Tết Việt qua cảm nhận của một nhà giáo dục người Mỹ

Tôi rất vinh dự khi được ở Việt Nam và đã đón 18 lần Tết Nguyên đán. Tôi coi trọng từng cái Tết vì đó là cơ hội để suy ngẫm, cầu nguyện, kết nối và tham gia vào các nghi lễ có ý nghĩa…

Tác giả: Tiến sĩ Mark A.Ashwill, một nhà giáo dục quốc tế đã làm việc tại Việt Nam từ năm 2005.

Năm nay là lần thứ 18 tôi đón Tết ở Việt Nam, bằng tâm thế hoàn toàn thích thú và sẵn sàng tận hưởng khoảnh khắc thú vị đỉnh điểm của một kỳ nghỉ siêu dài.

Kỳ nghỉ lễ kéo dài từ Giáng sinh đến hết Tết là khoảng thời gian tôi yêu thích trong năm. Dù rất ít người Việt Nam kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus, Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ thế tục trong những năm gần đây.

Một tuần sau đó là giao thừa của Tết Tây. Đây là thời gian rất vui vì người ta tổ chức tiệc, bắn pháo hoa và các buổi hòa nhạc ngoài trời. Ở Việt Nam, đây chỉ là đợt thứ hai trong mùa lễ hội kéo dài ít nhất một tháng.

Lớn lên ở Mỹ nên tôi có những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn về đêm giao thừa và ngày đầu năm mới. Khi còn nhỏ, đó là thời điểm kết thúc kỳ nghỉ lễ được nhiều người mong đợi, chuyển sang sự thất vọng tràn trề. Đây là niềm vui cuối cùng của lũ trẻ trước khi trở lại trường học.

Với một người trưởng thành ở phương Tây, kỳ nghỉ năm mới Dương lịch chỉ là một ngày đệm, để thư giãn và trẻ hóa bản thân trước công việc bồn bề thường nhật. Trong khoảng 24 giờ, mọi người buộc phải chuyển từ không gian lễ hội vui vẻ sang thói quen thường ngày với những màu sắc không mấy hấp dẫn của mùa đông: xám, nâu và trắng.

Không có ý nghĩa văn hóa cụ thể gắn liền với việc đón Tết Dương lịch. Đây chỉ là cơ hội để nói lời tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới bằng vòng tay rộng mở, niềm hy vọng và quyết tâm làm việc tốt hơn.

Đối với những người hay bia rượu thì đó là cái cớ để ăn, uống và ca hát. Nó tựa như một cuộc tụ tập ồn ào, hoặc chỉ là một ngày thoáng qua để hồi phục trước khi trở lại với nhịp sống và công việc thường ngày.

Không giống như phương Tây, ở Việt Nam, Giáng sinh mở màn mùa nghỉ lễ, sau đó là Tết Dương lịch và đỉnh điểm là Tết âm (người Việt còn gọi là “Tết ta”) – một thời điểm “năm mới” khác, quan trọng hơn để chuẩn bị, chào đón và ăn mừng theo cách truyền thống.

Tết vừa báo hiệu mùa xuân về, vừa là ngày lễ độc nhất vô nhị, không thể tìm thấy ở Mỹ – quê hương tôi – hay bất cứ nơi nào khác ở phương Tây. Với nhiều người, đây là thời điểm duy nhất trong năm mà họ được ở bên đại gia đình. Đây cũng là thời gian quý giá để chúng ta nạp lại năng lượng cảm xúc và tinh thần cũng như làm mới bản thân.

Giao thông đông đúc hơn, mọi người sao nhãng công việc, hoạt động kinh doanh chậm lại và hoạt động mua sắm lên đến đỉnh điểm. Nếu hình ảnh “ông già Noel” gầy guộc đi xe máy báo hiệu Giáng sinh sắp đến ở Việt Nam, thì những cây quất trên những chiếc ôtô và xe tải chở hàng là dấu hiệu báo Tết. Và rồi, như thể ai đó đã bật công tắc, sự điên cuồng trước kỳ nghỉ sẽ lắng xuống khi nhiều người bắt đầu hành trình về quê ăn Tết.

Khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất và đồng hồ điểm 12:00 đêm 30 tháng Chạp, người ta cùng nhau cụng ly và tiếng pháo nổ lách tách vang vọng trong đêm. Vài giờ ngắn ngủi sau, bầu trời bắt đầu hửng sáng và bình minh đầu tiên của một năm mới xuất hiện, tràn đầy hứa hẹn. Liếc nhìn ra cửa sổ, tôi thường thấy một khung cảnh siêu thực mà mỗi năm chỉ có một lần: những con phố yên tĩnh, không xe cộ lại qua.

Rồi những chuyến chúc Tết bắt đầu với phong bao lì xì trên tay, những tràng pháo tay chúc tụng không ngớt, những lời tốt đẹp, những nụ cười và cả sự ấm áp trong lòng. Tất nhiên là có cả ăn uống (Tết không phải lúc để ăn kiêng). Người Việt Nam ở quê nhà và hải ngoại, những người nước ngoài còn ở lại thành phố, và một số du khách may mắn… đều đồng lòng trong niềm hân hoan mừng đón năm mới.

Đối với nhiều người nước ngoài, thậm chí cả một số người Việt Nam, Tết là thời điểm để du lịch nước ngoài. Là một người ngoại quốc sống cùng người Việt, và chưa từng rời khỏi đất nước này trong dịp Tết Nguyên đán, tôi coi đây là khoảng thời gian đặc biệt để tận hưởng và đón chào năm mới, giống như những người sinh ra và lớn lên ở đây. Theo một nghĩa nào đó, đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa về mặt văn hóa đối với tôi vào mùa lễ tết, bắt đầu từ tháng 12.

Tôi rất vinh dự khi được ở Việt Nam và đã đón 18 lần Tết Nguyên đán. Tôi coi trọng từng cái Tết vì đó là cơ hội để suy ngẫm, cầu nguyện, kết nối và tham gia vào các nghi lễ có ý nghĩa, tượng trưng cho sự cần thiết hoàn thành những dự định còn dang dở của năm cũ và bước vào năm mới với một tâm thế tự tin.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán đều mang một ý nghĩa đặc biệt khi tất cả chúng ta được tiếp tục kỷ nguyên bình thường mới trong cuộc sống và công việc. Vượt ra khỏi những giới hạn chật hẹp của cuộc sống, chúng ta đã có thêm một cơ hội quý giá khác để duy trì sự đoàn kết – Tết, để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn ở Việt Nam và trên toàn cầu. Cầu mong chúng ta chân cứng đá mềm để vượt qua mọi chuyện.

Người Việt biết tận hưởng, đã hào phóng dành hẳn một kỳ nghỉ siêu dài để phục hồi cảm xúc và tái tạo các mối quan hệ, sẵn sàng cho một khởi đầu mới.

Từ đáy lòng, tôi xin chúc tất cả mọi người một năm mới hạnh phúc, mạnh khỏe, thịnh vượng, bình an và vạn sự như ý.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,