Tổng quan về nhạc cụ truyền thống của người Chăm

Trong suốt quá trình lịch sử, người Chăm đã sáng tạo, xây dựng được nền văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, một trong những nét độc đáo đó là âm nhạc…

Người Chăm có nền âm nhạc phát triển từ rất sớm, gắn liền với đời sống và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng. Thú vị hơn, người Chăm xem bộ nhạc cụ trống Gineng, kèn Saranai, trống Paranưng tượng trưng cho các bộ phận của cơ thể con người, trong đó trống Gineng tượng trưng cho đôi chân, Paranưng là thân thể, Saranai là phần đầu. Do đó, mỗi khi sử dụng phải có đủ bộ các loại nhạc cụ này.

Người Chăm sử dụng nhiều loại nhạc cụ trong sinh hoạt văn hóa và thường xếp thành ba nhóm chính là bộ gõ, bộ hơi và bộ dây. Trong đó được sử dụng nhiều và phổ biến nhất là trống Gineng, trống Paranưng và kèn Saranai. Bên cạnh ba loại nhạc cụ kể trên, người Chăm còn có đàn Kanhi, đàn Rabap, Hagar (trống cái), Cheng (chiêng) và không thể thiếu tù và. Tất cả tạo nên một không gian âm nhạc rất riêng của người Chăm.

Ảnh: Báo Dân Tộc & Phát Triển.

Trống Gineng có hình dạng giống như trống cơm của người Việt nhưng kích thước lớn hơn, thân trống làm bằng gỗ lim hay trắc dài khoảng 0,7 m, được bào trơn nhẵn cả trong lẫn ngoài. Hai mặt trống được căng da, mặt nhỏ thường được căng da dê hay da nai và đánh bằng tay không, mặt lớn được căng da trâu và đánh bằng dùi. Trống Gineng bao giờ cũng dùng đôi, diễn tấu trong tư thế ngồi với trạng thái tĩnh, hai chiếc đặt chéo nghiêng hình chữ X áp sát nhau trên mặt đất, do nghệ nhân dân gian sử dụng.

Với người Chăm, tiếng trống Gineng vang lên, đó là âm hưởng linh thiêng, báo hiệu mùa lễ hội sắp đến và ai nấy cũng vui vẻ phấn khởi để hòa mình vào các lễ hội của cộng đồng. Theo quan niệm người Chăm, những người có tâm hồn thanh thản, trong sáng thì đánh trống mới nghe rộn ràng, hùng hồn…

Còn trống Paranưng vừa là nhạc cụ vừa là vật tổ linh thiêng của ông Maduen (thầy vỗ). Thân trống làm bằng gỗ đục rỗng có đường kính khoảng 0,4 mét, một mặt trống bằng da dê hay da nai và được căng bằng hệ thống dây mây với mười hai con nêm bằng gỗ. Mười hai con nêm này là bộ phận tăng giảm âm theo tùy người sử dụng.

Khi sử dụng trống Paranưng nghệ nhân đặt trống trước ngực, vành trống tì vào đùi trái trong tư thế ngồi xếp bằng hai chân, cánh tay trái đặt lên vành trống vừa để giữ trống, vừa để vỗ, tay phải để tự do. Với thủ pháp rung ngón và đôi khi dùng cả bàn tay trái bịt mặt trống tạo thành âm thanh ngắt, tay phải vỗ vào mặt trống với thủ pháp vỗ trọn bàn để tạo âm thanh trầm, đánh nửa bàn tay tạo âm thanh trầm, bổng khác nhau.

Ảnh: Báo Dân Tộc & Phát Triển.

Kèn Saranai là loại nhạc cụ có tên rất gần gũi với kèn Sarunai của người Ba Tư, kèn Kurunai của người Mã Lai, nhưng kèn Saranai của người Chăm có nét đặc trưng riêng. Kèn Saranai có ba phần gắn liền nhau gồm phần chuôi làm bằng đồng để gắn lưỡi gà bằng lá buông, phần thân làm bằng gỗ đục rỗng có bảy lỗ chính phía trên và một lỗ phụ phía dưới và phần loa làm bằng gỗ quý, sừng trâu hay ngà voi đục rỗng ruột để khuếch đại âm thanh.

Có thể nói, âm nhạc truyền thống của người Chăm là một bộ phận độc đáo trong di sản văn hóa Chăm, đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy, phần nào thỏa mãn được nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật của quần chúng.

Theo TIÊN SA / NGÀY MỚI ONLINE

Tags: ,