⠀
Tội ác văn hóa của thực dân Pháp ở Việt Nam – một số điều không được phép quên
Nhân danh công cuộc khai hóa văn minh, thực dân Pháp đã thực hiện những tội ác không thể dung thứ với nền văn hóa có bề dày hàng nghìn năm lịch sử của Việt Nam.
Sùng Khánh Báo Thiên Tự là ngôi quốc tự ở Kinh thành Thăng Long, được xây dựng từ năm 1056 dưới thời hoàng đế Lý Thành Tông, luôn giữ vị thế trấn quốc, quan trọng hàng đầu trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chùa từng có tháp Báo Thiên, 12 tầng cao, 40 – 60 mét, trên đặt chóp bằng đồng rất lớn, từng là 1 trong 4 đại khí quan trọng nhất nước Việt (An Nam tứ đại khí). Tháp bị mất chóp đồng vào thời nhà Minh xâm lược, nhưng vẫn tồn tại đến khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Năm 1883, thực dân Pháp cho phá hủy ngôi chùa quốc gia này để xây Nhà thờ chính tòa Hà Nội (Nhà thờ Lớn) và Tòa Khâm sứ Bắc kỳ.
Chùa Khải Tường là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn, nơi Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) chào đời trong thời gian chúa Nguyễn Phúc Ánh đến đây trốn tránh quân Tây Sơn. Khi quân Pháp tấn công Gia Định năm 1859, Đại úy Thủy quân lục chiến Pháp Barbé đã chiếm giữ chùa Khải Tường. Barbé đã cho vứt bỏ tượng Phật và đuổi các sư ra khỏi chùa. Thời gian sau đó, chùa Khải Tường trở thành một trường học của người Pháp và đến năm 1880 thì bị tháo dỡ. Nhiều năm trôi qua, trên nền chùa bỏ hoang này, chính quyền Pháp cho xây cất một dinh thự dành cho quan chức trong bộ máy cai trị. Trong thời kỳ Ngô Đình Diệm cầm quyền, công trình được dùng làm Trường Đại học Y dược. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, các các cố vấn quân sự Mỹ đã đến đây trú đóng. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, cơ sở trên được dùng làm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Dấu tích còn lại của chùa Khải Tường là bức tượng Phật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM.
Chùa Báo Ân là một ngôi chùa lớn và độc đáo từng tồn tại ở Hà Nội trong khoảng 5 thập niên của thế kỷ 19. Chùa khánh thành vào khoảng năm 1842, do Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai đã quyên tiền dân xây dựng. Theo đề án quy hoạch lại Hà Nội, đầu năm 1886, viên Toàn quyền người Pháp là De Lanessan đã ra lệnh đốt hết các nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm, khiến khu vực quanh chùa Báo Ân chỉ còn là mảnh đất hoang tàn. Tới năm 1888, người Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Chỉ còn tháp Hòa Phong được giữ lại và là dấu tích kiến trúc duy nhất của chùa Báo Ân còn tồn tại đến nay.
Tháp Hòa Phong và Bưu điện Hà Nội.
Chùa Một Cột hay Chùa Mật, còn có tên khác là Diên Hựu tự hoặc Liên Hoa Đài, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, được coi là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Chùa được vua Lý Thái Tông cho xây năm 1049. Hơn 900 năm sau, vào năm 1954, quân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa. Báo Tia Sáng ngày 10/9/1954 đưa tin “…chùa Một Cột di tích liệt hạng của Hà Thành đã sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất…”. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ. Chùa Một cột chúng ta thấy hiện nay được được xây lại năm 1955.
Chùa Một Cột năm 1896, khi chưa bị phá hủy. Chùa Một Cột hiện tại chỉ là bản phục chế.
Tháng 5/1885, Pháp đánh vào Kinh đô Huế, phá hủy gần như hoàn toàn khu phố cổ, chợ búa quanh Hoàng thành. Trong Tử cấm thành, quân Pháp thả sức đốt phá, giết người, lấy rất nhiều cổ vật, vàng bạc, châu báu đem về nước, đến thời Đồng Khánh chỉ trả lại một phần nhỏ mang ý nghĩa tượng trưng. Đến năm 1947, Pháp xâm lược trở lại Việt Nam lần nữa. Lần này chúng đã đánh phá khu vực Hoàng thành với mức độ hủy diệt, hơn 1/2 công trình bị thiêu rụi trong lửa đạn. Thời Mỹ sang xâm lược, năm 1968, số còn lại hầu hết bị phá hủy hoặc hư hại nặng do bom đạn Mỹ.
“Xứ Bắc Kỳ – Dẹp bỏ các thánh thần”, một tấm bưu thiếp của Pháp thời đô hộ Việt Nam.
Điện Kính Thiên là công trình trung tâm của hoàng cung thời nhà Hậu Lê ở đô thành Đông Kinh (Hà Nội). Đến năm 1841 (đời Thiệu Trị) thì được đổi tên thành điện Long Thiên. Đây là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi năm 1428, và về sau này trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và thờ cúng. Năm 1805, Vua Gia Long cho xây dựng khu vực này làm hành cung để vua sử dụng mỗi khi các vua nhà Nguyễn “Bắc tuần”. Sau khi chiếm thành Hà Nội, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên và xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh – được gọi là nhà Con Rồng – tại đây. Đến năm 1893, người Pháp phá bỏ bốn bức tường của thành Hà Nội. Tòa thành lịch sử gần như đã bị san phẳng kể từ thời điểm này.
Điện Kính Thiên năm 1885.
Nhân danh các cuộc khai quật khảo cổ học và nghiên cứu khoa học, hàng ngàn cổ vật vô giá của các nền văn hóa bản địa trên mảnh đất Việt Nam như văn hóa Đông Sơn, Champa, Óc Eo… đã bị cướp trắng trong giai đoạn thực dân để tuồn về nước Pháp và ngày nay trở thành tài sản của các viện bảo tàng hoặc nhà sưu tầm ở các nước Âu – Mỹ.
Trống đồng Sông Đà là một trong những chiếc trống đồng tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Guimet của nước Pháp. Trống này còn có tên Pháp là trống Moulié.
Bức tượng A Di Đà chùa Phật Tích có từ thời Lý được các học giả xem là viên ngọc quý nhất của nền điêu khắc Việt Nam thời phong kiến. Tượng bằng đá xanh nguyên khối, cao 1,86m, tính cả phần bệ là 2,69m, có thần khí và được trang trí rất tinh xảo. Tượng đã bị quân Pháp đem ra làm bia tập bắn vào những năm 1940, khiến đầu gãy rời, vỡ ngực, thân tượng chi chít vết đạn. Một cụ già trong làng đem đầu tượng về cất giấu, sau năm 1954 đem nộp lại cho chính quyền cách mạng. Dù được phục chế nhưng ngày nay thân tượng vẫn loang lổ các dấu vết của sự phá hoại, không còn là một khối duy nhất nữa. Dù vậy, với giá trị lịch sử đặc biệt, tượng vẫn được công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam.
Bảo vật quốc gia – tượng A Di Đà chùa Phật Tích.
Ngày 18/3/1859, thực dân Pháp đặt thuốc nổ phá hủy hoàn toàn thành và khu phố cổ quanh thành Gia Định – công trình kiến trúc dân sinh có quy mô đồ sộ nhất của người Việt xây dựng ở miền Nam trước thời thuộc địa.
Vào thời thuộc địa, trong các trường học (từ cấp 1 đến đại học) thực dân Pháp tuyên truyền rằng “tổ tiên của chúng ta là người Gô loa”, tuyên truyền về sứ mệnh, “công ơn khai hóa” của người Pháp với dân An Nam mông muội, khiến cho một bộ phận người Việt trở nên tự ti, mất gốc, sẵn sàng làm tay sai hoặc có thái độ tiêu cực với công cuộc giành độc lập…
Tượng đài “Vì nước Pháp” (À la France) được dựng năm 1907 trước Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội. Tượng thể hiện hình ảnh một người phụ nữ biểu trưng cho nước Pháp ngồi chễm chệ trên một cái ngai trang trí các họa tiết Angkor và rồng phượng An Nam, có binh lính và phụ nữ bản xứ vây quanh.
TỔNG HỢP
Tags: Pháp, Tội ác lịch sử, Đông Dương thời thuộc địa, Chủ nghĩa thực dân