Sự trùng hợp lạ lùng giữa Nam Phương hoàng hậu và Tống Mỹ Linh

Nếu để ý một chút sẽ thấy rằng, hoàng hậu Nam Phương và đệ nhất phu nhân Tống Mỹ Linh là hai “bà hoàng” có tình sử giống nhau đến kinh ngạc.

Sự trùng hợp lạ lùng giữa Nam Phương hoàng hậu và Tống Mỹ Linh

Những chuyện tình rùm beng

Nam Phương và Tống Mỹ Linh một người là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam, người kia là đệ nhất phu nhân của Tưởng Giới Thạch. Cả hai đều sinh ra trong gia đình công giáo nhưng lại lấy chồng ngoại đạo – một điều rất cấm kị. Mỹ Linh là con ông Tống Gia Thụ vừa là một thương nhân giàu có lại vừa là một nhà truyền giáo của đạo Cơ Đốc. Trong khi đó, gia đình Nam Phương thì nhiều đời trung thành với Chúa. Cụ tổ của Nam Phương là ông Lê Văn Gấm vào năm 1847 đã bị chính vua Tự Đức ra lệnh xử giảo vì không chịu bỏ đạo.

Gia đình Nam Phương nắm trong tay hàng nghìn mẫu ruộng trải dài từ Nam Sài Gòn đến Đồng Tháp Mười nên đã không tiếc tiền bỏ ra xây dựng những công trình cho đạo Thiên Chúa tại Sài Gòn. Theo cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của Daniel Grandclément thì những công trình đó gồm một nhà thờ ở Chợ Lớn, một ở ngoại ô và hai nhà thờ ở trung tâm Sài Gòn. Một trong hai nhà thờ đó chính là nhà thờ Sài Gòn mà Daniel ca ngợi là “Một nhà thờ mang tầm cỡ khu phố nhưng có dáng dấp nhà thờ lớn khi ánh mặt trời rọi vào các ô kính màu… Đẹp như khải hoàn môn, không đổ nát, không hư hỏng vì thời tiết và chiến tranh”.

Sự giống nhau về gia đình và tôn giáo đã mở đầu cho những sự giống nhau éo le tiếp theo của hai “bà hoàng” trong chuyện tình duyên của họ.

Từ năm 1922, Tưởng đã bắt đầu cuộc theo đuổi Tống tiểu thư nhưng gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình họ Tống. Đầu tiên là Tống Khánh Linh cực lực phản đối vì Tưởng Giới Thạch đã có vợ và kèm theo đó là những dư luận về thói trăng hoa của Tưởng. Mạnh mẽ nhất là Tống phu nhân (lúc này Tống Charlie đã mất) với hai lý do chính: Tưởng đã có vợ và không phải tín đồ Cơ đốc giáo.

Với quyết tâm chinh phục người đẹp, Tưởng tìm đến bà chị cả Tống Ái Linh tìm cơ hội giúp đỡ. Ái Linh tham tiền đã nhận thấy ở Tưởng một đối tác rất xứng đáng để mở rộng cơ nghiệp của gia đình họ Khổng mà bà ta làm dâu nên ủng hộ nhiệt tình.

Anh của Mỹ Linh là Tống Tử Văn ban đầu cũng phản đối Tưởng. Lúc đó Tử Văn đang làm Bộ trưởng Tài chính của chính phủ Quốc dân Đảng. Năm 1925, sau vụ đảo chính ở Quảng Châu, Tưởng thành lập một chính phủ mới ở Nam Kinh tách rời chính phủ ở Vũ Hán mà Tống đang phụng sự. Tưởng đưa ra lời mời Tống Tử Văn về làm Bộ trưởng Tài chính cho mình. Ban đầu Tống không chịu nhưng khi Tưởng ra lệnh phong tỏa hết tài sản của Tống thì ông ta đành ngoan ngoãn vâng lời. Khi ăn của người rồi thì đành phải ngậm miệng.

Rào cản cuối cùng và khó khăn nhất là Tống phu nhân. Nhờ Ái Linh và Tử Văn giúp đỡ đắc lực, Tống phu nhân dần dần cũng xuôi khi Tử Văn nhắc bà rằng “Em con năm nay đã gần 30 tuổi rồi” khiến bà giật mình. Thêm vào đó Tưởng cũng đồng ý theo Cơ đốc giáo và nghiên cứu kinh thánh. Cuối cùng, Tống phu nhân cũng gật đầu cho Tưởng lấy Mỹ Linh.

Trong khi đó, chuyện tình của hoàng hậu Nam Phương và Bảo Đại cũng éo le không kém và cũng phải mất rất nhiều công vận động. Do sự khác biệt tôn giáo, Bảo Đại gặp phải sự phản đối quyết liệt ở cả hai bên. Mẹ Bảo Đại là bà Thái hậu Từ Cung vốn rất sùng Phật giáo nên không muốn có một cô con dâu là tín đồ Thiên chúa. Cả hoàng gia cũng có suy nghĩ như thế. Daniel trong cuốn sách đã nói ở trên dẫn ra rằng phủ Tôn nhân đã phủ quyết việc vua Bảo Đại lấy Nam Phương.

Tôn Thất Đàn, thượng thư bộ Hình còn có ý định thảo một kiến nghị có chữ ký của các đại thần đứng đầu các Bộ và các nha phủ quan trọng trong triều để yêu cầu vua từ hôn với Nam Phương. Ông còn nghĩ đến nếu vua cứ nhất quyết lấy Nam Phương thì phải ép Nam Phương bỏ công giáo theo đạo Phật.

Nhưng rào cản chính đối với mối tình này lại đến từ Vatican. Lo sợ chuyện tình cảm của con gái có thể gặp phải nguy hiểm khi nó bị hoàng gia phản đối như thế, gia đình Nam Phương quyết định nhờ Tòa thánh can thiệp. Với vai vế của gia đình Nam Phương trong xã hội cộng với sự ngoan đạo đã được chứng minh qua hành động tử vì đạo của cụ tổ Nam Phương, Giáo hoàng đích thân phán bảo với một từ “không” chắc nịch.

Người Pháp phải vào cuộc. Từ đại sứ Pháp tại đến Toàn quyền Đông Dương và cả Bộ trưởng Thuộc địa ở Pháp đều tham gia vào những cuộc vận động ráo riết đối với Vatican. Cũng như Tưởng Giới Thạch, nỗ lực chinh phục người đẹp của Bảo Đại rồi cũng thành công khi lễ cưới của họ được tổ chức vào năm 1934.

Đầu voi đuôi chuột

Một điều trớ trêu cho cả Nam Phương và Mỹ Linh là trong khi chuyện tình của họ rất ồn ào thì đám cưới lại rất lặng lẽ.

Ngày 1/12/1927, đám cưới của Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch diễn ra ở tư gia họ Tống. Đáng lẽ với địa vị của Tưởng Giới Thạch lúc đó là người quyền lực nhất Quốc dân Đảng và Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, đám cưới phải tổ chức như quốc lễ. Tuy nhiên ngay cả nghi thức lễ cưới bình thường như các tín đồ Cơ Đốc khác cũng không thực hiện được.

Tống phu nhân luôn buồn phiền vì đám cưới của Mỹ Linh đã không thể tổ chức ở nhà thờ Tống Charlie do gia đình bà giúp tiền xây dựng như 2 người chị. Nguyên nhân là dòng truyền giáo Methodist ra lệnh cho các linh mục không được chủ hôn cho người đã li dị vợ như Tưởng Giới Thạch. Sau cùng, một mục sư đồng ý đến chủ hôn cho đám cưới của Tưởng và Tống tại nhà họ Tống. Đám cưới cũng hạn chế quan khách và được vây bọc vòng trong vòng ngoài cảnh sát, mật vụ.

Đám cưới của Nam Phương và Bảo Đại cũng không khá hơn. Trong một bức thư của đại sứ Pháp tại La Mã gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao nước này báo tin lễ cưới có đoạn: “Tôi được biết gần đây Hoàng đế đã tổ chức lễ cưới một cách kín đáo nhưng vẫn có nhiều người biết. Theo nguồn tin riêng, đã có sự cam kết cần thiết để lễ kết hôn có thể cử hành được, đó là sự cam kết các con cả trai lẫn gái sau này sinh ra sẽ được dạy dỗ theo nguyên lý cơ đốc giáo cả hai vợ chồng đều đã ký tên vào bản cam kết này”.

Một điểm tương đồng giữa Nam Phương và Tống Mỹ Linh mà không thể không nhắc đến là sau khi thành hôn, hai bà hoàng này đã “thuần phục” được các ông chồng vốn là những “con ngựa bất kham”. Tưởng Giới Thạch từ sau khi lấy Mỹ Linh đã ít bị điều tiếng tình ái hơn. Còn Bảo Đại, với địa vị một ông vua dù là bù nhìn nhưng vẫn có quyền lấy thêm các bà phi hay mỹ nữ. Tuy nhiên, từ sau khi kết hôn với Nam Phương, ông ta đã không chính thức lấy thêm một người nào nữa mặc dù thỉnh thoảng ông vẫn có những mối tình chớp nhoáng với một ai đó.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,