⠀
Rủi ro cho thế giới từ ‘Chiến lược Vòng tuần hoàn kép’ của Trung Quốc
Với các lệnh trừng phạt, chính phủ Mỹ muốn cắt đứt sự tiếp cận của các công ty công nghệ quan trọng Trung Quốc. Để bảo vệ bớt bị tổn thương hơn trong cuộc chiến thương mại này, Bắc Kinh đang dựa vào chính sách tự cung cấp. Họ gọi hướng đi mới này là “Chiến lược vòng tuần hoàn kép” (Dual Circulation).
Tác giả: Bernd Weidensteiner, chuyên gia kinh tế của Commerzbank, phụ trách về phân tích các vấn đề của Mỹ.
Nguồn: Strategie der zwei Kreisläufe: Chinas neuer Kurs birgt Risiken für die ganze Welt, Focus.de 13/9/2020.
Biên dịch: Tôn Thất Thông.
Trong mấy tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã công bố một chiến lược mới để phát triển kinh tế. Với “chiến lược vòng tuần hoàn kép”, Peking ngày càng dựa vào thị trường nội địa. Đồng thời, họ muốn tạo thế cộng sinh giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Về lâu dài, Trung Quốc muốn thiết kế một hệ thống lấy chính sách tự cung tự cấp làm hướng phát triển chủ yếu.
Một động cơ quan trọng cho chiến lược mới này có thể xuất phát từ sự căng thẳng ngày càng gia tăng với Mỹ. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc tự đặt cho mình những mục tiêu chính trị đầy tham vọng để trở thành một siêu cường khu vực và sau đó là siêu cường toàn cầu. Nền tảng của chính sách này là sự phát triển nhanh chóng kinh tế quốc gia.
Như những trường hợp tương tự trong quá khứ, sự xuất hiện (hoặc trong trường hợp của Trung Quốc là sự tái trỗi dậy) của một cường quốc mới sẽ tạo ra căng thẳng với các cường quốc đã được thiết lập vốn dĩ phải cố gắng bảo vệ vị trí sẵn có của họ. Gần như chắc chắn, Trung Quốc phải xung đột với Mỹ. Do đó, Hoa Kỳ đã khởi xướng chính sách kiềm hãm.
Một yếu tố của chính sách đó là đảm bảo vị trí dẫn đầu của Mỹ trong ngành công nghệ cao. Yếu tố tiếp theo là chính sách an ninh với việc tăng cường tập trung vào Thái Bình Dương – Mỹ hiện nay có vẻ chuyển hướng sang châu Á, điều đã được công bố từ lâu.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ và việc ngừng cung cấp sản phẩm công nghệ cao đã một lần nữa bộc lộ tính mong manh, dễ bị tổn thương của nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế nội địa và tự cung tự cấp trong các lĩnh vực quan trọng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.
Ưu tiên mới để đạt đến sự tự lập
Để thực hiện các mục tiêu này, chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ trình bày kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 như một phần của kế hoạch 5 năm lần thứ 14 sắp tới vào cuối tháng 10, đặt ra một số ưu tiên mới:
1. Chống lại các hạn chế của Mỹ bằng cách mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Mục tiêu này được ưu tiên hàng đầu, cũng tương tự như việc phát triển công nghệ hạt nhân được đưa ra trước đây. Chủ tịch Tập cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các công nghệ then chốt và xây dựng các thương hiệu xe hơi nội địa. Theo thông lệ, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng trong chiến lược này bằng các khoản vay lãi thấp và giảm thuế. Đặc biệt, các đầu tư vào công nghệ cao (nhất là mạng 5G) có thể chờ đợi sự hỗ trợ sâu rộng từ chính phủ.
2. Một trọng điểm khác là đảm bảo cung cấp thực phẩm và năng lượng. Về mặt đó, Trung Quốc sẽ tăng cường các nguồn thực phẩm trong nước và cố gắng giảm sự lãng phí thực phẩm.
3. Trung Quốc tăng tốc việc hội nhập khu vực. Về nội bộ, họ có kế hoạch thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Hồng Kông, Ma Cao và chín thành phố ở tỉnh Quảng Đông (“Greater Bay Area”). Các kế hoạch khác tập trung vào các khu vực chung quanh Thượng Hải và Bắc Kinh.
Tách rời khỏi phương Tây
Tuy nhiên, không thể có sự chuyển hướng hoàn toàn vào bên trong [vòng tuần hoàn nội địa]. Xét cho cùng, Trung Quốc đã là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới – vì vậy, họ sẽ mất rất nhiều thứ khi chuyển hướng hoàn toàn. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ đặc biệt cố gắng tách ra khỏi phương Tây nhưng để để bù đắp lại, họ mở rộng hợp tác với các nước láng giềng hoặc thống trị họ.
Vòng tuần hoàn quốc tế sẽ được giới hạn lại và tái cấu trúc, ít hơn đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới nhưng đồng thời tăng cường nỗ lực vào vùng “Đại Á”. Trên thực tế, ASEAN đã thay thế EU về đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào đầu năm nay. Để thúc đẩy quá trình này, Trung Quốc khẩn trương thúc đẩy việc ký kết hiệp định thương mại tự do (RCEP) với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ.
Tuy nhiên, có thể nhiều nước láng giềng không muốn bị lôi kéo ngày càng sâu hơn vào đế chế kinh tế Trung Quốc. Ấn Độ chẳn hạn, sẽ không ký hiệp định này trong tương lai gần.
Đường lối mới trong bối cảnh thương chiến hàm chứa rủi ro
Nhưng sự tách rời khỏi Hoa Kỳ, EU và các nước phương Tây khác không hẳn là không có nguy cơ. Bởi vì, thành công kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 1978 chắc chắn là dựa trên chính sách cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Do đó, trong trường hợp quay ngược chính sách, Trung Quốc rất có thể sẽ mất tính năng động kinh tế trong dài hạn.
Trong ngắn hạn, nếu cuộc đối đầu với Hoa Kỳ tiếp diễn, các công ty Trung Quốc phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với gã khổng lồ công nghệ Hoa Vi sẽ chấm dứt hoàn toàn việc cung cấp các vi mạch cao cấp cho công ty này kể từ ngày 15/9. Để bù đắp lại và để bắt kịp Mỹ về mặt công nghệ, Trung Quốc sẽ phải đầu tư ồ ạt. Tuy nhiên, chắc chắn họ sẽ mất một thời gian dài để gặt hái kết quả từ những khoản đầu tư này.
Chiến lược này cũng đòi hỏi chi phí đáng kể trong dài hạn. Nếu Trung Quốc muốn độc lập hơn và rút lui một phần khỏi sự phân công lao động quốc tế, thì họ cũng từ bỏ những lợi thế của toàn cầu hóa. Có thể Trung Quốc sẽ sản xuất hầu hết, nếu không phải tất cả, hàng hóa trong nước, nhưng với chi phí cao hơn và chắc hẳn là không phải mọi thứ đều có chất lượng như nhau. Điều này sẽ làm giảm năng suất kinh tế vĩ mô và do đó cản trở sự tăng trưởng kinh tế.
Tác động này còn tăng lên do áp lực cạnh tranh ngày càng ít, nếu Trung Quốc giảm bớt tình trạng cạnh tranh (đặc biệt là từ các công ty nước ngoài) để xây dựng các ngành công nghiệp cần thiết hòng trở nên tự lập hơn.
Nguy cơ về bùng nổ nợ nần
Về phía cầu, đã có sự chuyển đổi từ định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế sang việc tăng cường nhu cầu nội địa trong những năm gần đây. Tỷ lệ ngoại thương trên tổng sản phẩm quốc nội đã giảm xuống đáng kể sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đã đi kèm với sự gia tăng ồ ạt nợ nần của doanh nghiệp. Con số này đã lên quá cao và có khả năng tăng lên nữa khi đầu tư được kích thích tiếp tục, tất nhiên với tất cả các rủi ro đi kèm.
Những nỗ lực lặp đi lặp lại nhằm “tái cân bằng” nền kinh tế và kích thích tiêu dùng tư nhân đã có thành công rất hạn chế trong những thập kỷ gần đây. Thí dụ như kể từ năm 2008, chính phủ đã đưa ra một số chương trình trợ giá để thúc đẩy việc bán xe hơi. Năm ngoái, thuế đã được cắt giảm đáng kể nhằm tăng thu nhập thực tế, và cũng là tăng sức mua của các hộ gia đình. Tuy nhiên cho đến nay, sự thành công của các biện pháp đó vẫn còn rất hạn chế.
Tỷ trọng của tiêu dùng tư nhân trong tổng sản phẩm quốc nội đã giảm hơn 10 điểm phần trăm so với những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính; kể từ đó, tỉ lệ này đã phục hồi phần nào, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với đầu thiên niên kỷ.
Ngay cả trong những năm tới, Trung Quốc khó có thể chuyển mình thành “nền kinh tế tiêu dùng”. Lý do rõ rệt là, sự khác biệt lớn về thu nhập và những thách thức về nhân khẩu học, qua đó lực lượng lao động ngày càng giảm. Cho nên, khó lòng có sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ tiêu dùng tư nhân, đặc biệt là vì công dân Trung Quốc sẽ tiếp tục có xu hướng tiết kiệm nhiều do nhà nước chưa có chế độ lương hưu đầy đủ.
Thế giới còn lại cũng chịu gánh nặng
Kìm hãm Trung Quốc là một ý muốn chung của Mỹ, vượt khỏi biên giới đảng phái. Điều này cũng khó có thể thay đổi nếu Joe Biden thắng cử vào tháng 11. Mỹ sẽ tiếp tục chính sách bảo hộ – ở đây có nghĩa là chống Trung Quốc – trong các lĩnh vực mũi nhọn. Không giống như Trung Quốc, cạnh tranh trong nước gay gắt có thể cứu Mỹ khỏi một số hậu quả tiêu cực của chính sách này. Nhưng những nỗ lực này cũng không ích lợi gì để cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Xét cho cùng, sự thâm hụt đó liên quan nhiều đến các quyết định tiết kiệm và tiêu dùng trong nước [Mỹ] hơn là do sự cạnh tranh của Trung Quốc. Do đó, khả năng lớn là Mỹ sẽ thay thế hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng hàng nhập khẩu từ các nước khác hơn là tự sản xuất trong nước.
Châu Âu cũng đã quyết định coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược và hiện đang dành ưu tiên cao hơn cho các khía cạnh an ninh (như các thảo luận về mạng 5G). Về lâu dài, châu Âu khó tránh khỏi việc lựa chọn một trong hai bên – và do đó cũng là sự chọn lựa một trong hai thị trường – trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuối cùng, quyết định có thể sẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Đối với các công ty châu Âu trước đây đặt trọng điểm vào thị trường Trung Quốc – qua xuất khẩu hoặc qua đầu tư trực tiếp – thì luồng gió ngược trong thị trường Trung Quốc sẽ mạnh hơn nhiều so với lúc trước.
Bối cảnh: Hoa Vi (Huawei) là thí dụ của chiến lược Trung Quốc
Các biện pháp trừng phạt của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến thương mại chủ yếu nhằm vào Hoa Vi. Quyết định đòi các công ty Mỹ không còn được phép làm việc với Hoa Vi đã gây khó khăn cho công ty này. Ngoài ra, Hoa Vi đã dựa vào hệ điều hành Android của Google cho điện thoại thông minh của mình. Tại hội nghị nhà phát triển gần đây nhất, Hoa Vi đã trình bày một phiên bản sửa đổi hoàn toàn của hệ điều hành HarmonyOS, vốn sẽ được cài đặt cho điện thoại thông minh trong năm tới.
Richard Yu, người đứng đầu bộ phận Kinh doanh Tiêu dùng của Hoa Vi, cho biết HarmonyOS 2.0 cũng sẽ được sử dụng cho đồng hồ thông minh và TV trong tương lai. Như vậy, tập đoàn này sẽ đối đầu trực diện với Google và Apple và đang cố gắng trở thành lực lượng thứ ba trên thị trường bên ngoài Trung Quốc bằng công nghệ mà họ đã tự phát triển.
HarmonyOS được giới thiệu vào tháng 8 năm 2019 như một biện pháp đối phó với các hạn chế thương mại của Hoa Kỳ đối với phần cứng và phần mềm. Hoa Vi không còn được phép sử dụng hệ điều hành Android với các dịch vụ của Google trên các thiết bị mới của mình. Vì thế, Hoa Vi chuyển sang phiên bản mã nguồn mở của Android và song song phát triển HarmonyOS.
Trong khi đó, Hoa Vi đã thay thế gần như hoàn toàn các dịch vụ của Google bằng dịch vụ di động do họ tự phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một số chức năng quen thuộc khác. Thí dụ như, các điện thoại thông minh đời mới của Hoa Vi không có chức năng thanh toán Google Pay, vốn dĩ là một bộ phận trong các điện thoại thông minh Android hiện đại.
Kho hàng Apps riêng để độc lập với Google và Apple
Hoa Vi cũng đã công bố một liên minh ứng dụng để thúc đẩy việc tiếp thị các ứng dụng của Trung Quốc ra nước ngoài bên cạnh các kho hàng ứng dụng của Apple và Google.
Hoa Vi và nhiều chi nhánh của tập đoàn đã bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen nhằm cắt quyền truy cập của Trung Quốc vào công nghệ của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Hoa Vi về hoạt động gián điệp và có sự gần gũi quá đáng với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Công ty này đã kịch liệt phủ nhận các cáo buộc đó.
Các công ty trong và ngoài Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất khẩu, vì chính họ cũng sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ. Ví dụ như các nhà sản xuất Chip trên khắp thế giới. Các cơ quan truyền thông ở Hàn Quốc hôm thứ ba đưa tin rằng hai gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix sẽ không tiếp tục cung cấp Chip cho Hoa Vi vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy vậy, bất chấp lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, công nghệ từ Hoa Kỳ vẫn được sử dụng trong các máy tính xách tay mới. Chẳng hạn, MateBook 14 mới của Hoa Vi hàm chứa Chip Ryzen rất mạnh của AMD có trụ sở tại California. MateBook X mới, một máy tính xách tay đặc biệt nhẹ và mỏng, cũng có bộ vi xử lý Core i5-10210-U hiện tại của hãng Chip khổng lồ Intel của Mỹ.
Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Tags: Trung Quốc, Kinh tế Trung Quốc, Kinh tế thế giới