Sức mạnh hỏa khí của quân đội Đại Việt

Lịch sử phát triển hỏa khí Việt Nam cho thấy cha ông đã luôn bắt nhịp với công nghệ vũ khí của thời đại, thậm chí có thời điểm còn vượt lên thành nước hùng cường trong khu vực.

Sức mạnh hỏa khí của quân đội Đại Việt

Khoảng thế kỷ 6 -7 loài người đã biết đến thuốc súng, song phải tới thế kỷ 10 – 11, nó mới được sử dụng trong chiến tranh dưới dạng những tạc đạn gây nổ, gây cháy. Năm 1275 mới xuất hiện loại ống bằng kim loại. Súng pháo ra đời tạo ra cuộc cách mạng trong lịch sử vũ khí loài người.

Tại Việt Nam, ngay từ thế kỷ 13, trong dân gian nước ta đã sử dụng phổ biến một loại pháo gọi là “bộc trúc”, tức là một dạng hỏa cụ gần với “hỏa đồng”, “hỏa thương” của Trung Quốc đương thời.

Cuộc cách mạng hỏa khí

Ở châu Âu, thế kỷ 15 mới xuất hiện thuyền chiến gắn pháo phổ biến. Còn Việt Nam, dấu hiệu chứng tỏ pháo được đưa lên thuyền từ khá sớm, với sự kiện pháo thuyền của Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga ở Thăng Long (Hà Nội), năm 1390.

Ngoài ra, hiện tượng Hồ Nguyên Trừng, được người Minh tôn như “thần súng pháo”, chứng tỏ vào cuối thế kỷ 16, súng pháo đã trở thành vũ khí phổ biến ở nước ta.

Các bản vẽ của người phương Tây khoảng thế kỷ 16-17, khi vẽ thuyền chiến nước ta đều chú ý mô tả khẩu pháo lớn chĩa ra ở đằng mũi.

Nói về trang bị trên thuyền đàng Ngoài, linh mục Alexandre de Rhodes nhận xét: “Chiến thuyền của họ không thiếu vũ khí và pháo dùng cho chiến đấu”.

Một cha cố khác là B. Vachet cho biết loại thuyền chiến đàng Trong có nhiều pháo hơn: “Ba khẩu ở đằng mũi và hai khẩu khác nhỏ hơn ở hai bên”.

Phần lớn các pháo này thuộc loại này nòng dài trung bình, bắn loại đạn khoảng 3-6 kg, đường kính nòng khoảng 9-11cm, độ dài nòng khoảng 180-210cm, trọng lượng pháo trong khoảng 1.200 – 2.000kg.

Ngoài ra, có thể có một số pháo nòng ngắn trong sử sách thường gọi là “súng quá sơn”, có tác dụng bắn cầu vồng như những caronade của Hà Lan năm 1779.

Hầu hết, pháo trên thuyền thời này bắn đạn đặc, bằng đá hoặc gang. Ngoài ra, sử sách cũng chép nhiều đến kỹ thuật làm đạn nổ và việc quân Trịnh, Nguyễn sử dụng trong chiến tranh.

Trong Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ (1572 – 1634) có mục chế quả nổ (hỏa cầu). Theo mô tả, có thể loại đạn “một mẹ mười con” mà Lê Quý Đôn nói trong Phủ biên tạp lục là thuộc loại quả nổ này: “Năm 1672, sai Hồ quận công Lê Thời Hiến ở lại đóng đồn tại xã Chính Thủy, ba lần đánh thành Trấn Ninh. Bắn hỏa pháo, một đạn mẹ mười đạn con, tiếng vang như sấm, bắn vào đâu đều gãy nát tan tành”.

Thế kỷ 16- 17, trang bị, huấn luyện, thủ đoạn tác chiến của quân đội Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đã có một bước chuyển biến rất căn bản trong lịch sử vũ khí, đó là cuộc cách mạng hỏa khí.

Theo các sử gia, trang bị của quân thủy nước ta đã phát triển một bước dài, thậm chí ở một số mặt, nó đã vươn tới những trang bị hiện đại nhất có thể có ở phương Đông đương thời.

Hỏa hổ và Hỏa cầu của vua Quang Trung

Hỏa cầu và hỏa hổ của nghĩa quân Tây Sơn làm khiếp đảm quân chúa Trịnh, chúa Nguyễn và góp phần vào trận đại thắng quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu (1789).

Theo sử sách, Hỏa cầu (còn gọi là Lưu hoàng) là loại quả nổ dùng để ném hoặc bắn, có tác dụng như lựu đạn hoặc phóng lựu. Tuy chất nạp mà quả nổ có thể tạo ra khói độc, nhựa cháy, mảnh vụn sát thương…

Hỏa hổ là một loại vũ khí hình ống. Theo Hổ trướng khu cơ, hỏa hổ chính là hỏa tiễn, “vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ”. Sử sách thời Nguyễn thường gọi Hỏa hổ là hỏa phún đồng.

Theo Binh thư yếu lược, bài thuốc súng và cách chế rất giống nhau: dùng một cái ống (bằng sắt hoặc bằng tre, gỗ) dài khoảng 25cm, nạp thuốc thành nhiều nấc.

Nấc đầu tiên là liều thuốc bắn, giã nén chặt dày khoảng 4cm, sau đó tiếp nấc thứ hai là liều thuốc phun, giã nén chặt, dày khoảng 12cm. Sau đó, nạp đạn ghém gồm các vật liệu sát thương, dày khoảng 4cm. Phần ống còn lại nạp dầy thuốc phun.

Gặp địch, người dùng hỏa hổ châm ngòi, cầm cán tre chĩa vào, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đốt cháy sát thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác.

So sánh cách chế tạo thì thấy loại vũ khí này được cải tiến từ các hỏa đồng (ống lửa) hạng nhỏ thời Lê sơ. Trong tay nghĩa quân Tây Sơn, nó được dùng một cách tập trung, ồ ạt, tạo thành hỏa lực giáp chiến hết sức lợi hại.

Đáng nói hơn nữa, Quang Trung đã chế tạo ra hỏa hổ bằng những ống tre, trở thành một khí cá nhân có tính sát thương lớn. Nếu đem so với những khẩu súng hỏa đồng của quân nhà Trịnh hay súng pháo lớn cần hàng chục người vận chuyển của nhà Minh, nhà Thanh thì sáng tạo này của Quang Trung đã tiến xa cả về công nghệ lẫn ý nghĩa thực tiễn trong chiến đấu.

Theo tiến Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, thành công Hỏa hổ của Quang Trung là ứng dụng công nghệ truyền thống Việt Nam với kinh nghiệm của thế giới chế tạo vũ khí cá nhân.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , ,