Trận Murmansk và chiến công vô tiền khoáng hậu của ‘Sư đoàn hoang dã’

Phát xít Đức suốt 3 năm không thể vượt qua quãng đường 100 km để đến Murmansk. Vậy mà chỉ trong 3 tuần, quân đội Liên Xô không chỉ đánh bại quân địch ở Zapolyarye, mà còn giải phóng quốc gia láng giềng.

Trận Murmansk và chiến công vô tiền khoáng hậu của ‘Sư đoàn hoang dã’

Bữa tiệc không thành

Khi nói về cuộc chiến ở vùng Cực Bắc của Liên Xô, người ta thường nghĩ đến những trận hải chiến, những đoàn tàu biển của quân đồng minh trong Thế chiến thứ hai đã vận chuyển vũ khí và lương thực cho Liên Xô.

Tuy nhiên, cuộc chiến trên bộ ở bán đảo Kola ít được biết đến hơn nhiều. Chính tại nơi đây lần đầu tiên trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, quân Đức Quốc xã đã bị chặn đứng vào mùa thu năm 1941 khi tiến vào Murmansk. Tại thời điểm đó, khả năng quân phát xít chiếm đóng thành phố này chỉ còn tính từng ngày. Trong túi của những tên lính Đức tử trận, người ta tìm thấy nhiều tờ giấy mời in sẵn đến tham dự một bữa tiệc tại khách sạn Arktika ở Murmansk.

Ngay cả Chính phủ Liên Xô cũng thừa nhận thành phố này sẽ không thể trụ vững. Được biết, nhà lãnh đạo Joseph Stalin khi đó đã bí mật ra lệnh sơ tán các xí nghiệp để phòng trường hợp không thể giữ được Murmansk.

Tuy nhiên, chiến tuyến đã dừng lại bên bờ sông Zapadnaya Litsa, ở nơi mà ngày nay được gọi là “Thung lũng Vinh quang”, còn trong những năm chiến tranh gọi là “Thung lũng Chết”.

Quân Đức đã bị chặn đứng ở đây nhờ một cuộc phản công của Sư đoàn Vùng cực, hơn một nửa trong đó bị bắt làm tù binh. Quân phát xít, bao gồm cả lính săn thuộc Sư đoàn bộ binh đường núi Edelweiss, vô cùng khiếp sợ trước các cuộc tấn công bằng lưỡi lê của binh sĩ thuộc Sư đoàn Vùng cực có tên gọi “Sư đoàn hoang dã”. Trong 3 năm, quân Đức không thể nào tiến vào Murmansk, do luôn bị Sư đoàn này chặn đứng.

Hơn nữa, trên biên giới Liên Xô-Phần Lan tại Zapolyarye có một khu vực, nơi các đơn vị Phần Lan đã bị đánh bật trở lại vị trí ban đầu khi tấn công Murmansk và tuyến đường sắt Kirov. Trong khi đó, tại cột mốc số 1 trên bán đảo Kola, quân Đức không thể vượt qua biên giới. Vì vậy có thể nói rằng, chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” của Hitler lần đầu tiên bị đập tan chính tại Zapolyarye.

Sự ngoan cường của một đô đốc

Có một số lý giải cho điều này. Thứ nhất, quân Đức ở Zapolyarye không có yếu tố bất ngờ. Cuộc tấn công tại đây bắt đầu vài ngày sau khi Đức mở đợt tấn công vào Liên Xô. Những ngày đầu tiên của cuộc chiến, quân phát xít dù làm ra vẻ dũng cảm, nhưng trước những người lính Xô viết đã buộc phải chùn bước. Trước khi bắt đầu vào cuộc chiến, binh sĩ Liên Xô không phải lúc nào cũng mạnh dạn khai hỏa, bởi không phải ai cũng xác định được cuộc chiến đã bắt đầu.

Đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến này có cả Đô đốc Arseny Golovko, chỉ huy thường trực Hạm đội Phương Bắc trong những năm chiến tranh. Ngày 21-6-1941, chính ông đã ra lệnh cho Hạm đội của mình vào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nhờ vậy mà những vụ đánh bom của kẻ địch đã không gây ra thiệt hại nào đáng kể cho Hạm đội. Ông cũng tham gia tích cực trong việc hỗ trợ cho lực lượng trên bộ bằng hỏa lực pháo binh đường biển.

Thế nhưng, đến cuối mùa hè năm 1941, người Đức đã chọc thủng tuyến phòng ngự của quân đội Liên Xô. Tình hình chiến sự trở nên nguy cấp có thể dẫn đến Tập đoàn quân 14 thất bại và khiến Murmansk thất thủ.

Ngày 5/9/1941, tại Murmansk thành lập Sư đoàn Vùng cực của lực lượng dân quân. Gia nhập đơn vị này là những công nhân bình thường, nhân viên khuân vác tại cảng, ngư dân, thợ sửa chữa tàu biển. Hầu hết trong số họ không có kinh nghiệm quân sự, trong khi có người mới lần đầu tiên trong đời cầm vũ khí. Những cán bộ đảng đoàn cũng tham gia Sư đoàn Vùng cực, nhưng phần lớn là tù nhân chính trị. Số công nhân tham gia nghĩa vụ quân sự là 5.715 người, còn tù nhân là 7.650 người.

Theo lời kể của các cựu chiến binh, trong số các tình nguyện viên là tù nhân thì không có ai là kẻ phản bội. Họ chiến đấu hết mình chống quân địch và nhiều người đã tử trận. Chính đòn đánh của Sư đoàn Vùng cực vào bên sườn cánh quân Đức đã chặn đứng cuộc tấn công của chúng vào Murmansk.

Xếp thứ hai sau Stalingrad

Quân phát xít đã thất bại trong việc đánh chiếm thành phố ở Zapolyarye của Liên Xô. Nhưng qua ngã Murmansk, những chuyến hàng của lực lượng đồng minh chống phát xít đã được chuyển đến Liên Xô, nên quân Đức Quốc xã không thể thờ ơ đứng nhìn. Do đó, Hitler đã ra lệnh phá hủy thành phố bằng đường không. Đôi khi trong thành phố còn nguy hiểm hơn trên mặt trận.

Tình hình ở Murmansk trở nên nguy nan nhất vào mùa hè năm 1942. Lợi dụng thời gian luôn sáng trong ngày ở Vùng cực, quân Đức liên tục ngày đêm tiến hành hàng chục phi vụ tấn công thành phố. Murmansk, khi đó phần lớn các công trình được xây bằng gỗ, đã bị đốt cháy hết ba phần tư. Thành phố này chỉ xếp sau Stalingrad về số lượng bom ném xuống. Vậy nên sau chiến tranh, Murmansk được đưa vào danh sách 10 thành phố của Liên Xô cần được khôi phục đầu tiên.

Xe tăng trên đường tuần lộc

Phát xít Đức đã mất 4 năm để xây dựng các công trình phòng thủ mạnh. Việc tập kích vào tuyến phòng ngự kiên cố của chúng nằm sâu trong núi Musta Tunturi là vô cùng khó khăn. Vì vậy, Bộ tư lệnh Liên Xô đã quyết định tiến hành một bước đi “vô tiền khoáng hậu”, đó là lần đầu tiên và duy nhất trong điều kiện ở Zapolyarye sử dụng đến xe tăng chiến đấu.

Trong khi đó, vào năm 1944 thì những chiếc xe tăng hạng nặng KV-2 đã trở nên cũ kỹ và lạc hậu. Tuy nhiên, trong điều kiện đường núi và đài nguyên lầy lội, chính chúng lại cho thấy khả năng di chuyển rất tốt, chứ không phải là những chiếc xe tăng T-34 huyền thoại.

Quân Đức đặc biệt coi trọng việc trụ vững tại khu vực Pechenga trên biên giới Nauy, nơi có những mỏ quặng niken mà quân Đức Quốc xã rất cần để luyện thép phục vụ chiến tranh. Tuy nhiên, bất chấp lệnh của Hitler đưa ra, gần một nửa trong số 50.000 quân phát xít cuối cùng đã buộc phải chạy tán loạn rút khỏi Zapolyarye. Số còn lại tử trận hoặc bị thương. Chiến dịch giải phóng miền Bắc Nauy kết thúc ngày 1/11/1944. Điều đó có nghĩa là, chỉ trong 3 tuần, những người lính Xô viết đã đánh bại cụm tập đoàn quân địch mà trước đó chúng đã mất 4 năm để chuẩn bị cho phòng thủ.

Điều thú vị là, tương quan lực lượng đến thời điểm quân đội Liên Xô phản công gần giống với khi quân Đức tấn công Murmansk năm 1941, nhưng là ngược lại. Theo đó, số binh sĩ của quân Đức năm 1944 là 56.000 lính, còn của Liên Xô là 113.000 người, tức là 2 lính Liên Xô đấu với 1 lính Đức. Còn trước đó, vào tháng 6/1941 cũng 2 đấu 1, nhưng 1 lính Liên Xô phải đấu với 2 lính Đức.

Do vậy mà quân Đức đã không thể vượt qua quãng đường 100km để tiến vào Murmansk. Trong khi quân đội Liên Xô trong 3 tuần không chỉ đánh bại cụm tập đoàn quân địch ở Zapolyarye, mà còn giải phóng cả quốc gia láng giềng. Những chiến sĩ Zapolyarye đã được 4 lần tổ chức chào mừng ở thủ đô Moskva. Huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Zapolyarye của Liên Xô” đã ra đời và được trao tặng cho hơn 300.000 người.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: , ,