Sự tuyệt vọng của người Brazil trong đại dịch COVID-19

Tình trạng sức khỏe cộng đồng thảm khốc nhấn chìm Brazil trong khủng hoảng khi đất nước này vật lộn với một chính phủ tê liệt ở cấp cao nhất.

Sự tuyệt vọng của người Brazil trong đại dịch COVID-19

Nước Mỹ rõ ràng là tâm dịch của thế giới ở thời điểm hiện tại, nhưng một trong những tâm dịch kế tiếp có thể đang nổi lên cách đó 7200 km về phía Nam.

“Brazil có lẽ là tâm dịch tiếp theo trên thế giới”, Luciano Cesar Azevedo, một bác sĩ đã dành ngày đêm điều trị bệnh nhân COVID-19 trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở São Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, nói với The Atlantic. “Tôi nghĩ rằng Brazil sẽ có gần 100.000 người chết”.

Lúc diễn ra cuộc phỏng vấn, ông Azevedo lưu ý rằng 90% giường ICU trong hệ thống y tế cộng đồng của thành phố đã đầy. Ông cũng nói Rio de Janeiro, nơi hệ thống y tế quá tải do dịch bệnh, có thể trở thành New York của Brazil.

“Dịch bệnh ở Brazil chỉ mới bắt đầu”

Ông Tom Inglesby của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết Brazil báo cáo 3.700 ca nhiễm mới vào ngày 23/4. Chưa đầy hai tuần sau đó, vào ngày 6/5, con số này tăng hơn gấp ba thành 11.896 ca nhiễm mới trong một ngày. Sự gia tăng số ca COVID-19 ở Brazil rất “đáng lo ngại”, ông Inglesby nói với The Atlantic.

Quốc gia có dân số hơn 200 triệu người này đến ngày 18/5 đã ghi nhận 15.776 người chết vì COVID-19, một con số nhỏ nếu so với số người chết ở Mỹ. Nhưng số ca nhiễm và tử vong mới đang tăng lên nhanh chóng mỗi ngày dẫn đến việc Brazil trở thành quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Mỹ Latin và là một trong những quốc gia dịch bệnh nặng nhất thế giới. Mùa cúm vẫn chưa đến (Nam bán cầu đang bước vào mùa đông), và dịch sốt xuất huyết dengue ở nước này có thể bùng phát như những gì virus Corona gây ra.

Việc thiếu xét nghiệm dẫn đến số trường hợp dương tính chính thức của Brazil, vốn đã là 236.131 tính đến ngày 18/5, có thể cao gấp 10 lần, theo ông Azevedo, người cũng là giáo sư về chăm sóc quan trọng và cấp cứu tại Đại học São Paulo.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một trong những nhà lãnh đạo tích cực nhất trong việc bác bỏ mối nguy từ virus Corona trên thế giới, đang cố gắng thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp và mở lại nền kinh tế. Điều này có thể đẩy nhanh sự lây lan của virus. “Dịch bệnh ở Brazil chỉ mới bắt đầu”, ông Azevedo nhận định.

Giống như ở Mỹ, dịch bệnh COVID-19 tác động cùng lúc với vấn đề luôn gây căng thẳng ở Brazil. Brazil được xem là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên hành tinh này. Dịch COVID-19 ban đầu có vẻ như là một vấn đề bình đẳng vì nó làm đảo lộn cuộc sống của mọi người ở mọi nơi. Sau một khoảng thời gian, dịch bệnh làm lộ ra sự bất bình đẳng xã hội.

Virus Corona hành hạ những người nghèo không có điều kiện cách ly xã hội, tuân thủ lệnh phong tỏa, và thậm chí rửa tay. Những người này cũng có bệnh nền khiến họ dễ tử vong hơn khi mắc virus. Điều trớ trêu là ở một số quốc gia, bao gồm cả Brazil, những người giàu là người mang COVID-19 về nước và rút vào cách ly xã hội khi dịch bệnh bắt đầu tàn phá bộ phận dân nghèo.

“Ở Brazil, làn sóng những người bị nhiễm bệnh đầu tiên hồi phục tốt hơn. Họ là những người giàu đi ra nước ngoài và bị nhiễm virus”, bà Maria Canineu, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Brazil, nói với The Atlantic. “Hầu hết họ là người da trắng có thể được xét nghiệm và dùng dịch vụ của bệnh viện tư nhân. Nhưng gần đây, chúng tôi thấy số người nhiễm, nhập viện và tử vong là người da đen ngày càng tăng”.

Người nghèo Brazil khốn khổ với đại dịch

Người Brazil da đen tập trung ở các khu dân cư nghèo, đông đúc như các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro và São Paulo. Nhiều người sống ở những khu vực này thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản như nước sạch, huống hồ là xà phòng hoặc nước rửa tay. Vì vậy, lời khuyên đơn giản nhất trong đại dịch – hãy rửa tay – không hề thực tế với họ. Một số gia đình có 10 hoặc 12 người sống cùng một phòng. Điều này khiến việc cách ly xã hội gần như không thể thực hiện.

Nhiều người làm việc ở những ngành nghề không chính thức ở Brazil như công nhân xây dựng hoặc bán hàng rong phải rời nhà để kiếm tiền. Họ chỉ có hai lựa chọn tồi tệ: mạo hiểm sức khỏe để bảo vệ sinh kế hoặc mặc kệ sinh kế để bảo vệ sức khỏe. “Đây là những điều kiện hoàn hảo để virus lây lan”, bà Canineu nói với The Atlantic.

Cư dân của các khu ổ chuột, nơi có khoảng 13 triệu người Brazil sinh sống, cũng phụ thuộc phần lớn vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Họ thường bị các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh lao và huyết áp cao. Điều này khiến họ có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng do COVID-19.

Tại Manaus, thủ phủ của bang Amazonas, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang không xoay xở kịp vì sự gia tăng của bệnh nhân COVID-19. Khi nói về tình hình gần đây, thị trưởng Manaus đã bật khóc trên truyền hình. “Các video trên mạng xã hội đã cho thấy sự tuyệt vọng của các gia đình trong việc tìm sự hỗ trợ y tế khẩn cấp. Các thi thể xếp chồng bên cạnh bệnh nhân ở các bệnh viện thiếu hụt nhân viên tại Manaus”, bà Jocelyn Getgen Kestenbaum, một chuyên gia nhân quyền quốc tế ở New York, đã phân tích về tình trạng khó khăn của Brazil gần đây.

Tình trạng sức khỏe cộng đồng thảm khốc này đang ảnh hưởng đến Brazil khi đất nước này vật lộn với một chính phủ tê liệt ở cấp cao nhất. Tổng thống Bolsonaro vì muốn khởi động lại nền kinh tế đã tranh cãi với các quan chức địa phương và tòa án nhằm nới lỏng phong tỏa. “Một số người sẽ chết thôi. Cuộc đời là vậy”, Tổng thống Bolsonaro đã phát biểu.

Ở một đất nước mà một phần tư dân số sống trong nghèo đói và nền kinh tế vẫn đang hồi phục sau một cuộc suy thoái lớn ngay cả khi đất nước này bị cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo ảnh hưởng, người nghèo đang bị tấn công bởi cả virus Corona và những nỗ lực ngăn chặn nó. Ông Brian Winter, tổng biên tập của tạp chí Americas Quarterly, đã nói “những người bán hàng rong không thể làm việc tại nhà”.

Bà Canineu cũng cho biết hàng triệu người Brazil nghèo không thể nhận trợ cấp chính phủ khoảng 100 USD mỗi tháng vì thiếu Internet, thiếu thông tin về cách thức hoạt động của quy trình hoặc gặp trục trặc với quy trình. Thợ làm móng của bà Canineu, một bà mẹ hai con, đã tải xuống ứng dụng đăng ký nhận hỗ trợ và điền thông tin. Trong hai tháng qua, những gì người phụ nữ này nhận được chỉ là thông báo “Trường hợp của bạn đang được xem xét”.

“Cô ấy không thể đi làm việc và vì vậy cô ấy không có tiền để làm bất cứ điều gì”, bà Canineu nói. “Cô ấy đang tuyệt vọng”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

 

Tags: , ,