⠀
Toàn cảnh về ba cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan
Kể từ sau khi Tưởng Giới Thạch rút sang Đài Loan đến nay, giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan đã xảy ra ba cuộc khủng hoảng lớn.
Vào năm 1949, nội chiến Trung Quốc kết thúc với chiến thắng thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa còn chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch cùng 1,3 triệu người ủng hộ rút sang Đài Loan. Lãnh thổ do Trung Hoa Dân Quốc quản lý bị thu hẹp lại chỉ còn Đài Loan, đảo Hải Nam và một số nhóm đảo dọc bờ biển phía đông nam Trung Quốc.
Đến năm 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm đảo Hải Nam, buộc lực lượng Trung Hoa Dân Quốc đóng trú tại đó sơ tán đến Đài Loan.
1. Đại lục tấn công Đài Loan
Căng thẳng giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục leo thang và đến năm 1954, hai bên đã có cuộc xung đột vũ trang còn được gọi là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan thứ nhất.
Sự kiện này bắt đầu xảy ra khi Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nã pháo vào quần đảo Kim Môn vào ngày 3/9/1954, theo tờ Taipei Times. Đến tháng 11, PLA dội bom quần đảo Đại Trần trước khi chiếm quần đảo Nhất Giang Sơn gần đó từ Trung Hoa Dân Quốc trong tháng 1/1955.
Sau đó, quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống Dwight D.Eisenhower dùng lực lượng Mỹ bảo vệ Trung Hoa Dân Quốc. Đến tháng 5, PLA tạm dừng nã pháo vào quần đảo Kim Môn và Mã Tổ. Trong cuộc xung đột, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mất 393 người và Trung Hoa Dân Quốc mất 519 người, theo Taipei Times.
2. Xung đột trên biển lẫn trên không
Khoảng 3 năm sau, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục có cuộc xung đột vũ trang, còn được gọi là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan thứ 2. Sự kiện này bắt đầu vào ngày 23/8/1958, khi hai bên có cuộc xung đột trên biển và trên không, dẫn tới PLA nã pháo dữ dội vào Kim Môn còn lực lượng của Trung Hoa Dân Quốc tấn công TP.Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến, theo Taipei Times.
Khi đó, dù bác bỏ đề xuất của Tưởng Giới Thạch là dội bom các đơn vị pháo binh của PLA, Mỹ vẫn nhanh chóng điều chiến đấu cơ và tên lửa phòng không đến Trung Hoa Dân Quốc, hộ tống tàu tiếp tế của Trung Hoa Dân Quốc. Đến ngày 25/10, PLA thông báo “dừng bắn vào các ngày chẵn”, chỉ nã pháo về phía Kim Môn vào những ngày lẻ. Cuộc khủng hoảng lần 2 được cho là kết thúc vào tháng 1/1959, với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có 460 binh sĩ tử trận và bị thương còn Trung Hoa Dân Quốc có 440 binh sĩ tử trận và mất tích.
Sau thập niên 1950, những cuộc nã pháo hướng đến và xuất phát từ Kim Môn không còn liên tục và đạn pháo thật được thay bằng các tờ truyền đơn. Đến năm 1971, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được chọn để thế chỗ của Trung Hoa Dân Quốc ở HĐBA LHQ và nhiều nước bắt đầu chấm dứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc. Đến năm 1979, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc, chuyển sang thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Từ đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc chính thức dừng nã pháo qua lại.
3. Khủng hoảng trước ngày bầu cử
Đến năm 1995, giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan lại có đợt căng thẳng nghiêm trọng, được gọi là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan thứ 3. Căng thẳng leo thang khi tại Đại học Cornell ở TP.New York vào ngày 9/6/1995, ông Lý Đăng Huy, lúc đó giữ chức lãnh đạo Đài Loan, đưa ra những phát biểu kêu gọi Đài Loan độc lập, khiến Trung Quốc “nổi trận lôi đình”.
Khoảng một tháng sau, PLA tiến hành đợt phóng tên lửa kéo dài 8 ngày với nhiều quả rơi xuống vùng biển cách đảo Bình Giai do Đài Loan kiểm soát chỉ khoảng 65 km, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Tình hình căng đến mức vào tháng 12, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra lệnh điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đi qua eo biển Đài Loan và cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Independence trấn giữ khu vực phía đông đảo này.
Đến đầu năm 1996, căng thẳng có vẻ hạ nhiệt và lực lượng Mỹ rút khỏi khu vực. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng trở lại khi Đài Loan chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 23/3/1996. Lúc đó, Bắc Kinh phát tín hiệu cảnh báo nếu ông Lý Đăng Huy tái đắc cử thì “sẽ đồng nghĩa với chiến tranh”. Cách ngày bỏ phiếu khoảng 2 tuần, PLA phóng tên lửa từ ngày 8-15/3/1996, trong đó có nhiều quả rơi xuống vùng biển cách TP.Cao Hùng chỉ từ 40 – 56 km.
Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Clinton cấp tốc điều tàu sân bay USS Independence và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz trở lại khu vực. “Nếu họ tấn công Đài Loan, sẽ có hậu quả nghiêm trọng”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Anthony Lake cảnh báo. Dù vậy, sau khi ông Lý Đăng Huy tái đắc cử, các bên dần xuống thang và đến ngày 28/3/1996, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry tuyên bố cuộc khủng hoảng kết thúc.
Kể từ đó cho đến trước khi bà Thái Anh Văn thắng cử vào tháng 3/2016, quan hệ giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan được cho là có cải thiện phần nào. Tuy nhiên, kể từ khi bà Thái lãnh đạo Đài Loan đến nay, quan hệ Đài -Trung căng thẳng trở lại. PLA gia tăng tập trận, tuần tra xung quanh Đài Loan. Đáp lại, Đài Bắc tuyên bố sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước những “hành động khiêu khích” từ Bắc Kinh.
Theo THANH NIÊN ONLINE
Tags: Trung Quốc, Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc, Quan hệ Trung - Đài