Tình trạng mất niềm tin vào hôn nhân của giới trẻ Trung Quốc

Áp lực tài chính, muốn dành nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp hay tác động từ Internet khiến ngày càng nhiều người trẻ ở quốc gia tỷ dân không còn mặn mà chuyện kết hôn.

Tình trạng mất niềm tin vào hôn nhân của giới trẻ Trung Quốc

Theo một cuộc khảo sát được đăng tải trên Guangming Daily, tình trạng già hóa dân số tại Trung Quốc có nguy cơ trở nên tồi tệ thêm do giới trẻ nước này ngày càng không thích kết hôn.

Dù là đất nước có văn hóa coi trọng hôn nhân, cuộc khảo sát với gần 3.000 người độc thân trong độ tuổi 18-26 trên khắp Trung Quốc cho thấy 25% người được hỏi “Bạn sẽ kết hôn trong tương lai chứ?” nói không chắc; 8,9% nói không.

Xu hướng này rõ ràng hơn ở phụ nữ khi 44% cho biết họ không muốn kết hôn hoặc nghĩ rằng mình sẽ kết hôn, so với 19% ở nam giới, South China Morning Post trích dẫn.

“Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người trẻ tuổi từ bỏ hôn nhân hoặc miễn cưỡng kết hôn. Nó đã trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với toàn xã hội”, các nhà nghiên cứu từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, nhận xét.

Cuộc khủng hoảng

Quốc gia tỷ dân đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khi dân số trong độ tuổi lao động thu hẹp nhanh chóng và những người trên 60 tuổi dự kiến chiếm 1/3 dân số vào năm 2050.

Để làm chậm lại xu hướng này, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2016, cho phép các cặp vợ chồng có 2 con rồi tăng lên 3 con vào năm nay.

Dù vậy, số cuộc hôn nhân vẫn giảm trong 7 năm liên tiếp. Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, 8,13 triệu cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn vào năm 2020 và đại dịch càng khiến tình hình tệ hơn. Con số này giảm 12% so với năm 2019 và thấp hơn 40% so với mức đỉnh năm 2013. Tính theo tỷ lệ, số lượng kết hôn năm 2019 là 6,6/1.000 người so với 9,9 vào năm 2013.

Dữ liệu điều tra dân số quốc gia được công bố vào tháng 5 cho thấy tỷ lệ sinh của Trung Quốc cũng đã giảm xuống 1,3 con/phụ nữ vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết là 2,1 để có dân số ổn định.

Trong khi đó, số vụ ly hôn ngày càng gia tăng khi sự kỳ thị của xã hội giảm dần và phụ nữ giành được quyền tự chủ nhiều hơn. Năm 2020, số vụ ly hôn ở Trung Quốc đạt kỷ lục 8,6 triệu – gần gấp đôi năm 2019 và lần đầu tiên vượt số lượng đăng ký kết hôn. Trước tình trạng này, các nhà chức trách Trung Quốc đề ra chính sách “30 ngày hòa giải” dành cho các cặp đôi muốn chia tay.

Nhiều nỗi lo

Cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Trung Quốc cho thấy nhiều người lo lắng về các chi phí khi xây dựng gia đình, bị “ám ảnh hôn nhân” từ trải nghiệm cá nhân hoặc qua phương tiện truyền thông xã hội hay “không có động lực” để tìm kiếm tình yêu đích thực.

Tại Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố lớn, chi phí sinh hoạt cao và tình trạng làm thêm giờ phổ biến cũng khiến nhiều người ngại kết hôn, sinh con. Trong khi đó, những phụ nữ được giáo dục cao, độc lập tài chính có nhiều lựa chọn hơn và ngày càng không muốn bị đẩy vào cuộc sống hôn nhân.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết Internet cũng tạo ra ảnh hưởng đáng kể.

“Một mặt, Internet bùng nổ cho phép giới trẻ có nhiều tiếng nói hơn trong đời sống xã hội của họ. Khi không kết hôn, họ có lối sống tự do, không bị gò bó, có thể dành nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp và sở thích cá nhân. Mặt khác, mọi người cũng bị bủa vây bởi những thông tin tiêu cực khiến họ không mặn mà với hôn nhân”.

Zhou Pingfan (23 tuổi), nhà phát triển phần mềm ở Nam Kinh, cho biết anh bị ảnh hưởng khi chứng kiến nhiều cặp vợ chồng không hạnh phúc trong cuộc sống.

“Tôi có 4 người anh em họ, tất cả đều ly hôn sau chưa đầy 3 năm cưới”. Kể từ khi chia tay bạn gái 2 năm trước, Zhou dành phần lớn thời gian cho công việc hoặc chơi game.

“Thế giới Internet giống như tạo ra một nơi ẩn náu, cho phép tôi thoát khỏi sự đơn điệu của cuộc sống hàng ngày. Trong thế giới đó, bạn có thể có một mối tình hoàn hảo bất cứ lúc nào mà không bị tổn thương”, Zhou nói.

Tao Meng (25 tuổi), nhân viên ngân hàng ở Bắc Kinh, cho biết cô tin vào tình yêu đích thực nhưng không cho rằng hôn nhân là điều bắt buộc.

“Sự nghiệp của tôi chỉ mới bắt đầu, có rất nhiều thứ cần làm, nhiều thử thách cần đối mặt. Tôi có những người bạn bận rộn đi xem mắt vào mỗi cuối tuần. Tôi nghĩ họ thích những buổi hẹn hò, nhưng tôi thì muốn dành thời gian làm việc khác hơn, ví dụ như đọc sách”.

Tao nói hài lòng với hiện tại: một sự nghiệp đầy hứa hẹn, cuộc sống thoải mái ở nhà với bố mẹ, vài người bạn để đi chơi khi rảnh rỗi và một con mèo ảo nuôi trên ứng dụng di động.

“Kết hôn đồng nghĩa với việc tôi phải chia sẻ gánh nặng tài chính khi sở hữu một căn hộ, một chiếc xe hơi, nuôi con và phải làm quen với việc cân bằng cuộc sống – công việc mới. Tôi không chắc liệu mình có chuẩn bị cho những thay đổi đó chưa. Suy cho cùng, hôn nhân là điều xa xỉ, không phải ai cũng có thể lo được”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,