‘Tôi còn sống bao lâu?’

25 năm trong ngành ung thư, cũng như các đồng nghiệp của mình, tôi đã ngồi với vô số bệnh nhân và gia đình để trao đổi, tiên lượng thời gian sống thêm.

‘Tôi còn sống bao lâu?’

Bài viết của BS Trần Văn Thuấn, Bệnh viện K.

Với bác sĩ là công việc thường ngày, nhưng với người bệnh và gia đình là sự kiện không thể nào quên trong đời.

Việc này sẽ dễ dàng hơn với những bệnh nhân có tiên lượng tốt. Tôi thường nói bệnh ung thư cũng như các bệnh mãn tính khác như huyết áp, tiểu đường, có thể không chữa khỏi được hoàn toàn nhưng kiểm soát được, và khi kiểm soát được bệnh, thì cuộc sống, công việc cũng như mọi người bình thường.

Nhưng đối với người bệnh giai đoạn muộn, đặc biệt người trẻ tuổi, thì không hề dễ dàng, họ còn cả tương lai tuyệt vời phía trước. Cách đây vài năm, tôi điều trị một bệnh nhân mới ngoài 30, có vợ và 2 con, trưởng phòng một doanh nghiệp lớn, trên hình ảnh cắt lớp vi tính khối ung thư tuỵ thâm nhiễm rộng và di căn phúc mạc. Em khóc rất nhiều vì tin rằng mình chuẩn bị chết, theo những thông tin tìm hiểu được trên Internet, không cho phép em hy vọng nhiều.

Tôi bảo em tôi không hứa hẹn em sẽ sống thêm được nhiều năm nữa để thấy con trẻ trưởng thành, để tiếp tục đạt được những đỉnh cao nghề nghiệp, nhưng không phải là không có khả năng đấy. Tôi cũng đã có trường hợp thực tế, nhưng hãy xác định và dành thời gian cho việc quan trọng nhất vì điều xấu lúc nào cũng có thể xảy ra, thậm chí với bất kì ai và chúng ta lúc nào cũng phải chuẩn bị cho điều xấu nhất. Sau đó em lạc quan hơn và yên tâm điều trị, em bảo em không còn lo rằng khi nào mình sẽ ra đi nữa, mà chỉ lo làm sao sống trọn vẹn từng ngày.

Em đáp ứng khá tốt với điều trị, có một khoảng thời gian ổn định bệnh kéo dài, hoàn thành tâm nguyện trong công việc và với gia đình.

“Tôi còn sống được bao lâu nữa?” là câu hỏi khó trả lời nhất cho bác sĩ ung thư, ngay cả với những người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Đây cũng là câu hỏi thường gặp, khổ tâm, khao khát nhất của người bệnh ung thư. Câu hỏi này cũng là suy nghĩ rất tự nhiên ở người bị bệnh nan y vì họ cần biết để chuẩn bị cho những điều chờ đợi ở phía trước cũng như chuẩn bị cho những gì sẽ để lại phía sau.

Tuy nhiên, để dự đoán một người bệnh còn sống được bao lâu là một điều thực sự khó. Bác sĩ phải xem xét kĩ lưỡng nhiều yếu tố như loại ung thư, độ ác tính, thể mô bệnh học, đặc điểm sinh học khối u, giai đoạn bệnh, các biến chứng của bệnh, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng, thể trạng người bệnh, tình trạng chức năng các cơ quan, các xét nghiệm, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và nhiều yếu tố khác. Mỗi người bệnh là một trường hợp khác nhau.

Hơn nữa một tình trạng nhiễm trùng do suy kiệt hay những biến chứng khác của khối u cũng như của điều trị có thể xảy ra. Hoặc không ít trường hợp đáp ứng tốt hơn mong đợi và làm thay đổi mọi tiên đoán. Do vậy bác sĩ chỉ có thể gợi ý cho người bệnh một khoảng thời gian ước tính, một con số phần trăm cơ hội.

Một số bệnh nhân sống lâu hơn thời gian mà bác sĩ dự đoán, số khác lại ngắn hơn. Vì điều này một số người bệnh có tâm lý oán trách vì cho rằng bác sĩ chẩn đoán và tiên lượng sai. Nhưng hãy nhớ rằng đây chỉ là một dự đoán, hoàn toàn dựa trên các thống kê y văn, kinh nghiệm của bác sĩ, không phải một công thức toán học và không thể chính xác tuyệt đối. Do vậy có câu chuyện vui nửa đêm một người bệnh ung thư gọi điện cho bác sĩ bảo qua đêm nay tôi vừa sống hết 5 năm, mà chưa thấy bị làm sao cả, chưa thấy dấu hiệu thần chết gõ cửa.

Ngay cả ở những quốc gia có nền y học tiến bộ nhất, với sự trợ giúp của dữ liệu lớn và các công cụ tiên lượng khoa học, thông minh, trí tuệ nhân tạo… các bác sĩ cũng phải thừa nhận tiên lượng người bệnh là một nghệ thuật hơn là khoa học, đòi hỏi một cách tiếp cận từng bước cẩn thận, sát sao với diễn biến người bệnh dựa trên kinh nghiệm, nhạy cảm lâm sàng và trực giác của người thầy thuốc.

Công cụ khoa học phổ biến nhất trong tiên lượng sống thêm ung thư là biểu đồ toán học Kaplan Meier trông như đường máy bay đang hạ cánh, đuôi càng dài, càng chậm hạ cánh thì sự sống càng kéo dài nhiều năm. Mà suy cho cùng máy bay nào cũng hạ cánh, nhưng vấn đề là xác định được thời điểm hạ cánh. Có máy bay đang bay đâm bổ nhào xuống thể hiện khoa học thống kê không nhất thiết giống thực tế y học về bệnh tật.

Các bác sĩ ung thư thường không cảm thấy thoải mái khi phải đưa ra dự đoán rằng một người còn sống được bao nhiêu thời gian nữa do một câu trả lời không chắc chắn đưa ra có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh, có thể là điểm tập trung, ám ảnh họ trong quá trình điều trị và theo dõi.

Tuy nhiên với bệnh nhân ung thư giai đoạn IV hoặc giai đoạn sớm hơn nhưng có các biến chứng, tình trạng nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng, khả năng sống thêm trung bình theo thống kê dưới một năm thì việc đưa ra tiên lượng cùng lúc với chẩn đoán là bổn phận quan trọng của bác sĩ, thậm chí là quan trọng nhất. Con đường phía trước sẽ rõ ràng hơn nếu người bệnh biết còn mấy tháng, mấy năm để làm những việc quan trọng nhất đối với họ.

Trước khi đưa ra tiên lượng, các bác sĩ thường đặt câu hỏi để hiểu những gì người bệnh muốn biết và những gì họ đã biết. Thực tế không phải người bệnh nào cũng muốn biết tiên lượng, họ chỉ quan tâm làm sao được điều trị tốt nhất. Một nguyên tắc quan trọng trong giải thích mà bác sĩ ung thư nào cũng phải lưu tâm thực hành là thành thật về tiên lượng với người bệnh nhưng luôn mở đường cho hy vọng, luôn giữ một tia sáng cho người bệnh. Không che giấu, không gây ảo tưởng cho người bệnh, nhưng hướng kỳ vọng người bệnh vào phạm vi xác suất hợp lý. Chẳng hạn thay vì nói khả năng 70-80% sẽ tử vong trong vòng 5 năm, có thể diễn đạt theo cách khả năng sống thêm sau 5 năm là 20-30%, và 2 năm nữa thì có thể có các phương pháp mới giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.

Thực sự ra, không ai trong chúng ta – những người khoẻ mạnh biết chắc được trước tương lai của mình chứ chưa nói là biết khi nào chúng ta sẽ rời xa trần thế. Đấy là tính bấp bênh và bất định của cuộc sống. Những sự kiện không mong đợi vẫn diễn ra hàng ngày và Y học cũng như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định được rằng phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Bằng các biện pháp phòng bệnh chúng ta có thể phòng được trên 30% bệnh ung thư, đơn giản chỉ cần không hút thuốc đã loại trừ được tới trên 90% ung thư phổi, 80% ung thư hạ họng thanh quản và nhiều loại ung thư khác, chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tập luyện, tiêm vắc xin phòng viêm gan B, vắc xin phòng vi rút gây u nhú ở người (HPV) đã loại bỏ được phần lớn ung thư gan, cổ tử cung, đại trực tràng, vú….

Qua các phương pháp phát hiện sớm, điều trị kịp thời chúng ta có thể chữa khỏi được trên 30% người bệnh ung thư tiếp theo và bằng các liệu pháp chính thống kết hợp với chăm sóc chúng ta có thể nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống thêm cho 1/3 người bệnh ung thư còn lại. Ung thư biết sớm trị lành.

Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là cố gắng không ngừng và sống hết mình cho ngày hôm nay như một câu danh ngôn “Đừng tiếc nuối quá khứ, hãy sống tốt hiện tại, thì tương lai sẽ luôn mỉm cười”.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,