⠀
Suy ngẫm về đạo làm quan của nguyễn Công Trứ
Đọc các quy tắc của Nguyễn Công Trứ, cứ ngỡ ông là một người sống trong xã hội thời nay chứ không phải là một ông quan thời phong kiến sống cách nay gần 2 thế kỷ!
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Ninh Bình.
Nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, Việt Nam xuất hiện một nhân vật kiệt xuất: văn võ song toàn, đa tài mưu lược, kinh bang tế thế. Ra làm quan, ông được thưởng quan tước nhiều lần, tới chức thượng thư, tổng đốc nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt nhiều cấp, bị cách chức cho làm lính thú, thậm chí có lúc ông bị kết án trảm giam rồi lại được tha. Điểm xuyên suốt trong cuộc đời ông là sống trong sạch thanh bần, gần dân và biết lo cho dân. Đó là Nguyễn Công Trứ (ảnh), được người dân gọi là “cố Lớn” chứ không tôn kính bằng chức tước, được người dân lập đền thờ ngay khi ông còn sống. Cuộc đời, phong cách Nguyễn Công Trứ gợi cho người nay bao suy ngẫm.
Trọng dân, an dân
Đã mang tiếng sống trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Đó là phương châm nhập thế hành động của Nguyễn Công Trứ (sinh 19-12-1778 tại Hà Tĩnh). Ngay từ thuở còn hàn vi, ông đã nuôi lý tưởng xây dựng công danh sự nghiệp để giúp đời, an dân. Cũng vì lẽ đó, sớm tỏ khí phách ngang tàng gặp lúc thế sự nhiễu nhương – những năm cuối triều Tây Sơn, tiếp đến đầu nhà Nguyễn – khi lều chõng đi thi ông đều bị đánh trượt, chỉ vì lộ liễu ý tứ “đầu đội trời, chân đạp đất” trong bài thi. Mãi đến năm 1819 Nguyễn Công Trứ mới đậu Giải nguyên, được bổ làm quan khi đã 41 tuổi.
Đạo làm quan ở ông cũng khác người, ông đề ra quy tắc trị nước cho chính mình thực hiện:
Giữ trong lòng trung ái
Chăm đạo dâu con
Phát triển nông trang
Trừ bỏ dị đoan
Sửa đổi phong tục
Thanh thải tham tàn
Tiến cử tài đức
Giữ nghiêm luật lệ
Đọc những điều nên làm này, người ta cứ ngỡ Nguyễn Công Trứ là một người sống trong xã hội thời nay chứ không phải là một ông quan thời phong kiến sống cách nay gần 2 thế kỷ!
Nói là làm. Khi đỗ đạt ra làm quan, ông “đem quách cả sở tồn làm sở dụng”, lao vào công việc một cách hăng say, không hề quản ngại gian lao cực khổ, không từ chối bất cứ công việc gì. Ông được “luân chuyển” giữ các chức từ thấp đến cao, từ cao đến thấp ở Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa rồi vào Thừa Thiên, Quảng Ngãi… Ông làm từ quan võ (Tham tán quân vụ), quan văn (Tư nghiệp Quốc tử giám) đến việc lập vùng kinh tế mới (Dinh điền sứ); làm quan to ở cả Bộ hình lẫn Bộ binh.
Một mình để vì dân vì nước
Túi kinh luân, từ trước để nghìn sau
Trong xử thế, cả cuộc đời Nguyễn Công Trứ chưa bao giờ đối lập giữa nguyên tắc “trí quân” và “trạch dân”, đúng như phương châm “vì dân vì nước”.
Là người học rộng tài cao, ông có cái nhìn quán thế, thông hiểu thời cuộc. Ông không say công danh cho riêng mình, vun vén cho dòng họ mình mà sống bản lĩnh, nhân cách; luôn gần dân, đối với dân đen không có khoảng cách; hết lòng chăm lo cho dân. Làm quan ở các nơi, ông cho “đặt nhà học” để con em Nhân dân học hành, “đặt xã thương” ở các làng để quản lý thóc gạo, quy định: “Khi nào giá cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thủy hạn bất thường đem thóc chiếu cấp cho từng người. Năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp thu lại để chứa trữ” (Sớ nói về 5 quy ước trong làng – 1829). Điều này chứng tỏ ông là một nhà quản trị theo đường lối kinh tế thị trường đầy bản lĩnh. Nhưng không phải chỉ lo cho dân no, Nguyễn Công Trứ còn lo dân oan, cho rằng: “Cái nạn cường hào là làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không” và đề nghị triều đình phải “trị tội rất nặng” (Sớ nói về tệ cường hào – 1828). Đúng là một ông quan không lấy mũ ni che tai, là vấn đề thời sự cho đến ngày nay.
Làm quan đến chức thượng thư, tổng đốc nhưng Nguyễn Công Trứ không say sưa, xênh xang võng lọng, mà rất am hiểu sâu sắc đời sống lam lũ, cơ cực của người dân. Trong những việc ông làm, được người dân ngưỡng vọng, coi ông như thánh sống, lập đền thờ khi ông còn sống là việc khẩn hoang lập ấp. Đường đường là một ông quan to chốn kinh thành, Nguyễn Công Trứ tấu xin vua cấp tiền gạo để chiêu tập dân nghèo đi khai hoang lập ấp, xây dựng vùng kinh tế mới. Ông cùng những người dân đen mạt hạng lúc ấy đồng lòng khai phá một vùng đất đai rộng lớn ven biển các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình lập ra hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn, giúp người dân an cư lạc nghiệp. Sau đó ông còn chỉ huy việc khai khẩn nhiều vùng đất hoang hóa ở Quảng Yên, Hải Dương…
Trong sạch, thanh bần
Nguyễn Công Trứ là một ông quan rất thanh liêm, chính trực. Cuốn Đại Nam Thực Lục Chính Biên ghi lại câu chuyện: Khi làm quan Nguyễn Công Trứ không nhận tiền hối lộ, đút lót của Phạm Nguyên Trung, Ngô Huy Phái. Ông bắt giải cả hai người cùng tang vật về phủ Nam Định để xét xử về tội đi hối lộ! Thời gian làm Dinh điền sứ, ông nhận tiền gạo của nhà nước cấp phát cho dân nghèo làm vốn khẩn hoang. Sau khi sử dụng, số dư thừa Nguyễn Công Trứ đều mang về nộp lại cho công khố.
Cũng cần phải nói, Nguyễn Công Trứ là con nhà nòi. Cha ông là Nguyễn Công Tấn, 24 tuổi đã đậu cử nhân, làm đến tri huyện Quỳnh Công, rồi tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình). Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đánh chiếm Thăng Long, lập vương triều Tây Sơn, Nguyễn Công Tấn từ quan đưa gia đình về quê mở trường dạy học. Nguyễn Huệ mấy lần mời ra làm quan ông đều từ chối. Mẹ Nguyễn Công Trứ là con gái quan Nội thị Cảnh Nhạc Bá, người tỉnh Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội) nhưng ông không mê lối sống giới thượng lưu, làm quan không mê muội đổi đời, kiếm chác để làm giàu, trở thành vương công quý tộc. Trước khi làm quan: nghèo, sau khi làm quan: ông vẫn nghèo.
Ông nhìn nhận cái nghèo một cách khỏe khoắn chứ không phải là nỗi bi kịch, lý giải: “Người giỏi thường nghèo” hoặc “vốn hễ anh hùng mới có nghèo”, cho nên không chắt mót, làm việc sai trái, lợi dụng chức vị để làm giàu. Hãy xem ông mô tả cảnh nghèo của chính bản thân ông và giới nhà nho với cả sự tự trào, châm biếm:
Kìa ai, bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ,
Đầu kéo mọt tạc vẽ sao, trước cửa nhện giăng màn gió.
Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng.
Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ.
Đầu giường tre mối dũi quanh co,
Góc tường đất trùn lên lố nhố
Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô.
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó,
Trong cũi lợn nằm trong máng, đói chẳng muốn kêu,
Đầu giàn chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch,
Người quân tử ăn chẳng cầu no.
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho,
Thời thái bình cổng thường bỏ ngỏ…
(Hàn nho phong vị phú)
Nghèo mạt như dân đen, ông có lúc phải trốn nợ nhưng vẫn yêu đời, làm thơ trào lộng:
Nợ có chết ai đâu, đòi mà chi, trả mà chi, cha cóc!
Trời để tao sống mãi, tiền cũng có, bạc cũng có, mẹ bò!
Biết đủ, biết dừng
Đạo làm quan Nguyễn Công Trứ còn thể hiện ông không tham quyền cố vị. Năm 1847 Nguyễn Công Trứ tròn 70 tuổi, ông xin về hưu nhưng vua Thiệu Trị không cho. Đến năm sau Tự Đức lên ngôi, nguyện vọng của ông mới được chấp thuận. Trong một tản văn, Nguyễn Công Trứ tự bạch: “Nào võng tía dù xanh, mặt tài tình trong hội kiếm cung, khắp trời Nam bể Bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ”.
Đạo làm quan là phải biết tiến và dừng, tiến và dừng đúng lúc, như phương châm sống của ông:
Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc?
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?
(Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ?
Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thành thì bao giờ mới nhàn?)
Một nhà nho ra làm quan muộn, cả đời ông không ngừng nỗ lực vươn lên khỏi nghịch cảnh để đạt những điều mình mong muốn. Nhưng Nguyễn Công Trứ không để sự bon chen, dục vọng chốn quan trường và lòng tham cướp đi sự trong sạch, thanh thản tâm hồn ngay khi còn trên đỉnh cao quyền lực. Vì vậy, Nguyễn Công Trứ có tư tưởng hưởng lạc khi: “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”; vẹn cả đôi đường của một kẻ sĩ.
Nhà nước yên mà sĩ cũng thung dung
Bấy giờ mới tìm ông Hoàng Thạch,
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn.
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí vẫy vùng trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi,
Gẫm việc đời mà ngắm cảnh trọc thanh.
Này này sĩ mới hoàn danh!
Nguyễn Công Trứ sống như một đại trượng phu, không trốn tránh trách nhiệm trước tiền đồ đất nước, thấm nhuần tư tưởng “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Năm 1858, khi nghe tin quân xâm lược Pháp đánh vào Đà Nẵng, lúc đó 80 tuổi ông vẫn dâng sớ lên vua, tha thiết xin lên đường tòng quân đánh giặc. Sớ viết: “Dù tôi như cái màn, các lọng rách cũng không nỡ tự nản chí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay”. Năm sau, Nguyễn Công Trứ mất, thọ 81 tuổi.
Nhân dân các vùng đất khai hoang rất biết ơn ông. Họ lập đền thờ Nguyễn Công Trứ ngay khi ông còn sống để ghi nhớ công lao. Nhiều đình chùa tại các địa phương khác cũng thờ, tôn Nguyễn Công Trứ làm Thành hoàng làng, vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trên mảnh đất quê hương, nhà thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng năm 1861 tại làng Uy Viễn (nay là thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Năm 1936 nhà thờ được tôn tạo. Trong nhà thờ có nhiều câu đối được các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban tặng, như:
Sinh vi lưỡng tướng, tử vi thần.
Công tại quận triều, danh tại sử
(Khi sống làm tướng văn, tướng võ, khi chết là thần thánh.
Công lao ở triều đình; danh tiếng ghi vào sử sách).
Tại nhà thờ có các bức hoành phi với câu cú tôn vinh công trạng Nguyễn Công Trứ bua ban từ xưa nhưng hậu thế cứ ngỡ như vừa mới làm: “Ích quốc lợi dân”, “Chí công vô tư”…
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ thấm đẫm triết lý: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Ông từ dân nghèo mà ra, phụng mệnh giúp đời rồi tự nguyện trở về với dân; sống bần hàn cùng Nhân dân. Nguyễn Công Trứ thực hành Đạo làm quan trong sáng hiếm có, hoàn toàn tự nguyện. Vì vậy ông vẫn sống mãi trong tâm khảm người dân.
Theo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Tags: Quan điểm sống, Nhà Nguyễn, Danh nhân Việt Nam