Tính cách người Nghệ: Hay, dở và mong muốn của chúng ta

Tính cách của người Nghệ đã được hình thành trong quá trình cả mấy trăm năm nên không dễ gì thay đổi một sớm, một chiều. Có những đặc tính tốt nhưng bị đẩy lên quá đà sẽ trở thành xấu…

Tính cách người Nghệ: Hay, dở và mong muốn của chúng ta

>> Về tính cách đặc thù của người xứ Nghệ
.

Những đặc tính của người Nghệ đã được nghiên cứu, tổng kết

Ở Việt Nam, hầu như không ai bàn cãi về việc người xứ Nghệ có những đặc tính riêng. Người ta mặc nhiên công nhận người Nghệ có nhiều nét khác với những người vùng miền khác. Thật ra, sự khác biệt tuy khá rõ ràng nhưng lại khó “cân đong đo đếm” chính xác. Nhìn vào thực tế cuộc sống, chúng ta có thể nhận ra điều này: Người Nghệ cũng có những phẩm chất như người ở các vùng miền khác nhưng cái gì ở người Nghệ (cả cái tốt lẫn cái xấu, cả cái tích cực cũng như cái tiêu cực) cũng được đẩy cao hơn một chút. Chính “một chút” này là nhân tố quan trọng tạo nên tính cách, nhân cách và những phẩm chất đạo đức của người Nghệ; chúng khác biệt với tính cách của những người xứ khác. Điều này khiến người ta kết luận người Nghệ cực đoan quả là có lý. Nhưng có một điều khiến chúng ta khá yên tâm là những người chỉ ra cái hay, cũng như cái dở của người Nghệ thường lại chính là người Nghệ – những người sinh ra và lớn lên ở dải đất từ khe Nước Lạnh (giáp Thanh Hóa) đến đèo Ngang (giáp Quảng Bình).

Có lẽ người đầu tiên nghiên cứu về tính cách người Nghệ có hệ thống là Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828). Ông là người tài năng, lại đã từng làm Đốc học Nghệ An nên những nhận xét của ông là có cơ sở. Ông cho rằng, giới tinh hoa của xứ Nghệ “lấy danh tiết làm trọng”, vì thế họ đàng hoàng, khí khái, không luồn cúi. Về dân thường thì họ cần cù, chịu khó, trung thành, nghĩa khí…

Sau này, những học giả, những nhà nghiên cứu như GS. Đặng Thai Mai, GS. Vũ Ngọc Khánh, Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, GS. Phong Lê… cũng có những kết luận khá thống nhất với nhau.

Dựa vào những kết quả nghiên cứu của các học giả, chúng ta có thể đưa ra đánh giátính cách của con người xứ Nghệmột cách khái quát. Những ưu điểm: Ham hiểu biết, học giỏi, đỗ đạt cao, có nhiều cống hiến cho đất nước; Chăm làm, cần cù, nhẫn nại, chịu khổ, chịu khó nên có thể sống và lập nghiệp được ở bất cứ nơi nào; Khẳng khái, trọng danh dự, đàng hoàng, dũng cảm, có bản lĩnh, sẵn sàng hi sinh quyền lợi vật chất để có được sự thanh thản trong đời sống tinh thần; Hào sảng, hài hước, lạc quan trong mọi tình huống nên thường làm chủ được tình hình; Yêu nước, yêu quê, mộc mạc, chân thành, tình nghĩa, có tinh thần đoàn kết bảo vệ lẫn nhau nên thường tạo lập những cộng đồng người Nghệ mạnh nơi xa xứ; Coi trọng nề nếp gia đình, cần kiệm, chắt chiu, biết lo toan nên luôn luôn vượt qua gian khó… Đây chính là những tính cách đã làm nên vẻ đẹp, chất lý tưởng, sự thanh tao của con người xứ Nghệ. Người Nghệ được tôn trọng, được ca ngợi chính là nhờ những phẩm chất này.

Bên cạnh những ưu điểm lớn được nêu trên, là những nhược điểm cũng không hề nhỏ: Nóng nảy, cục cằn đến thô lỗ; Trịch thượng, tự kiêu, tự mãn đến xem thường tất cả; Hẹp hòi, bảo thủ đến mù quáng; Cục bộ đến mức khi nào “người Nghệ cũng nhất” nên thường kéo bè, kéo cánh; Keo kiệt, bủn xỉn đến quẫn trí… Những cái dở này khiến người Nghệ bị kỳ thị ở nhiều vùng, nhiều nơi; Chúng cũng kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian dài; Nhiều khi, chúng vô hiệu hóa mọi nỗ lực đổi mới… Cho đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của người Nghệ vẫn thấp hơn so với cả nước, có lẽ cũng phần nào bị những nhược điểm này tác động. Rất may, những nhược điểm này đã được chính những người Nghệ nhận diện và người ta cố “vây hãm” để chúng ít có điều kiện bộc lộ; do đó, đã hạn chế được nhiều tác hại.

Với những tính cách như vậy, người Nghệ tỏ ra nổi bật khi đất nước có chiến tranh, bị thiên tai tàn phá hay khủng hoảng. Và chúng ta không lấy làm lạ khi người Nghệ thường đi đầu trong các phong trào cách mạng; có nhiều anh hùng, liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh; luôn luôn có mặt ở những nơi khó khăn của đất nước như biên giới, hải đảo…

Ở đây cũng cần thấy rằng, có những đặc tính tốt nhưng bị đẩy lên quá đà sẽ trở thành xấu. Ví dụ, tính gắn kết, tình cảm đồng hương chẳng hạn. Nếu ở mức độ vừa phải là đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhưng đẩy lên quá thì thành bè phái, địa phương chủ nghĩa. Tương tự như vậy, sự chừng mực trong chi tiêu được xem là tiết kiệm – một đức tính tốt. Song, khi đức tính này bị đẩy quá lên một chút, thành ra bủn xỉn, ki bo. Hoặc thẳng thắn, khảng khái đến mức độ bạo liệt khiến đối tác sợ hãi không dám cộng tác cũng là điều không nên.

Những ưu điểm và nhược điểm nói trên tuy không phải là tính cách đặc thù của riêng người xứ Nghệ nhưng chúng biểu hiện đậm nét hơn ở nhiều người xứ này nên mặc nhiên chúng được chú ý.

Những gì góp phần hình thành nên tính cách người Nghệ?

Về nguyên tắc, có ba yếu tố cơ bản tạo nên tính cách con người. Đó là thiên nhiên, sinh hoạt cộng đồng làng xóm và giáo dục truyền thống gia đình. Cả ba yếu tố này ở xứ Nghệ đều có những đặc điểm rất đáng chú ý.

Thiên nhiên bao gồm địa hình, địa vật, khí hậu, thổ nhưỡng… Điều dễ dàng nhận ra là thiên nhiên xứ Nghệ hùng vĩ với núi cao, rừng rậm, sông sâu, biển lớn… Nhiều vùng đất xứ Nghệ thâm nghiêm, hiểm trở gắn với nhiều huyền thoại khiến chúng trở nên linh thiêng. Thiên nhiên xứ Nghệ được xem là đẹp như một bức tranh họa đồ. Núi Hồng, sông Lam đã trở thành biểu tượng cái đẹp của thiên nhiên. Điều này tác động đến tâm hồn, tính cách của con người. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi có nhiều người Nghệ ở nhiều thời đại khác nhau trở thành những nghệ sĩ lớn. Còn những người dân bình thường cũng có tâm hồn nghệ sĩ khi tham gia vào quá trình tạo nên những làn điệu Ví, Giặm trứ danh.

Tuy thiên nhiên đẹp là vậy nhưng khí hậu nơi này thì vô cùng khắc nghiệt với “nắng trũng hai vai, mưa thâm mắt cá”. Thời tiết ở đây cũng cực đoan: Hạn hán, bão tố, lụt lội thay nhau hoàn hành trên vùng đất này. Để mưu sinh bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản trên vùng đất này là cực kỳ khó khăn, vất vả và mạo hiểm nữa. Do đó, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp, người Nghệ chỉ kiếm được đủ ăn là giỏi lắm rồi, làm giàu là giấc mơ khá viển vông.Đã bao đời người Nghệ chấp nhận nghèo và xem đây như là một loại “đặc sản” của miền đất này. Tuy nhiên, nhiều người Nghệ cũng đã tuyên bố thẳng thừng: Chấp nhận người Nghệ nghèo nhưng không bao giờ chấp nhận người Nghệ hèn!

Sinh hoạt cộng đồng làng xóm ở xứ Nghệ rất chặt chẽ, thân thiện từ bao đời nay, gắn với lễ hội cũng như những sinh hoạt hàng ngày như “trưa hè gọi nhau râm ran chè xanh”. Cái chặt chẽ, thân thiện trong sinh hoạt cộng đồng cũng chính là cơ chế để kiểm soát và khích lệ lẫn nhau, thi đua với nhau. Trong các cuộc chiến tranh khốc liệt, đặc biệt là chiến tranh chống Mỹ cứu nước, con em người Nghệ hầu như không đảo ngũ chính là vì cơ chế này. Nếu gia đình nào, dòng họ nào có con cháu tỏ ra hèn nhát thì bị bêu riếu, bị khinh bỉ ngay lập tức. Còn những gia đình nào có con cháu được phong anh hùng, đoạt giải quốc gia, quốc tế trong học hành, thi cử thì lập tức được ca ngợi, được trở thành tấm gương để học tập. Văn hóa làng xã ở xứ Nghệ có những đặc điểm riêng như vậy và nó góp phần tạo nên những đặc điểm rất nổi bật trong tính cách người Nghệ.

Gia đình là thiết chế phổ quát của toàn nhân loại, nhưng với gia đình của người Nghệ cũng có những nét khác biệt trong giáo dục và việc hình thành những phẩm chất đạo đức. Từ xa xưa, đất Nghệ là đất học nên tư tưởng Nho giáo hằn sâu trong nề nếp sinh hoạt trong gia đình người Nghệ. Biểu hiện rõ nhất ở đây là tính gia trưởng của ông bố – người chủ gia đình. Hầu hết các ông chủ gia đình người Nghệ đều sùng bái chuyện học hành nên những gì liên quan đến học hành là ưu tiên số một. Vào những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước – khi chuyện đỗ đại học đang rất khó khăn thì chuyện bán nhà cho con ra Hà Nội ôn thi không phải là chuyện hiếm. Nghèo mà học giỏi, đỗ đạt cao luôn được xem là một niềm tự hào. Thực tế là sau khi con cái học hành hanh thông, cơ hội giúp gia đình rất sáng sủa. Năm 1985, một cơn bão lớn quét qua Nghệ An, ở thành phố Vinh có rất nhiều nhà bị đổ; trong đó có nhà của một đôi vợ chồng nghèo và đã cao tuổi, họ có 10 người con thì cả 10 tốt nghiệp và đang học đại học. Trong khi các nhà khác đã được dựng lại thì nhà của đôi vợ chồng này nguyên trạng. Nhưng hơn một tuần sau, cả 10 người con đều đồng loạt trở về và mang theo tiền, gạo. Chẳng mấy chốc, ngôi nhà của đôi vợ chồng già được xây dựng khang trang. Chuyện này được xem là một chuyện điển hình trong giáo dục truyền thống gia đình.

Mong muốn của chúng ta

Trước đây, người ta cho rằng, người Nghệ đều tỏ ra giỏi giang trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, nghệ thuật, thể thao… Còn trong lĩnh vực kinh tế thì người Nghệ thường tỏ ra kém cỏi, không có những đóng góp đáng giá. Tuy nhiên, ngày nay, sau khi xuất hiện những nhân vật như Phạm Nhật Vượng, Lê Thanh Thản, Thái Hương… thì ý kiến đã thay đổi. Nhìn tổng thể, người ta phải thấy rằng, người Nghệ thông minh và có ý chí nên nếu họ tập trung vào lĩnh vực nào thì họ đều có thể thành công trong lĩnh vực đó. Cái chính là họ có nhìn thấy ý nghĩa to lớn trong những vấn đề mà họ quan tâm hay không mà thôi.

Rõ ràng, hiện nay vấn đề phát triển kinh tế, nếu không phải là ưu tiên số một thì cũng là điều rất đáng được quan tâm ở xứ Nghệ. Để biến tiềm năng của thiên nhiên và con người thành những giá trị vật chất cụ thể, người Nghệ cần có sự điều chỉnh, cần thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm. Vậy mong muốn của chúng ta là người Nghệ hãy nhìn nhận lại mình một cách thật khắt khe, thật tỉnh táo để khắc phục nhược điểm, phát huy tất cả những ưu điểm cơ bản của mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng vùng đất từ khe Nước Lạnh đến đèo Ngang phát triển nhanh, mạnh, vững chắc.

Tính cách của người Nghệ đã được hình thành trong quá trình cả mấy trăm năm nên không dễ gì thay đổi một sớm, một chiều. Hơn nữa, nhiều người Nghệ vẫn cho rằng, ở họ toàn những đức tính tốt, việc gì phải thay đổi?! Trong khi tranh luận, nếu người Nghệ hạ câu: “Choa chỉ rứa!” thì coi như chúng ta không thay đổi được gì.

Muốn thay đổi, người Nghệ phải có tinh thần cầu thị, chú ý lắng nghe những ý kiến đóng góp, những ý kiến phản biện từ nhiều phía. Một thuận lợi cơ bản là người Nghệ tỏa đi khắp mọi miền đất nước để lập nghiệp. Trong số những người sống tha hương, có rất nhiều người xuất sắc. Họ thường có cái nhìn thấu đáo, khách quan; họ dễ dàng nhận ra những mặt yếu, mặt mạnh; cái hay, cái dở trong tính cách của người Nghệ. Do vậy, một trong những điều cần làm là tranh thủ sự giúp đỡ của những người Nghệ sống xa quê. Phần lớn những người này cũng sẵn sàng góp sức để xây dựng quê hương. Họ không chỉ góp ý, mà sẵn sàng đầu tư.

Có một điều khá mâu thuẫn là người Nghệ vốn sắc sảo, thông minh nhưng trong giải quyết công việc hàng ngày lại không thiên về duy lý (tôn trọng sự thật khách quan), mà thiên về duy tình (dựa trên cảm xúc, cảm nhận). Do vậy, nhiều vụ việc, nhiều dự án được tiến hành rầm rộ nhưng không mang lại hiệu quả tương xứng.

Bây giờ, chúng ta muốn hạn chế những tiêu cực, phát huy những điều tích cực trong tính cách người Nghệ, việc quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục. Để việc tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả, tốt nhất là điều này phải được làm ngay từ trong gia đình. Dẫu chúng ta đã tuyên truyền về bình đẳng giới rất lâu, rất nhiều rồi, mọi người có vẻ thông rồi nhưng trên thực tế, gia đình người Nghệ vẫn giữ những mặt tích cực của tư tưởng Nho giáo. Đó là sự kính trên, nhường dưới; lắng nghe và thực hiện những chỉ bảo của ông bà, cha mẹ. Do vậy, ông bà, cha mẹ chính là những người lĩnh hội tư tưởng đổi mới và truyền đạt cho con cháu. Làm được điều này thì việc tuyên truyền, giáo dục những đức tính tốt của người Nghệ diễn ra rất thuận lợi.

Nhà trường cũng chính là môi trường phù hợp để chúng ta tiến hành tuyên truyền, giáo dục về những phẩm chất tốt đẹp của người Nghệ. Muốn vậy, các thầy cô giáo phải là những tuyên truyền viên tích cực. Điều quan trọng nhất, họ phải lấy chính mình ra làm “giáo cụ trực quan”, nghĩa là bản thân họ phải có những hành động cụ thể thể hiện được những điều tốt đẹp trong con người mình.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng và báo chí – truyền thông phải có chương trình và tư tưởng trong việc tuyên truyền, giáo dục những phẩm chất tốt đẹp của người Nghệ. Những đức tính tốt đẹp của người Nghệ đã được khái quát, đã được chỉ ra nhưng để người dân, nhất là thế hệ trẻ công nhận và lĩnh hội là điều không đơn giản. Cán bộ tuyên giáo, văn hóa, báo chí phải tìm cách lập luận và chứng minh một cách sinh động thì mới mong đạt hiệu quả. Đừng quên làm điều này phải kiên trì, sáng tạo và dựa vào hạt nhân là gia đình.

Theo HỒ BẤT KHUẤT / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: , ,