‘Thị trường tự điều tiết’ và tấn thảm kịch của hệ thống điện ở Texas

Việc Texas – bang có sản lượng điện cao nhất nước Mỹ – “thất thủ” khiến nhiều người bất ngờ, song đáng lẽ điều này đã có thể được phòng ngừa từ trước.

‘Thị trường tự điều tiết’ và tấn thảm kịch của hệ thống điện ở Texas

Theo Wall Street Journal, vấn đề cốt lõi của hệ thống điện bang Texas là việc không có luật nào bắt buộc các nhà cung cấp điện phải đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp xảy ra.

Việc thiếu đi những ràng buộc, cũng như thiếu chuẩn bị và thiết kế hệ thống thiếu tin cậy, đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ tại bang này và khiến ít nhất 4 triệu người bị mất điện nhiều ngày trong bối cảnh giá rét kỷ lục.

Texas “thất thủ”

Sự thất thủ của mạng điện Texas bắt đầu vào đêm 14/2, khi người dân đồng loạt bật máy sưởi trong lúc nhiệt độ giảm sâu và bão tuyết kỷ lục kéo đến. Ủy ban Ổn định Điện lực bang Texas (ERCOT) cho biết lúc cao điểm, nhu cầu sử dụng điện đạt 69 gigawatt – một con số kỷ lục.

Trong lúc nhu cầu về điện tăng kỷ lục, các nhà máy điện liên tục gặp sự cố khi nhiều máy móc không thể hoạt động trong điều kiện đóng băng. Thống kê cho thấy 185 nhà máy điện, bao gồm cả những nhà máy nhiệt điện khí và than, đã phải ngừng hoạt động do thời tiết khắc nghiệt.

Các tuabin điện gió tại bờ Tây Texas cũng không thể hoạt động do thời tiết quá khắc nghiệt. Điều này trở thành vấn đề lớn khi điện gió đóng góp khoảng 23% tổng sản lượng điện của Texas. Thời tiết lạnh giá cũng khiến một trong hai tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Nam Texas dừng hoạt động, khi nguồn nước làm mát bị đóng băng và hai máy bơm bị hỏng.

Tổng cộng, khoảng 40% các cơ sở phát điện đã không thể hoạt động – ứng với hơn 46 gigawatt điện. Sự thiếu hụt nguồn cung điện khiến cho hơn 4 triệu người Mỹ phải sống trong bóng tối giữa giá rét cắt da.

Bất ngờ, nhưng đã được báo trước?

Việc Texas – bang có sản lượng điện cao nhất nước Mỹ – “thất thủ” khiến nhiều người bất ngờ, song đáng lẽ điều này đã có thể được phòng ngừa từ trước.

Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên là việc luật pháp bang Texas không bắt buộc các nhà cung cấp điện phải cam kết có đủ điện trong những tình huống xấu nhất.

Chính quyền Texas tin rằng một thị trường tự điều tiết và không bị kiểm soát sẽ có lợi nhất vì nó tạo ra động lực cho sự cạnh tranh. Theo họ, giá điện sẽ tăng lên nếu nhu cầu về điện tăng, và lợi ích kinh tế sẽ là động lực đủ mạnh để khiến các nhà máy phải tự chuẩn bị để phát điện trong mọi tình huống.

“Nếu một doanh nghiệp không thể phát điện trong những lúc nguy cấp, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả tài chính từ thị trường”, Bill Magness, giám đốc ERCOT, giải thích.

Chính vì thế, bang này không yêu cầu các nhà máy điện phải cung cấp điện trong bất kỳ trường hợp nào, cũng như không hề đưa ra các khoản phạt đối với các doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn cung.

Đây không phải là lần đầu mạng lưới điện Texas “gục ngã” trước băng giá. Vào tháng 2/2011, một cơn bão tuyết nghiêm trọng đã khiến hơn 200 nhà máy điện ngừng hoạt động và ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trong khoảng 8 giờ. Năm 2014, một đợt rét đậm khác khiến cho nhiều nhà máy lại ngừng hoạt động, và tình trạng mất điện kéo dài hơn bốn giờ.

ERCOT đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với chủ các nhà máy điện để chuẩn bị cho tình huống giá rét nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là những gợi ý vì cơ quan này không có quyền bắt buộc các nhà máy điện phải tuân theo quyết định của họ.

Sự thiếu hụt các quy định, trong khi tính cạnh tranh của thị trường điện ngày càng tăng lên, khiến các chủ nhà máy phải giải một bài toán khó: liệu họ có nên tốn thêm chi phí để chuẩn bị cho các đợt lạnh hiếm hoi, hay bỏ qua khâu chuẩn bị, giảm chi phí và đối diện với nguy cơ không thể cung cấp điện?

Tách biệt

Một nguyên nhân khác khiến Texas – bang có sản lượng điện cao nhất nước Mỹ – rơi vào thế thiếu điện là việc hệ thống điện bang này được thiết kế theo dạng một “ốc đảo điện”.

Một điều đặc biệt về bang Texas là bang này có hệ thống lưới điện riêng biệt và không hòa vào điện lưới của liên bang. Cơ quan quản lý điện của bang này, ERCOT, cũng không chịu sự quản lý của Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang.

Theo nhà báo Kate Galbraith, lý do cho việc này, cũng như lý do của nhiều chính sách mang màu sắc tự chủ của bang Texas là do bang này có lịch sử không tin tưởng vào sự can thiệp của liên bang đối với các vấn đề của bang.

“Bằng cách tránh hòa điện vào đường dây liên bang, dịch vụ công ích của Texas vẫn giữ được sự tự do. Chính sách cô lập giúp Texas tránh khỏi những quy định của Ủy ban Năng lượng Liên bang, vốn chỉ có thẩm quyền đối với các công ty công ích hoạt động tại nhiều bang”, Richard D. Cudahy, một thẩm phán liên bang Mỹ, bình luận.

Những quy định trên đã dẫn đến sự hình thành của “một ốc đảo điện tại Mỹ”, ông Magness cho biết.

Hiện ERCOT quản lý khoảng 90% nguồn cung cấp điện của bang Texas.

Liệu sẽ có thay đổi?

Trong một bài phát biểu hôm 18/2, Thống đốc Texas Greg Abbott đã phải thừa nhận sự thất bại của hệ thống như trên. Theo ông, lợi nhuận là không đủ để các nhà cung cấp đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh khủng hoảng.

Vì thế, ông Abbott kêu gọi những nhà lập pháp bang đưa ra luật mới, trong đó yêu cầu các nhà máy điện phải chuẩn bị để đảm bảo nguồn cung trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông cũng cho rằng chính quyền nên cung cấp kinh phí để triển khai chính sách mới trên.

Tuy nhiên, việc Texas có thay đổi mô hình cung cấp điện của mình hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Tại Mỹ, hiện tồn tại nhiều mô hình cung cấp điện khác. Ở các bang miền Đông Nam, các cơ quan quản lý có thể tăng giá điện để bù đắp cho các khoản đầu tư vào hạ tầng điện, và điều đó đôi khi dẫn đến việc giá điện tăng cao.

PJM Interconnection, một hệ thống cung cấp điện cho 13 bang từ Virginia đến Illinois, lại vận hành một “thị trường dự phòng” nhằm đảm bảo đủ nguồn cung điện cho mùa cao điểm của ít nhất ba năm tiếp theo. Hệ thống này sẽ thưởng cho các nhà cung cấp nếu họ cam kết đảm bảo nguồn cung trong những lúc khẩn cấp, và họ sẽ bị phạt nếu không thực hiện đúng lời hứa của mình.

Mô hình này bị chỉ trích là đắt đỏ, khi người dân phải trả tiền cho cả nguồn điện dự phòng – vốn có thể không bao giờ cần đến. Một nguyên nhân khác khiến mô hình này khó áp dụng được ở Texas là do PJM Interconnection phụ thuộc phần lớn vào nhiệt điện, vốn có thể dễ dàng khởi động hơn và không phụ thuộc vào thời tiết.

Giới chuyên gia cho rằng Texas nên trả tiền cho các nhà sản xuất để sẵn sàng sản xuất điện trong bất kỳ điện kiện nào, qua đó tạo thêm động lực để các chủ nhà máy tăng đầu tư cho sự sẵn sàng của hệ thống.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,