⠀
Trung Quốc và những vấn đề của ‘người khổng lồ mong manh’
Trung Quốc là một siêu cường, sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, đằng sau những yếu tố sức mạnh này, cũng như bài diễn văn rất tự tin của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế và “Giấc mộng Trung Hoa”, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang vấp phải những hạn chế, khó khăn.
Bài viết của tác giả Valérie Niquet, chuyên gia về quan hệ quốc tế và các vấn đề chiến lược tại châu Á, phụ trách mảng châu Á thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, và chuyên gia phân tích chiến lược Barthélémy Courmont. Bài viết được đăng trên Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS).
Trung Quốc, “người khổng lồ mong manh”: Những điểm yếu của Bắc Kinh
Trung Quốc là một siêu cường: Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đứng thứ 2 thế giới về ngân sách quốc phòng với 144 tỷ USD năm 2017 (ít hơn nhiều so với Mỹ – 618,7 tỷ USD). Giờ đây Trung Quốc giữ một vai trò lớn tại Liên hợp quốc và là quốc gia đóng góp quân số hàng đầu cho hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới. Sau cùng, đồng nhân dân tệ đã gia nhập giỏ tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Tuy nhiên, đằng sau những yếu tố sức mạnh này, cũng như bài diễn văn rất tự tin của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế và “Giấc mộng Trung Hoa”, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang vấp phải những hạn chế, khó khăn cần phải vượt qua. Về lĩnh vực kinh tế, thời kỳ tăng trưởng dễ dàng, dựa trên nhân công giá rẻ, xuất khẩu hàng loạt, đầu tư và tín dụng, đã qua; giờ đây là thời của tái cân bằng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những cải cách sâu sắc mà Chính quyền Trung Quốc chưa sẵn sàng thực hiện. Cũng vậy, nó cần được thực hiện từ cuộc đấu tranh hiệu quả chống lại ô nhiễm hoặc quan tâm tới nhu cầu của xã hội, điều này khiến người Trung Quốc tiết kiệm ít hơn và tiêu dùng nhiều hơn. Sau cùng, việc xốc lại tư tưởng và cuộc đấu tranh cần thiết chống tham nhũng, trớ trêu thay có thể gây ra phản ứng bác bỏ hoặc im lặng bên trong quần chúng nhân dân và giới tinh hoa nước này, có nguy cơ kìm hãm “việc phục hưng sức mạnh” của Trung Quốc.
Về tư tưởng, ngoài quyết tâm áp đặt quyền lực và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì việc đưa ra học thuyết của Chủ tịch Tập Cận Bình (Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới) vẫn còn hạn chế. Nhất là, đối với nhiều nhà phân tích Trung Quốc, chiến lược khu vực “quyết đoán” hơn của Trung Quốc cũng gây ra những phản ứng e sợ hoặc thù địch, có thể làm tổn hại tới các lợi ích lâu dài của Trung Quốc và nhu cầu ổn định.
“Con đường tơ lụa mới” có phải là “kế hoạch phát triển quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại”?
Đối với Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã trở thành dự án đầu tiên và công cụ chính khuếch trương sức mạnh Trung Quốc ra thế giới. Dự án BRI nhằm nối dài thêm “Giấc mộng Trung Hoa” trên trường quốc tế. Đó là việc thu hút các đối tác cũ hoặc mới đây, hiện đang mở rộng ra gần như toàn cầu, vượt ra ngoài phạm vi truyền thống của Con đường tơ lụa vốn đi qua khu vực Trung Á.
Quy mô kinh tế hấp dẫn, khả năng tài chính của Trung Quốc là một trong những yếu tố chính về sức mạnh mềm của Bắc Kinh và khả năng ảnh hưởng tới chiến lược của các đối tác của nước này. Về điểm này, Trung Quốc đã có thể hưởng lợi từ sự rút lui của các cường quốc phương Tây khỏi nhiều thị trường được cho là khó khăn và rủi ro. Về đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Trung Quốc lấp đầy khoảng trống, đó là tại những phần đất kém phát triển nhất của châu Á hoặc châu Phi. Tuy nhiên, đằng sau thông báo về các khoản tiền rất lớn, thì thực tế các khoản đầu tư lại khiêm tốn hơn nhiều. Tại vùng biển Đông Nam Á, kể từ khi được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2013, BRI được mong muốn là một công cụ xoa dịu nhằm chinh phục các nước lo lắng về các cuộc tấn công của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, mặc dù có sức hấp dẫn không thể chối cãi, sự ngờ vực của các đối tác của Bắc Kinh đã thực sự không mất đi và nhiều nước nghi ngờ Trung Quốc chủ yếu là muốn tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của mình và xuất khẩu khối hàng hóa dư thừa, phục vụ cho các lợi ích của các doanh nghiệp nước này.
Tại châu Âu, nếu như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã cho thấy một lợi ích thực sự, thì sự ngờ vực cũng được nhận thấy đối với chiến lược của Trung Quốc nhằm “chia rẽ” toàn bộ châu Âu bằng việc sử dụng sức hấp dẫn của BRI.
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, thì đối với Trung Quốc, nguy cơ của việc cam kết hàng loạt trong các dự án quan trọng với các nước cả về tài chính lẫn chính trị có phần mong manh – đây cũng là những nước quan tâm nhất tới các cơ hội được mang lại – cần phải được lưu ý hơn, dù rằng, do cơ cấu vẫn rất mang tính “nhà nước” của nền kinh tế và những đặc thù của hệ thống chính trị, Bắc Kinh có thể cáng đáng những rủi ro nghiêm trọng hơn, phục vụ cho tham vọng chiến lược về lâu dài.
Sức mạnh biển của Trung Quốc
Từ những năm 1980, Trung Quốc có tham vọng trở thành một siêu cường về biển và hải quân. Ký ức về Trịnh Hòa, người chỉ huy nhiều cuộc thám hiểm tới Ấn Độ Dương vào thế kỷ XIV, đã được nhắc lại để làm nòng cốt cho quyết tâm xuất hiện như siêu cường về biển của Trung Quốc. Đặc biệt, người Trung Quốc đã đọc sách của Mahan và cho rằng một cường quốc toàn cầu thực sự cần khai thác tầm quan trọng to lớn của biển.
Giờ đây, Trung Quốc cũng có khả năng kinh tế và công nghệ để xây dựng sức mạnh biển và hải quân nước này. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã trang bị 2 tàu sân bay mà khả năng tác chiến vẫn còn rất hạn chế, tuy nhiên, chúng giữ một vai trò quan trọng trong khẳng định biểu tượng của sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Giờ đây, hải quân là một trong những binh chủng ưu tiên của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và nước này đã thực hiện những nỗ lực rất lớn để trang bị các tàu chiến hiện đại hơn. Những bước đi của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông là cụ thể hóa vấn đề này, cho dù, tại đó vẫn còn những đảo nhỏ bị chiếm đóng và bồi đắp, chúng sẽ không có ích gì trong trường hợp xảy ra xung đột.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã trang bị hạm đội bảo vệ bờ biển hàng đầu thế giới với hơn 200 tàu chiến. Cuối cùng, là cường quốc hàng đầu thế giới về thương mại, giờ đây Trung Quốc có các lợi ích cần được bảo vệ ở bên ngoài đường bờ biển của mình, như việc khánh thành căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti mới đây là một bằng chứng.
Trung Quốc sắp vượt Mỹ trở thành nhà tài trợ hàng đầu thế giới về viện trợ phát triển
Trung Quốc có thể sắp vượt Mỹ về viện trợ quốc tế. Vậy điều gì có thể giải thích cho việc gia tăng sức mạnh này của Trung Quốc: sự sa sút về viện trợ của Mỹ hay tầm quan trọng ngày càng lớn của chiến lược này đối với Trung Quốc?
Điều quan trọng nhất chính là sự gặp gỡ của 2 xu hướng này. Một mặt, Mỹ đã giảm mạnh các khoản tài chính dành cho viện trợ quốc tế kể từ đầu những năm 2000. Thời kỳ của những dự án lớn về viện trợ phát triển, vốn diễn ra khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt thấy rõ tại châu Phi, đã từng bước suy giảm do những chi tiêu lớn dành cho an ninh và các cuộc chiến kể từ năm 2001, và sức mạnh tấn công về kinh tế của Mỹ đã suy giảm rất nhiều, cuộc khủng hoảng năm 2008 chỉ là bề nổi dễ thấy nhất.
So với những năm 1990, Washington đã chứng kiến khả năng tài chính của mình suy giảm và lợi ích của nước này đối với lĩnh vực phát triển trên trường quốc tế cũng giảm theo. Vả lại, có lẽ chính ở điểm này chứ không phải ở cam kết chính trị, có thể đề cập tới một dạng thức của chủ nghĩa biệt lập, dù rằng điều đó vẫn đang được thiết lập.
Mặt khác, năng lực tài chính của Trung Quốc đã tăng đáng kể tính từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có thời điểm tăng trưởng kinh tế và tài chính nước này tăng một cách thần kỳ, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Và vì sự tăng trưởng này đã được thực hiện qua sự kết nối chặt chẽ của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới, nên lãnh đạo Trung Quốc đã hoàn toàn hiểu sự cần thiết phải duy trì, ủng hộ sự phát triển phần còn lại của thế giới. Vậy nên, hiện nay Trung Quốc dành những khoản tiền rất lớn cho tất cả các khu vực trên thế giới, vả lại, viện trợ phát triển chỉ là một trong những khía cạnh, bởi vì nó kéo theo các khoản đầu tư trực tiếp được tăng mạnh, các khoản đầu tư tư nhân và nhiều sáng kiến đánh dấu sự hiện diện ngày càng tăng và thường được thể hiện qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đằng sau sáng kiến này, là một mối quan hệ mới của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, được đề xuất và điều này chỉ làm tăng thời kỳ quá độ về sức mạnh với Mỹ. Nếu như ta lấy ví dụ của châu Phi, sẽ thấy rằng Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi bắt đầu vào năm 2000 là một tấm gương phản chiếu việc Trung Quốc có thể mang lại viện trợ và đầu tư tại châu lục này, nơi mà Mỹ đã hiện diện từ 20 năm nay và đang rút lui.
Về phương diện sức mạnh mềm, sự đảo lộn trật tự này liệu có phải là Trung Quốc đang ở thế đe dọa sự thống trị của Mỹ? Thực ra, tất cả phụ thuộc vào việc định nghĩa mà người ta gán cho sức mạnh mềm, khái niệm do Joseph Nye khởi xướng, tuy nhiên việc phân định nó đôi khi vẫn còn mập mờ, và đặc biệt nó là đối tượng của nhiều sự giải thích khác nhau. Nếu đây là khả năng của một xã hội ảnh hưởng tới một xã hội khác, dựa trên cơ sở văn hóa và mô hình mà nó thể hiện, thì Mỹ đang giữ một lợi thế so với Trung Quốc, dù rằng Bắc Kinh rõ ràng đang gia tăng sức mạnh từ đầu những năm 2000. Văn hóa đại chúng của Mỹ, lối tư duy xuất phát từ xã hội tiêu dùng và thậm chí trong một số khu vực mà lối sống Mỹ tiếp tục có sức hấp dẫn hơn những khu vực khác, là những công cụ của sức mạnh mềm mà Trung Quốc, mặc dù có những nỗ lực và tiến bộ, vẫn chưa có được. Nếu ta dự kiến ít nhất trong một thế hệ, thì những nhận thức này có thể thay đổi và rất có thể sẽ biến đổi, tuy nhiên trong tình thế hiện nay, sự chênh lệch vẫn còn lớn.
Tuy nhiên, nếu ta xem sức mạnh mềm thiên về năng lực của một quốc gia huy động sức mạnh của mình cho một mục đích nhất định, thì khi đó Trung Quốc đang ở thế mạnh, thật vậy, đó là sự đảo lộn trật tự thế giới. Sức mạnh mềm của Mỹ không phục vụ một dự án kinh tế-chính trị là vì nó phản ánh sự tự do ngôn luận và xác định quan điểm chính trị và xã hội. Chẳng hạn, Hollywood không phải luôn phục vụ Washington, và thậm chí trong một số trường hợp có thể được xác định là một công cụ chống lại chính quyền, như đã xảy ra, đặc biệt là trường hợp trong Chiến tranh Việt Nam hay gần đây hơn là bên lề cuộc chiến Iraq.
Tại Trung Quốc, các nhà cầm quyền đã huy động được những khía cạnh khác nhau về quyền lực mềm của nước này trong nền văn hóa vô cùng phong phú để phục vụ quảng bá Trung Quốc và nền văn hóa nước này. Điều này dường như là một sự “dị dạng” về chính trị, bản chất của chế độ, xét về việc khẳng định sức mạnh mềm, mỉa mai thay lại cho thấy lợi thế thuộc về Bắc Kinh, điều này khiến Nye phải coi rằng Trung Quốc không thực hiện hoàn toàn sức mạnh mềm mà là một phiên bản bị biến đổi từ sức mạnh mềm. Xu hướng này sẽ được khẳng định trong những năm tới hay không hãy để thời gian trả lời.
Những đối thủ có thể làm rối loạn cuộc đọ sức tay đôi này là ai? Đó là những cường quốc châu Á theo bước Bắc Kinh, tìm cách tiếp cận viện trợ phát triển. Và hơn nữa, những chiến lược này là sự đáp trả với việc Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ, vốn gây lo sợ cho các nước. Tuy nhiên vốn vấp phải những thách thức lớn về kinh tế, Nhật Bản đang tìm cách củng cố thêm sự hiện diện của mình trên trường quốc tế thông qua viện trợ, bằng cách chủ yếu nhằm vào các nước Đông Nam Á, khu vực mà Tokyo đã hiện diện từ những năm 1960. Trong khu vực này, người ta tìm thấy các nước có nhu cầu viện trợ lớn và song song với nó, đối với một số nước, họ chứng kiến việc gia tăng sức mạnh của Trung Quốc với sự ngờ vực. Tại những nước khác có nguồn tài nguyên rất lớn và tiềm năng quan trọng như Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản tiến hành một cuộc chiến thực sự để thu hút nước này. Về phần mình, Ấn Độ cũng tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ tại các nước đang phát triển, bằng cách dựa vào sự năng động của nền kinh tế của họ. Trong bối cảnh này, các cường quốc phương Tây dường như chấp nhận giữ vai trò thứ yếu.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Trung Quốc, Kinh tế Trung Quốc