Thực hư về mối quan hệ chiến lược Nga – Trung Quốc

Giữa hai nước đang ngày càng có ít điểm hội tụ chiến lược và có thêm nhiều điểm khác biệt trong quan hệ với láng giềng của riêng từng nước. Mối quan hệ chiến lược Nga-Trung thực chất có thể gọi là một sự dàn xếp chiến lược mang tính cơ hội, phản ứng tự phát trước ưu thế chiến lược nổi trội của Mỹ trong hai thập kỷ vừa qua.

Thực hư về mối quan hệ chiến lược Nga – Trung Quốc

Tác giả: Tiến sĩ Subhash Kapila, cố vấn về các vấn đề quan hệ quốc tế và chiến lược thuộc Nhóm Phân tích Nam Á. Bài viết được đăng trên Eurasia Review.

Mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Trung Quốc cùng với mối quan hệ không mấy yên ổn giữa Trung Quốc và Mỹ đang là những chủ đề tranh cãi nóng nhất. Các chủ đề này xoay quanh một Trung Quốc không thể đoán định trước với mục tiêu đầy tham vọng là trở thành một siêu cường trên thế giới đang đụng chạm mạnh tới những lợi ích chiến lược của Nga và Mỹ, và trớ trêu thay cả hai quốc gia hùng mạnh này lại có khuynh hướng nhân nhượng và trợ giúp cho sự trỗi dậy không hòa bình chút nào của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu.

Trung Quốc chưa hề thực sự trung thành với cả Nga hay Mỹ, thậm chí ngay cả trong những giai đoạn khó khăn trong những thập kỷ trước, nước này vẫn lưỡng lự giữa việc thân Nga hay ngả sang với Mỹ. Trung Quốc chưa bao giờ hoàn toàn trung thành thậm chí với cả người thầy về tư tưởng và người bảo trợ về chiến lược trong những giai đoạn đầu hình thành và củng cố nhà nước của mình – đó là Liên bang Xôviết cũ.

Mối quan hệ chiến lược Nga-Trung thực chất có thể gọi là một sự dàn xếp chiến lược mang tính cơ hội xuất hiện ngay trong một vài năm đầu của thời hậu Chiến tranh Lạnh những năm 1990. Khó mà có thể coi đó là “Quan hệ đối tác chiến lược” bởi càng ngày càng có ít điểm hội tụ chiến lược và có thêm nhiều điểm khác biệt trong quan hệ với láng giềng của riêng từng nước. Quan hệ chiến lược Nga-Trung là phản ứng tự phát trước ưu thế chiến lược nổi trội của Mỹ trong hai thập kỷ vừa qua.

Nga và Trung Quốc có các quan điểm trái chiều về Nhật Bản và đây là vấn đề nghiêm trọng nhất. Trung Quốc coi Nhật Bản là kẻ thù không khoan nhượng bởi những vấn đề lịch sử và lo sợ rằng một Nhật Bản vừa tái định hướng những ưu tiên về quân sự và an ninh của nước này có thể trong tương lai lại nổi lên là một mối đe doạ về an ninh đối với Trung Quốc. Còn Nga mặc dù có những tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản song vẫn mong muốn thiết lập quan hệ kinh tế, chính trị tốt đẹp với nước này. Trong suy nghĩ chiến lược của mình hiện nay, Nga không coi đó là mối đe dọa, mà là thách thức và cơ hội cho mình. Nhật sẽ có vai trò quan trọng trong “Chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương” mà Nga công bố.

Việt Nam cũng là một vấn đề bất đồng lớn nữa trong nhận thức chiến lược giữa Trung Quốc và Nga. Nga là nhà bảo trợ chiến lược lâu dài của Việt Nam và có các mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Nga có các hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Việt Nam cũng như các máy bay chiến đấu và tên lửa chống hạm. Nga mong muốn Việt Nam không chuyển hướng quan hệ chiến lược sang Mỹ, nước cũng sẽ sớm cung cấp các trang thiết bị quân sự mới cho Việt Nam.

Trái lại, Trung Quốc, với chính sách “bên miệng hố chiến tranh” hung hăng và gây hấn về mặt quân sự với Việt Nam trong tranh chấp ở Biển Đông, đã hành xử với Việt Nam như với một “quốc gia thù địch” bất chấp những tương đồng về hệ tư tưởng. Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng, ức hiếp Việt Nam bất chấp các quy tắc và luật pháp quốc tế. Các hành động thù địch như vậy của Trung Quốc đã tạo nên thái độ chống Trung Quốc trong người dân Việt Nam.

Nga nhận thức Trung Quốc là mối đe dọa trong dài hạn đặc biệt đối với an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ ở các tỉnh Viễn Đông của Nga ven bờ Thái Bình Dương mà Trung Quốc vẫn nhòm ngó và đã cho hàng ngàn người Trung Quốc di cư sang bất hợp pháp.

Nam Á là khu vực duy nhất mà năm nay dường như có một điểm hội tụ chiến lược giữa Nga và Trung Quốc: đó là Pakistan. Nga hoặc là chiều theo Trung Quốc hoặc muốn chọc giận Ấn Độ vì xích lại gần với Mỹ hơn nên thúc đẩy quan hệ chiến lược với Pakistan. Tuy nhiên, đây là canh bạc chiến lược của Nga và sự bền vững của mối quan hệ mới giữa Nga và Pakistan vẫn là điều còn phải nghi ngại.

Trung Đông đóng vai trò nền tảng quan trọng cho những lợi ích quốc gia của Nga và ở đây, Trung Quốc ngoài việc đưa ra một vài lời ủng hộ hùng hồn đối với Nga trong vấn đề Syria thì chưa làm được điều gì đáng kể. Hoạt động duy nhất đáng chú ý của Trung Quốc là tham gia cuộc tập trận hải quân Nga-Trung ở Đông Địa Trung Hải trong năm nay.

Với châu Âu, Nga và Trung Quốc có vẻ cũng không có bất kỳ một nhận thức chiến lược chung nào. Châu Âu gắn kết với Nga vì đây là nguồn đảm bảo an ninh năng lượng của mình trong khi lại quan tâm hơn về thương mại với Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là Nga và Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu một trong hai bên vướng vào sự đối đầu trực tiếp với Mỹ? Câu trả lời sẽ luôn là chẳng ai trong Nga và Trung Quốc sẽ vượt quá những lời nói thể hiện sự ủng hộ.

Trong nội bộ Nga cũng dường như có sự phản đối Nga xây dựng một mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc khi cho rằng việc Nga cung cấp nhiều năng lượng và bán vũ khí cho Trung Quốc sẽ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự và điều này sẽ có hai tác động không tốt cho Nga. Tác động thứ nhất là tăng cường khả năng gây chiến của Trung Quốc và sẽ có thể làm phức tạp mối quan hệ với các bạn hữu của Nga như Việt Nam, chưa kể có ngày Trung Quốc cũng sẽ quay súng sang cả với Nga. Thứ hai là điều này sẽ dần dẫn tới sự thu hẹp vị thế chiến lược và hình ảnh của Nga.

Tóm lại, người ta có thể sẽ có một suy nghĩ rằng cách duy nhất để phá vỡ quan hệ chiến lược Nga-Trung là Mỹ thực sự phải “sắp đặt lại” quan hệ của nước này với Nga với nhận thức thực tế là Trung Quốc mới là nguy cơ thực sự đối với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Những chính sách nhân nhượng Trung Quốc của Mỹ đã không thể làm cho Trung Quốc thấy rằng nước này cần phải hội nhập với cộng đồng quốc tế và tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,