Tác động từ chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản

Nhật Bản đang bắt đầu giai đoạn hiện đại hóa quân sự mạnh mẽ nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II.

Tác động từ chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản

Theo nhận định của Tolga Sakman, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Ngoại giao (DIPAM) ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách quân sự mới của Nhật Bản được định hình bởi ba tài liệu chiến lược mà nước này công bố vào tháng 12/2022: Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), Chiến lược Phòng thủ Quốc gia (NDS) và Chương trình Xây dựng Quốc phòng.

Dựa trên các tài liệu này, Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng từ khoảng 1% GDP lên 2% theo kế hoạch 5 năm tuân theo các mục tiêu đầu tư quốc phòng của NATO.

Ngân sách quốc phòng tiềm năng trị giá 315 tỷ USD sẽ đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quân sự lớn hàng đầu thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Kế hoạch này cũng bao gồm việc mua vũ khí và tái cơ cấu chỉ huy quân sự.

Các khoản đầu tư lớn nhất sẽ là năng lực phản công, bao gồm cả việc mua tên lửa đối hạm và đối đất với tầm bắn từ 1.500-3.000 km, có thể vươn tới các mục tiêu quân sự ở châu Á.

Bất chấp Hiến pháp cấm sử dụng vũ lực, Nhật Bản gọi chiến lược mới của mình là “tấn công phòng ngừa”, hợp pháp hóa nó như một phương tiện để “tấn công lực lượng của kẻ thù đang tìm cách xâm lược Nhật Bản”.

Các tài liệu chiến lược trên khẳng định tầm quan trọng của “sức mạnh toàn diện quốc gia (CNP)” liên quan đến việc sử dụng kết hợp sức mạnh ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ và tình báo.

Nhật Bản cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường an ninh mạng để bảo vệ các mạng của chính phủ và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Vậy tác động từ các kế hoạch phòng thủ mới của Nhật Bản đối với an ninh khu vực và toàn cầu là gì? Theo chuyên gia Sakman, Nhật Bản đang “bắt đầu giai đoạn hiếu chiến nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II”.

Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản coi Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất” của nước này, trong khi Triều Tiên được coi là “mối đe dọa nghiêm trọng và cấp bách hơn bao giờ hết đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản”.

Chiến lược mới cũng lưu ý vai trò của Tokyo trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Nhật Bản đang phải đối mặt với một môi trường chiến lược đầy thách thức, do vị trí địa lý gần với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga, và những quốc gia này “được coi là mối đe dọa đối với các giá trị chung và cấu trúc an ninh toàn cầu do Mỹ và các cường quốc đồng minh châu Âu thiết lập”.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, chiến lược mới này có thể dẫn đến việc các nước láng giềng hiểu sai chính sách đối ngoại của Nhật Bản, khi Tokyo đang trở thành một cường quốc quân sự và đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang.

Tình trạng này có thể dẫn đến leo thang căng thẳng về an ninh, đầu tiên là ở châu Á-Thái Bình Dương và sau đó là cạnh tranh an ninh toàn cầu. Nỗ lực trang bị vũ khí của Nhật Bản cũng được hỗ trợ bởi Mỹ và châu Âu với trách nhiệm bảo tồn hệ thống toàn cầu và các giá trị dân chủ kiểu phương Tây.

Mặc dù sự thay đổi này có thể đặt ra một vấn đề mới cho hệ thống toàn cầu, nhưng chúng ta có thể dự đoán rằng việc tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản sẽ tiếp tục được thúc đẩy, khiến Tokyo, một cường quốc kinh tế và chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương, trở thành một lực lượng quân sự lớn trong khu vực.

Theo BÁO TIN TỨC / AA/COM.TR

Tags: ,