⠀
Thứ nhất hậu duệ. Thứ nhì quan hệ. Thứ ba tiền tệ…
Dù có quan hệ rộng rãi hay có nhiều tiền bạc đến mấy thì những cán bộ trẻ chưa đầy 30 tuổi, rất thiếu vốn kiến thức chuyên ngành và thiếu cả kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, không thể bỗng chốc nhảy phóc lên tới chức vụ trưởng, cục trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch cấp huyện, cấp tỉnh hay tổng giám đốc một tổng công ty cực lớn…
Nhiều năm nay, nói về hiện tượng tiêu cực trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, tuyển chọn cán bộ của ta trong xã hội đã lưu truyền câu vè: “Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ”. Thật ra, câu vè này còn có tới mấy dị bản. Thí dụ: Dị bản 1, “Thứ nhất tiền tệ/ Thứ nhì hậu duệ/ Thứ ba đồ đệ/ Thứ tư trí tuệ”. Dị bản 2, “Thứ nhất hậu duệ/ Thứ nhì quan hệ/ Thứ ba tiền tệ/ Thứ tư trí tuệ”. Điều đáng chú ý là ở tất cả các dị bản đó, trí tuệ đều bị xếp ở cuối bảng tổng sắp.
Với các dị bản nêu trên, theo tôi, dị bản 2 xem ra là phù hợp nhất với những hiện tượng có trong thực tế của nước ta hiện nay. Bởi vì, dù có quan hệ rộng rãi hay có nhiều tiền bạc đến mấy thì những cán bộ trẻ chưa đầy 30 tuổi, rất thiếu vốn kiến thức chuyên ngành và thiếu cả kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, không thể bỗng chốc nhảy phóc lên tới chức vụ trưởng, cục trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch cấp huyện, cấp tỉnh hay tổng giám đốc một tổng công ty cực lớn có tới mấy nghìn cán bộ, công nhân viên nếu không phải là “con, cháu các cụ”. Vì thế, người ta đưa hậu duệ lên đầu bảng tổng sắp là rất có lý. Hậu duệ ở đây, dân gian thường gọi là lớp người thuộc “4c”: “con, cháu các cụ”.
Người Nhật có câu: “Quan hệ tốt coi như đã hoàn thành tới 70% công việc”. Vì thế, quan hệ được xếp ở vị trí thứ hai. Khái niệm quan hệ mà người Nhật nói chủ yếu là quan hệ giao tiếp, ứng xử; nhưng ở Việt Nam chủ yếu lại là quan hệ bà con, họ hàng hay bạn bè thân thiết, thậm chí là quan hệ theo nhóm lợi ích.
Dù giao tiếp, ứng xử giỏi đến mấy; dù có là quan hệ bà con, họ hàng hay bạn bè thân thiết với những cán bộ “cốp” mà thiếu tiền thì nhiều khi cũng không được việc. Vì thế, trong bảng tổng sắp, tiền tệ được xếp ở vị trí thứ ba.
Còn trí tuệ? Xin mời xuống cuối bảng. Tôi biết, có không ít sinh viên học rất giỏi ở các trường đại học danh tiếng tại Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia,… nhưng không phải là “con, cháu các cụ”; tiền không nhiều; quan hệ lại không rộng rãi, không khôn khéo, hoặc không được những người thân, quen có địa vị cao trong xã hội giới thiệu thì vẫn cứ lang thang, thất nghiệp. Tài năng và trí tuệ của các em chẳng có nghĩa lý gì.
Từ một số hiện tượng nêu trên, tôi xin nêu ra ba trường hợp với mong muốn cùng độc giả trao đổi. Một là, nếu “con, cháu các cụ” thật sự có năng lực và phẩm chất tốt thì cho dù họ còn rất trẻ cũng xứng đáng được giao những chức vụ quan trọng, và chúng ta phải mừng vì đó cũng là hiện tượng “hổ phụ sinh hổ tử”. Hai là, nếu “các cụ” đặt con, cháu mình vào những chiếc ghế đầy quyền lực, nhưng thấy họ không đủ năng lực và phẩm chất để đảm đương công việc, “các cụ” lại tỉnh táo động viên, khuyên bảo họ từ chức để người khác làm thay. Trường hợp này đương nhiên không thể khen, song cũng không đáng trách. Ba là, “các cụ” bế con, cháu mình lên đặt vào những chiếc ghế đầy quyền lực, nhưng khi thấy con, cháu không đủ năng lực và phẩm chất đảm đương công việc mà “các cụ” vẫn “cố đấm ăn xôi”, quyết dùng ảnh hưởng của mình để giữ ghế cho họ. Trường hợp này chẳng những đáng phê phán mà còn phải có hình thức kỷ luật thích hợp; bởi vì, như vậy rõ ràng là “các cụ” đã vi phạm nghiêm trọng quy định “về những điều đảng viên không được làm”.
Các cụ ta từ xưa đã tổng kết: “cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm”. Thâm thúy quá!
Theo TIẾN HẢI / TẠP CHÍ CỘNG SẢN
Tags: Bộ máy hành chính, Giám sát quyền lực