Từ đại dịch COVID-19 nghĩ về trào lưu chống vaccine

Làm sao để chúng ta có thể mở cửa mà không sợ bệnh dịch lây lan? Câu trả lời chính là vaccine. Khi đã có vaccine, chúng ta có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng. Khi đã có vaccine, chúng ta có thể mở cửa.

Từ đại dịch COVID-19 nghĩ về trào lưu chống vaccine

Bài viết của bác sĩ Võ Xuân Sơn.

Tôi nhận thấy đã có sự dễ dãi sau một thời gian dài chúng ta không có bệnh nhân nhiễm COVID trong cộng đồng. Và vì thế, bản thân luôn đề cao cảnh giác.

Tôi đã thông báo sớm cho nhân viên phòng khám của mình biết về ca bệnh người Indonesia bị nghi nhiễm COVID-19 tuần trước để nhắc nhở rằng dịch bệnh ở ta vẫn rất nguy hiểm, mọi người đừng chủ quan. Tôi cũng đã chủ động đăng thông tin về việc phòng khám Family ở Thảo Điền bị phong toả vì khám cho bệnh nhân Indonesia trên trang cá nhân.

Trước khi kết quả xét nghiệm của anh ta và những người liên quan được công bố, trên “tường” mạng xã hội tràn ngập thông tin về ca bệnh. Đó là điều dễ hiểu bởi nếu đây là ca nhiễm COVID mới, nó là một bước ngoặt trong công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam. May thay, tin xấu đã không đến. Không ai mong muốn có người bị nhiễm COVID trong cộng đồng vào lúc này.Hơn 10 triệu người nhiễm COVID-19, hơn nửa triệu người tử vong. Cả thế giới náo loạn. Việt Nam vừa quyết tâm, vừa may mắn khi đã khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Chúng ta gần như không còn phải lo lắng nhiều về dịch. Nhưng về kinh tế thì mối lo ngày càng lớn. Nền công nghiệp không khói mang lại việc làm cho hàng triệu người đang đóng cửa, ngủ im.

Chúng ta đang kêu gọi phát triển du lịch nội địa để bù đắp cho nguồn du khách nước ngoài thiếu hụt. Nhưng du lịch nội địa có bù đắp nổi cho khoảng trống hàng chục triệu khách du lịch nước ngoài hay không? Kéo theo đó là hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ đóng cửa. Cứ đi dọc theo các phố lớn ở TP HCM mà xem, đầy rẫy các bảng bán nhà, cho thuê nhà trước những cánh cửa im ỉm, trong khi những cửa hiệu đang mở cũng quạnh hiu.

Dù nói gì đi nữa, trên thực tế, áp lực của sự suy giảm kinh tế do dịch bệnh đang đè nặng lên nền kinh tế Việt Nam. Một số người đề nghị chính phủ cân nhắc việc mở cửa cho du khách nước ngoài vào trong nước. Tuy nhiên, việc này sẽ gây lo lắng nhiều bởi dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Việc mở cửa sẽ dễ dàng dẫn đến dịch lây lan ra cộng đồng. Và khi ấy, Việt Nam sẽ lại rơi vào hoàn cảnh như nhiều nước đang bị.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ phải chờ đến bao giờ? Ở các nước dịch bệnh lan rộng, người ta có thể đoán thời điểm cho quyết định mở cửa. Đó là khi dịch lây lan đủ lớn, tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tức là khi đó, đa số người dân đã bị nhiễm, và cơ thể họ đã có kháng thể chống lại bệnh, dịch sẽ không còn khả năng lây lan.

Cách miễn dịch cộng đồng nói trên là miễn dịch tự nhiên. Để có được miễn dịch tự nhiên, sẽ phải có thêm hàng chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu người bị lây nhiễm, cùng với hàng triệu người chết. Với thành tích chống dịch xuất sắc của mình, Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có miễn dịch cộng đồng tự nhiên. Vậy thì làm sao để chúng ta có thể mở cửa mà không sợ bệnh dịch lây lan?

Câu trả lời chính là vaccine.

Khi đã có vaccine, chúng ta có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng. Khi đã có vaccine, chúng ta có thể mở cửa. Và chúng ta trở về cuộc sống bình thường mà không phải gắn thêm cái mác “bình thường mới”. Vaccine chính là lời giải cho bài toán kinh tế trong thời buổi dịch bệnh này, không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới.

Nhờ có vaccine mà căn bệnh đậu mùa được thanh toán trên bình diện toàn thế giới. Nhờ có vaccine mà hàng loạt các căn bệnh bị chặn đứng, như bạch hầu, uốn ván, ho gà, sốt bại liệt… Thế nhưng, giữa năm 2020, tại TP HCM, chúng ta bất lực nhìn hai em nhỏ qua đời vì bệnh bạch hầu. Các em đã không được tiêm vaccine phòng bệnh.

Trẻ em tiếp xúc với hàng trăm loại vi trùng hàng ngày. Vaccine bảo vệ con bạn khỏi các bệnh nguy hiểm và nguy cơ bị tử vong. Hiện có gần 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vaccine. Nhờ vaccine, loài người đã thanh toán được bệnh đậu mùa. Chỉ riêng vaccine sởi đã ngăn chặn tử vọng cho hơn 21 triệu người từ năm 2000 đến 2017. Mỹ đã xếp tiêm chủng mở rộng đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Thậm chí, đã có những nghiên cứu bước đầu công bố rằng, những quốc gia có chương trình tiêm chủng mở rộng hiệu quả có tỷ lệ người nhiễm và chết do COVID-19 thấp hơn những quốc gia khác.

Dịch bạch hầu đang bùng phát ở một số tỉnh Tây Nguyên và ngày càng lan rộng là hệ quả của việc một số nhóm người đã từ chối tiến bộ của khoa học, chống lại vaccine. Không chỉ riêng tại Việt Nam mà tại nhiều nơi trên thế giới, các nhóm chống vaccine đã đưa ra nhiều lý lẽ. Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra chống vaccine là mối đe dọa lớn toàn cầu. Ở nước ta, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhiều lần khuyến cáo, dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não xuất hiện những năm gần đây đều có lý do liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng giảm sút. Hơn 80% ca bệnh điều trị tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM là những trẻ không được tiêm chủng.

Đồng ý là chúng ta phải tôn trọng tự nhiên, tôn trọng môi trường, nhưng tôn trọng như thế nào? Khác với những con vật trong tự nhiên, chúng ta là con người, được thiên nhiên ban cho bộ não thông minh và khả năng chế tạo, sử dụng dụng cụ tinh vi mà chỉ con người mới có. Nếu không sử dụng khả năng này để phục vụ cho nhân loại, để bảo vệ loài người, thì chúng ta đâu khác gì loài vật? Chúng ta tôn trọng tự nhiên, tôn trọng môi trường là để cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, chứ không phải là đưa con người về thời mông muội, với chọn lọc tự nhiên, mạnh thì sống, yếu thì chết.

Trào lưu chống vaccine đã và đang phát triển không chỉ tại Việt Nam. Sẽ rất khó lý giải cho những luận cứ mà những người chủ trương chống vaccine dựa vào đó để kháng cự việc sử dụng vaccine trong cộng đồng. Nhưng có một điều ta thấy rõ: những ai hô hào, cổ súy cho phong trào này đang đi ngược lại với quy luật tự nhiên, gây hại cho cộng đồng.

Đẩy mạnh tiêm chủng mở rộng, rà soát trẻ sót mũi để tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine bổ sung cho trẻ, đặc biệt ở các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa là những việc có thể tăng cường. Vaccine là thành quả to lớn của loài người và khoa học trong rất nhiều năm. Những người bài trừ vaccine là người gây tội ác với dân tộc. Nếu cứ để cho phong trào chống vaccin phát triển, thì vaccine – vũ khí chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với môi trường, ít tốn kém nhất của chúng ta sẽ bị tước bỏ. Rồi đây, không chỉ bệnh bạch hầu, mà hàng loạt căn bệnh chúng ta đã khống chế được, sẽ phát triển trở lại. Câu hỏi cấp thiết về sự an nguy của cộng đồng sẽ không chỉ có cái tên COVID.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,