Tòa án ở Việt Nam liệu có miễn nhiễm với tham nhũng?

Toà án cần miễn nhiễm với tham nhũng. Không thể có chuyện người dân phải lo lắng về tính liêm chính hay tham nhũng của thẩm phán. Người dân phải có quyền dễ dàng chứ không phải nhọc nhằn đi tìm công lý.

Bài viết của tác giả Đậu Anh Tuấn – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI

Hai vợ chồng anh chị tôi dành dụm mãi mới mua được miếng đất. Miếng đất vốn là tài sản đang thế chấp tại một ngân hàng để đảm bảo một khoản vay. Chủ nợ và ngân hàng thoả thuận bán cho anh chị để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi quá hạn. Việc mua bán xong xuôi, vì tài sản chỉ đảm bảo một khoản nợ duy nhất, có đăng ký giao dịch bảo đảm nên giao dịch thuận lợi, miếng đất đang được làm thủ tục sang tên.

Đột nhiên, thủ tục hành chính này bị dừng lại, cơ quan nhà nước thông báo tòa án huyện vừa ban hành quyết định khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài sản, không cho thực hiện chuyển nhượng, lý do là có một yêu cầu đòi nợ, một chủ nợ đâu đó mà ngay cả chủ đất hay ngân hàng cũng không hề biết.

Choáng váng, tiền đã chồng đủ nhưng hồ sơ bị ách, chạy vạy đủ cách, cuối cùng anh chị được dẫn lên gặp thẩm phán phụ trách, ông gợi ý nên thuê một luật sư quen biết của tòa. Giá của hợp đồng “bảo vệ” được báo là 100 triệu đồng thì giao dịch này mới trót lọt. Cuối cùng, miếng đất giá 600 triệu đồng phải cõng thêm 1/6 chi phí cho việc can thiệp của tòa và anh chị tôi có một trải nghiệm không hề tốt đẹp.

Tôi đang tham gia một nghiên cứu nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng toà án hiệu quả trong giải quyết tranh chấp. Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc lạm dụng ban hành quyết định khẩn cấp tạm thời của một số toà án là một trong nhiều lý do làm đình trệ các tranh chấp và giao dịch. Trong đó, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.

Kết quả điều tra của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy các doanh nghiệp dường như ít sử dụng tòa án hơn. Trong hơn 10 nghìn doanh nghiệp được điều tra tại 63 tỉnh thành phố hàng năm, tỷ lệ doanh nghiệp có tranh chấp cho biết sử dụng toà án đã giảm từ 57,9% năm 2013 xuống còn 36,7% năm 2015. Đặc biệt trong cuộc điều tra, những doanh nghiệp từng giải quyết tranh chấp tại toà mang trải nghiệm tiêu cực hơn nhiều so với các doanh nghiệp chưa từng ra tòa.

Các doanh nghiệp ngại “đáo tụng đình” vì điều gì? Vì phương thức khác như hòa giải hay trọng tài thương mại hiệu quả hơn? Vì kiện ra tòa bị kéo dài, tốn kém thời gian? Vì trình độ thẩm phán chưa phù hợp? Hay tình trạng tham nhũng, “chạy án” tại một số cơ quan tòa án?

Bằng cách mô tả lại hành trình trên thực tế một vài vụ kiện kinh tế, thương mại điển hình của doanh nghiệp (từ nhiều vụ việc có thực), chúng tôi thấy rất nhiều cách thức để cán bộ toà án có thể đình hoãn, kéo dài thời gian một vụ xét xử.

Hãy cứ cho rằng câu chuyện của chị tôi là cá biệt. Nhưng với phương thức vận hành của tòa án hiện nay, có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, để bất kỳ ai cũng có thể trở thành… chị tôi.

Rủi ro xuất hiện có thể từ giai đoạn nhận đơn (như bắt người nộp đơn cung cấp xác nhận về đăng ký kinh doanh mới nhất, cung cấp xác nhận của cơ quan nhà nước về địa điểm của bị đơn…). Rủi ro cũng có thể xuất hiện ở giai đoạn chuẩn bị xét xử (ra quyết định đình chỉ vụ án bằng những lý do kỹ thuật như bị đơn không nhận văn bản tống đạt, dàn xếp các uỷ thác tư pháp, uỷ thác thu thập chứng cứ bế tắc). Kể cả bản án có hiệu lực pháp luật rồi nhưng vẫn có thể bị kháng nghị, giám đốc thẩm không chính xác… Trong tiến trình tố tụng, có nhiều vòng lặp để một vụ việc bị trả lại giải quyết từ đầu.

Chính vì vậy, vụ việc giải quyết một tranh chấp về kinh tế, thương mại trên thực tế thường mất ba đến năm năm, trong đó thời gian xét xử sơ thẩm khoảng 2 năm. Một luật sư tiết lộ với tôi: nghệ thuật hành nghề hiện nay là làm cho đối phương, đối tác biết độ phức tạp và rủi ro của hệ thống tư pháp để biết sợ, phải nhanh chóng thống nhất giải pháp khi đàm phán…

Với những tranh chấp thắng thua tương đối rõ ràng, mà để doanh nghiệp đòi lại quyền lợi, bảo vệ lợi ích của mình mất đến từng đó thời gian thì họ có quyền sợ. Làm sao mà nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư, doanh nghiệp có thể yên tâm đổi mới sáng tạo, giao kết hợp đồng cho được?

Đó là chưa kể bất kỳ một giai đoạn nào kể trên cũng có thể tạo ra cái tâm lý đòi hỏi sự “biết điều” từ người tham gia tố tụng.

Một xu hướng rất tích cực gần đây là toà án Việt Nam đã có những đổi mới như công khai các bản án, sử dụng án lệ, chấp nhận nộp đơn điện tử… nhưng hành trình thay đổi có thể còn rất dài. Một trong những cản trở lớn theo nhiều chuyên gia là vị trí của tòa án chưa độc lập cũng như chế độ lựa chọn và đãi ngộ các thẩm phán chưa tương xứng.

Khi tôi hỏi về chế độ cho thẩm phán, một nguyên lãnh đạo toà án tối cao nói rằng lương trung bình của thẩm phán sơ cấp hiện nay ngang chuyên viên thường, khoảng 6-7 triệu đồng mỗi tháng. Thẩm phán đang hưởng lương như công nhân bậc thấp trong thị trường lao động, nhưng đi xét xử thắng thua những hợp đồng, giao dịch có thể lên hàng trăm triệu USD.

Toà án có vai trò rất lớn trong xã hội. Người dân khi gặp bất công, bị chèn ép bởi hệ thống công quyền muốn được bảo vệ thì kiện ra toà án. Với người kinh doanh, nếu hệ thống tòa án hoạt động nhanh, hiệu quả, chi phí thấp, đưa ra các phán quyết công bằng, đúng pháp luật thì sẽ giúp chống lại các hành vi gian lận thương mại, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Do vậy, toà án cần miễn nhiễm với tham nhũng. Không thể có chuyện người dân phải lo lắng về tính liêm chính hay tham nhũng của thẩm phán. Người dân phải có quyền dễ dàng chứ không phải nhọc nhằn đi tìm công lý.

Theo VNEXPRESS (2017)

Tags: ,