Toàn cảnh thất bại của Đức Quốc xã trên triền núi Kavkaz

Thất bại trong chiến dịch Hoa nhung tuyết đã đánh dấu sự phá sản kế hoạch Blau nhằm bóp chết Hồng quân Liên Xô của phát xít Đức.

Toàn cảnh thất bại của Đức Quốc xã trên triền núi Kavkaz

Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến ở Kavkaz.

Từ 23/7 – 18/11/1942, phát xít Đức tiến hành chiến dịch Hoa nhung tuyết (Edelweiss). Đây là một trong 2 bộ phận cấu thành Kế hoạch tổng tấn công từ mùa hè 1942 của quân Đức (chiến dịch Blau); nhiệm vụ là đánh chiếm, kiểm soát các mỏ dầu tại Kavkaz, đặc biệt là khu công nghiệp hóa dầu Baku, Azerbaijan.

Lực lượng chủ công tham gia chiến dịch là Cụm tập đoàn quân (TĐQ) A do Thống chế Siegmund Wilhelm List (1880-1971) làm tư lệnh. Cụm TĐQ A gồm hai TĐQ thiết giáp số 1 và số 4, hai TĐQ binh chủng hợp thành 11 và 17, một phần của TĐQ không quân số 4, TĐQ sơn cước số 8, một quân đoàn kỵ binh; tổng cộng hơn 30 sư đoàn.

Cụm TĐQ A được hỗ trợ bởi Cụm TĐQ B (do Thống chế Fedor von Bock chỉ huy) ở phía đông, từ 20/10/1942 được bổ sung thêm sư đoàn F chuyên tác chiến trên thảo nguyên và sa mạc.

Vào thời gian này, do mọi lo ngại của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô đều hướng về đồng bằng trung Nga và Moscow nên binh lực của Hồng quân bảo vệ hướng Kavkaz rất mỏng. Đây là các tập đoàn quân đã bị tiêu hao sau chiến dịch phản công tại Rostov mùa đông 1941-1942, một số lượng đáng kể vũ khí, khí tài bị thiệt hại và chưa được bổ sung.

Với ưu thế vượt trội, quân Đức lần lượt đánh chiếm các vị trí quan trọng trên thảo nguyên Kuban, đồng bằng sông San, tiến đến sườn phía bắc của dãy Kavkaz. Đã diễn ra hàng loạt trận đánh ác liệt ở Tikhoretsk-Stavropol, trên hướng Armavir-Maikop, cảng Novorossisk, cửa ngõ Grozny-Ordzhonikidze (nay là thành phố Vladikavkaz), pháo đài Tuapse…

Tuy nhiên, thắng lợi ban đầu của Cụm TĐQ A nhanh chóng bị chặn đứng trước các con đèo quan trọng trên dãy Kavkaz và phòng tuyến sông Terek của Hồng quân Liên Xô. Mọi cố gắng của quân Đức để tiến vào phía nam Kavkaz từ hai hướng Biển Đen và sông Terek đều thất bại.

Mặc dù đã đổ vào mặt trận này gần 1.000.000 quân với hàng nghìn xe tăng, nhưng quân Đức vẫn không thể xoay chuyển được tình thế. Đến cuối tháng 8, cuộc tiến công của Cụm TĐQ A xem như kết thúc. Hitler vô cùng tức giận trước thất bại này, và khi List đề nghị chuyển một số mũi xung kích đã bị sa lầy sang nơi khác đồng thời tăng quân dự bị để tấn công các vị trí của Hồng quân, Hitler liền cách chức List (ngày 10/9) và trực tiếp nắm quyền tư lệnh Cụm TĐQ A.

Tuy nhiên, cánh trái của cụm quân này vẫn không kiểm soát được phần phía đông của thảo nguyên Kuban và bị chặn đứng trước khu vực Grozny-Ordzhonikidze; cánh phải của nó cũng phải dừng bước trước mạch núi Kavkaz ven Biển Đen.

Bị tiêu hao sinh lực, phương tiện và không có biện pháp hiệu quả để vượt qua dãy Kavkaz, đồng thời, những thất bại của Cụm TĐQ B tại Stalingrad và trung lưu sông Đông cũng tạo ra mối đe dọa phía sau lưng. Giữa tháng 11/1942, Cụm TĐQ A buộc phải chuyển sang phòng ngự với tuyến mặt trận kéo dài trên 1.500km thành một hình cánh cung nhô về hướng biển Caspi. Hitler trao quyền chỉ huy Cụm TĐQ A cho Đại tướng Paul von Kleist.

Giai đoạn sau, các chiến dịch phản công của Hồng quân từ tháng 1 – 10/1943 đã đẩy tuyến mặt trận trở lại tình hình gần như trước tháng 7/1942, tiến xa đến 800km và thu hồi toàn bộ vùng Bắc Kavkaz, các đồng bằng sông Kuban, sông Đông và thảo nguyên Kalmyk.

Cụm TĐQ A bị thiệt hại nặng: 275.000 sĩ quan, binh lính chết và bị thương, 6.000 người bị bắt làm tù binh; các phương tiện chiến tranh bị phá hủy và bắt giữ gồm: 1.348 xe tăng và xe bọc thép, hơn 2.000 máy bay, 3.519 khẩu pháo, 2.927 súng cối, hơn 22.000 ô-tô cùng nhiều đầu máy xe lửa và toa xe…

Mặc dù thiệt hại về người của quân Đức tại Kavkaz không cao bằng mặt trận Stalingrad, nhưng tổn thất về vũ khí và phương tiện chiến tranh lại lớn hơn. Nhiều sư đoàn xe tăng phải rút khỏi cuộc chiến để trang bị lại và bổ sung bằng quân số, phương tiện được điều từ châu Âu sang.

Thất bại của chiến dịch đánh dấu sự phá sản của kế hoạch Blau, cũng kết thúc luôn những tham vọng của nước Đức quốc xã trong ý đồ mở một con đường trên bộ để tiến ra Trung Đông và Ấn Độ, đồng thời cũng làm cho Thổ Nhĩ Kỳ phải thay đổi thái độ, đi đến hạn chế dần những quan hệ với các nước phe Trục.

Về phần Thống chế List, sau khi bị cách chức, ông này trở về nước và trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến không còn được trao bất cứ nhiệm vụ nào nữa. Sau chiến tranh, List bị quân Đồng minh bắt giữ, năm 1948 bị tòa án binh Mỹ kết án tù chung thân vì phạm tội ác chiến tranh, nhưng đến tháng 12/1952 được trả tự do vì lý do sức khỏe.

Theo VIETNAMNET

Tags: , ,