Thanh ‘cha’, thanh mẹ, thanh gì? Hễ có phong bì thì nó… thanh kiu

Có nhiều con số đủ sức gây choáng trong đại án Vạn Thịnh Phát, trong đó có số tiền hối lộ 5,2 triệu USD cho một cục trưởng, người chịu trách nhiệm thanh tra ngân hàng SCB.

Thanh ‘cha’, thanh mẹ, thanh gì? Hễ có phong bì thì nó… thanh kiu

Tác giả: Nguyễn Khắc Giang, Tiến sĩ Khoa học Chính trị.

Theo bậc lương hiện tại, cán bộ này sẽ phải làm việc 30 năm, tức là toàn bộ sự nghiệp, để có được khoản tiền trên. Sức cám dỗ là quá lớn – không khó hiểu vì sao toàn bộ 24 thành viên đoàn thanh tra nhận tiền để bao che cho sai phạm của SCB.

Nhưng câu chuyện dễ hiểu đó dẫn đến một câu hỏi khó hơn. Thanh tra là người “gác cổng”, là lá chắn để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý sớm vi phạm của cá nhân và tổ chức. Nhưng phải làm gì để đảm bảo hoạt động này diễn ra đúng trình tự pháp luật, liêm chính và minh bạch? Hay nói cách khác, ai sẽ gác người gác cổng?

Đây là vấn đề quan trọng bởi hai lý do. Thứ nhất, trong bối cảnh tham nhũng vẫn là nguy cơ lớn, nhà nước cần có lực lượng thanh, kiểm tra đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ. Trách nhiệm càng lớn thì quyền lực cũng càng cao. Cộng hưởng với ma lực của đồng tiền, nguy cơ bị tha hóa trong chính lực lượng này là rất lớn. Vì thế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu trong hội nghị toàn quốc các Cơ quan Nội chính vào năm 2021 rằng chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện nghiêm chỉnh trước tiên ở trong chính các cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, ngoài việc lợi dụng chức vụ để bao che cho hành vi phạm tội như vụ SCB, một nguy cơ khác của hoạt động thanh kiểm tra là hạch sách, nhũng nhiễu cho đối tượng bị thanh tra. Từ trước đến nay, bị thanh, kiểm tra luôn là nỗi ám ảnh với các doanh nghiệp. Trong báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, trung bình 14% số doanh nghiệp được hỏi phải trả “chi phí không chính thức” cho các đoàn thanh tra, với khoảng 7,4% tiếp đón nhiều hơn ba đoàn thanh tra mỗi năm. Điều này cho thấy dù đây là những hoạt động cần thiết, không loại trừ việc một số cán bộ lợi dụng quyền hạn để gây khó dễ và vòi vĩnh doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà người dân thường hay đùa với nhau rằng:

Thanh “cha”, thanh mẹ, thanh gì?
Hễ có phong bì thì nó… thanh kiu

Tìm ra giải pháp để cân bằng việc đảm bảo hoạt động thanh tra, giám sát được hiệu quả, đồng thời loại bỏ nguy cơ lạm quyền là không đơn giản.

Giải pháp dễ nhìn thấy nhất là tạo ra cơ chế mới giám sát các hoạt động thanh tra. Nói đơn giản là thành lập những đơn vị “thanh tra của thanh tra”. Tuy nhiên, giải pháp này không thể giải quyết rốt ráo câu chuyện kiểm soát quyền lực. Các cơ chế mới không chỉ gây tốn kém ngân sách, mà còn làm phân tán nhiệm vụ, khiến cho hoạt động nội chính thiếu hiệu quả. Hơn nữa, tạo ra các đơn vị “siêu giám sát” làm tăng rủi ro cát cứ quyền lực, gây mâu thuẫn nội bộ – như mọi người vẫn thường nói là tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Giải pháp thứ hai là tạo dựng khung cơ chế để đảm bảo hoạt động thanh tra thực hiện đúng và đủ chức năng nhiệm vụ. Trên thực tế, nhờ những chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra ban hành năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp chỉ trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra giảm mạnh từ 51,9% trong năm 2017 xuống còn 14% trong năm 2022.

Tuy nhiên, như trường hợp của SCB, cơ chế nào cũng sẽ có lỗ hổng, bởi cơ chế do con người tạo ra thì cũng có thể bị con người lợi dụng. Do đó, việc tăng cường cơ chế giám sát từ trên xuống luôn có giới hạn. Thêm vào đó, tăng cơ chế tất yếu tạo ra chi phí, không chỉ là thời gian và nguồn lực, mà còn cả tâm lý e ngại, đùn đẩy từ đội ngũ cán bộ.

Vì vậy, cần thực hiện thêm giải pháp thứ ba – giám sát từ nhân dân. Cần phải nhìn nhận rằng tham nhũng gây thiệt hại cho toàn xã hội và vì thế, mọi thành phần khác nhau đều có một phần trách nhiệm chống tham nhũng, tiêu cực tùy theo khả năng của mình. Người dân có lợi thế khi phải đối diện hàng ngày với nguy cơ tham nhũng, có “tai mắt” ở khắp nơi, và thường rất nhạy cảm với bất công. Chúng ta đã có các cơ chế giám sát chặt chẽ từ trên xuống, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân tham gia giám sát từ dưới lên.

Để làm được điều đó, ngoài các khung khổ pháp luật như Luật Tiếp cận Thông tin và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cần thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân một cách thực chất, tránh tình trạng nói rồi để đó.

Thanh tra được coi là “tai mắt của trên, người bạn của dưới”. Đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình này vừa làm tăng hiệu quả và liêm chính của hoạt động thanh tra, vừa giúp người dân thực hiện tối đa quyền làm chủ của mình. Trong một nhà nước do dân làm chủ, quyền gác cổng cuối cùng thuộc về người dân.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,