Trừng phạt kinh tế của phương Tây có thể tác động đến Nga ở mức độ nào?

Mỹ và đồng minh muốn đáp trả hành động của Nga, nhưng không muốn đánh đổi bằng tổn thất kinh tế hay khiến xung đột lan rộng hơn. Phương Tây đang có rất ít lựa chọn.

Trừng phạt kinh tế của phương Tây có thể tác động đến Nga ở mức độ nào?

“Sự hung hăng của ông Putin chống lại Ukraine cuối cùng sẽ khiến Nga phải trả giá đắt về kinh tế và chiến lược. Chúng tôi sẽ đảm bảo điều đó”, Tổng thống Joe Biden quyết liệt tuyên bố hôm 24/2.

Ông Biden cũng cho biết Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng đối với Nga, CNN đưa tin.

Các biện pháp bao gồm đóng băng tài sản một loạt ngân hàng Nga trên đất Mỹ, hạn chế nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao và tịch thu tài sản của giới tinh hoa nước này. Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng thực hiện các biện pháp tương tự.

Nhưng các lệnh trừng phạt này không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga chỉ sau một đêm, Economist nhận định.

Và phương Tây đang đối mặt với một thất bại nghiêm trọng: Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ của chính sách đối ngoại chỉ có tác động hạn chế. Các biện pháp này cũng gây đau đớn cho cả những người áp đặt chúng.

Phản ứng chưa đủ

Sau nhiều tháng “đe dọa”, ông Biden nói rằng các lệnh trừng phạt có thể không đủ để ngăn cản ông Putin tham chiến. Thay vào đó, Mỹ và đồng minh có ý định làm suy yếu sức mạnh của Nga trong dài hạn, đến mức biến nước này thành “một cường quốc thứ cấp”.

“Những tác động mạnh mẽ nhất từ ​​các hành động của chúng tôi sẽ đến theo thời gian, khi siết chặt khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ của Nga đối với các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế nước này”, ông nói.

Mỹ cùng đồng minh và các đối tác ước tính sẽ cắt giảm hơn một nửa số lượng sản phẩm công nghệ cao nhập khẩu từ Nga, ông Biden nói.

Tuy nhiên, phản ứng của phương Tây vẫn chưa đủ.

Sự sụt giảm của đồng tiền và thị trường chứng khoán Nga có thể là một dấu hiện khiến phương Tây phần nào “thỏa mãn”. Nhưng việc tăng giá năng lượng, đặc biệt là dầu thô tăng vọt đến hơn 100 USD/thùng sau 8 năm, là điều họ không mong muốn.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã bỏ qua các công ty năng lượng lớn của Nga. Và các hạn chế tài chính của Mỹ cũng cho phép việc “thanh toán năng lượng” tiếp tục. Ông Biden khẳng định chính quyền Mỹ đang sử dụng mọi công cụ để bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp Mỹ khỏi việc giá xăng tăng cao. Nhưng điều đó là không thể tránh khỏi.

Theo ông Biden, các lệnh trừng phạt cá nhân đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được thảo luận, nhưng đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ được thực hiện.

Sau một ngày tham vấn giữa các nhà lãnh đạo phương Tây, lời kêu gọi của Ukraine về một hành động cứng rắn hơn với Nga vẫn không được hồi đáp, bao gồm loại Nga khỏi mạng lưới thanh toán SWIFT và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không để tàu Nga đi qua eo biển Bosporus và Dardanelles.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi thế giới hành động kiên quyết. Ông nói nếu các nhà lãnh đạo thế giới không giúp Ukraine hôm nay, “chiến tranh sẽ gõ cửa đất nước họ vào ngày mai”.

Quan điểm trái ngược trong nội bộ

Trong cuộc gặp tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích Nga về “hành động quân sự vô cớ và phi lý”.

Họ đồng ý khiến Nga phải chịu “hậu quả lớn và nghiêm trọng”. Các lệnh trừng phạt cũng sẽ nhằm vào Belarus, quốc gia đã hỗ trợ Nga trong cuộc tấn công.

Tuy nhiên chi tiết của các biện pháp vẫn chưa được tiết lộ. Một số thành viên EU, đặc biệt là Đức và Italy, ít hiếu chiến hơn những nước theo đường lối cứng rắn như Ba Lan và vùng Baltics.

Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga trong các lĩnh vực mà hai bên có sự cân bằng rõ ràng về sức mạnh kinh tế, chẳng hạn như tài chính và công nghệ.

Biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng lớn của Nga sẽ khiến nước này gặp khó khăn nhưng không phải là không thể vượt qua.

Nga đã tích lũy được nguồn dự trữ lớn, tìm cách giảm sự phụ thuộc vào USD và có thể dựa vào Trung Quốc để tránh các hạn chế.

Cú sốc tài chính sẽ được cân bằng bởi khoản bội thu do giá dầu và khí đốt tăng cao. Những lời kêu gọi loại Nga khỏi SWIFT đã vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia châu Âu và dù sao cũng tiềm ẩn nguy cơ “lây lan” tại các thị trường vốn đã hỗn loạn.

Nga cũng có thể thực hiện giao dịch với nhiều tổ chức trên toàn cầu bằng tiền số, khi lĩnh vực này không chịu sự chi phối từ các Ngân hàng Trung ương, theo New York Times.

Chi tiết các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu công nghệ sang Nga vẫn chưa rõ ràng, nhưng tác động của chúng chỉ có thể nhận thấy qua vài năm chứ không phải vài ngày.

Trong khi đó, trước vòng trừng phạt ban đầu từ Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, Nga đã tìm thấy “sự an ủi” từ Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ chối mô tả hành động của Nga là một “cuộc xâm lược”, thay vào đó bà đổ lỗi cho Mỹ. “Họ đã châm lửa và thổi bùng ngọn lửa. Bây giờ họ định làm cách nào để dập lửa?”.

Trong khi đó, Ấn Độ đang rơi vào thế khó xử. Nước này đã xích lại gần Mỹ trong những năm gần đây để bù đắp sức mạnh của Trung Quốc, nhưng vẫn là “người bạn lâu năm” và người mua vũ khí lớn của Nga.

Cuộc chiến càng kéo dài, Ấn Độ càng khó xử. Một số chuyên gia ở Washington cho rằng mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa ông Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ buộc Ấn Độ phải tăng cường quan hệ với phương Tây. Nhưng điều đó có lẽ sẽ mất nhiều thời gian.

Hiện tại, phương Tây có rất ít lựa chọn tốt để ngăn chặn cuộc chiến của ông Putin. Trong khi đó, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt trên đất Ukraine.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,