Sai lầm nghiêm trọng của NATO khi phớt lờ các dự đoán về Nga

Giới phân tích cho rằng 6 dự đoán về Nga bị bỏ qua trước đó chính là sai lầm nghiêm trọng của NATO và rất khó khắc phục.

Sai lầm nghiêm trọng của NATO khi phớt lờ các dự đoán về Nga

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bỏ qua 6 dự đoán về Nga, dẫn đến một sai lầm nghiêm trọng, nhận định trên được đưa ra trên ấn phẩm Counter Punch.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bài phát biểu tại trụ sở CIA ở Langley đã ca ngợi tình báo Mỹ về những công việc mà họ hoàn thành trước chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraina. Theo ông Biden, các hoạt động tình báo của phương Tây – nơi đã cảnh báo thế giới về các kế hoạch của Moskva “đóng vai trò quan trọng nhất với các đối tác và đồng minh” của Washington trong việc duy trì sự thống nhất.

Tổng thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg cùng có bài phát biểu tương tự trước đó một tháng. Người đứng đầu NATO nói về dự báo của tình báo phương Tây vài tháng trước khi bắt đầu hoạt động quân sự của Liên bang Nga.

Theo tờ Counter Punch, các nhà lãnh đạo phương Tây đã đưa ra những lời khen ngợi không phù hợp đối với cơ quan tình báo của mình, bởi vì sự kiện hiện tại là kết quả từ một “sai lầm bi thảm” của NATO, khi họ đã bỏ qua ít nhất 6 dự đoán về Nga: “Ông Stoltenberg có thể nhìn lại và chú ý đến bản ghi nhớ năm 1990 của Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng việc thành lập một ‘liên minh chống Liên Xô’ gồm các nước NATO dọc theo biên giới của Liên Xô sẽ bị nhìn nhận rất tiêu cực”.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo phương Tây nên nhớ lại hậu quả đã được dự đoán trước từ những lời hứa về việc NATO từ chối mở rộng về phía Đông. Lời đảm bảo nổi tiếng của Ngoại trưởng Mỹ James Baker đối với Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev chỉ là một ví dụ.

Theo dữ liệu được giải mật từ Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ, đã có rất nhiều lời hứa như vậy từ các đại diện của Đức, Anh, Pháp và tất nhiên là cả Mỹ trong suốt quá trình thống nhất nước Đức.

Chúng ta có thể nhớ lại một bức thư năm 1997 từ 50 chuyên gia chính sách đối ngoại nổi tiếng gọi kế hoạch mở rộng NATO của Tổng thống Clinton là một sai lầm chính trị, sẽ phá hoại sự ổn định của châu Âu. Nhưng ông Clinton đã cam kết mời Ba Lan gia nhập, điều này được cho là vì lo sợ rằng nếu từ chối, ông ấy sẽ mất các phiếu bầu quan trọng của người Mỹ gốc Ba Lan trong cuộc bầu cử năm 1996”, ấn phẩm Counter Punch lưu ý.

Đáng chú ý là phương Tây thậm chí còn không nghe lời “kiến trúc sư của Chiến tranh Lạnh” và là cha đẻ tư tưởng “chính sách răn đe”, đó là nhà ngoại giao Mỹ George Kennan.

Vào năm 1998, khi Liên minh đang chuẩn bị kết nạp Cộng hòa Séc, Ba Lan và Hungary, ông gọi việc mở rộng NATO là một “sai lầm bi thảm” trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, bởi đây là đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Tổng thư ký Stoltenberg cần phải nghĩ đến những lời của chính Tổng thống Nga Putin, người đã nhiều lần nói rằng việc mở rộng NATO là một ‘sự khiêu khích nghiêm trọng’”.

Năm 2007, tại Hội nghị An ninh Munich, ông Putin đã hỏi: “Điều gì đã xảy ra với những bảo đảm mà các đối tác phương Tây của chúng tôi đưa ra sau khi Hiệp ước Warsaw sụp đổ”?

Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không ngăn được phương Tây. Vào năm 2008, khi tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Ukraina đã được trình bày về một kế hoạch hành động để trở thành thành viên của liên minh, những ảo tưởng cuối cùng về kế hoạch của khối quân sự đã bị xua tan.

Ông William Burns, khi đó là Đại sứ Mỹ tại Moskva đã gửi một bản kiến nghị khẩn cấp tới Ngoại trưởng Condoleezza Rice, trong đó viết: “Việc Ukraina gia nhập NATO là điểm sáng nhất trong tất cả các lằn ranh đỏ đối với Nga“.

Tờ báo lưu ý, phương Tây đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ trong mối quan hệ với Nga. Và cuộc xung đột ở Ukraina có thể đã được dự đoán từ rất lâu trước khi nổ ra sự kiện Euromaidan hoặc sự thất bại của thỏa thuận Minsk.

30 năm cảnh báo và dự đoán hóa ra lại quá chính xác. Nhưng tất cả đều không được chú ý bởi một tổ chức chỉ đo lường sự thành công của nó bằng cách mở rộng vô tận ranh giới của Liên minh. NATO không làm tròn trách nhiệm đảm bảo sự an ninh mà tổ chức hứa hẹn, nhưng lại liên tục phát động những cuộc chiến tranh ở Serbia, Afghanistan và Libya“, ấn phẩm Counter Punch nói rõ.

Không chỉ có vậy, NATO tiếp tục sử dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để mở rộng hơn nữa, bằng chứng là lời mời gia nhập dành cho Phần Lan và Thụy Điển.

NATO nên đình chỉ tất cả các đơn đăng ký thành viên mới hoặc đang chờ phê duyệt cho đến khi cuộc khủng hoảng hiện tại được giải quyết. Đây là điều mà một tổ chức an ninh chung thực sự sẽ làm, trái ngược hoàn toàn với hành vi cơ hội của liên minh quân sự hiếu chiến này. Thay vào đó, các chuyên gia tin rằng Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục hứa hẹn sẽ cung cấp vũ khí vô tận, gây nguy hiểm cho hàng triệu sinh mạng và tận dụng mọi cơ hội để ‘nuôi sống con người và an ninh toàn cầu. Giải pháp lâu dài duy nhất cho sự thù địch được tạo ra bởi liên minh độc quyền, gây chia rẽ này là giải tán NATO và thay thế nó bằng một cấu trúc an ninh bao trùm“, tờ Counter Punch kết luận.

Mặc dù vậy phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, sự thù địch hiện tại giữa Nga và NATO là gần như không thể cứu vãn, mọi diễn biến tiếp theo sẽ tùy thuộc vào tình hình chiến sự tại Ukraina.

Theo AN NINH THỦ ĐÔ

Tags: , , ,