⠀
Thái độ ảnh hưởng như thế nào lên hành vi con người?
Trong tâm lý học, thái độ là một tập hợp các cảm xúc, niềm tin và hành vi hướng đến một đối tượng, con người, đồ vật hay một sự kiện cụ thể nào đó. Thái độ thường là kết quả của quá trình trải nghiệm hoặc nuôi dưỡng, và có thể ảnh hưởng mạnh mẽ lên hành vi. Mặc dù thái độ thường tồn tại lâu dài nhưng chúng vẫn có thể thay đổi được.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/attitudes-how-they-form-change-shape-behavior-2795897
Tổng quan
Bạn nghĩ sao về hình phạt tử hình? Đảng phái nào vận hành đất nước tốt hơn? Trong trường học có nên thực hành cầu nguyện? Có nên kiểm soát tình trạng bạo lực trên TV?
Các bạn có thể đều có quan điểm khá mạnh mẽ về những câu hỏi này hay thậm chí các câu hỏi tương tự khác. Bạn đã hình thành thái độ về những vấn đề này, và những thái độ này sẽ ảnh hưởng lên niềm tin trong bạn cũng như hành vi thể hiện ra bên ngoài của bạn. Thái độ là chủ đề nghiên cứu quan trọng trong tâm lý học xã hội. Nhưng chính xác thì thái độ là gì? Nó hình thành như thế nào?
Các nhà tâm lý học định nghĩa Thái độ như thế nào
Các nhà tâm lý học định nghĩa thái độ là một khuynh hướng đánh giá sự vật sự việc theo một cách nhất định nào đó, được hình thành qua quá trình học tập. Có thể bao gồm những đánh giá về con người, vấn đề, đối tượng hay sự kiện. Những đánh giá này thường là tích cực hoặc tiêu cực, nhưng cũng có khi khá mơ hồ. Ví dụ, bạn có thể có cảm xúc lẫn lộn về một người hay vấn đề cụ thể nào đó.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều thành tố cấu tạo nên thái độ.
Những thành tố này đôi khi còn được gọi là mô hình CAB hay ABC của thái độ.
– Thành tố nhận thức (C – Cognitive): những suy nghĩ và niềm tin về đối tượng.
– Thành cố cảm xúc (A – Affective): Cảm xúc mà đối tượng, con người, vấn đề hay sự kiện đó gây ra cho bạn.
– Thành tố hành vi (B – Behavioral): Sự ảnh hưởng của thái độ lên hành vi của bạn.
Thái độ cũng có thể bộc lộ rõ ràng hoặc ở trạng thái tiềm ẩn. Thái độ rõ ràng là cái mà ta nhận ra một cách có ý thức và gây ảnh hưởng rõ rệt lên hành vi và niềm tin của ta. Thái độ ngầm tồn tại trong vô thức nhưng vẫn gây ảnh hưởng lên các niềm tin và thái độ của chúng ta.
Sự hình thành của thái độ
Có một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng lên quá trình và lý do hình thành thái độ.
Trải nghiệm
Thái độ hình thành trực tiếp sau một trải nghiệm. Thái độ có thể xuất hiện từ những trải nghiệm cá nhân trực tiếp, hoặc có thể là kết quả của quá trình quan sát.
Các yếu tố xã hội
Các vai trò và quy chuẩn xã hội có thể ảnh hưởng mạnh mẽ lên thái độ. Các vai trò xã hội là cách hành xử mà xã hội mong muốn một người phải thể hiện trong một vai trò hoặc bối cảnh nhất định. Quy chuẩn xã hội là những quy tắc của xã hội quy định những hành vi được coi là phù hợp.
Quá trình học tập
Thái độ có thể có được qua nhiều quá trình học tập khác nhau. Hãy cứ thử xem những chuyên viên tiếp thị sử dụng điều kiện hóa cổ điển để gây ảnh hưởng lên thái độ của bạn về một sản phẩm cụ thể nào đó. Trong một đoạn phim quảng cáo trên tivi, bạn thấy những người mẫu trẻ, đẹp vừa vui chơi trên một bãi biển nhiệt đới, vừa uống một món đồ uống thể thao. Hình ảnh mang hấp dẫn và thu hút này khiến bạn hình thành liên tưởng tích cực với sản phẩm đồ uống kia.
Điều kiện hóa từ kết quả cũng có thể được áp dụng để gây ảnh hưởng lên sự hình thành của thái độ. Tưởng tượng một chàng trai vừa mới tập tành hút thuốc. Bất cứ khi nào cậu này bật lửa châm thuốc thì mọi người lại phàn nàn, trừng phạt cậu ta và yêu cầu cậu ta đi khỏi chỗ của họ. Phản hồi tiêu cực này từ những người xung quanh cậu ta rốt cuộc cũng khiến cậu này hình thành một quan điểm không hay về hút thuốc và cậu quyết định từ bỏ thói quen ấy.
Cuối cùng, con người ta cũng “học tập” được thái độ bằng cách quan sát những người xung quanh. Khi một người bạn ngưỡng mộ tán thành mạnh mẽ một thái độ nào đó thì khả năng cao là bạn cũng sẽ hình thành những niềm tin tương tự. Ví dụ, trẻ dành nhiều thời gian quan sát thái độ của cha mẹ và thường bắt đầu mô phỏng lại những quan điểm tương tự.
Thái độ và hành vi
Chúng ta có khuynh hướng mặc định rằng con người ta hành xử theo thái độ của mình. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học xã hội đã phát hiện ra rằng thái độ và hành vi trong thực tế không phải lúc nào cũng sóng đôi với nhau. Rốt cuộc thì vẫn có rất nhiều người ủng hộ một ứng cử viên hay một đảng phái chính trị nào đó nhưng rồi lại không đi bầu.
Các yếu tố ảnh hưởng lên mức độ của thái độ
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con người có có thể hành xử theo thái độ của mình trong với một số điều kiện nhất định:
– Khi thái độ của bạn là kết quả của trải nghiệm cá nhân.
– Khi bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.
– Khi bạn trông đợi vào một kết quả thuận lợi.
– Khi thái độ liên tục được thể hiện.
– Khi bạn sẵn sàng ăn thua một vấn đề nào đó.
Thái độ có thể thay đổi để tương thích với hành vi
Trong một số trường hợp, con người ta thực ra có thể thay thế thái độ của mình để phù hợp hơn với hành vi. Bất hòa nhận thức là một hiện tượng khi một người trải nghiệm tâm lý khó chịu vì các suy nghĩ hoặc niềm tin xung đột bên trong họ. Để giảm sự căng thẳng này, con người ta có thể thay đổi thái độ để phản ánh niềm tin hoặc hành vi khác trong thực tế.
Bất hòa nhận thức là gì?
Một ví dụ về thay đổi thái độ do bất hòa nhận thức.
Tưởng tượng tình huống sau: Bạn luôn chú trọng vào an toàn về mặt tài chính, nhưng bạn lại đang bắt đầu hẹn hò với một người có tài chính cực kỳ bất ổn. Để giảm bớt căng thẳng gây ra bởi những niềm tin và hành vi mâu thuẫn, bạn sẽ có hai lựa chọn.
Bạn có thể kết thúc mối quan hệ và tìm kiếm một người khác có tài chính đảm bảo hơn, hoặc bạn có thể nhấn mạnh hơn vào tầm quan trọng của ổn định tài chính với người hiện tại. Để giảm thiểu tình trạng bất hòa giữa thái độ và hành vi, hoặc là bạn phải thay đổi thái độ hoặc thay đổi hành động của mình.
Thay đổi thái độ
Mặc dù thái độ có thể tác động lớn lên hành vi nhưng chúng không hề cứng nhắc. Cùng một tác động dẫn đến hình thành thái độ cũng có thể làm thay đổi thái độ.
Thuyết học tập thay đổi hành vi: Điều kiện hóa cổ điển, điều kiện hóa từ kết quả và học tập qua quan sát có thể được sử dụng để tạo ra sự thay đổi trong hành vi. Điều kiện hóa cổ điển có thể được sử dụng để tạo ra phản ứng cảm xúc tích cực đối với một sự vật, con người hoặc sự kiện bằng cách liên kết cảm xúc tích cực với vật thể đích. Điều kiện hóa từ kết quả có thể được dùng để củng cố thái độ mong muốn và giảm giảm bớt thái độ không mong muốn. Con người ta có thể thay đổi thái độ sau khi quan sát hành vi của người khác.
Học thuyết về thay đổi thái độ: Học thuyết này tập trung vào sự thuyết phục, cho rằng con người ta có thể thay đổi thái độ theo hai cách. Đầu tiên, tạo động lực để chủ thể giúp họ lắng nghe và nghĩ về thông điệp, rồi từ đó đưa đến thay đổi thái độ. Hoặc, họ có thể bị ảnh hưởng bởi những đặc tính của diễn giả, khiến thái độ của họ có một sự thay đổi tạm thời hoặc thay đổi trên bề mặt. Thông điệp khơi gợi nhiều suy nghĩ và mang tính hợp lý cao sẽ có khả năng đưa đến sự thay đổi lâu dài trong thái độ.
Thuyết bất hòa trong thay đổi thái độ: Như đã đề cập, con người ta có thể thay đổi thái độ khi có những niềm tin mâu thuẫn về một chủ đề nào đó. Để giảm căng thẳng gây ra do những niềm tin xung khắc này, con người ta thường thay đổi thái độ của mình.
———————–
Tài liệu tham khảo:
Chaiklin H. Attitudes, Behavior, and Social Practice. Journal of Sociology and Social Welfare. 2011.
Teaching Tip Sheet: Attitudes and Behavior Change. American Psychological Association. http://www.apa.org/pi/aids/resources/education/attitude-change.aspx
Theo LINDANGA.COM
Tags: Tâm lý học