Thảm bại của quân La Mã trước người Gaul trong trận chiến năm 390 TCN

Quân La Mã từng được coi là đội quân mạnh nhất thế giới với chiến thuật phalanx. Tuy nhiên, sự thất bại thảm hại trước người Gaul đã đã dẫn tới việc họ sáng tạo ra đội hình legion – một công cụ quân sự đã thiết lập Đế quốc La Mã và ghi một dấu ấn kinh điển mãi mãi ở phương Tây.

Thảm bại của quân La Mã trước người Gaul trong trận chiến năm 390 TCN

Nguồn: William Weir/ 50 trận đánh thay đổi lịch sử thế giới.

Hoàn cảnh

Sứ giả La Mã xin được thưa chuyện với vua Brennus – người đang bao vây thành Clusium. Bộ lạc của Brennus, là Senone, thuộc dân tộc Gaul. Những người Gaul là một rắc rối. Từ đâu đó ở Trung Âu, miền bắc của dãy Alps, họ đã lan rộng về cả hướng Đông và hướng Tây. Người Gaul có mặt ở Tây Ban Nha, vương quốc Anh, thậm chí cả ở Ireland – ở nơi tận cùng của thế giới thời đó. Về hướng Đông, họ đã bình định biên giới của Macedon và thậm chí xuyên qua Tiểu Á. Mỗi nơi người Gaul đi tới, họ lại mang ngôn ngữ và phong tục của mình bắt dân tộc bị chế ngự phải làm theo. Tới La Mã, dường như người Gaul là dân tộc đông dân nhất trên Trái Đất. May mắn thay, họ bị phân chia thành nhiều bộ lạc, thường xuyên đánh lẫn nhau. Bây giờ có vẻ như những người Gaul đang cố gắng chinh phục hướng Nam. Họ đã phá hủy các thành bang của Etrutria trong thung lũng Po và đang dồn ép miền trung Italia.

Clusium là một thành bang của Etrutria. Người Etrutria và người La Mã có một mối quan hệ lâu dài, đôi lúc có sóng gió. Nhưng La Mã bây giờ là cường quốc mạnh nhất ở miền trung Italia và những người dân của Clusium yêu cầu họ cảnh cáo người Gaul. La Mã đã cử ba sứ giả, những thành viên của dòng họ quý tộc Fabius.

Khi những sứ giả đi qua trại của người Gaul, họ thấy không chỉ có binh lính mà còn có cả phụ nữ và trẻ em. Brennus đã mang theo toàn bộ bộ lạc của mình. Những binh lính có mũ bảo vệ bằng kim loại và vài người trong số họ, có lẽ là người giàu có, mặc áo giáp. Tất cả bọn họ mang gươm và giáo rất dài.

Khi những sứ giả tới chỗ nhà vua, họ hỏi ông: Tại sao ông lại tiến công Clusium? Người Clusium đã gây tổn hại gì đến ông?”- Brennus cười phá lên.

Khi cười xong, ông nói rồi nói tiếp: “Người Clusium đã gây tổn hại cho chúng tôi giống như những người Albans, Fidenates và Ardeates đã gây ra cho các bạn. Họ có thể chỉ canh tác trên một phần nhỏ đất, nhưng họ có một lãnh thổ lớn và sẽ không nhường lại cho chúng tôi một chút nào. Các bạn và chúng tôi không phải độc ác hay không công bằng, nhưng theo tất cả những luật lệ cổ xưa nhất, tài sản của kẻ yếu luôn được trao cho kẻ mạnh”.

Ông ngừng lại một chút: “Vì vậy, thật đáng tiếc cho người Clusium khi bị chúng tôi bao vây lại để các bạn dạy người Gaul về việc đối xử tốt và nhân từ với những người mà chính các bạn đang áp bức”.

Người La Mã thấy rằng, họ không thể thuyết phục người Gaul rời đi, vì vậy, họ trở về thành bang và khích lệ người Clusium xông ra ngoài chống lại những kẻ bao vây. Người Etrutria đã mở các cổng thành và tiến công. Lúc đỉnh điểm của trận chiến, một trong các sứ giả, là Quintus Ambustus Fabius không thể chịu được việc phải đứng ngoài xem. Ông mặc áo giáp sắt, nhảy lên ngựa và tham gia chiến đấu.

Brennus nhìn thấy Quintus Ambustus. Ông rất phẫn nộ vì một sứ giả đã phạm luật của tất cả các nước bằng việc tham gia chiến đấu. Ông chấm dứt việc bao vây và chuẩn bị để tiến đến thành La Mã.

Trở về La Mã, Hội đồng Nguyên lão đã buộc tội Quintus Ambustus vì vi phạm trách nhiệm thiêng liêng của một sứ giả. Nhưng đối với người dân La Mã thì Quintus Ambustus là một anh hùng. Họ không buộc tội ông và chọn ba anh em nhà Fabius làm những vị quan bảo vệ dân chỉ huy đội quân của họ chống lại người Gaul. Khi vua Brennus nghe nói người La Mã đã bầu chỉ huy đội quân của họ, ông đã đưa chiến dịch chống lại người La Mã lên ưu tiên hàng đầu.

Quân đội La Mã thời đó đã bắt chước những chiến thuật của người Hy Lạp. Họ chiến đấu theo một đội hình phalanx, gồm 6 hoặc 8 hàng dài.

Hàng phía trước bao gồm những người lính giàu nhất – lớp đầu tiên – những người mặc đồ giáp sắt theo kiểu Hy Hạp: mũ bảo hiểm kim loại, áo giáp và xà cạp cùng với một cái khiên gỗ tròn. Những binh lính không giàu bằng – những thành viên của tầng lớp thứ hai và thứ ba, mặc áo giáp sắt của người bản địa Italy. Những người lính ở lớp thứ hai phải có mũ bảo hiểm, tấm che ngực (một tấm đồng đeo che ngực), xà cạp và một cái khiên. Những người lính ở tầng lớp thứ ba không cần xà cạp. Những người lính ở lớp thứ tư chỉ có một cái khiên, và lớp thứ năm thậm chí không có khiên. Tất cả bọn họ mang theo giáo và những người lính giàu hơn thì có cả gươm. Những người lính được vũ trang tốt nhất chiến đấu ở phía trước đội hình phalanx, lớp thứ hai và thứ ba ở đằng sau họ. Những người ở lớp thứ tư và thứ năm là bộ binh hạng nhẹ tham gia các cuộc giao tranh nhỏ. Họ bắt đầu trận chiến, sau đó họ được bảo vệ ở đằng sau đội hình phalanx. Gần như toàn bộ đội quân La Mã là bộ binh. Những người lính giàu nhất cưỡi ngựa, nhưng kỵ binh quá ít để đem lại hiệu quả.

Trái lại, kỵ binh người Gaul rất đông và hiệu quả. Người Gaul đã phát minh ra móng ngựa khiến những con ngựa họ cưỡi đi xa và đi được trên những địa hình gồ ghề hơn. Người Gaul cũng nghĩ ra hoặc bắt chước người Scythia làm yên cương có bốn núm. Bằng cách ấn bắp đùi lên những núm yên ngựa ở đằng trước, người cưỡi ngựa có thể ngồi an toàn như với bàn đạp yên ngựa. Người La Mã chẳng có cái gì giống như cái yên ngựa này. Gươm dài của người Gaul là một vũ khí tốt cho một kỵ binh. Người Gauls sẽ ném giáo vào kẻ thù, sau đó đến gần để sử dụng gươm của họ.

Bộ binh người Gaul cũng sử dụng chiến thuật giống như vậy. Khác với người La Mã, họ không di chuyển theo trật tự của đội hình phalanx. Với người Gauls, mỗi người lính chiến đấu độc lập. Tuy nhiên, người Gaul đã tạo ra sự thiếu tính kỷ luật với mức độ cực kỳ tàn bạo của đoàn quân của họ. Tất cả những người Gaul đều to lớn hơn người La Mã và đều hiếu chiến. Thậm chí họ còn điên cuồng hơn. Những người Gaul không những không mặc áo giáp mà còn không mặc gì khi chiến đấu.

“Đau khổ dành cho kẻ thua trận”

Vào một ngày giữa mùa hè, Fabii dẫn 40.000 bộ binh đi giao chiến với người Gaul, đội quân của người Gaul do vua Brennus chỉ huy cũng có quân số tương đương. Người Gaul tiến công quân La Mã bằng một đám người lộn xộn, họ tiến công cả phía trước và hai bên sườn. Họ ném giáo vào những người lính La Mã trước khi họ vào trong tầm sát thương của giáo La Mã. Với cây kiếm dài, họ chặt đứt mũi giáo và chém qua khiên bằng gỗ của lính La Mã. Cánh trái của quân La Mã đã bị phá vỡ, bị dồn về sông Allia và bị tiêu diệt. Sau đó, cánh phải quân La Mã chạy trốn vào những ngọn đồi, từ đó có nhiều đường dẫn họ đến thành bang Veii của Etrutria. Lính La Mã không bị đánh gục có thể chạy nhanh hơn những người Gaul mà Polybius miêu tả “đã chán việc tàn sát”.

Những người lính thua trận, quý tộc La Mã và bất cứ người La Mã nào khác cũng có thể trốn sang đồi Capitol – trung tâm phòng thủ vững mạnh của thành bang. Người Gaul cướp phá phần còn lại của thành bang, đốt và tàn sát nhiều người dân. Người Gaul cố gắng lén lút đột nhập vào Capitol nhưng dù những người bảo vệ đang ngủ, những con ngỗng thiêng liêng ở ngôi đền thờ nữ thần Juno bắt đầu kêu và đánh thức lính phòng thủ, đẩy lùi người Gaul. Sau đó, người La Mã đã vội vàng đẩy người đội trưởng bảo vệ ra ngoài vách đá.

Không thể để đột nhập vào Capitol, Brennus đồng ý rút đi để đổi lại một số lượng vàng lớn. Khi thanh toán vàng, một số người La Mã để ý thấy bên cán cân vàng trọng lượng nặng hơn trọng lượng họ đã đồng ý thỏa thuận. Họ phàn nàn với Brennus.

Vị vua người Gaul lấy dây đai đeo gươm, vỏ gươm và cả gươm của mình rồi ném chúng lên cán cân để cân bằng trọng lượng.

Ông nói: “Đau khổ dành cho kẻ thua trận”.

Marcus Furius Camillus cải tổ quân đội La Mã

Marcus Furius Camillus là viên tướng La Mã thành công nhất trong thời đại của mình, nhưng ông đã bị buộc tội giữ nhiều chiến lợi phẩm hơn phần của ông được chia trong cuộc chinh phục mới nhất. Thay vì nộp phạt, ông rời bỏ thành bang và sống lưu vong.

Khi nghe nói về thất bại và thảm họa của La Mã, ông đã xây dựng một đội quân ở thành bang nơi ông đang sống. Camillus cho người bí mật truyền tin đến Capitol và Hội đồng Nguyên lão đã đồng ý ủy nhiệm cho ông làm tổng trấn. Camillus bắt đầu chuẩn bị để đánh bại quân Gaul.

Camillus cải tiến cả vũ khí và tổ chức đội quân của mình. Ông cho những người thợ rèn bọc khiên của quân lính bằng đồng hoặc sắt, vì vậy người Gaul không thể dùng kiếm chém vỡ khiên. Và quan trọng nhất, ông tổ chức một kiểu dàn trận mới để thay thế cho đội hình phalanx. Thay vì một hàng cứng nhắc, những người lính sẽ ở tập hợp thành nhóm maniple (một nhóm ít người) gồm 120 người. Manipuli sẽ dàn trận theo hình bàn cờ, với những người lính ở hàng thứ hai lấp đầy khoảng cách ở hàng đầu tiên. Thay vì dùng giáo dài, những người lính trong maniple sẽ có một đôi giáo nặng, vì vậy, người Gaul ném giáo cũng không vượt xa hơn họ. Maniple hình thành hai hàng đầu tiên trong tổ chức đội hình mới. Hàng thứ ba là một đội hình phalanx được trang bị giáo dài. Tổ chức đội hình mới có chiều sâu và không gian mở hơn rất nhiều với tổ chức theo đội hình phalanx. Việc tiến công vào ở hai bên sườn sẽ khó hơn nhiều. Và maniple đã đem đến cho quân La Mã sự linh hoạt của người Gaul trong khi vẫn có tính kỷ luật của người La Mã.

Trong khi Camillus đang phát triển tổ chức đội quân của mình thì những người Gaul đang bao vây Capitol và tìm kiếm lương thực ở miền quê. Camillus không chờ đợi cho đến khi hoàn thiện đội quân mới của ông. Ông dẫn quân lính ra ngoài vào ban đêm và tiến công trại của người Gaul khi họ đang có một bữa tiệc linh đình. Người Gaul ăn mừng việc cướp bóc thành công bằng cách say sưa tối ngày. Hầu hết bọn họ đã say mềm khi quân La Mã tiến công. Quân La Mã đã giết gần như tất cả bọn họ rồi trở về. Sau đó, Camillus bắt đầu tiến công những người Gaul đang đi tìm kiếm lương thực ở bất cứ chỗ nào ông thấy họ và người Gaul đã phải từ bỏ việc tìm kiếm thức ăn. Trong khi họ đang bao vây Capitol, lương thực của họ bắt đầu cạn. Họ lại cắm trại ở trong vùng đất đầm lầy xung quanh thành La Mã nên bệnh tật đã bùng phát. Cái đói và bệnh đã xui khiến Brennus đồng ý rời đi khi được thanh toán vàng.

Người La Mã vẫn đang cân vàng khi Camillus và quân đội theo mô hình mới của ông xuất hiện. Camillus nói với Brennus hãy lấy bàn cân, cái cân và đi khỏi đây, bởi vì La Mã sẽ được chuộc “bằng sắt chứ không phải bằng vàng”. Brennus chộp lấy gươm và cuộc chiến nổ ra, nhưng không bên nào thắng thế ở trong những đường phố và ngõ của thành La Mã. Cả đội quân của người Gaul và La Mã đã rời khỏi thành và chiến đấu với nhau vào ngày hôm sau. Đội quân mới của Camillus đã thực hiện được hy vọng của ông và người Gaul đã bị đánh bại.

Những người La Mã biết ơn đã gán cho Camillus là “Romulus thứ hai” – một người sáng lập thứ hai của thành bang.

Danh hiệu này rất xứng đáng, bởi vì hệ thống tổ chức quân đội mà Camillus đã nghĩ ra là cơ sở cho tất cả những đội quân La Mã khác trong 500 năm sau và là phương thức để xây dựng nên Đế quốc La Mã.

Theo VIỆT TRÍ

Tags: , ,