⠀
Thực trạng tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam
Những năm gần đây, tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam luôn được đánh giá ở mức độ cao nhất trong tất cả các lĩnh vực quản lý, mặc dù các cấp có thẩm quyền đã có nhiều nỗ lực nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý.
Nguồn: Tạp chí Thanh Tra số 1/2011, Phạm Mạnh Khải, Cục IV, Thanh tra Chính phủ.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra và dựa theo kết quả của công tác điều tra xã hội học do một số tổ chức quốc tế đã tiến hành, có thể thấy, trước đây các hành vi tham nhũng trong quản lý đất đai thường được thể hiện dưới các dạng chủ yếu như:
– Cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai thường kéo dài nhằm nhận hối lộ của người có nhu cầu thực hiện, bao gồm cả quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và quy trình đăng ký về sự biến động việc sử dụng đất,
– Quyết định giao đất, cho thuê đất trái quy hoạch, không đúng đối tượng và tính giá đất thấp hơn giá thị trường nhằm nhận hối lộ của các nhà đầu tư
– Thu hồi đất với diện tích rộng hơn diện tích sẽ giao cho nhà đầu tư, phần chênh lệch được sử dụng để giao cho người trong gia đình, người thân quen hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã bán đất thuộc phạm vi mình quản lý để thu lợi sử dụng một phần cho mục đích riêng,
– Tính toán bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhiều hơn mức cần thực hiện, phần chênh lệch được sử dụng cho mục đích riêng tư…
Hiện nay, trên thế giới, những nhà nghiên cứu đã đưa ra một công thức về tham nhũng trong quản lý đất đai như sau: Tham nhũng = Độc quyền + Độc đoán – Trách nhiệm giải trình – Minh bạch.
Rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý đất đai, xem xét cụ thể các yếu nêu trên có thể phát hiện ra khả năng tham nhũng xảy ra dưới các hình thức sau:
1 – Tham nhũng do cơ chế chính sách không đồng bộ, quản lý chồng chéo
Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đất đai được ban hành khá nhiều nhưng còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng và minh bạch nên đã tạo ra những kẽ hở để tham nhũng như cho các nhà đầu tư nợ, chậm nộp tiền sử dụng đất; để đất bỏ không lãng phí không sử dụng trong khi người dân không có đất để xản xuất. Trong một thời gian dài trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được ban hành kịp thời và không rõ ràng. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các tỉnh, thành phố còn chậm, chưa kịp thời, nhất là các văn bản liên quan đến người sử dụng đất dẫn đến việc nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và các tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó còn do sự phối hợp giữa các bộ ngành ở Trung ương và các địa phương trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng về đất đai chưa cao, chưa tạo lập được quy chế phối hợp, trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Việc phân công quản lý nhà nước về đất đai cũng có sự chồng chéo tạo ra những mâu thuẫn không cần thiết giữa các cơ quan, tạo kẽ hở để tham nhũng, ví dụ như ngành Tài nguyên – môi trường thì được giao quản lý đất đai nhưng việc xác định thuế đất, giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng lại do ngành Tài chính chủ trì xác định.
2 – Tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gọi là cấp “sổ đỏ”
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho đến nay, cả nước đã cấp 13.836.600 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, với diện tích 7.524.600 ha (đạt 82,4% diện tích); cấp 10.467.614 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn, với diện tích 413.889 ha (đạt 81,1% diện tích); cấp 3.434.500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị, với diện tích 76.296 ha (đạt 68,1% diện tích).
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế đã cho thấy tham nhũng trong việc cấp “sổ đỏ” cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chiếm khoảng 35%. Hành vi tham nhũng ở lĩnh vực này tuy ở mức độ không lớn nhưng lại diễn ra một cách phổ biến và thường xuyên. Cách thức thể hiện như sau: Người dân thường gặp khó khăn trong việc kê khai các giấy tờ cần thiết, không biết cách điền hồ sơ xin cấp sổ đỏ.
Do vậy, có nguy cơ là cán bộ địa chính đặt ra những yêu cầu trái pháp luật mà người dân không hề biết, hoặc người nộp thấy “mệt mỏi” với các thủ tục khó hiểu, dẫn tới phải đưa tiền cho cán bộ để được họ giúp đỡ; có địa phương cán bộ địa chính xã yêu cầu thêm một số giấy tờ mà pháp luật không quy định, như chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc trích lục bản đồ địa chính; kéo dài thời gian đánh giá, phê duyệt và chậm thực hiện các thủ tục với nhiều lý do khác nhau, nhưng khi có sự quen biết, có sự bồi dưỡng thêm, hoặc sử dụng cái gọi là “cò giấy tờ” thì thời gian sẽ được rút ngắn. Đây cũng là một trong số những biểu hiện của tham nhũng trong lĩnh vực này.
3 – Tham nhũng trong việc quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Hình thức tham nhũng trong lĩnh vực này xảy ra dưới dạng sau:
– Các nhà đầu tư cấu kết với cán bộ quản lý về đất đai để mua một diện tích lớn đất nông nghiệp. Sau đó, họ tác động với cấp có thẩm quyền để sửa quy hoạch, chuyển diện tích này thành đất phi nông nghiệp với sự chênh lệch về giá trị một cách vô cùng lớn. Mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh Dân chủ cơ sở và một số văn bản khác của pháp luật quy định phải lấy ý kiến công khai của người dân trước khi phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là không có một quy định nào của pháp luật bắt buộc phải công khai, dân chủ, lấy ý kiến của nhân dân trong việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và đồ án quy hoạch. Ngoài ra, nhà đầu tư thường gặp khó khăn, phức tạp khi đi tìm đất để thực hiện các dự án đầu tư. Nội dung quy hoạch sử dụng đất không rõ ràng, thảo luận địa điểm để đầu tư cần phải gặp gỡ tất cả ba cấp xã, huyện, tỉnh với nhiều đầu mối công việc khác nhau, chi phí ngoại giao cho các khâu này thường là rất tốn kém, do đó, cũng dễ nảy sinh tham nhũng.
– Cơ chế kiểm đếm tài sản hiện có trên đất, định giá tài sản trên đất, định giá đất để tính giá trị để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường do Ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở cấp huyện thực hiện với một cơ chế hành chính tuyệt đối, thiếu sự tham gia giám sát khách quan của những người bị thu hồi đất, của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi, của các tổ chức xã hội cũng là nguyên nhân tạo nên nguy cơ tham nhũng cao.
– Một số chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án bằng cách thu hẹp phần quỹ đất để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công cộng để tăng phần quỹ đất xây nhà ở, nhằm mục đích kiếm lời cho cá nhân.
*
Nhận định được các biểu hiện tham nhũng sẽ giúp cho việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ tham nhũng trở nên dễ dàng hơn. Về mặt lý luận, theo công thức tham nhũng ở trên, giải pháp sẽ là giảm sự độc quyền của bộ máy hành chính nhà nước, giảm tính độc đoán của người ra quyết định, tăng trách nhiệm giải trình của các vị trí quản lý và tăng mức độ minh bạch của quy trình quản lý. Tất nhiên, các giải pháp này phải được đưa vào trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, việc thực thi pháp luật, đổi mới tư duy vì dân của người quản lý và cần nâng cao nhận thức của người dân. Các biểu hiện cụ thể của giải pháp nói trên bao gồm:
1 – Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai nhằm kinh tế hóa tài nguyên đất tiến tới loại bỏ dần cơ chế “xin – cho”; thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án thực hiện ở vị trí có giá trị sinh lời cao. Đồng thời, công khai, minh bạch mọi thông tin về quản lý và sử dụng đất đai, cho phép mọi người dân được tiếp cận những thông tin này.
2 – Công tác quy hoạch sử dụng đất cần phải có tầm nhìn chiến lược, tính khoa học để tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời, cần phải điều chỉnh chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, nâng giá đất sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Tăng tính độc lập, khách quan của hệ thống xây dựng quy hoạch, thực hiện việc đăng ký bất động sản, thẩm định dự án đầu tư, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định giá đất ra khỏi hệ thống cơ quan hành chính.
3 – Nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính đối với các cơ quan trực thuộc. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của công tác giám sát do hệ thống Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và người dân thực hiện. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành với các địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng, thực hiện cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng; rà soát, lập danh mục các vụ án tham nhũng về đất đai trên toàn quốc để tập chung chỉ đạo xử lý nghiêm minh.
4 – Đổi mới trình tự, thủ tục ban hành các quyết định hành chính theo hướng giảm tính độc đoán của người có thẩm quyền ban hành quyết định. Có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình đối với từng vị trí công tác trong bộ máy quản lý đất đai. Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu ban hành Luật đăng ký bất động sản, Luật thuế sử dụng đất.
Với những giải pháp trên, thiết nghĩ sẽ giúp các nhà quản lý sớm có những cơ chế chính sách phù hợp và đủ mạnh để ngăn ngừa tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai là một nhiệm vụ rất khó khăn ở các nước đang phát triển, cũng như ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Kết quả của nó phụ thuộc vào quyết tâm của bộ máy hành chính nói chung và của bộ máy quản lý nhà nước về đất đai nói riêng. Giải pháp đã sẵn sàng, nhưng nếu thiếu sự quyết tâm thì không có giải pháp nào thành công được.
Theo TẠP CHÍ THANH TRA
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Đất đai - Bất động sản