Sự bế tắc của một nền du lịch ‘ăn xổi’ theo mùa vụ

Thay vì nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, các bên liên quan tới điểm đến đều tranh thủ tận thu: hàng không tăng giá vé, khách sạn tăng phí dịch vụ, ông taxi, bà chủ nhà hàng cũng nhân dịp này “bóp ví” du khách bằng giá trên trời.

Sự bế tắc của một nền du lịch ‘ăn xổi’ theo mùa vụ

Tác giả: Trần Hữu Hiệp, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trốn nóng, tôi bỏ phố về quê mấy hôm, nhưng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long mùa này cũng nóng.

Không đi đâu được, chúng tôi quây lại ngồi nhậu ở một góc vườn. Câu chuyện cuối tuần lần này không xoay quanh giá cả nông sản như thường lệ, vì mấy ông bạn miệt vườn còn bận giành nhau kể chuyện được con đưa đi du lịch dịp lễ, lần này là “sang bển” hẳn hoi.

“Bển” thì cũng gần thôi, loanh quanh mấy nước Thái Lan, Malaysia với Campuchia do sẵn dịp SEA Games… Ông Sáu hào hứng nhất hội, kể rằng 3-4 năm nay, con cái ông bắt đầu có dư, nên dịp 30/4-1/5 nào, chúng cũng thay nhau đưa bố mẹ đi ngắm cho đã vẻ đẹp mỗi nơi một khác của đất nước. Hồi đầu tháng 4, con trai ông – trưởng phòng rồi, thành đạt rồi, nhưng ở nhà vẫn gọi là thằng Bi – tình cờ cùng bạn tới Ngày hội du lịch TP HCM. Nó lang thang coi nọ coi kia rồi tỉ mẩn so giá và phát hiện ra giá tour đi Thái, cũng dịp 30/4, rẻ hơn hẳn đi trong nước.

Tour Bangkok – Pattaya – Lễ hội Té nước Thái Lan, đi từ TP HCM giá chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/khách, trong khi khảo sát trên mạng lúc đó, riêng vé máy bay khứ hồi TP HCM – Phú Quốc rẻ nhất đã gần 4 triệu đồng/người; tính thêm cả ăn uống ngủ nghỉ, tiết kiệm lắm cũng mất 7-8 triệu đồng một suất cho cả chuyến. Thằng Bi thích quá, đặt tour luôn ngay tại ngày hội, lại được giảm giá thêm ít nữa. Ông Sáu kể hết lịch trình 4 ngày 3 đêm ở Thái rồi chép miệng: “Lạ hén, đi nước ngoài giờ rẻ hơn trong nước luôn”.

Nhận xét của ông Sáu vẫn lạ nhưng không còn mới. Chuyện tour ngoại rẻ hơn tour nội đã được khách hàng nhận thấy và tận dụng những năm gần đây.

30/4-1/5 là một “vụ mùa” lớn của ngành du lịch. Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, cả nước đón khoảng 7,3 triệu lượt khách; trong đó hơn 300.000 khách quốc tế, 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% so với cùng kỳ 2022. Những con số nghe rất vui tươi, phấn khởi, nhưng cũng cho thấy tâm lý phụ thuộc thời vụ của du lịch Việt Nam.

Vì vậy, một số điểm đến, kỳ vọng vào đợt lễ này, đã sốc khi thực tế thu hút khách không như mong đợi, chẳng hạn Phú Quốc. Sở Du lịch Kiên Giang công bố, lượng khách đến đảo ngọc kỳ nghỉ này chỉ khoảng 180.000 lượt, giảm 40% so năm trước. Hướng dẫn viên “đói tour”, công suất buồng, phòng khách sạn thấp. Hiện tượng Phú Quốc năm nay được nhà chức trách địa phương và chuyên gia lý giải bằng nhiều nguyên nhân: sản phẩm du lịch thiếu phong phú; giá dịch vụ “cắt cổ”; giá vé máy bay tăng đột biến; du khách không trở lại do có ấn tượng xấu về tình trạng chặt chém, chất lượng phục vụ kém…

Nhiều nguyên nhân trong số này là hệ quả của tư duy mùa vụ. Thay vì nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, các bên liên quan tới điểm đến đều tranh thủ tận thu: hàng không tăng giá vé, khách sạn tăng phí dịch vụ, ông taxi, bà chủ nhà hàng cũng nhân dịp này “bóp ví” du khách bằng giá trên trời.

Du lịch là hoạt động liên quan đến chuyến đi của con người đến những điểm ngoài nơi cư trú nhằm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên… Yếu tố mùa vụ – tận dụng sự khác biệt giữa các không gian trong cùng thời điểm, sự thay đổi tích cực về thời tiết, cảnh quan, văn hóa, ẩm thực giữa các vùng miền, các sự kiện thể thao – văn hóa, các kỳ nghỉ của khách – là một đặc tính tất yếu của ngành du lịch.

Nhưng khai thác mùa vụ khác với phụ thuộc vào mùa vụ. Tình trạng phụ thuộc mùa vụ về lâu dài sẽ làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, giảm tỷ lệ trở lại của du khách. Trong nhiều năm làm việc tại Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi chứng kiến không ít điểm du lịch có tâm thế “làm một mùa, ăn cả năm” nên “chộp giật”, không đầu tư đào tạo nhân lực, sáng tạo sản phẩm du lịch mới…

Làm gì để du lịch thoát tình trạng “ăn xổi” theo mùa vụ, theo tôi, là bài toán phải giải quyết từ việc thay đổi tư duy, nhận thức của người làm du lịch. Vấn đề này cần thời gian và cả sự trả giá. Khía cạnh “an ủi” của hiện tượng Phú Quốc năm nay, là nó sẽ để lại bài học nào đó cho người trong giới về sự cần thiết nuôi dưỡng nguồn khách lâu bền.

Du lịch là ngành tổng hợp, từ giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan sinh thái đến “bếp ăn”. Ngành du lịch có thể tận dụng tính hấp dẫn sẵn có của ẩm thực Việt Nam để phục vụ tốt nhất ham muốn “món ngon vật lạ” của con người – thứ nhu cầu không phụ thuộc vào mùa vụ. Chăm sóc tốt khâu này bằng cách đầu tư vào các đặc sản địa phương, điểm đến nào cũng có thể hút khách vào dịp cuối tuần, góp phần tăng thời gian du lịch trong năm.

Chuỗi giá trị du lịch không nên “gói” trong không gian hành chính của một địa phương. Liên kết vùng cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật… Mục tiêu của việc này là hướng tới đa dạng hóa sản phẩm du lịch giữa các vùng miền, giữ chân khách qua lại giữa nhiều điểm đến khác nhau, tránh “chảy” ra các nước lân cận. Vấn đề này không còn là nguy cơ, mà đã trở thành thực trạng hiện hữu. Cũng theo thống kê của Tổng cục Du lịch, một số liệu khác cho thấy, lượng khách đặt tour đi nước ngoài dịp 30/4-1/5 tăng mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia)…

Ngành du lịch cần sớm ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để tìm hiểu sâu về thị hiếu, tâm lý, sở thích du khách. Hiểu khách, nắm được thị hiếu của khách là cơ sở quan trọng để chủ động tung ra các sản phẩm mới, phù hợp mà không cần chờ mùa vụ. Nguồn dữ liệu này khi đủ lớn và chi tiết có thể được khai thác như một tài nguyên chung, phục vụ tốt nhất trải nghiệm của du khách, nhằm tăng tỷ lệ khách trở lại – vốn đang là điểm yếu của Việt Nam.

Tư duy nhiệm kỳ của quan chức, tư duy thương vụ của doanh nhân và lối canh tác “nhìn giá chọn giống cây” của nông dân đang dần thay đổi. Du lịch, một ngành kinh tế giàu tiềm năng, không lý do gì để chậm chuyển đổi, nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào mùa vụ.

Theo VNEXPRESS 

Tags: