Từ chuyện của một người làm quan

Năm 2012, một anh bạn cùng lớp Đại học của tôi bỏ dở công việc tại một doanh nghiệp tư nhân đang ăn nên làm ra để “vào biên chế” cơ quan Bộ.

Từ chuyện của một người làm quan

Lúc ấy, anh đã ở tuổi 33, bạn bè ai cũng ngạc nhiên. Ở Bộ, anh nhận mức lương tương đương chuyên viên bậc 3. Tức là bằng chưa đến một phần năm lương làm bên ngoài.

Bẵng đi một thời gian, bạn tôi mới được đề bạt chức vụ Phó phòng.

Hóa ra, bố vợ anh bạn đang làm Cục trưởng đã bố trí để anh này chuyển ngang vào Cục của ông. Anh tâm sự với tôi rằng, dù trái nghề, nhưng anh buộc lòng phải theo ý của nhạc phụ. “Cá chuối đắm đuối vì con”, anh kể ông cụ cứ lo lắng, vì thằng con rể chưa vào biên chế thì không biết sau này cháu ngoại ông sẽ “trông vào đâu”. Cả nhà nội cũng xúm vào khuyên răn khiến anh phải bỏ công việc nghìn đô ở ngoài, để vào làm công chức.

Và nay, nhạc phụ lại bố trí cho anh con rể/cấp dưới chức vụ Phó phòng mà bao người ao ước. “Được đề bạt thì vui nhưng cũng nhiều áp lực, ông ạ. Mọi người sơ sót không sao, nếu mình va vấp thì sẽ bị quy là đi lên nhờ bố vợ. Nhiều khi thấy hối hận” – anh kể với tôi bên chén rượu.

“Nhưng dù gì thì cũng không oán ông cụ. Ông cụ lo cho mình thôi mà” – anh kết. Bằng một logic Á Đông quen thuộc tới mức chẳng ai muốn bàn cãi: phụ huynh lo cho con cái bằng việc đặt chỗ ngồi, là chuyện đương nhiên.

Nhiều bạn bè tôi cũng được sắp xếp như vậy. Một cô bạn được bố chồng đưa vào cơ quan do ông đứng đầu. Cậu em họ tôi thì được mẹ vợ bố trí chức giám đốc chi nhánh ngân hàng nơi bà nắm giữ vị trí ủy viên Hội đồng quản trị. Mọi sự đều đúng quy trình: chỉ có những lời xì xào vô nghĩa, còn bộ phận tổ chức cho biết, việc tiếp nhận, bổ nhiệm con dâu, con rể không trái quy định.

Tất nhiên là không trái quy định. Bởi pháp luật nước ta chỉ ngăn ngừa xung đột lợi ích bằng các điều chỉnh liên quan đến vợ chồng hoặc ruột thịt. Các đối tượng được điều chỉnh bởi Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng chỉ là “vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột”  của cán bộ.

Nhưng nền văn hóa Việt Nam cho ra một đáp số khác về xung đột lợi ích. Cấm bổ nhiệm con ruột thì bổ nhiệm dâu rể. Cấm anh chị em kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý thì cho các cháu. Lọt sàng xuống nia. Sự gắn kết của một đại gia đình, vốn là một nét văn hóa đẹp, đã biến điều 37 Luật phòng chống tham nhũng thành cái sàng không đủ lọc.

Luật còn bỏ qua nhiều trường hợp rất nhạy cảm khác, như là không hề cấm vợ làm cấp phó nếu chồng làm trưởng. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, cục trưởng Cục thuế tỉnh quy hoạch vợ mình làm cục phó. Thanh tra kết luận rằng “chưa có cơ sở kết luận ông lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Đó đơn giản vẫn là một việc làm hợp pháp.

Ngăn chặn xung đột lợi ích là một biện pháp kỹ thuật quan trọng để phòng chống tham nhũng. Giám sát và kiểm tra liên tục chỉ có thể tìm ra các “sự đã rồi”, không thể hiệu quả bằng việc chặn đứng các nguy cơ phát sinh từ đầu.

Nhiều nước phương Tây có nền văn hóa không mặn mà lắm với “tam đại đồng đường” vẫn dựng một hàng rào rất cao trong ngăn chặn xung đột lợi ích. Tổng thống Donald Trump gặp ngay sự phản đối khi định bổ nhiệm con rể. Bởi vì khái niệm “người thân” được luật pháp Mỹ điều chỉnh rất rộng, mở ra đến cả dâu, rể, cọc chèo, cha, mẹ/con nuôi, thậm chí là anh, chị em chỉ cùng cha hoặc mẹ.

Và còn một lợi ích quan trọng nữa: việc ngăn chặn các cuộc bổ nhiệm này, là một động thái nuôi dưỡng niềm tin. “Việc bổ nhiệm người thân làm giảm niềm tin của công chúng rằng chính phủ đang tìm kiếm người giỏi nhất cho công việc” – GS Kathleen Clark của Đại học Washington, chuyên gia về đạo đức công quyền phân tích – “Một người thân của sếp được bổ nhiệm sẽ làm các công chức khác “mất tinh thần”.

Tinh thần “thà chặn nhầm còn hơn bỏ sót” ấy đã tồn tại từ cổ luật phương Đông. Nó gọi là luật Hồi tỵ (tránh đi). Nôm na rằng, trong một nha môn hay một hạt, cha con anh em hay thân thích khác, không được cùng làm việc. Nếu được bổ nhiệm thì các đương sự phải khai ra để đổi một người đi chỗ khác. Quy định này có lúc mở ra đến việc cấm những người cùng quê hay “học cùng một thầy từ nhỏ, tình nghĩa mật thiết” làm quan một nơi.

Sẽ không thể trông chờ vào đạo đức của mỗi cá nhân; hoặc đến khi có vấn đề liên quan đến các cuộc bổ nhiệm, thì kỷ luật hay lên án các cá nhân. “Lên án” không phải là một biện pháp đảm bảo công bằng xã hội.

Luật pháp cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng “chồng trưởng vợ phó” hay “cả họ làm quan” từ khâu bổ nhiệm. Sự ngăn chặn này theo tôi sẽ không bỏ lọt người tài. Nếu là người tài thực sự, một cá nhân có thể thi thố năng lực ở một địa phương khác, cống hiến cho xã hội bằng một cách khác.

Hay là có ai đó thực sự nghĩ rằng nhân dân vẫn tuyệt đối tin tưởng, chẳng chút hoài nghi nếu một cơ quan có chồng là trưởng, vợ là phó, bố vợ là cục trưởng, con rể là trưởng phòng?

Theo TRẦN ANH TÚ / VNEXPRESS

Tags: , ,