⠀
Quyền sống: Những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đề cập đến quyền sống (right to life) với tính chất là một quyền riêng biệt tại Điều 19: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Nhưng nội dung, phạm vi của quyền sống và trách nhiệm của nhà nước đến đâu trong việc bảo vệ quyền sống của con người đến nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận.
Bảo vệ quyền sống từ thời điểm nào?
Quyền sống qui định trong Hiến pháp đặt ra nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo vệ sự sống của con người trong mọi trường hợp. Lời nói đầu của Công ước về quyền trẻ em năm 1989 nêu rõ “Trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời.” Vậy “trước khi ra đời” tính từ khi nào? Hiện nay có ba luồng quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng quyền sống bắt đầu từ thời điểm quá trình thụ tinh thành công (không phân biệt tự nhiên hay nhân tạo). Quan điểm thứ hai cho rằng quyền sống bắt đầu khi đã hình thành phôi thai (embryo). Quan điểm thứ ba cho rằng quyền sống bắt đầu từ khi đứa trẻ sinh ra và còn sống. Sở dĩ có nhiều quan điểm như vậy vì vấn đề này liên quan đến bài toán pháp lý: có cho phép hay không việc nạo phá thai (abortion). Pháp luật nhiều nước qui định người mẹ không có quyền loại bỏ quyền sống của thai nhi, việc nạo phá thai là bất hợp pháp, trừ một số trường hợp đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ tính mạng người mẹ. Ở Việt Nam, vấn đề này hiện đang có rất nhiều ý kiến tranh luận. Chúng tôi cho rằng nếu ủng hộ quyền sống, ủng hộ quan điểm cho rằng phôi thai cũng có quyền được sống, thì chắc chắn cần phải có những ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn để hạn chế việc nạo phá thai một cách tùy tiện như hiện nay ở Việt Nam.
Quyền được chết?
Có quan điểm cho rằng quyền sống không bao gồm quyền được chết. Nếu một cá nhân tự nguyện tước bỏ mạng sống của mình, nhà nước sẽ không can thiệp. Nghĩa vụ của nhà nước là bảo vệ quyền sống chứ không bảo vệ việc tự tước bỏ quyền sống. Nhưng vấn đề đặt ra là tự sát có nhiều loại. Trách nhiệm của nhà nước đến đâu trong trường hợp như: (1) cá nhân tự sát trước hoặc cùng thời điểm giết chết một hoặc nhiều người khác (tự sát giết người) hoặc tự sát nhằm tấn công các mục tiêu quân sự, chính trị (tự sát khủng bố); (2) khi thanh thiếu niên tự tử hàng loạt (tự sát tập thể); (3) tự sát để phản đối (tự thiêu, tuyệt thực); (4) tự sát để thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật; (5) tự sát để thoát khỏi bệnh hiểm nghèo…? Ở Việt Nam, những vấn đề pháp lý như thế cũng chưa được qui định thực sự rõ ràng trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật.
Về quyền được chết một cách nhẹ nhàng (hay còn gọi là quyền an tử – euthanasia), trên thế giới có nhiều nước đã hợp pháp hóa quyền này như Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ và cũng nhiều nước hợp pháp hóa hành vi hỗ trợ an tử với những bệnh nan y như Đức, Albania, Colombia, Nhật bản, Đan Mạch, Thụy Điển, Vương quốc Anh, và một số bang của Mỹ. Ở Việt Nam, đây vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và chưa được qui định trong bất kỳ văn bản pháp lý quan trọng nào. Thiết nghĩ, trong dịp sửa đổi Bộ luật dân sự sắp tới vấn đề này cần được nghiên cứu, trao đổi kĩ lưỡng để tạo cơ hội cho nhiều người đang chịu sự đau đớn kéo dài do bệnh tật hoặc tai nạn có thêm sự lựa chọn.
Duy trì hay bỏ hình phạt tử hình?
Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nêu rõ chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện. Như vậy luật pháp quốc tế không cấm các quốc gia sử dụng hình phạt tử hình (death penalty), nhưng khuyến khích hạn chế và hướng tới bãi bỏ hình phạt này.
Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành qui định hình phạt tử hình với 22/272 tội danh. Phạm vi áp dụng hình phạt này theo luật Việt Nam còn khá rộng so với các qui định của pháp luật quốc tế. Chúng tôi cho rằng không nên duy trì hình phạt tử hình vì những lý do sau: (1) Các cơ quan tư pháp sẽ không có khả năng khắc phục sai lầm, nếu người bị tử hình bị kết án oan; (2) Duy trì hình phạt tử hình sẽ không tạo ra điều kiện để giáo dục hay cải tạo người phạm tội. Hình phạt tử hình hướng tới ý nghĩa “trả thù” hơn là mong muốn thực thi công lý và bảo vệ con người thực sự; (3) Áp dụng hình phạt tử hình sẽ hạn chế việc mở rộng tìm kiếm chứng cứ xác định sự thật đích thực của vụ việc; (4) Tử hình không chỉ là việc tước đoạt mạng sống của người phạm tội, mà còn gây tổn thương cho người thân của họ; (5) Những người trực tiếp thực hiện lệnh thi hành án tử hình bị stress và ám ảnh trong thời gian dài; (6) Tử hình cũng không làm giảm những bất ổn trong xã hội mà có thể còn là mầm mống tạo ra sự chống đối và bất ổn xã hội; (7) Bỏ tử hình là một xu hướng chung. Trên thế giới hiện nay đã có 99 nước bãi bỏ hình phạt tử hình.
Có thể “nhân danh” lợi ích công cộng để tước đoạt quyền sống của người vô tội?
Giả sử máy bay dân sự đang có nhiều hành khách lại được kẻ khủng bố sử dụng là công cụ tấn công vào các mục tiêu quân sự, chính trị hay kinh tế. Liệu chính quyền có thể bắn thẳng vào máy bay đó để tự vệ không?
Ở CHLB Đức, cũng đã từng có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Điều 14 Khoản 3 Luật an toàn hàng không CHLB Đức năm 2005 cho phép công quyền được tấn công vào máy bay được sử dụng làm công cụ khủng bố. Qui định này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng. Vào ngày 15/2/2006, Tòa án Hiến pháp liên bang đã tuyên bố rằng điều khoản này trong Luật an toàn hàng không là vi hiến, vì vi phạm Câu 1 Khoản 2 Điều 2 về quyền sống và Điều 1 Khoản 1 Luật cơ bản Đức về bảo vệ phẩm giá con người (BverfG, NJW 2006, 751 ff.). Phán quyết của Tòa án hiến pháp liên bang Đức được sự ủng hộ của nhân dân Đức và cộng đồng quốc tế vì đã vượt ra khỏi cách quan niệm thông thường công quyền có thể nhân danh “lợi ích công cộng” để tước đoạt mạng sống của những con người vô tội, và phán quyết này cũng chứng tỏ vấn đề quyền con người đã thực sự được tôn trọng. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng nên được thảo luận, trao đổi kĩ trong các văn bản pháp luật cụ thể hóa quyền sống trong Hiến pháp.
***
Quyền sống là quyền thiêng liêng, là đòi hỏi chính đáng của con người mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ. Quyền sống không giản đơn là bảo đảm sự tồn tại của con người, mà còn là đòi hỏi nhà nước phải chủ động bảo đảm cuộc sống an toàn và chất lượng cho con người. Tuy vậy, quyền sống không phải là quyền tuyệt đối (absolute right), một số trường hợp quyền này cũng có thể bị giới hạn, nhưng giới hạn nào cũng có những nguyên tắc, ràng buộc để không làm mất đi bản chất của quyền này. Trong thời gian tới, ở Việt Nam cần tiếp tục cụ thể hóa vấn đề quyền sống trong các văn bản pháp luật cụ thể, sao cho những qui định đó tương thích hơn với các chuẩn mực quốc tế, thể hiện xu thế bảo vệ con người và những giá trị cao nhất của con người.
Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tags: Nhân quyền, Luật pháp