⠀
Thảm nạn karaoke bắt nguồn từ văn hóa giải trí nghèo nàn của người Việt
Mỗi lần gặp nhau, rất nhiều người Việt không biết làm gì khác ngoài nhậu nhẹt và hát hò.
Một người Nhật tên Inoue Daisuke là cha đẻ của karaoke. Ông phát minh loại hình giải trí này vào năm 1971, khi mới 31 tuổi.
Có lẽ ông ấy cũng không thể ngờ rằng sau bao nhiêu năm, ở một đất nước xa xôi ngoài nước Nhật, thì trò karaoke đã tiến hóa lên một tầm cao mới, chỉ cần một chiếc loa kéo có kết nối bluetooth và một smartphone có internet thì ai ai cũng có thể hát thỏa thích, ở bất cứ địa điểm nào.
Có lẽ ông cũng không ngờ rằng nhiều người lại xem nó như một tai hoạ âm thanh vì nhiều người hát một cách vô ý thức. Đã nhiều vụ xô xát, ẩu đả, thậm chí chém giết lẫn nhau do karaoke ồn ào gây ra. Nhưng dường như các cơ quan quản lý vẫn loay hoay mà chưa có biện pháp giải quyết cục thể và quyết liệt.
Trong một lần giao lưu văn hóa sinh viên các nước Đông Dương, khi xem hết chương trình, một người trong đoàn hỏi tôi: Người Việt có điệu múa nào không? Ngẫm nghĩ lại, dường như trong liên hoan, cuộc vui nào hễ có dịp là chúng ta sẽ hát. Người Khmer có điệu múa Lâm Thôn, người Lào có điệu Lâm Vông, người Chăm điệu Apsara, còn ta?
Tôi xem chương trình Britain’s got talent (Tìm kiếm tài năng nước Anh), rất mãn nhãn với những trò ảo thuật, múa dẻo của họ. Ở ta cũng có một chương trình như thế, nhưng thí sinh chọn hát nhiều hơn là các tài năng khác.
Dưới góc độ văn hoá, tôi cho rằng nhiều người Việt mê karaoke là do chúng ta thiếu các loại hình giải trí, hay nói cách khác, chúng ta đang giải trí một cách nghèo nàn. Chúng ta mê muội ca hát và chỉ biết ca hát làm niềm vui. Từ thành thị xuống thôn quê, từ ngoài đời lên các chương trình gameshow, cuộc thi tài năng, bất cứ ở đâu và bao giờ có cơ hội thì cũng cầm micro lên và hát.
Vậy nên muốn giải quyết triệt để vấn đề tiếng ồn từ hát karaoke, ngoài biện pháp hành chính, cần đi sâu vào văn hóa, thay đổi thói quen của nhiều người. Tham gia câu lạc bộ cờ tướng, cờ vua, hội chơi lan, cá cảnh, chim cảnh, hội đọc sách… làm một gợi ý rất đáng lưu ý. Tham gia những hội này, ngoài tăng độ tương tác với người khác còn giúp tăng độ liên kết cộng đồng.
Tôi nghĩ nếu các nhà lập pháp không sớm ra luật về tiếng ồn tại khu dân cư và chính quyền địa phương không phạt thật nặng khi người dân vô văn hóa mở loa lớn khi hát karoke, thì chuyện chém giết nhau vì chuyên hát karaoke sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Không thể chịu đựng được nữa và tức nước sẽ bỡ bờ, dẫn đến chuyện bạo lực. Đến lúc phải dẹp tệ nạn karaoke rồi. Đừng nói văn hóa này nọ, đó là vô văn hoá. LÊ LIÊM |
Theo LINH HOÀNG / VNEXPRESS
Tags: Vấn nạn xã hội, Văn hóa ứng xử, Âm thanh