⠀
Sự bình thường có thực sự tồn tại hay không?
Ngày qua ngày, chúng ta vẫn luôn tự đặt câu hỏi về sự bình thường của chính mình, băn khoăn liệu bản thân có suy nghĩ, hành động và sống giống người khác.
Trước thế kỷ 19, normal (bình thường) vốn mang nghĩa góc vuông trong toán học. Bấy giờ, con người vẫn so sánh bản thân với nhau, nhưng đa phần theo tư duy kiểu cá nhân, chứ họ không hề coi bình thường như một kiểu quy chuẩn chung để đánh giá trạng thái tồn tại hoặc hành vi. Quan niệm hiện đại của chúng ta về bình thường xuất hiện ở Bỉ vào năm 1835, khi nhà thiên văn học Adolphe Quetelet bắt đầu xu hướng so sánh các đặc điểm của con người với mức trung bình.
Quetelet phát hiện nếu vẽ một tập hợp dữ liệu lớn trên biểu đồ – chẳng hạn như chiều cao của hàng nghìn người – thì một đường cong hình chuông sẽ xuất hiện. Chiều cao của phần lớn mọi người sẽ nằm đâu đó quanh phần đỉnh chuông, trong khi hai bên sẽ ngày càng đi xuống, phản ánh số lượng giảm dần người có chiều cao lớn hơn hoặc thấp hơn mức trung bình. Đường cong hình chuông về bản chất là phân phối chuẩn của biến, vẫn mang nhiều sai số đến mức hai nhà toán học Carl Friedrich Gauss và Pierre-SimonLaplace coi chúng như đường cong sai số của giới thiên văn.
Cũng dễ hiểu bởi khoa học thường thực hiện nhiều phép đo trên cùng một đối tượng để xác định gần sát nhất khoảng cách hay quỹ đạo của một hành tinh. Bình thường khi đó không đơn thuần chỉ là đỉnh của đường cong hình chuông, mà còn phản ánh giá trị trung bình, điểm trung vị cùng tập hợp các giá trị xếp thẳng hàng trong một phân phối chuẩn đối xứng. Adolphe Quetelet cho rằng, con người cũng đang vận hành cuộc đời trên hành trình của một… quả chuông. Ai càng ở gần đỉnh chuông, thì càng tiệm cận một lối sống đúng đắn hoặc lý tưởng.
Với “Chính luận về loài người”, Quetelet biện luận “trung bình + lý tưởng = bình thường” tựa la bàn điều hướng xã hội chúng ta, mọi thứ đều tốt đẹp trong giới hạn phù hợp, còn vượt qua ranh giới để chạy xa khỏi đỉnh, dù lên hay xuống, lại tiềm ẩn rủi ro. Đắm chìm trong mộng tưởng bình thường, chúng ta muốn mọi thứ phải theo ý mình, kiếm tìm sự lý tưởng về thể chất, tinh thần và hành vi. Nếu mọi thứ được thiết kế cho một người có chiều cao trung bình, từ chiều dài của chiếc giường đến chiều cao của chiếc bàn, thì người này chắc chắn sẽ trở thành con người lý tưởng trong xã hội đó.
Bình thường không bình thường
Công thức của Adolphe Quetelet thâm nhập vào khoa học và y học trong hơn một thế kỷ, để rồi tồn tại cho đến tận ngày nay. Khảo sát của một bác sĩ về ý nghĩa của từ bình thường năm 1967 trong lĩnh vực tâm thần học đã tạo ra những tranh luận gay gắt. Câu hỏi rất đơn giản: một người bình thường điển hình sẽ làm gì nếu bị sếp gọi là kẻ ngu trước mặt công ty? Hành vi bình thường khi ấy có thể là bực mình ra mặt, hay bơ đi mà sống, rồi làm căng và nghỉ việc. Tóm lại, trong trường hợp này, đâu mới là đỉnh của cái chuông?
Thời gian khiến chúng ta càng khó phát hiện cái giới hạn của bình thường. Năm 1898, bệnh nhân Edith Cotton ở viện Bethlem (London) từ chối đội mũ ra khỏi cửa, và ngay lập tức bị coi có dấu hiệu tâm thần khi xã hội bấy giờ tôn sùng việc… đội mũ. Trong khi đó, trào lưu “phụ nữ mới” đã gây tai tiếng ở nước Anh cuối thời Victoria bằng cách cắt tóc ngắn và ngồi trên lầu xe buýt, trong khi đây chỉ là những hành động hết sức bình thường, chẳng có gì phải bàn cãi ở xã hội phương Tây hiện đại.
Thuật ngữ bình thường thực tế… không bình thường. Dữ liệu được sử dụng để tạo ra bất kỳ giá trị trung bình toán học nào có xu hướng được chọn theo các giả định bình thường trước đó. Chúng ta luôn nghĩ về bình thường là một loại tiêu chuẩn phổ quát, nhưng suy nghĩ này lại xuất phát chỉ từ một nhóm đối tượng nhất định. Chẳng hạn, đối với Quetelet, bình thường là nam giới, còn nhà khoa học thời Victoria Francis Galton coi bình thường gồm cả hai giới, nhưng nghiêng về phân loại theo tầng lớp trung hoặc thượng lưu.
Nhà điêu khắc Abram Belskie nghĩ bình thường mang màu sắc trẻ trung, vui tươi và tràn đầy sức sống. Câu chuyện Normman và Norma trở thành trò đùa về sự bình thường trong xã hội. Abram Belskie đã sử dụng số đo của hàng nghìn người Mỹ để tạo nên hai kiệt tác làm quy chuẩn cơ thể cho con người, nhưng trớ trêu thay đối tượng yêu thích của nhà điêu khắc chỉ là người Mỹ trẻ da trắng, cùng các số liệu “lỗi thời” từ tiệm may đo. Norma và Normman được coi là giá trị trung bình, nhưng được tạo ra bởi tư duy thiên vị, thiếu công bằng.
Năm 1945, một tờ báo địa phương tổ chức cuộc thi tìm kiếm Normman và Norma ngoài đời thực. Kết quả khiến chúng ta phải kinh ngạc: người chiến thắng hoàn toàn không đáp ứng chính xác các phép đo tỉ lệ cơ thể, mà chỉ… đến rất gần. Mặc dù một số người trong chúng ta có thể chạm mức trung bình ở một hoặc thậm chí hai đặc điểm, nhưng cơ hội đạt được giá trị trung bình toán học trên nhiều phép đo khác nhau là rất nhỏ, thậm chí bằng 0. Khi ấy, Sarah Chaney đùa rằng loài người chúng ta không ai là… bình thường.
Vấn đề nằm ở chỗ, trò đùa này lại vô tình tạo nên những cái đỉnh chuông mới. Khi những bức tượng thạch cao của Normman và Norma được trưng bày, chúng đặt ra nhiều tiêu chuẩn kiểu người Mỹ bình thường phải da trắng, trẻ trung và lực lưỡng, số khác như người da màu, khuyết tật hay cao tuổi thì… ít Mỹ hơn. Tương tự, bài kiểm tra Alpha IQ của quân đội Mỹ năm 1917 đánh giá người nhập cư và tầng lớp lao động kém thông minh hơn so với các nhóm khác. Tư duy kiểu này khiến đa phần chúng ta cảm thấy không hài lòng, bởi lẽ chẳng khác nào chúng ta đang phân biệt lẫn nhau, dù bản chất cùng là con người đang kiếm tìm sự bình thường trong cuộc sống.
Chúng ta vẫn lạc lối
Như một tuyên bố đanh thép lấy lại công bằng cho những ai tự coi mình, hoặc bị người khác gắn mác, là không bình thường, cuốn sách “Liệu tôi có bình thường?” khẳng định một người bình thường ngay cả khi họ không nằm trên đỉnh chuông. Hiệp hội nghiên cứu tâm lý Anh (SPR) chỉ ra việc nhìn hoặc nghe thấy những điều mà người khác không thấy phổ biến hơn mong đợi và không nhất thiết là dấu hiệu của bệnh tật. Trong khi đó, mô hình xã hội về khuyết tật được phát triển vào những năm 1970 cho rằng người khuyết tật không bị khiếm khuyết vì đặc điểm thể chất hoặc tình trạng sức khỏe, mà do nhu cầu của họ không được đáp ứng đầy đủ từ một xã hội được thiết kế cho những người bình thường.
Dù vậy, nhiều người vẫn đặt câu hỏi về sự bình thường của chính họ, ngày này qua ngày khác. Suốt một thời gian dài, Sarah Chaney băn khoăn liệu cô có suy nghĩ, hành động và sống giống người bình thường. Chúng ta không ngừng so sánh bản thân, với những chuẩn mực biến đổi theo thời gian, không gian và nhóm người. Chúng ta vô tình đưa ra nhiều giả định mang tính tinh hoa và loại trừ về giai cấp, chủng tộc, giới tính hay hình thể, chịu sự chi phối của khoa học, của hàng trăm năm nghiên cứu. Những quan niệm kiểu này đã ăn sâu vào cuộc sống đến mức chúng ta thường không nhận thấy chúng tồn tại.
Tâm lý học hiện đại nhấn mạnh, xác định một sự việc, một hiện tượng là bình thường hay không bình thường không đơn giản bởi nó phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi cá nhân hay đánh giá của xã hội với sự việc, hiện tượng đó. Nếu được quay ngược thời gian để trấn an bản thân khi còn trẻ, Sarah Chaney sẽ muốn gửi lại quá khứ thông điệp: “so sánh bản thân mình với một cái đỉnh chuông, một mức trung bình nào đó có tác dụng gì ngoại trừ nỗi ám ảnh đầy lo lắng, muộn phiền?”. Chúng ta không ai giống nhau, đi theo vô số hướng trên đường đời, nếu muốn đặt mục tiêu để phấn đấu thì cân nhắc kỹ lưỡng về tính khả thi, năng lực bản thân, và sự giúp đỡ của người khác.
Trong thế giới quan đa dạng, chúng ta đang bận xem xét một thuộc tính có lành mạnh hay không, rồi trăn trở với cách bản thân đối nhân xử thế, hay tham vọng thay đổi bản thân để trở nên phù hợp. Đôi khi, đây có thể là một bài tập hữu ích, giúp phát hiện bệnh tật, hoặc hỗ trợ bản thân và những người thân yêu vượt qua những thời điểm khó khăn. Suy cho cùng, bình thường chỉ là một dạng suy nghĩ mà chúng ta dùng để gọt giũa cách thông hiểu mọi việc. Có lẽ chẳng có gì thực sự bình thường ở đời này, mà thứ làm nên cuộc sống chính là sự đa dạng và khác biệt. Lắm lúc làm những gì chúng ta gọi là không bình thường cũng tốt. Thật tẻ nhạt nếu mọi người đều bình thường, dù hai từ này có nghĩa gì đi nữa…
Theo VIỆT DŨNG / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Quan điểm sống, Tâm lý học, Con người và xã hội