Tầm nhìn xã hội chủ nghĩa của Mục sư Martin Luther King

Từ những lá thư ban đầu gửi Coretta Scott cho tới những ngày cuối cùng, King đã thúc đẩy một tầm nhìn đem lại sự bình đẳng cho mọi người thuộc mọi chủng tộc và nền tảng. Đó là lý do mà King đã dành cả đời mình để chiến đấu. Và là điều chúng ta cần tái cam kết khi tôn vinh di sản của ông.

Tầm nhìn xã hội chủ nghĩa của Mục sư Martin Luther King

Nguồn:  The Forgotten Socialist History of Martin Luther King Jr. / Matthew Miles Goodrich / In the Times / 2018/01/15.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Năm 1952, Martin Luther King Jr. viết một lá thư tình cho Coretta Scott. Cùng với những lời thầm thì yêu thương và những lời xin lỗi vì chữ viết cẩu thả của mình, ông đã miêu tả cảm xúc không chỉ dành cho người vợ tương lai mà còn hướng tới hệ thống kinh tế của Mỹ. “Trong lý thuyết kinh tế của mình, anh thể hiện tính xã hội chủ nghĩa nhiều hơn là tư bản chủ nghĩa”, ông thừa nhận với người bạn gái của ông lúc đó, rồi kết luận “chủ nghĩa tư bản đã sống lâu hơn tính hữu dụng của nó”.

King viết ra những lời này vào cuối năm nhất khóa học thạc sĩ trường Thần học đại học Boston. Vượt xa hơn việc đại diện cho chủ nghĩa không tưởng của thanh niên, quan điểm thể hiện trong lá thư trên đã cho thấy tầm nhìn kinh tế xuyên suốt cuộc đời của King.

Khi người Mỹ vinh danh King vào ngày sinh nhật ông, chúng ta phải nhớ một điều quan trọng, biểu tượng về quyền dân sự cũng là một nhà dân chủ xã hội đã cam kết xây dựng một phong trào lớn vượt lên những thất bại của chủ nghĩa tư bản và giành lại công bằng kinh tế lẫn chủng tộc cho tất cả mọi người.

Chủ nghĩa tư bản “đã mang lại một hệ thống lấy đi những nhu yếu phẩm của số đông để trao những món hàng xa xỉ cho các tầng lớp trên”, lời King trong lá thư gửi Scott năm 1952.

15 năm sau, trong cuốn sách cuối cùng của mình, Chúng ta sẽ đi về đâu: Hỗn loạn hay cộng đồng? (Where Do We Go From Here: Chaos or Community?), King lại nhắc đến ý kiến này: “Chủ nghĩa tư bản luôn để lại một khoảng cách giữa sự giàu có thừa thãi và sự đói nghèo khổ sở, và nó đã tạo ra các điều kiện cho phép nhu yếu phẩm bị lấy đi khỏi số đông để cho một số ít được trao tặng những thứ xa xỉ”.

Trong bài diễn văn nổi tiếng ở nhà thờ Riverside năm 1967, King đã thét lớn “Khi máy móc và máy tính, động cơ lợi nhuận và quyền tài sản còn được xem là quan trọng hơn con người, bộ ba khổng lồ chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa quân sự sẽ không có khả năng bị khuất phục”.

Và trong một cuộc phỏng vấn với New York Times năm 1968, King nói về công việc của ông với Hội nghị Lãnh đạo Thiên Chúa Miền Nam (SCLC) như thế này: “Theo một ý nghĩa nào đó, bạn có thể nói rằng chúng ta đang tham gia vào cuộc đấu tranh giai cấp”.

Tại một buổi nghĩ dưỡng cho thành viên SCLC năm 1966, King đã nói “có cái gì đó sai… với chủ nghĩa tư bản” và “phải có một sự phân phối của cải tốt hơn” trong nước. “Có thể”, ông đề nghị, “Nước Mỹ phải tiến lên một chủ nghĩa xã hội dân chủ”.

Trong Chúng ta sẽ đi về đâu, cuốn sách kêu gọi “sự giải phóng đầy đủ và công bằng cho người da đen và người nghèo”, King ủng hộ các chính sách tuân theo chương trình xã hội chủ nghĩa dân chủ: Thu nhập hàng năm được đảm bảo, các tu chính án đảm bảo bình đẳng kinh tế và xã hội trong hiến pháp, mở rộng hơn nữa nhà ở được trợ cấp. Ông thừa nhận Ngân sách Tự do mà nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa A. Philip Randolph thúc đẩy, bao gồm các chính sách như đảm bảo công việc, chăm sóc sức khỏe phổ biến và mức lương đủ sống. Ông cũng xác định cách mà sự bất bình đẳng kinh tế có thể giới hạn các quyền dân sự. Khi người giàu tận hưởng việc dễ dàng tiếp cận các luật sư và tòa án, thì “người nghèo vẫn tuyệt vọng”, ông viết.

Sự nhấn mạnh vào đói nghèo không phải lúc nào cũng được phản ánh trong các bài giảng đương đại về King, các bài giảng có xu hướng tập trung vào sự ủng hộ quyền dân sự của ông một cách nghiêm túc. Nhưng Chúng ta sẽ đi về đâu và dự án cuối cùng trong đời King, Chiến dịch của Người Nghèo (the Poor People’s Campaign) cho thấy giấc mơ của King bao gồm tương lai có cả sự bình đẳng kinh tế lẫn chủng tộc.

Điều tốt là có được quyền ngồi ở một quầy ăn trưa”, câu nói được trích dẫn rộng rãi của King khi ai đó hỏi ông “nếu ông không đủ tiền mua một cái hamburger?”. Quan điểm của King về quyền dân sự bao gồm ăn trưa tại quầy ở Greensboro, đăng ký cử tri khắp miền Nam cho tới diễu hành từ Selma đến Montgomery, chỉ ngoại trừ giai đoạn đầu tiên của phong trào dân sự.

Trong Chúng ta sẽ đi về đâu, King đã gọi những chiến thắng của phong trào cho tới thời điểm đó (năm 1967) là “một địa vị vững vàng, không nhiều hơn” trong cuộc đấu tranh vì tự do. Đó chỉ là một chiến dịch để nhận ra sự công bằng chủng tộc cũng như kinh tế có thể chiến thắng sự bình đẳng đích thực dành cho người Mỹ gốc Phi. King không ngần ngại gọi tên mục tiêu của ông là “sự từ bỏ đói nghèo ngay lập tức, trực tiếp và toàn diện”.

Theo King, thiếu sót của giai đoạn đầu tiên của phong trào quyền dân sự là việc tập trung vào cơ hội nhiều hơn sự đảm bảo. Khả năng mua một cái hamburger mà không bị chèn ép ở quầy ăn trưa không đảm bảo người đói sẽ được nuôi dưỡng. Quyền tiếp cận thùng phiếu cử tri không đảm bảo luật pháp chống phân biệt chủng tộc sẽ có hiệu lực. Kết thúc của các luật Jim Crow (các luật phân biệt chủng tộc ở các địa phương và bang miền Nam nước Mỹ) không bảo đảm cho sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Sự hòa nhã không đảm bảo cho sự công bằng.

Một số người da trắng đã đồng hành trong cuộc chiến giành quyền tiếp cận và cơ hội, King kết luận, vì nó không tốn phí của họ, tuy nhiên “Các công việc, khó thực thi ra và tổn phí nhiều hơn là những vòng bầu cử”, ông nhận xét. Khi cái mà người Mỹ gốc Phi tìm kiếm không chỉ là việc được trân trọng phẩm giá mà còn là nền giáo dục và nhà ở được đảm bảo công bằng, nhiều người da trắng đã từ bỏ phong trào. Theo King, ngay khi ông yêu cầu “sự nhận thức về sự bình đẳng” – giai đoạn thứ hai của phong trào quyền dân sự, ông nhận ra người da trắng đột nhiên trở nên thờ ơ.

King xem Chiến dịch của Người Nghèo chính xác là phương tiện cho giai đoạn kế tiếp của phong trào bởi vì nó đem lại cả những tiến bộ vật chất lẫn tiềm năng tổ chức xuyên chủng tộc mạnh hơn. Theo King, chỉ một phong trào giai cấp công nhân đa chủng tộc, cái mà Chiến dịch của Người Nghèo khát khao vươn tới, cũng có thể đảm bảo cả sự bình đẳng kinh tế lẫn chủng tộc.

King chán ghét sự suy đồi và mục ruỗng của nước Mỹ. Chúng ta “nén sự giàu có của chúng ta vào những miệng ăn quá nhiều của tầng lớp trung lưu và cao hơn cho đến khi họ giễu cợt sự thừa thãi”, ông tức giận. Trích dẫn nhà ủng hộ công bằng xã hội Hyman Bookbinder, King viết rằng, chấm dứt đói nghèo ở châu Mỹ chỉ cần người giàu “trở nên giàu hơn với tốc độ chậm hơn”.

Theo King, giải pháp duy nhất cho khủng hoảng đói nghèo của người Mỹ là tái phân phối của cải. Trong một bài diễn văn trước Hội đồng Lao động Mỹ da đen năm 1961, King tuyên bố, “Hãy gọi nó là sự dân chủ, hay chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhưng đó phải là sự phân phối của cải tốt hơn trong đất nước dành cho mọi đứa con của Chúa”.

Từ những lá thư ban đầu gửi Coretta Scott cho tới những ngày cuối cùng, King đã thúc đẩy một tầm nhìn đem lại sự bình đẳng cho mọi người thuộc mọi chủng tộc và nền tảng. Đó là lý do mà King đã dành cả đời mình để chiến đấu. Và là điều chúng ta cần tái cam kết khi tôn vinh di sản của ông.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , ,