Thông tin giả đang ‘hiếp dâm’ rất nhiều kẻ ngốc trên mạng xã hội

Chừng nào tôi và bạn còn thích hít drama kiểu như “nữ sinh HUFLIT bị hiếp dâm ở trường Quân sự Quân khu 7” thì chừng đó fake news vẫn còn đất sống. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta sống bằng fake news!

Ở Học viện West Point, Campell là 1 nữ học viên có thành tích cao, cao hơn các học viên nam nên bị ghét. Trong một lần tập trận đêm, các học viên nam đã hiếp dâm tập thể Campell

Cha của Campelll là 1 viên tướng và quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc thế nhưng lại được khuyên ỉm đi để giữ gìn danh tiếng quân đội và đổi lấy sự thăng tiến trong binh nghiệp.

Vì vậy, Campell sống trong uất ức và trả thù người cha bằng cách sống đời sống tình dục bừa bãi, quan hệ với các quân nhân trong đơn vị.

Đây là nội dung bộ phim “con gái vị tướng” của đạo diễn  Simon West dựa trên tiểu thuyết Nelson DeMille. Nội dung hoàn toàn hư cấu nhưng được cho là gợi ý từ các vụ xâm hại tình dục trong quân đội Mỹ. nếu các bạn để ý thì các tình tiết của phim khá giống với kịch bản của vụ tin giả ở Trường Quân sự Quân khu 7: Cũng môi trường quân đội, cũng hiếp dâm tập thể, nạn nhân con một vị tướng…

Điều đó hé mở cho chúng ta một kịch bản tấn công bằng tin giả được hình thành như thế nào:

Trước hết, vào dịp xuất ngũ quân nhân hết hạn nghĩa vụ, nhập ngũ tân binh liên quan đến nhiều thanh niên, nhiều gia đình, hoạt động nghĩa vụ quân sự lại được dư luận quan tâm. Đây là hoạt động hằng năm và cũng là dịp thường kỳ và là đề tài nằm để các đối tượng chống phá chờ trực tấn công vào uy tín quân đội. Nhiệm vụ và thời điểm đã rõ, giờ thì tiến hành như thế nào? Tôn Tử từng nói đại ý: việc muốn thành phải chờ thời cơ, nếu không thời cơ chưa tới thì tạo ra thời cơ. Trong trường hợp này, chưa cần nặn óc tạo ra thời cơ thì đã xảy sự việc ở Trường QSQK 7. Một vụ ầm ĩ liên quan đến mâu thuẫn cá nhân giữa các nữ sinh tham gia khóa giáo dục quốc phòng cho ra đời 1 clip ghi lại tiếng la hét, lại thêm thông tin có ai đó định tự tử và được lan truyền.

Nếu là thế lực thù địch, thì bạn đã biết phải là như thế nào rồi đấy. Bạn có thể đã xem phim Con gái vị tướng, bạn có sẵn một cốt chuyện kịch tính. Hãy làm thế nào để đắp nó vào những dữ kiện đang lan truyền. Bạn Việt hóa câu chuyện của Hollywood, gõ vài đoạn chat, chụp ảnh màn hình. Để thêm tin cậy, bạn chuyển thể nội dung sang hình thức ghi âm điện thoại. Sau đó gửi phát tán. Con người là một loài vật giỏi tưởng tượng và thích những câu chuyện hơn là bằng chứng. Và thậm chí, một khi họ đã thích câu chuyện của bạn thì mấy đoạn ghi âm hay ảnh chụp màn hình cũng là bằng chứng xác tín hết.

Như người ta nói, trong khi sự thật còn đang xỏ dây giày thì lời nói dối đã kịp đi vòng quanh thế giới. Cũng may, tính chất thật của vụ việc không có gì phức tạp, người thật, việc thật vẫn đang sống tập trung tại nơi xảy ra vụ việc. Vì vậy, cơ quan quản lý và điều tra có phản ứng kịp thời. Sự thật đã đuổi kịp lời nói dối sau 24 giờ.

Những gì tôi nói ở trên về các bước tiến hành một vụ tung tin giả có thể chỉ là suy diễn nhưng có thể thấy gì qua vụ việc này?

Thứ nhất: muốn người ta tin câu chuyện của bạn, hãy là một nhà biên kịch tốt, hãy xây dựng câu chuyện thực sự drama,

Nếu hiếp dâm chưa đủ kịch tính, hãy là hiếp dâm tập thể.

Nếu chưa đủ kịch tính, hãy là quân nhân hiếp dâm nữ sinh. Bất chấp thực tế quân nhân là một trong những hình mẫu của xã hội.

Nếu chưa đủ,hãy là  hiếp dâm ngay trong doanh trại quân đội. Bất chấp thực tế đây là nơi kỷ luật nghiêm khắc nhất.

Nếu chưa đủ, hãy là vừa hành sự vừa để nạn nhân la hét, bất chấp thực tế những kẻ thực hiện tội ác không ngại gây ra sự chú ý hoặc không thèm ngăn chặn việc nạn nhân kêu cứu.

Đừng ngại câu chuyện của bạn vô lý, chuyện càng khó tin thì sẽ càng dễ có nhiều người lan truyền. Các bạn có nhớ thông báo máy bay phu thuốc khử covid hồi mới đại dịch chứ.

Thứ hai, để là một biên kịch giỏi, hãy chịu khó nghe, xem, đọc các tác phẩm hư cấu. Điện ảnh Hollywood là một nguồn tham khảo tốt.

Thứ ba, để câu chuyện đi xa thì tốt nhất hãy khai thác ẩn ức của người nghe. Ai cũng có ẩn ức cần được giải phóng. Chỉ là thiếu dịp thôi.

Thứ nhất, ngại, sợ nhập ngũ. Nhân vật phản diện là quân nhân, quân đội giúp họ cảm thấy việc trốn tránh hoặc không sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc của mình là chính đáng.

Thứ hai, phân biệt vùng miền: chỉ cần nhắc nhẹ với các bạn, vụ việc này đã nhanh chóng lồng ghép yếu tố thủ phạm là quân nhân miền Bắc. Vâng, lính nghĩa vụ nhập ngũ ở Quân khu 7 lại là từ miền Bắc vào. Không sao! Điều đó đúng với quy luật chuyện càng vô lý càng dễ lan truyền.

Thứ ba, ghét quan chức, thông tin bố nạn nhân là tướng trong quân đội nó thỏa mãn tâm lý nghiệp quật và rất quan trọng: Tình tiết “bố tướng” này là tình tiết mà tôi tin rằng, tác giả của vụ fake news vừa qua nếu không vay mượn từ bộ phim con gái vị tướng thì cũng có chủ ý dựng một lá chắn bảo vệ cho câu chuyện theo logic cũng giống như trong bộ phim của Simon West. Vụ việc sẽ bị ỉm đi vì ông tướng sợ chuyện không may của con cái ảnh hưởng sự nghiệp. Hy sinh đời con củng cố đời bố.

Chốt lại là gì? Để tạo fake news bạn không cần sự thật, cũng không cần logic. Thứ bạn cần là một câu chuyện, drama là được, chạm vào ẩn ức của người nghe kể là được. Những thứ đó sẽ bù đắp cho những phi lý của tác phẩm.

Chừng nào tôi và bạn còn thích hít drama thì chừng đó fake news vẫn còn đất sống. Nhưng chúng ta có thể sống bằng fake news không? Câu chuyện bạn tử vì đạo rồi bạn sẽ được đón lên thiên đường nghe hay nhưng thực tế chỉ có thân xác biến thành hệ sinh thái của các loai vi khuẩn mà thôi. Chỉ có nhận thức rằng bị súng trường bắn thì sẽ chết mới giúp thoát khỏi số phận của lính Nghĩa Hòa Đoàn ở Trung Quốc. Câu chuyện có thú vị và hấp dẫn đến mấy thì nếu phải lựa chọn chúng hay sự thật hoặc các quy luật của tự nhiên thì hãy chọn cái thứ 2.

Vậy quy luật nào rút ra từ sau câu chuyện nữ sinh bị hiếp dâm tập thể?

Thứ nhất: Vàng thì lấp lánh nhưng cái gì lấp lánh thì chưa chắc đã là vàng. Khi bắt gặp điều gì đó trên mạng, hay và hấp dẫn thì điều đầu tiên hãy nhớ câu “Cảnh giác khi nhận, cẩn thận khi share!” Hãy nhớ là nấm độc thường là cây nấm nổi bật nhất trong khu rừng, con rắn độc thường là con có màu sắc nổi bật. Thực vật, động vật và cả thông tin cũng vậy. Độc thì thường đẹp.

Thứ hai: Khác với lời nói dối, sự thật cần có thời gian để xỏ chân vào giày. Thời gian xỏ giày ở đây, thực chất là việc thông tin trải qua quá trình kiểm chứng. Thông tin được kiểm chứng chí ít là thông tin được khẳng định từ các nguồn độc lập, càng từ nhiều nguồn độc lập càng tốt. Các nguồn đó phải là các nguồn có trách nhiệm: ở đây là các cơ quan, đoàn thể: cơ quan điều tra, cơ quan báo chí,… Nếu là cá nhân thì nên có thông tin rõ ràng: tên tuổi, nơi ở, nơi công tác, làm việc… Nói chung, là những đối tượng thực sự tồn tại và chịu sự quản lý của pháp luật.

Quá trình tiếp nhận thông tin như vậy thực là vất vả, nhất là khi bạn không có thời gian để chờ đợi vì mọi thứ trên mạng xã hội ngày càng có vẻ sẵn, dễ dàng. Thế nhưng cái gì cũng có giá của nó. Mọi con đường lười biếng đều dẫn đến kiếp nô lệ. Trong môi trường thông tin cũng không có ngoại lệ. Đừng nghĩ là trên cổ không đeo gông, tay không đèo còng, chân không đeo xích thì mình không phải nô lệ. Với suy nghĩ lười biếng, bạn cũng chỉ là người bị sai khiến và thao túng. Đáng buồn cho bạn, kẻ nô lệ còn được chủ nô trả lương hoặc nuôi ăn.

Thứ ba: cái gì có thể tin được?

Tại sao các Pharaoh lại cho xây kim tự tháp? Người ta sẽ tranh cãi về sự tồn tại của Adam và Eva nhưng Pharaoh Tutankhamun thì không. Vì câu chuyện thì có nhiều nhưng chỉ có bằng chứng mới khiến người ta tin. Bởi thế, mọi tòa án văn minh đều xét xử theo nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”. Bạn có thể nhận mình là kẻ giết người nhưng tòa chỉ tuyên bạn có tội khi có bằng chứng cho việc đó, dấu vân tay trên con dao dính vết máu của nạn nhân chẳng hạn. Còn Bao Công mượn âm phủ với oan hồn nạn nhân bắt thủ phạm thú tội chỉ là kịch bản hay chiếu trên phim truyền hình.

Chốt lại, hãy nhớ là những thứ có thể chạm vào được, đo đạc được thì dù là hạt nguyên tử vẫn luôn đáng tin hơn những câu chuyện mà con người kể cho nhau nghe.

Cuối cùng:

Theo cơ quan điều tra, trong vụ việc tin giả về nữ sinh bị hiếp dâm tập thể thì 90%các tài khoản đăng tin ban đầu đều xuất phát từ nước ngoài. Như vậy, chúng ta có thể không nhìn thấy các thế lực thù địch chống phá ở nước ngoài nhưng có thể mất tiền nộp phạt vào ngân sách nhà nước vì những sáng tạo của họ. Thế lực thù địch có thật không? Sẽ có người nói có, có người nói không. Nhưng những lời kêu gọi xóa bỏ bộ môn giáo dục quốc phòng, xóa bỏ môn học Mác Lênin trong nhà trường đã xuất hiện sau vụ việc ở Trường QSQK7. Không giáo dục quốc phòng từ trước thì những người không tham gia nghĩa vụ quân sự biết làm gì để bảo vệ khi đất nước bị xâm lược đây? Không học triết học Mác Lê nin thì sao biết được vật chất quyết định ý thức, những thứ đo đạc được đáng tin hơn những câu chuyện đây?

Khi những người xung quanh bạn tin vào những câu chuyện hơn bằng chứng thì sao? Điều đó cũng bình thường thôi, nên nhớ là hàng tỷ người gắn bó với nhau bởi cùng tin vào câu chuyện Chúa đã tạo ra trái đất, sông núi, cây cỏ, muông thú và con người trong có 7 ngày. Những câu chuyện hư cấu và trí tưởng tượng luôn có sức mạnh của nó. Nhưng giờ thì người ta biết rõ “con người tạo ra chúa” chứ “không phải chúa tạo ra con người”

Hy vọng những điều vừa trải qua là tiếp thêm cho mỗi chúng ta liều vắc xin phòng chống fake news trong tương lai. Chừng nào tôi và bạn còn thích hít drama thì chừng đó fake news vẫn còn đất sống. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta sống bằng fake news!

Theo TRANG QUÂN SỰ VIỆT NAM

Tags: ,