Tình thế hiểm nghèo của Đài Loan trước mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc

Chiến lược phòng thủ của Đài Loan đang trở nên phi logic trong khi Trung Quốc lại đang tiến gần tới khả năng thực hiện tuyên bố “thống nhất Đài Loan” của mình.

Tình thế hiểm nghèo của Đài Loan trước mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc

Bài viết của tác giả Tanner Greer, một nhà báo và nhà nghiên cứu hiện đang sống ở Đài Bắc, Đài Loan. Bài viết của ông tập trung vào các vấn đề an ninh đương đại ở châu Á-Thái Bình Dương và lịch sử quân sự của Đông và Đông Nam Á. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Đài Loan đang tiến gần tới một thời hạn đáng ngại. Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng công cuộc “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” phải được hoàn thành trước năm 2049. Đảng kiên quyết khẳng định rằng công cuộc “phục hưng dân tộc” bao gồm một Đài Loan được điều hành bởi chính những sức mạnh và nguyên tắc hiện đang bao trùm ở phía bên kia eo biển Đài Loan. Bắc Kinh muốn đạt được điều này với sự tán thành dựa trên ý chí tự do của người dân Đài Loan. Nếu họ không đồng ý, thì ban lãnh đạo đảng cũng làm rõ rằng họ sẵn sàng quyết định vấn đề này bằng vũ lực.

Trong nhiều năm, điều này dường như là một mối đe dọa suông. Theo truyền thống, Đài Loan bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực so với Trung Quốc bằng sự vượt trội về công nghệ và đào tạo. Nhưng trong 15 năm qua, quân đội Trung Quốc đã thực hiện chương trình hiện đại hóa tham vọng nhất từng diễn ra trên thế giới kể từ những năm 1930. Theo cách nói của một nhà phân tích quốc phòng Mỹ, Hải quân Trung Quốc đã “hóa thân từ một lực lượng bảo vệ bờ biển phần lớn sử dụng các công nghệ cũ kỹ thời Xôviết thành một quân chủng hải quân hiện đại” với tàu sân bay riêng, các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường và năng lực vận tải đổ bộ cần thiết cho việc đột chiếm bờ biển của quân địch. Số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư thuộc sở hữu của không quân Trung Quốc còn lớn hơn số lượng máy bay quân sự của Đài Loan. Lực lượng tên lửa chuyên dụng Trung Quốc có hơn 1.000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể bắn tới các đường băng, trung tâm chỉ huy và kho nhiên liệu của Đài Loan trong những giờ đầu tiên của một cuộc chiến tranh. Các phi đội hải quân và máy bay chiến đấu của Trung Quốc giờ đây mạnh dạn bao vây Đài Loan, trong khi các hệ thống tình báo và an ninh của Đài Loan là mục tiêu của khoảng 10.000 vụ tấn công mạng mỗi tháng. Lần đầu tiên kể từ những năm 1950, những lời đe dọa “thu hồi” Đài Loan của Trung Quốc trở nên có căn cứ đến mức đáng sợ. Đồng hồ đếm ngược đến năm 2049 vẫn chạy đều.

Tuy nhiên, một cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan vẫn hàm chứa nhiều rủi ro. Nó sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải tiến hành cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử loài người, và vì đặc điểm địa lý hiểm trở của hòn đảo này, người Đài Loan sẽ chỉ cần phải bảo vệ vài bãi biển có chọn lọc. Công nghệ quân sự hiện đại có lợi cho bên phòng thủ, khi mà họ có thể sử dụng những loại đạn dược chính xác với chi phí thấp để tiêu diệt các tàu tấn công đổ bộ, tàu chủ lực và máy bay đắt tiền hơn của bên tấn công.

Trước những lợi thế này, các nhà phân tích quốc phòng Mỹ từng tới thăm hòn đảo gần như đều cho rằng Đài Loan có thể ngăn chặn thành công một cuộc tấn công của Trung Quốc, nhưng chỉ khi họ trang bị lại hoàn toàn cho quân đội của mình. Thay vì phân bổ ngân sách quốc phòng vốn hạn chế cho các thiết bị đắt tiền như máy bay tàng hình, xe tăng hay tàu ngầm, quân đội Đài Loan nên đầu tư vào các hệ thống vũ khí sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, không thiết yếu, có thể được di chuyển, ngụy trang và triển khai một cách dễ dàng nhằm chống lại một lực lượng đổ bộ. Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với một lực lượng hải quân gồm các tàu tuần tra tên lửa, tàu rải mìn, tàu nhỏ nửa chìm nửa nổi và tàu ngầm không người lái; một bộ phận phòng không dựa trên các khẩu đội tên lửa đất đối không di động; các lực lượng mặt đất được trang bị đầy đủ với máy bay không người lái, mìn và tên lửa dẫn đường chống tàu và chống tăng; quân dự bị và người dân thành thạo các chiến thuật du kích; và chính sách công nghiệp chú trọng phát triển những bước đột phá trong công nghệ tên lửa và thiết bị không người lái.

Một lực lượng quân đội kiểu “chống tiếp cận” như vậy sẽ không thể dẹp tan các máy bay chiến đấu Trung Quốc trên bầu trời. Nhưng trong trường hợp Trung Quốc tiến hành tấn công vũ lực, lực lượng quân đội này sẽ có thể kéo dài chiến sự đủ lâu để các đồng minh của Đài Loan tiến hành can thiệp. Quan trọng hơn, nó có thể ngăn chặn Trung Quốc phát động tấn công ngay từ đầu.

Trong mắt nhiều nhà phân tích quốc phòng Mỹ, các nhà lãnh đạo Đài Loan phải đối mặt với một lựa chọn mà lẽ ra không hề khó khăn: Họ có thể đảm bảo sự tồn tại của Đài Loan bằng cách sản xuất hàng loạt hoặc mua sắm các vũ khí giá rẻ và không nổi bật. Hoặc họ có thể tiếp tục lãng phí nguồn lực cho cái mà hai nhà phân tích Colin Carroll và Rebecca Friedman Lissner gọi là các khả năng “phô trương thanh thế nhưng không đem lại lợi ích rõ ràng nào trong răn đe hay chiến tranh”.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Đài Loan lại không nhìn nhận tình hình theo cách này?

Giá trị của tính biểu tượng

Ngày 6/6, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố mua của Mỹ gói vũ khí trị giá 2,25 tỷ USD. Gói này được chia thành hai phần: 250 triệu USD cho lô hàng tên lửa Stinger, và 2 tỷ USD cho 108 xe tăng chiến đấu chủ lực. Phần đầu tiên có thể được coi là nằm trong tư thế phòng thủ “chống tiếp cận” được phân bổ. Nhưng phần thứ hai thì không.

Ở Đài Loan, những ngọn núi rừng rậm phủ kín, những cánh đồng lúa nước đầy bùn và các khu vực đô thị cốt lõi với mật độ dân cư dầy đặc nằm xen kẽ lẫn nhau, tạo ra một địa hình gây trở ngại lớn cho xe tăng. Những chiếc xe tăng này nhiều khả năng nhất sẽ được sử dụng trong đội hình gần bờ biển phục vụ các hoạt động chống đổ bộ, nơi mà chúng sẽ rất dễ bị tổn thương trước các cuộc không kích. Vì các chỉ huy Trung Quốc sẽ không bao giờ để cho lực lượng của mình đổ bộ trừ phi đã giành được ưu thế trên không ngay từ đầu, nên những chiếc xe tăng này sẽ vĩnh viễn là 108 “miếng mồi ngon” vô cùng đắt đỏ.

Thương vụ mua sắm này phù hợp với mô hình lâu nay của Đài Loan: dành sự ưu tiên cho các phương tiện phô trương thanh thế trước người dân. Bộ Quốc phòng đã cắt giảm lương hưu, không chi trả được cho lính tình nguyện mức lương cạnh tranh hay cung cấp cho họ các phúc lợi cần thiết, và không có sẵn đủ đạn dược để lính nghĩa vụ tập luyện với súng trường nhiều hơn vài lần trong suốt cả khóa học nghĩa vụ của họ.

Tuy nhiên, ngoài việc mua xe tăng, chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã hứa hẹn sẽ kiếm được 8 tỷ USD – tương đương với 70% ngân sách quân sự năm 2019 của Đài Loan – đê mua 66 máy bay chiến đấu F-16 mới (mặc dù trong trường hợp xung đột với Trung Quốc, phần lớn số máy bay này sẽ bị các tên lửa của Quân Giải phóng nhân dân tiêu diệt khi vẫn còn nằm trên đường băng). Hải quân Đài Loan cũng thường xuyên thúc đẩy các kế hoạch về một tàu sân bay trực thăng do chính Đài Loan chế tạo và tàu khu trục theo kiểu Aegis. Hàng tỷ USD được đổ vào việc phát triển động cơ phản lực và máy bay chiến đấu nội địa. Điều tai hại nhất trong tất cả là khoảng 1/10 ngân sách quốc phòng đã được lên kế hoạch cho việc phát triển chương trình tàu ngầm nội địa của Đài Loan. Theo những dự đoán hết sức lạc quan của chính quyền, chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số này sẽ có thể ra khơi vào năm 2025. Trước khi thập kỷ này kết thúc, Đài Loan chỉ có thể chế tạo thêm một vài tàu nữa, với chi phí ước tính 1 tỷ USD/tàu.

Từ góc độ chiến thuật, đây là một chiến lược mua sắm phi lý. Về điểm này, các nhà phân tích Mỹ cũng có chung nhận định: Bằng việc xây dựng quân đội xoay quanh những cỗ máy quân sự công nghệ cao đắt tiền, Đài Loan đang dấn thân vào một cuộc chạy đua vũ trang mà họ không có đủ phương tiện để giành chiến thắng. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận những thương vụ mua bán này qua một lăng kính khác mà hầu như không có nhà quan sát Mỹ nào cân nhắc tới trong các phân tích của họ. Trong bối cảnh môi trường chính trị và truyền thông của Đài Loan, những ưu tiên của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phòng thủ lại trở nên hợp lý dù có phần ngược đời.

Đài Loan bị cô lập trên trường quốc tế, không được chính thức công nhận bởi bất kỳ đối tác kinh tế và quốc phòng quan trọng nào của họ, và thường xuyên phải chịu đựng một chiến dịch tuyên truyền gây tê liệt của Trung Quốc vốn được vạch ra nhằm làm suy yếu niềm tin của công chúng vào vị thế ngoại giao và sức mạnh quân sự của Đài Loan. Kết quả là bất kỳ sự cố quốc tế nào – bất kỳ điều gì có thể bị coi là làm suy giảm vị thế của Đài Loan trên thế giới – đều là một cơ hội để có thể ghi điểm trong việc chống lại đảng cầm quyền.

Hãy xem xét sự cạnh tranh của Đài Loan với Trung Quốc để được chính thức công nhận về mặt ngoại giao. Việc các nước nhỏ có chính thức công nhận Đài Loan hay không không gây ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế hay an ninh của hòn đảo này. Tác động ở đây mang tính tâm lý và chính trị. Khi El Salvador cắt đứt quan hệ với Đài Bắc vào năm 2018 và chuyển sang công nhận Bắc Kinh, người phát ngôn của Quốc dân đảng (KMT), đảng đối lập chính ở Đài Loan, đã cáo buộc đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền đang gây ra thảm họa. Người phát ngôn này đã phát biểu rất đanh thép: “DPP phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng bị cô lập của Đài Loan và xin lỗi người dân của chúng ta. Cá nhân tôi muốn hỏi bà Thái Anh Văn: Bà đang dẫn dắt Trung Hoa Dân quốc đi về đâu?”

Những sai lầm về quân sự cũng làm dấy lên những cơn bão truyền thông tương tự. Năm 2016 đã xảy ra một vụ bê bối khi một tên lửa chống hạm vô tình đánh trúng một tàu cá Đài Loan, khiến thuyền trưởng thiệt mạng. Chỉ trong một ngày, các phát ngôn viên của KMT đã gọi vụ việc này là một “cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia” và yêu cầu Thái Anh Văn hủy chuyến đi Mỹ theo dự kiến. Thái Anh Văn đã đổ lỗi cho cấp dưới, cáo buộc quân đội “coi thường kỷ luật và hoàn toàn thiếu năng lực”. Cơn lốc truyền thông diễn ra sau đó đi theo mô hình bình thường của Đài Loan, với những lời xin lỗi bắt buộc được đưa ra từ mọi vị trí dù cao hay thấp trong dây chuyền chỉ huy của Đài Loan, trở thành nguồn nhiên liệu cho sự phẫn nộ bùng phát suốt nhiều ngày trên truyền hình Đài Loan.

Cần thấu hiểu chiến lược mua sắm của Đài Loan trong bối cảnh như vậy. Các nhà lãnh đạo Đài Loan có động lực chính trị mạnh mẽ để nâng cao tầm vóc của Đài Loan trên trường quốc tế và công khai chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chia tách hòn đảo này với các đồng minh của họ. Tương tự, họ được khuyến khích thể hiện rằng dưới sự lãnh đạo của họ, quân đội Đài Loan vẫn là một lực lượng chiến đấu tầm cỡ thế giới. Việc mua sắm các trang thiết bị quân sự xa xỉ hầu như không có chút ý nghĩa chiến lược nào, nhưng đạt được cả hai mục tiêu này.

Trong một cuộc phỏng vấn giấu tên, một quan chức của DPP nói với tác giả bài viết (Tanner Greer, nhà báo, nhà nghiên cứu đang làm việc ở vùng ngoại ô Đài Bắc) lý do giải thích tại sao ông cho rằng việc mua xe tăng lại quan trọng đến vậy: “Thương vụ này là một tín hiệu cho thấy DPP có thể lãnh đạo trên lĩnh vực phòng thủ. Họ sẽ giúp người dân tự tin hơn rằng chúng tôi không bị Trung Quốc đại lục vượt mặt. Và lý do quan trọng nhất giải thích cho điều đó là mối quan hệ tốt đẹp của Thái Anh Văn với Mỹ”. Một quan chức cấp cao trả lời phỏng vấn của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách an ninh (CSPS) đã biện minh cho việc Đài Loan đặt hàng máy bay chiến đấu F-35 thay vì các máy bay không người lái ít tốn kém hơn bằng logic tương tự: “Không thể tạo ra một phi công anh hùng từ một chiếc máy bay không người lái”. Nhóm nghiên cứu của CSPS kết luận rằng đối với hầu hết các quan chức Đài Loan mà họ đã phỏng vấn, “việc mua máy bay tiên tiến của Mỹ là nhằm mục đích trấn an công chúng, chí ít là ngang với mục đích cải thiện khả năng chiến đấu”.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi xét tới việc Đài Loan không thuộc liên minh chính thức nào với Mỹ. Đối với các nhà lãnh đạo Đài Loan, việc mua bán vũ khí là một trong số ít những thước đo sẵn có để đánh giá cam kết của Mỹ đối với sự nghiệp của họ. Các nhà lãnh đạo Đài Loan có thể ca ngợi việc mua các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất như một điều gì đó mà đảng của họ đã làm nhằm nâng cao tầm vóc quốc tế của Đài Loan. Một chiếc xe tăng hay máy bay chiến đấu được đánh giá cao không chỉ vì tính hữu dụng thiết thực, mà còn vì giá trị biểu tượng của nó.

Gióng lên hồi chuông báo động

Việc mua sắm trang thiết bị phòng thủ của Đài Loan chắc hẳn khiến cho các nhà lãnh đạo Mỹ phải lo lắng. Cam kết mơ hồ của Mỹ đối với hoạt động phòng thủ của Đài Loan đang khiến cho hoạt động phòng thủ trên thực tế của Đài Loan trở nên kém logic hơn. Cách đây hai thập kỷ, khi Đài Loan có thể răn đe mối đe dọa xâm lược từ phía Trung Quốc bằng cách đưa một tàu sân bay Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, mối quan hệ quân sự phần lớn mang tính biểu tượng giữa hai bờ eo biển đã đủ để duy trì hòa bình. Điều đó hiện không còn đúng nữa. PLA đã lớn mạnh đến mức cả Đài Loan lẫn Mỹ đều không thể để quân đội Đài Loan dành thêm một thập kỷ nữa cho những thương vụ mua bán vũ khí dưới mức tối ưu. Nếu Mỹ muốn gia tăng sức mạnh phòng thủ của các lực lượng vũ trang Đài Loan, thì Washington cần tìm ra các cách khác để đem lại cho các nhà lãnh đạo Đài Loan những chiến thắng mang tính biểu tượng mà họ đang tìm kiếm từ các gói vũ khí.

Cách dễ dàng nhất để thực hiện điều này là khiến Đài Loan dần hạn chế việc mua sắm và hướng tới việc huấn luyện quân sự để thỏa mãn mong muốn phô trương thanh thế. Bộ Quốc phòng Mỹ nên thiết lập các cuộc tập trận quân sự chung với không quân, lục quân và hải quân Đài Loan. Những cuộc diễn tập này nên diễn ra thường xuyên, được quảng bá rộng rãi và được tổ chức trên đất Mỹ chí ít là trong thời gian đầu. Một cách khỏi đầu dễ dàng là mời hải quân Đài Loan chính thức tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), một cuộc tập trận chiến tranh hải quân đa quốc gia diễn ra bên trong và xung quanh quần đảo Hawaii. Trước đây, các nhà quan sát Đài Loan từng được mời tham dự RIMPAC, nhưng chỉ với tư cách các nhà quan sát mặc thường phục. Với hơn 20 nước thành viên tham gia RIMPAC, đại diện chính thức của Đài Loan sẽ là kiểu động thái ngoại giao táo bạo mà các chính trị gia Đài Loan mong mỏi.

Các cuộc tập trận chung cũng sẽ trao quyền cho các nhà cải cách trong nội bộ quân đội Đài Loan, những người muốn đạt được một tư thế phòng thủ có khả năng chống đỡ lớn hơn. Mùa Hè năm 2019, các đơn vị đối kháng của Estonia và Ba Lan đã được mời tham gia hoạt động huấn luyện chiến đấu bất thường Ridge Runner của Quân đội Mỹ, được tổ chức hàng năm ở Tây Virginia nhằm huấn luyện chiến thuật nổi dậy cùng với lực lượng Mũ nồi xanh. Nếu Đài Loan được mời tham gia đợt huấn luyện tiếp theo, uy tín của việc công khai hợp tác với Lực lượng đặc biệt Mỹ có thể đem lại cho các nhà cải cách động lực cần thiết để bắt đầu huấn luyện binh sĩ và quân dự bị Đài Loan về những kỹ năng tương tự ngay tại Đài Loan.

Bất kỳ hành động nào của Mỹ nhằm tăng cường hoạt động phòng thủ của Đài Loan đều sẽ khiến các nhà hoạch định chiến tranh Trung Quốc khó chịu. Sự giận dữ của họ có khả năng sẽ lan truyền sang các phương diện khác của mối quan hệ Trung-Mỹ. Nếu cam kết của Mỹ đối với sự tự do của Đài Loan được đánh giá là đáng để Mỹ chấp nhận nguy cơ bị Trung Quốc trút giận, thì Washington cần bảo đảm rằng sự hỗ trợ của họ thực sự tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng thủ của Đài Loan. Một Đài Loan mà ở đó nhà lãnh đạo phải dựa vào tính biểu tượng của các gói vũ khí để củng cố hình ảnh của họ trong mắt người dân là một Đài Loan không thể tự bảo vệ mình khi tình hình trở nên cấp bách.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG 

Tags: , ,