‘Tù nhân của địa lý’: Bi kịch của các quốc gia ‘nằm sai chỗ’

Các chuyên gia phát triển kinh tế hứa hẹn rằng với sự hòa hợp chính xác của các chính sách hỗ trợ thị trường, các nước nghèo cuối cùng sẽ phát triển thịnh vượng. Nhưng chính sách không phải là vấn đề – địa lý mới là vấn đề. Các quốc gia nhiệt đới không giáp biển không bao giờ có thể tiếp cận những thị trường và công nghệ mới mà họ cần để phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.

‘Tù nhân của địa lý’: Bi kịch của các quốc gia ‘nằm sai chỗ’

Nguồn (trích đăng): Ricardo Hausmann (2001). “Prisoners of Geography”, Foreign Policy, No. 122 (Jan. – Feb.), pp. 44-53.

Biên dịch: Dương Thanh Nga | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp.

Bạn thuộc cung Bọ Cạp. Vậy thì bạn chắc hẳn là một người sôi nổi. Các phong vũ biểu cho rằng áp suất khí quyển đang giảm. Vì vậy trời sắp mưa. Vĩ độ của bạn ít hơn 20 độ. Trong trường hợp này, quốc gia của bạn chắc chắn nghèo.

Có thể có một số cuộc tranh luận về lời phát biểu nào là đúng, nhưng chỉ có một là thực sự gây khó chịu – đó là lời phát biểu cuối cùng. Thật vậy, quan điểm cho rằng vị trí địa lý của một quốc gia quyết định mức độ phát triển kinh tế của quốc gia ấy là đầy tranh cãi. Mọi người cảm thấy bị xúc phạm vì sự liên hệ như vậy bởi nó có vẻ phân biệt chủng tộc và hủy hoại các khái niệm về cơ hội bình đẳng giữa các quốc gia và cá nhân. Nó cũng làm tê liệt ý chí và gây nên tâm lý chủ bại: Các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia có thể làm hoặc hứa hẹn gì nữa nếu không có gì có thể vượt qua được lời nguyền địa lý? Từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến giữa những năm 1980, những quan điểm này thúc đẩy một phản ứng dữ dội chống lại các nghiên cứu về địa lý kinh tế trong giới học thuật. Tuy nhiên ngày nay lý thuyết mới về tăng trưởng kinh tế kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm đã mang địa lý kinh tế trở lại vị trí hàng đầu trong cuộc tranh luận về phát triển. Phát biểu tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Phụ nữ và Phát triển vào tháng 6 năm 2000, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã nhấn mạnh “lời nguyền địa lý” (tyranny of geography), đặc biệt là ở các nước châu Phi, và cảnh báo chống lại kết luận rằng “những thất bại kinh tế của các nước nhiệt đới bị cô lập với đất xấu, khí hậu thất thường và dễ bị bệnh truyền nhiễm tấn công có thể đơn giản được quy cho sự thất bại của các chính phủ trong việc tạo ra được một môi trường thuận lợi thích hợp.” Các mô hình phát triển chủ đạo hiện hành – cho rằng chỉ cần các chính sách kinh tế định hướng thị trường và nền pháp trị thôi là đủ để làm cho tất cả các nước trở nên giàu có – dường như đang mất uy tín. Sẽ thế nào nếu như yếu tố địa lý án ngữ con đường đi tới Miền Đất Hứa?

Vị trí, vị trí, và vị trí

Thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nước giàu và nghèo là một mục tiêu đã được khẳng định của cộng đồng quốc tế trong 50 năm qua. Cam kết này dẫn tới sự ra đời hoặc thiết kế lại các thể chế như Ngân hàng Thế giới, các cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Đầu tư, các ngân hàng phát triển khu vực như Ngân hàng Phát triển Nam Mỹ (IDB), các cơ quan viện trợ song phương trong chính phủ các nền kinh tế tiên tiến nhất, và vô số các quỹ tài trợ, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ khác.

Nhưng khoảng cách toàn cầu giữa các nước giàu và các nước nghèo đã không thu hẹp lại. Thay vào đó, nó ngày một rộng ra. Nhà kinh tế học Angus Maddison ước tính vào năm 1820, Tây Âu giàu hơn châu Phi 2,9 lần. Vào năm 1992, khoảng cách này đã tăng lên 13,2 lần. Xu hướng vẫn tiếp tục – mặc dù không đáng kể – ở Nam Á, Trung Đông, Đông Âu và Mỹ Latinh. Trong năm 1997, 20 phần trăm người giàu nhất thế giới hưởng 74 lần thu nhập của 20 phần trăm người nghèo nhất, so với 30 lần vào năm 1960.

Các nước bị bỏ lại phía sau có những đặc điểm địa lý nổi bật: Họ thường nằm ở những vùng nhiệt đới, hoặc do vị trí địa lý, phải đối mặt với chi phí vận chuyển lớn trong việc tiếp cận thị trường thế giới – hoặc do cả hai.

Trong năm 1995, các nước nhiệt đới có thu nhập trung bình tương đương với khoảng một phần ba thu nhập của các nước ôn đới. Trong số 24 quốc gia được coi là “công nghiệp”, không có một nước nào nằm giữa Chí tuyến Bắc và Nam, ngoại trừ phần phía Bắc của Úc và hầu hết quần đảo Hawaii. Trong số 30 nền kinh tế giàu nhất thế giới, chỉ có Brunei, Hồng Kông, và Singapore là ở trong khu vực nhiệt đới, và vị trí địa lý của các nước và lãnh thổ này khiến chúng lý tưởng cho sự phát triển thông qua thương mại. Các nước nhiệt đới có xu hướng có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm thấp hơn khoảng từ 0,5 đến 1% so với các nước ôn đới. Một nghiên cứu gần đây của IDB cho thấy sau khi xem xét chất lượng của các thể chế và chính sách kinh tế, địa lý giải thích cho khoảng một phần tư sự khác biệt về thu nhập giữa các nước công nghiệp và Mỹ Latinh trong năm 1995. Các nước nhiệt đới cũng có điều kiện y tế kém hơn so với các nước không thuộc nhiệt đới. Sau khi xem xét mức thu nhập và giáo dục cho phụ nữ, tuổi thọ trung bình ở các vùng nhiệt đới thấp hơn bảy năm so với vùng ôn đới. Các quốc gia ở vùng nhiệt đới cũng thường có sự bất bình đẳng thu nhập lớn. Ở châu Phi và Mỹ Latinh, 5 phần trăm người giàu nhất kiếm được gần 25 phần trăm thu nhập quốc dân, trong khi ở các nước công nghiệp họ chỉ kiếm được 13 phần trăm. Riêng vĩ độ có thể giải thích một nửa sự khác biệt này. Ngay cả trong các khu vực của cùng một quốc gia, mức sống có mối liên hệ chặt chẽ với địa lý. Ví dụ, tại Mexico, các bang miền nam như Chiapas, Oaxaca và Guerrero có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh gấp hai lần và trình độ học vấn chỉ bằng một nửa so với các bang miền Bắc.

Các quốc gia có dân số ở xa bờ biển cũng có xu hướng nghèo hơn và cho thấy mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với các quốc gia ven biển. Một quốc gia có dân số sống xa biển hơn 100 km tăng trưởng chậm hơn 0,6 phần trăm một năm so với các quốc gia mà toàn bộ dân số sống trong vòng 100 km từ bờ biển. Điều đó có nghĩa là những nước như các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chống lại những bất lợi về địa lý khi họ khắc phục hậu quả của chủ nghĩa cộng sản. Những quốc gia nhiệt đới, xa bờ biển và không giáp biển có ba yếu tố địa lý bất lợi chống lại họ. Nhiều quốc gia ở châu Phi nghèo đói bởi một hoặc tất cả những yếu tố này.

Hiện vẫn còn nhiều điều chúng ta không hiểu được về mối liên hệ giữa vị trí địa lý và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những gì chúng ta biết cho thấy những thách thức của phát triển kinh tế phải được xem xét từ một quan điểm rất mới. Phủ nhận sự ảnh hưởng của địa lý sẽ chỉ dẫn đến những chính sách sai lầm và nỗ lực lãng phí. Địa lý có thể gây trở ngại nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, nhưng không nhất thiết phải trở thành định mệnh.

Vấn đề vĩ độ

Để hiểu lý do tại sao vị trí địa lý có ảnh hưởng quan trọng đến vấn đề phát triển kinh tế, hãy xem xét những gì các nhà kinh tế xem là động cơ chính của sự phát triển: Tiếp cận thị trường (dựa trên công trình của nhà kinh tế Scotland Adam Smith) và tiến bộ công nghệ (rút ra từ các tác phẩm của nhà kinh tế học Mỹ Joseph Schumpeter).

Adam Smith cho rằng, tăng năng suất thông qua chuyên môn hóa là bí quyết của các quốc gia giàu có. Nhưng để đạt được những thành tựu này, các nhà sản xuất phải gia nhập vào các thị trường nơi họ có thể bán sản phẩm chuyên môn hóa của họ và mua hàng hóa khác. Các thị trường càng lớn thì phạm vi chuyên môn hóa càng lớn. Trong thị trường toàn cầu ngày nay, hầu hết các sản phẩm công nghiệp cần đầu vào từ các địa điểm khác nhau trên thế giới. Do đó, nếu chi phí vận chuyển cao, các công ty địa phương sẽ gặp bất lợi trong việc tiếp cận các đầu vào nhập khẩu mà họ cần và đưa hàng hóa của mình sang các thị trường nước ngoài.

Thật không may là chi phí vận chuyển thường được xác định bởi vị trí địa lý của một quốc gia. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hàng hóa vận chuyển qua thêm 1 km đất liền tốn bằng vận chuyển chúng qua thêm 7 km đường biển. Vận chuyển hàng hải đặc biệt phù hợp với hàng hóa cồng kềnh, giá trị gia tăng thấp mà các quốc gia đang phát triển có xu hướng sử dụng, do đó, các quốc gia thiếu cơ hội tiếp cận với vận tải đường biển sẽ bị loại khỏi nhiều thị trường tiềm năng. Hơn nữa, nếu các quốc gia xa biển không có được những cơ sở hạ tầng (hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng) cần thiết để tiếp cận biển hoặc các con sông tàu thuyền có thể đi lại được thì họ sẽ không phát triển các ngành công nghiệp vốn có thể giúp duy trì các cơ sở hạ tầng như vậy.

Giao thông đường bộ đặc biệt tốn kém cho các quốc gia không giáp biển mà có sản phẩm cần phải qua biên giới, đó chính là một trở ngại tốn kém hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Nghiên cứu về thương mại giữa các tiểu bang Hoa Kỳ và các tỉnh của Canada thấy rằng chỉ đơn giản là vượt qua biên giới Mỹ-Canada tương đương với tốn thêm từ 4.000 đến 16.000 km giá chi phí vận chuyển. Không có gì ngạc nhiên khi các nước không giáp biển trả thêm hơn 50 phần trăm chi phí vận chuyển so với các quốc gia ven biển. Trên thực tế, những khác biệt này có thể rất lớn: Vận chuyển một container tiêu chuẩn từ Baltimore đến Bờ Biển Ngà tốn khoảng 3.000 USD, trong khi gửi cùng một container đến Cộng hòa Trung Phi không giáp biển tốn 13.000 USD.

Chính phủ các nước không giáp biển đối mặt với những thách thức bổ sung về phối hợp chi phí cơ sở hạ tầng với các nước láng giềng. Đôi khi, các vấn đề chính trị hay thương mại hạn chế việc quá cảnh ra biển. Ví dụ, tiềm năng nông nghiệp của thượng nguồn lưu vực sông Parana trong đất liền Paraguay vẫn không thể phát huy cho đến khi có thỏa thuận Mercosur (Khối Thị trường Chung Nam Mỹ) vào giữa những năm 1990 tạo điều kiện cho giao thông vận tải sà lan qua Brazil và Argentina. Đường vào biển Địa Trung Hải của Jordan cần phải vượt qua biên giới của Israel hoặc Syria và Libăng. Những trường hợp này minh họa cho lý do tại sao các quốc gia không giáp biển tăng trưởng kinh tế chậm. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore có một vị trí địa lý thuận lợi, nhưng nhiều vùng ở sâu trong lãnh thổ Châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn nằm xa các thị trường và các tuyến thương mại hàng hải.

Địa lý cũng gây hại cho các nước đang phát triển theo những cách khác. Joseph Schumpeter đã chỉ ra rằng đổi mới công nghệ, thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D), là công cụ mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế. (Khái niệm này là điều mà Schumpeter đã có trong đầu khi ông đặt ra thuật ngữ nổi tiếng “Phá hủy sáng tạo” [creative destruction]). R&D thể hiện tiền lãi tăng: Càng nhiều người sử dụng và trả tiền cho một ý tưởng mới, thì giá trị thị trường càng lớn. (Ví dụ, một chương trình máy tính mới hoặc một cuốn tiểu thuyết có thể tốn chi phí rất nhiều để sản xuất, nhưng những bản tiếp theo thì rất rẻ.) Để bù đắp chi phí ban đầu của họ, các nhà đầu tư R&D sẽ có xu hướng tập trung vào đổi mới cho những khách hàng nhiều tiềm năng. Không ngạc nhiên khi các nước giàu có dân số đông và thuộc tầng lớp trung lưu là thị trường hấp dẫn hơn so với các quốc gia nghèo có sức mua rất bé.

Mặc dù những đổi mới như máy tính hoặc điện thoại di động hoạt động được trong nhiều điều kiện địa lý và do đó dễ dàng được các nước đang phát triển chấp nhận, những công nghệ trong các lĩnh vực khác thường đòi hỏi các nghiên cứu phụ thuộc vào địa điểm. Nhiều công nghệ không thể áp dụng toàn cầu, hiệu quả của nó phụ thuộc vào các điều kiện địa lý hay khí hậu nơi chúng được sử dụng.

Hãy xem xét ngành nông nghiệp. Sự khác nhau trong năng suất nông nghiệp giữa các nước phát triển và đang phát triển phụ thuộc vào các năng lực R&D khác nhau đáng kể. Chính phủ các nền kinh tế tiên tiến chi vào R&D liên quan đến nông nghiệp nhiều hơn gấp năm lần (tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm nông nghiệp) so với chính phủ ở các nước đang phát triển. Các nước giàu cũng được hưởng lợi từ các khoản chi phí của các nhà sản xuất nông nghiệp tư nhân – một nguồn tài trợ hầu như không tồn tại ở các quốc gia đang phát triển. Địa lý làm trầm trọng thêm sự chênh lệch này. Nhiều giống cây trồng cần phải được thích nghi với khí hậu địa phương, có nghĩa là R&D phục vụ cho các nước giàu, nông nghiệp vùng khí hậu ôn đới thì lại sử dụng được rất ít ở vùng nhiệt đới. Các nước như Argentina, Chile, Úc, New Zealand và Nam Phi có được các lĩnh vực xuất khẩu phát triển mạnh về trái cây, rượu, các loại ngũ cốc, hạt có dầu, cá hồi nhờ các công nghệ phát triển cho các sản phẩm trong vùng ôn đới ở Bắc bán cầu. Nhưng các nước nhiệt đới – với sản xuất cà phê, ca cao, mía và sắn – bị loại ra khỏi câu lạc bộ công nghệ hiện đại. Kết quả là lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực nhiệt đới rất ít năng động hơn so với vùng ôn đới. Do những người sản xuất nông nghiệp không hiệu quả này chỉ có thể sản xuất đủ dùng cho sinh hoạt cá nhân (và do đó không thể hỗ trợ cho phần lớn người dân ở thành thị), khu vực nông thôn vẫn còn thưa thớt dân cư, có thị trường kém phát triển và nhỏ, và phải chịu chi phí vận chuyển cao – tất cả điều đó cản trở tăng trưởng kinh tế.

Sự khác biệt khí hậu và hiệu quả kinh tế nhờ quy mô từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp ở các khu vực địa lý khác nhau. Trong cuốn sách đoạt giải Pulitzer của nhà sinh lý học Jared Diamond Súng, Vi trùng và Thép (Guns, Germs, and Steel), ông giải thích đặc điểm địa lý trải dài từ Đông sang Tây của lục địa Á-Âu và từ Bắc xuống Nam của châu Phi và châu Mỹ đã quyết định mẫu hình lịch sử về tăng trưởng kinh tế của các khu vực này như thế nào. Vì khí hậu thay đổi ít dọc theo vĩ độ nhưng khá nhanh dọc theo kinh độ, lục địa Á – Âu được hưởng điều kiện khí hậu khá đồng nhất. Do đó, đổi mới nông nghiệp được phát triển trong một khu vực có thể di chuyển xa và được nhiều người chia sẻ, dẫn tới kết quả là một tập hợp lớn các giống cây trồng và nhiều loại động vật có giá trị trong khu vực. Ngược lại, giống mới được phát triển ở châu Mỹ hay ở châu Phi không thể di chuyển xa do khí hậu thay đổi nhanh chóng, hạn chế những cơ hội công nghệ có sẵn cho các khu vực này và làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Tất nhiên, năng suất nông nghiệp và những lợi thế chi phí vận chuyển không nhất thiết phải đi cùng nhau. Như nhà sử học David S. Landes chỉ ra trong cuốn Sự giàu có và nghèo đói của các quốc gia (The Wealth and Poverty of Nations), các nền văn minh cổ xưa của vùng Lưỡng Hà và Ai Cập đã có những vùng đất màu mỡ nhất dọc theo các con sông. Vị trí xa bờ biển của các vùng này đã hạn chế khả năng của họ trong việc mở rộng nền kinh tế thông qua thương mại. Quyền lực của họ cuối cùng suy yếu và họ đã bị thay thế bởi những thủy thủ người Phoenicia, Hy Lạp và La Mã. Gần đây hơn, ở Ấn Độ và Trung Quốc, các điều kiện nông nghiệp khuyến khích phần lớn dân số tập trung dọc theo những bờ sông xa biển, gây tổn hại cho triển vọng dài hạn của các nước này đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua thương mại.

Đầu tư vào nghiên cứu y tế và công nghệ cũng rất nhạy cảm với vị trí địa lý. Các bệnh như sốt rét, giun móc, bệnh sán máng, bệnh giun chỉ, và sốt vàng da rất khó kiểm soát trong vùng nhiệt đới bởi vì khí hậu ít mùa làm cho sự sinh sản của muỗi và các sinh vật truyền bệnh khác diễn ra liên tục suốt cả năm. Vì các nước bị ảnh hưởng thường nghèo, các bệnh nhiệt đới không “xứng” được đầu tư mức R&D bằng đầu tư vào cách chữa hói đầu hoặc rối loạn chức năng cương dương ở các thị trường phương Tây. (Trong số các bệnh nhiệt đới đã nói ở trên, chỉ có bệnh sốt vàng da đã được kiểm soát thông qua một loại vắc xin hiệu quả.) Phát triển công nghệ đã bị chệch khỏi nhu cầu của các quốc gia bất lợi về mặt địa lý. Do đó, trẻ em ở các vùng nhiệt đới thường chết vì các bệnh đường tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm khác, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn còn bị các bệnh nhiệt đới địa phương hoành hành. Các nhà kinh tế John Luke Gallup và Jeffrey Sachs ước tính tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người ở các quốc gia có sốt rét ác tính là thấp hơn hơn một phần trăm so với các quốc gia mà bệnh này không phổ biến, và rằng cứ giảm được 10 phần trăm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét thì có liên quan tới mức tăng trưởng cao hơn 0,3 phần trăm.

Thiệt hại của việc không giải quyết bệnh tật ở các nước nhiệt đới vượt xa chi phí của việc gia tăng chăm sóc sức khỏe và làm giảm năng suất lao động. Bệnh tật có thể không còn được coi là một vấn đề y tế công cộng đơn thuần, mà là một vấn đề phát triển kinh tế xã hội có ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ từ các dòng chảy thương mại tới các mẫu hình di cư. Năm 1991 dịch tả bùng phát ở Peru làm thiệt hại gần 800 triệu USD doanh thu cho ngành hải sản của nước này vì lệnh cấm tạm thời về xuất khẩu thủy sản. Bệnh dịch hạch bùng phát ở Surat, Ấn Độ năm 1994 khiến 500.000 người phải rời bỏ khu vực và dẫn đến tình trạng ngừng làm việc ở một số ngành công nghiệp, cũng như những hạn chế mới về thương mại quốc tế. Theo ước tính thiệt hại của Ấn Độ vì bệnh dịch này lên tới 2 tỷ USD…

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,