năm kể từ khi bị đánh sập bằng hàng tấn thuốc nổ. Cùng với các cửa hầm, các lỗ thông hơi của pháo đài sâu hàng chục mét cũng bị bịt kín bằng đất đá. Những lô cốt nổi bê tông cốt thép dày gần nửa mét cũng bị đánh sập, nứt vỡ toang hoác. Dấu tích chiến tranh chưa bị cây cỏ che khuất phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật trông thật dữ dội.

 >> Chùm ảnh: Pháo đài Đồng Đăng – chứng tích cuộc chiến tranh biên giới 1979
.

20 năm, nó bị lấp kín và trong lòng pháo đài lạnh lẽo tối om là những bộ hài cốt của bộ đội và nhân dân ta. Dưới tầng đất sâu của một quả núi nằm giữa thị xã Đồng Đăng, trong những đường hầm chặng chịt có bao nhiêu thi hài liệt sĩ? Hình như, chưa ai trả lời được câu hỏi nhức nhối đó. Pháo đài Đồng Đăng do Pháp xây, nghe đâu đã gần trăm năm, vốn đã bí ẩn lại càng bí ẩn hơn…

Cánh cửa sắt mở ra. Chân đi ủng, đầu đội mũ nhựa bảo hộ, chúng tôi đi vào đường hầm pháo đài theo sự hướng dẫn của Binh nhất Đàm Quang Thuấn. Đường hầm hẹp, hai người đứng hàng ngang đã chạm tay nhau và mái uốn vòm cong cong chỉ cao hơn đầu tôi vài đề-xi-mét. Vách và vòm xây bằng xi măng, trải qua gần trăm năm đã nứt nẻ chằng chịt. Có cảm giác chỉ cần dậm chân mạnh thì những mảng vữa ẩm ướt nhiều cạnh đó sẽ rơi xuống đầu mình. Có tiếng gì u u u u… không dứt đoạn trong lòng pháo đài. Như tiếng gió tháng Chạp thổi qua hẻm núi hẹp. Hơi lạnh phả ra rờn rợn. Từ mặt nước bập bõm ở đáy hầm. Từ vòm mái bê tông có vô vàn những giọt nước đọng tí tách rơi. Hay từ đâu nữa, hơi lạnh cứ lặng lẽ phả ra làm da mặt chúng tôi se se lại…

– Sắp đến gian hầm thờ các liệt sĩ mình rồi đấy! – Anh Mát nói khẽ.

(Đỗ Xuân Mát vốn là Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Việt Bắc, người trực tiếp phụ trách bộ đội khai thông pháo đài)

Rẽ vào một ngách ngang, chúng tôi đến gian hầm rộng chừng 16 mét vuông, cao tầm 2 mét. Thành và vòm hầm xây bằng xi măng và ít nứt nẻ hơn. Chỉ có một chiếc bàn gỗ đặt mấy bát hương chi chít chân nhang và cái giá gỗ hai tầng lưu giữ mấy hiện vật của người đã khuất. Súng AK. Dao găm. Băng đạn. Dép rọ nam. Dép lê nữ. Vài chiếc cặp tóc phụ nữ. Tất cả đã cũ kỹ, gỉ sét. Giọng anh Mát ngàn ngạt:

– Trong lúc làm nhiệm vụ, bộ đội chúng tôi tìm gặp 35 hài cốt liệt sĩ. Từ cửa Đông của pháo đài đi xuống 29 bậc gặp một ngách ngang có 12 hài cốt. Đây là những anh em đầu tiên chúng tôi tìm thấy trong pháo đài. Anh biết không, các bộ xương nằm theo những tư thế khác nhau. Người nằm nghiêng, người nằm ngửa, người nằm thẳng, người nằm co. Có bộ xương xếp theo tư thế của người lết, hai cánh tay vươn về phía trước. Những bộ xương nguyên vẹn, chứng tỏ anh em ta bị hi sinh vì ngạt thở và đói.

Cái chết đến từ từ với những người lính rút về cố thủ trong pháo đài Đồng Đăng năm ấy. Họ đã nghĩ gì, họ đã làm gì trong những ngách hầm tối tăm, ngột ngạt vào những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình?… Thì hãy nhìn vào những bộ hài cốt đồng đội với những khẩu AK xếp bên cạnh sẽ hình dung ra phần nào hình ảnh người lính trong giờ phút cận kề cái chết. Những người lính ấy đã làm tròn bổn phận của mình và cái chết của họ là sự ra đi oanh liệt của người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc…

Và tôi thiết nghĩ rằng…ít nhất nơi cửa hầm vừa được khai thông vào mùa xuân đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt phải có một bia tưởng niệm khắc rõ dòng chữ: “Tổ quốc ghi công những chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước năm 1979”.

Một tấm bia ghi ơn và nhắc nhở đời sau. Một địa chỉ viếng thăm của người lên xứ Lạng. Mọi cuộc chiến tranh đều được chép vào lịch sử. Ai hi sinh vì Tổ quốc đều phải được ghi tạc công lao…

Nỗi buồn của nàng Tô Thị là có thật, giống như nỗi buồn từ các cuộc chiến tranh đưa lại. Trong người đàn bà hóa đá ấy có nỗi đau mất mát, nỗi chờ mong của rất nhiều phụ nữ Việt Nam. Bao nhiêu thế hệ trai tráng đất nước này đã ngã xuống để gìn giữ cõi bờ non sông. Máu đã chảy thành sông, xương đã chất thành núi; sông núi Việt Nam là tài sản thiêng liêng vô giá không ai có thể xâm phạm lấy đi của ta dù chỉ là tấc đất, mét nước. Trong mọi giá trị làm người, giá trị công dân thì lòng yêu nước luôn ở vị trí hàng đầu và trước tiên.

Yêu nước, dâng hiến và xả thân cho Tổ quốc là nhân phẩm của con người. Tổ quốc trên hết, đấy không phải là câu nói đầu môi chót lưỡi mà là tình cảm, là hành động của mỗi chúng ta. Tôi nghĩ, chúng ta không đem lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đặt lên nòng súng để kích động chiến tranh xung đột, nhưng khi Tổ quốc bị xâm lăng thì đó là vũ khí, là năng lượng có khả năng bùng nổ rất lớn của dân tộc này. Lịch sử đã minh chứng điều đó, dân tộc Việt Nam đã từng chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần về kinh tế và quân sự.

*

Lại có những nỗi chờ mong khắc khoải không hóa đá. Biết người thân không về, không bao giờ về nữa mà vẫn canh cánh nỗi đợi chờ giống sự mộng du. Biển Việt. Sóng vun lên những luống mộ trắng xóa. Nói là sóng bạc đầu đã đúng nhưng hình như chưa đủ khi biết rằng trong trắng xóa, mặn mòi của sóng đang trú ngụ những linh hồn bất tử. Bất tử linh hồn những người dân, người lính còn quần tụ ở Hoàng Sa và ở những đảo nổi, đảo chìm của Tổ quốc.

Tôi đã không cầm được nước mắt khi xem bức ảnh Trung úy Đinh Ngọc Doanh chụp với con gái mình. Bố chụp ảnh với con gái yêu đâu phải là điều gì lạ lẫm. Có hàng nghìn, hàng triệu tấm ảnh như thế, đen trắng và màu mè, đủ cả trên trái đất này. Trước mắt tôi là gương mặt điềm tĩnh hiền lành của người sĩ quan trẻ bên cái vẻ rụt rè ngây thơ của con gái chừng ba, bốn tuổi. Bé gái đã vĩnh viễn mất cha từ buổi sáng 14/3/1988. Một cuộc chiến đấu khốc liệt giữa những người giữ đảo với đội quân ăn cướp lãnh thổ đã xảy ra trong buổi sáng ấy. Gạc Ma.

Hàng loạt đạn 37 ly của bọn xâm lược bắn xối xả vào những người lính chúng ta khi họ còn dầm chân trong làn nước biển mặn chát. Không có một bờ đất, mỏm đá che thân, không hề có một đoạn chiến hào công sự nào. Điểm tựa duy nhất của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam lúc ấy là lòng yêu nước, lòng tự tôn, tự chủ, tự hào dân tộc. Thế thôi. Những con người Việt Nam bé nhỏ mong manh đứng giữa bao la trời nước, giương cao cờ Tổ quốc, lấy nền đỏ sao vàng quấn vào mình, một tấc không đi, một li không rời với tinh thần Thà hi sinh chứ nhất định không rời đảo. 64 chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh trong trận hải chiến không cân sức đó, những Trần Văn Phương, những Đinh Ngọc Doanh… đã ngã vào lòng biển Việt, ngã vào cõi bất tử thiêng liêng của dân tộc.

Những vòng hoa lênh đênh trên sóng sẽ trôi về đâu trong mêng mang mây nước? Những hương khói ngạt ngào trên biển mặn có lay thức được bấy miên man đang trôi nổi bồng bềnh? Tôi tin, các anh sẽ nhận được tấm lòng thành của người đang sống và tôi cũng tin rằng, vong linh những người đã ngã xuống vì chủ quyền của đất nước vẫn hằng mong điều cao đẹp, trong sạch ở chúng ta. Và, như vậy là các anh đang sống, sống đẹp giữa lòng dân tộc, như là cuộc phục sinh huyền diệu nhất, bền vững nhất của những người yêu nước.

Nỗi đau, đó là điều không chối cãi và ta cũng không giấu giếm. Thì lòng tự hào chính đáng, khí phách ngoan cường cũng là năng lượng dồn góp lại cho sự trường tồn dân tộc xưa nay. Sẽ sống mãi, sẽ sáng tỏa mãi tinh thần vì nước quên thân có từ bao đời nay trong lịch sử dân tộc.

Pháo đài Đồng Đăng năm 1979, đảo chìm Gạc Ma năm 1988, những dấu mốc, những địa chỉ anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước, không thể lãng quên, không thể chìm khuất.

Tất cả những ai vì chủ quyền đất nước mà ngã xuống đều phải được tôn vinh, ghi công xứng đáng!

Theo NGUYỄN HỮU QUÝ / BÁO BIÊN PHÒNG

Tags: , ,