Quy hoạch đô thị bền vững hậu COVID-19: Hình mẫu từ Barcelona?

COVID-19 đã khiến quy hoạch đô thị sinh thái trở thành một hướng đi hấp dẫn. Tuy nhiên, đi kèm với những kế hoạch này là cái giá không rẻ.

Quy hoạch đô thị bền vững hậu COVID-19: Hình mẫu từ Barcelona?

Nguồn: Sustainable cities after COVID-19: are Barcelona-style green zones the answer?

Biên dịch: Hà Trang.

Barcelona là thành phố đi tiên phong trong việc ứng dụng khái niệm “siêu khối” (superblocks), được đề xuất lần đầu vào năm 2016, trong quy hoạch đô thị xanh. Mỗi “siêu khối” là một tổ hợp dân cư gồm chín khối nhà lớn. Các phương tiện giao thông cơ giới chỉ được phép lưu thông ở rìa ngoài của “siêu khối”, trả lại khu phố bên trong cho người đi bộ và đi xe đạp.
.

Lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 đã làm rung chuyển đời sống đô thị. Khu vực nội đô nhộn nhịp trước đây giờ vắng vẻ, nhường chỗ cho các vùng ngoại ô hoặc nông thôn, nơi có nhiều không gian xanh và dễ dàng để giãn cách xã hội.

Những thông tin mới về vaccine khiến ta hy vọng về sự khôi phục phần nào trạng thái bình thường trong các thành phố. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể kéo dài lâu hơn thế.

Cụ thể, đại dịch đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và sự thiếu vắng không gian xanh – bao gồm tác động nghiêm trọng của chúng lên cư dân đô thị. Chúng ta đang đứng trước cơ hội thay đổi số phận của các thành phố theo hướng tích cực hơn.

Barcelona là ví dụ điển hình, với các khu phố được cải tiến để giảm ô nhiễm và tăng cơ hội tiếp cận không gian xanh của cư dân. Đây là thành phố đi tiên phong trong việc ứng dụng khái niệm “siêu khối” (superblocks), được đề xuất lần đầu vào năm 2016, trong quy hoạch đô thị xanh. Mỗi “siêu khối” là một tổ hợp dân cư gồm chín khối nhà lớn. Các phương tiện giao thông cơ giới chỉ được phép lưu thông ở rìa ngoài của “siêu khối”, trả lại khu phố bên trong cho người đi bộ và đi xe đạp.

Gần đây, thành phố vừa thông báo kế hoạch tiếp tục mở rộng các “vùng xanh” ở quận trung tâm Eixample. Theo kế hoạch, các vùng có mật độ giao thông thấp sẽ được mở rộng để ưu tiên người đi bộ và đi xe đạp, nhằm hạn chế ô nhiễm và tạo ra các không gian xanh mới. Thành phố sẽ áp dụng kế hoạch mới cho 21 tuyến phố và giải phóng không gian để xây dựng 21 quảng trường đi bộ tại các giao lộ. Ít nhất 80% chiều dài mỗi tuyến phố sẽ được phủ xanh vào mùa hè và 20% không bị trải nhựa. Thành phố sẽ quyết định thiết kế cuối cùng vào tháng 5/2021, trong một cuộc thi mở cho công chúng.

Mục đích của kế hoạch là đảm bảo tất cả không gian xanh trong thành phố đều nằm trong tầm di chuyển 200m của cư dân.

Việc tạo ra những không gian xanh đô thị như vậy mang lại rất nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện chất lượng không khí và mức độ tiếng ồn tại các tuyến phố cấm xe hơi, và giảm lượng khí thải NO₂ từ giao thông đường bộ. Tiếp xúc với nồng độ NO₂ cao có thể gây ra một loạt các vấn đề hô hấp.

Ngoài ra, nghiên cứu đã cho thấy không gian xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần, cũng như làm giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường – những bệnh lý làm tăng khả năng bị tổn thương bởi COVID-19.

COVID-19 đã khiến quy hoạch đô thị sinh thái trở thành một hướng đi hấp dẫn. Tuy nhiên, đi kèm với những kế hoạch này là cái giá không rẻ.

Rào cản trong xanh hóa đô thị

Một tác động tiêu cực của quy hoạch phân vùng xanh là gánh nặng lên nhu cầu nhà ở, khiến cho bất động sản tăng giá. Điều này có thể dẫn đến việc di dời dân cư và doanh nghiệp địa phương. Cần phải cẩn thận để đảm bảo các ngôi nhà vẫn có mức giá phải chăng, và các vùng xanh trong đô thị không trở thành những “ốc đảo biệt lập” của giới nhà giàu.

Các đợt phong tỏa vì COVID-19 đã khiến sự khác biệt về mức sống giữa các nhóm cư dân đô thị hiện rõ. Do vậy, các sáng kiến xanh phải đảm bảo công bằng xã hội cho tất cả các nhóm và không được làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện tại. Thêm vào đó, bên cạnh khu vực nội đô thường được ưu tiên áp dụng sáng kiến xanh, chúng ta cũng cần để tâm đến các khu vực ngoại vi. Mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào carbon một cách toàn diện – chứ không phải là chuyển nó từ vùng này sang vùng khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Kế hoạch cũng cần đưa ra trình tự xanh hóa toàn bộ hệ thống giao thông cá nhân và công cộng. Trình tự này có thể bao gồm các bước như thay thế phương tiện phát thải carbon bằng phương tiện không phát thải, và xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ gồm các trạm sạc điện và làn đường dành riêng cho xe điện.

Không thể áp dụng một mô hình quy hoạch cho tất cả thành phố, bởi mỗi thành phố đều sở hữu đặc điểm về hình thái, cấu trúc và cơ chế vận hành riêng. Nếu lựa chọn đi theo mô hình của Barcelona, các chính quyền đô thị sẽ phải xem xét các vấn đề địa phương thật cẩn thận. Siêu khối là lựa chọn hoàn hảo cho một đô thị kiểu bàn cờ như Barcelona. Nhưng không nhiều thành phố được quy hoạch gọn gàng như vậy.

Tuy thế, các nguyên tắc xây dựng khu dân cư xanh, thân thiện với môi trường, cấm hoặc hạn chế giao thông vẫn có thể được áp dụng ở bất cứ đâu. Một số ví dụ có thể kể đến là các khu dân cư có mật độ giao thông thấp ở London, sáng kiến “Paris 15 phút”, hay kế hoạch phát triển trung tâm thành phố không carbon của Manchester.

Điều quan trọng là các biện pháp can thiệp kể trên cần lưu ý đến nhu cầu hằng ngày của cư dân để tránh gây thêm sức ép cho họ. Việc hạn chế các phương tiện cơ giới cần đi đôi với đảm bảo hệ thống giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng an toàn cho người đi bộ và đi xe đạp, và quy hoạch đường sá đáp ứng các nhu cầu dịch vụ thiết yếu.

Một kế hoạch phát triển đô thị bền vững sẽ cần huy động rất nhiều vốn đầu tư. Chẳng hạn, chi phí dự kiến của dự án mở rộng các “vùng xanh” tại Barcelona là 38 triệu Euro (hơn 1.000 tỷ VND). Con số này sẽ còn tăng thêm nếu Barcelona triển khai dự án ra nhiều khu vực hơn. Các thành phố ở các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo hơn không thể chi trả những khoản tiền lớn như vậy. Đó là chưa kể đến khoản nợ khổng lồ mà một số thành phố đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của đại dịch.

Các sáng kiến đô thị xanh cần mang tính lâu dài – và có được sự ủng hộ của người dân địa phương. Nhận thức về lợi ích của lối sống xanh và sự ủng hộ có hiểu biết đối với các kế hoạch phát triển sẽ là nhân tố thúc đẩy những thay đổi hành vi tích cực của cư dân đô thị.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , ,