Quan võ của nước Việt thời xưa được thi tuyển như thế nào?

Người ta đã biết nhiều đến các nhà khoa bảng của nhiều triều đại trước kia, và một trung tâm lớn chuyên đào tạo những bậc học rộng, tài cao là Văn Miếu – Quốc Tử Giám được lập từ thế kỷ XI, tại Thăng Long. Còn việc thi tuyển các võ quan, những tài năng quân sự, và Nhà võ học, cũng đã có từ xa xưa, nhưng có lẽ còn ít người biết…

Quan võ thời xưa được thi tuyển như thế nào?

Tượng Võ quan cận vệ thời Lê tại miếu Bảo Hà, Hải Phòng. Ảnh: Vr3d.vn.

Việc thi võ, luyện võ theo chương trình như là một giáo trình học tập, ở nước ta, cũng có từ thời Lý. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Năm 1170, Vua tập bắn và cưỡi ngựa ở phía Nam thành Đại La, đặt tên (nơi đó) là Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép công chiến, phá trận”. Như vậy, Xạ Đình là nơi học và luyện võ của vương triều Lý, có thể nói, đó là Nhà võ học đầu tiên của nước Nam. Vua đã cho khảo về võ kinh và điều hành, có lẽ, đây là cuộc thi khảo võ cử đầu tiên trong lịch sử.

Năm Thiệu Bình thứ tư, đời Lê Thái Tông, vua cho tổ chức cuộc khảo xét võ nghệ các tướng một cách quy mô. Như sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi, các môn thi “bắn cung là một môn, ném tên là một môn, đánh mộc là một môn. Cả ba môn đều được thì cấp lương toàn phần, ai không đạt môn nào thì giảm lương, sau coi đó là lệ thường”.

Như vậy, thi võ là để quyết định mức lương cho các tướng, và việc này bắt đầu làm thường kỳ từ năm 1437. Đến thời Lê Thánh Tông, vua đã chính thức cho đặt Trường thi võ ở phía tây Kinh thành, là Giảng Võ. Con của các công, hầu, khanh, tướng đến đấy học tập hàng ngày, vậy nên Giảng Võ cũng là Nhà Võ học.

Sau ba năm học, luyện tập, các võ sinh sẽ qua kỳ thi khảo, nếu đỗ, sẽ được bổ chức Võ úy.

Quy chế thi khảo tốt nghiệp, các võ sinh đều phải thi qua ba nội dung: Bắn tên, 5 phát; phóng lao, 4 mũi; dùng khiên để đánh võ. Có thể nói, có được giáo trình dạy võ và thi chế thi võ cử như vậy đã là một cố gắng lớn của vương triều Lê Thánh Tông. Nhưng, trước những bước tiến lớn của dân tộc, việc thi võ cử cũng phải tiến hành với những quy mô lớn hơn, khoa học hơn nữa…



Năm Quý Mão 1723, đời Lê Dụ Tông, việc thi võ mới đạt tới quy mô thực sự hoàn chỉnh để khảo chọn những Cử nhân võ. Trước đó 3 năm, đã chính thức thành lập Nhà võ học. Các quan võ có kinh nghiệm về chiến lược, chiến thuật và về các ban võ nghệ được triều đình điều đến giảng dạy cho các võ sinh. Và rồi, kỳ thi võ cử năm 1723 đã có 572 võ sinh dự thi. Ban giám khảo được thành lập gần như quy chế của các kỳ thi hương (bên văn), cũng có điều kiện (chủ khảo), có 2 phúc khảo và 4 đồng phúc khảo, tất nhiên do các quan võ đảm nhiệm. Thí sinh cũng phải qua ba kỳ thi như thi hương.

– Kỳ nhất, trả lời sáu câu hỏi về binh pháp.

– Kỳ nhị, thi 7 môn gồm cưỡi ngựa, múa đầu mâu, bắn cung, đánh mộc, múa kiếm, đấu kích, chạy bộ múa đầu mâu và đấu kiếm.

– Kỳ đệ tam, vào thời chúa Trịnh Cương, trực tiếp hỏi thí sinh về phương lược đánh trận, về địa hình; và thí sinh phải làm một bài thơ do chúa Trịnh Cương ra đề…

Trong sách Kiến văn tiểu lục, học giả Lê Quý Đôn có viết về cuộc thi võ này: “…Chúa Thượng ngự ra Sở Võ học, sai quan trường dẫn 82 người được lấy trúng về võ nghệ vào yết kiến. Ngày hôm sau thi bài văn sách, hỏi sáu, bảy câu hỏi về phương lược đánh trận, về địa hình, về bài thơ Tu đạo bảo pháp, lấy bọn Phạm Hữu Lan 14 người đỗ Cống sĩ (cử nhân võ)…”

Một năm sau, Giáp Thìn 1724, khoa thi Bác cử đầu tiên, để chọn những nhân tài về võ học, kéo dài mấy tháng trời (tại Đống Đa ngày nay). Ở đây, chúa Trịnh Cương đã cho xây dựng một Khu Trường thi võ gồm Thí viện (nhà thi), Khảo viện (nhà chấm bài), và còn có nhà ở của quan giám khảo, lầu cao để xem thi… tất cả đầy đủ như ở Chế điện Giảng Võ.

Kỳ thi Bác cử đầu tiên có 329 người ứng thí. Cũng trải qua 3 vòng thi.

– Vòng nhất, phải trả lời 10 câu hỏi mà kiến thức của nó nằm trong 7 bộ binh thư cổ, đã có 162 người trúng cách vào thi tiếp kỳ đệ nhị.

– Vòng đệ nhị phải thi 4 môn gồm cưỡi ngựa múa mâu, đánh siêu đao, đánh mộc và đấu gươm, giáo, có 107 người đã trúng cách, được vào thi vòng đệ tam.

– Vòng đệ tam, các thí sinh phải thi văn sách, trả lời các vấn đề về thao luyện, đánh giữ và trận pháp…

Cuộc thi kéo dài từ cuối năm 1724 đến tháng 4 năm 1725 mới hoàn tất, lấy được 11 người đỗ Tạo sĩ xuất thân. Đó là những vị tiến sĩ võ đầu tiên của nước Việt ta. Những người đỗ Tạo sĩ được cấp bằng Tạo sĩ, và được bổ làm quan võ; có người làm quan trấn phủ, lập công trạng, được phong tước công, hầu, bá, tử, nam; có người xuất thân Tạo sĩ mà trở thành quan trọng thần thời Lê – Trịnh…

Cho đến nay, chưa thấy có công trình nghiên cứu nào về lịch sử quân sự một cách kỹ lưỡng để đánh giá và thống kê được những Tạo sĩ của các triều đại Lê và Nguyễn. Có lẽ, các nhà nghiên cứu sẽ phải tiến hành công việc đáng làm đó, thống kê danh sách Tạo sĩ của các khoa thi từ khoa thi Bác cử năm Giáp Thìn 1724, và nêu rõ hành trạng của các Tạo sĩ cũng như công tích của từng người. Phần đông các Tạo sĩ đều trở thành đại thần có công với nước và khi mất đã được mai táng xứng đáng. Bia mộ của họ chắc sẽ cho hậu thế biết rõ hành trạng và cống hiến của họ.

Theo quy chế từ thời vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương thì, kể từ 1724, cứ ba năm lại mở khoa thi Tạo sĩ một lần, chắc chắn có không ít những Tạo sĩ đã có công tích với dân, với nước. Ví dụ, Tạo sĩ Trịnh Đăng Hỷ, người xã Xuân Thành, Thọ Xuân, Thanh Hóa, theo bia mộ, là người đỗ khoa thi Bác cử đầu tiên, năm 1724. Về sau, lập được công trạng, ông được phong tước Bàn Thái Hầu.

Một trường hợp nữa, tại đền thờ Thái Bảo Quốc công Trịnh Ngọc Nghĩa, ở xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân, còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử, trong đó có tấm bảng tự bằng ngà voi dài tới 20 centimet, khắc hai chữ lớn “Trạng nguyên” và hai dòng chữ nhỏ “đã đoạt 4 môn tinh võ, thắng vượt 5 võ sĩ, được thưởng 5 lạng vàng. Đợt 2 thắng vượt 6 võ sĩ, được thưởng 6 lạng vàng.

Trạng nguyên võ họ Trịnh này đỗ khoa thi Bác cử năm 1741. Ngoài tấm bảng tự trên, còn có một thẻ bài ngà cho bậc quan làm việc ở Hàn lâm viện. Như vậy, vị Trạng nguyên võ này đã làm việc ở Hàn lâm viện, chắc không phải để nghiên cứu về văn học hay sử học, mà có lẽ để nghiên cứu về khoa học quân sự?!

Có thể thấy, lịch sử khoa cử về võ học nước ta còn có nhiều việc cần được nghiên cứu thấu đáo, làm sáng tỏ một truyền thống lớn, một thành tựu lớn của dân tộc. Trong giới võ cử, không chỉ có Tiến sĩ võ mới lập nên công danh, đóng góp cho nước nhà, mà những Cử nhân võ cũng có nhiều người lập công danh, báo quốc. Trường hợp hai anh em Đỗ Đình Khâm, Đỗ Đình Vĩnh ở xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa, đã dự khoa thi võ cử năm Kỷ Mão 1879 niên hiệu Tự Đức thứ 32.



Sau khi đỗ Cử nhân võ, hai ông mở lò võ, dạy cho nhiều người có võ nghệ cao, và đến khi có Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, họ đều ứng nghĩa. Ông Đỗ Đình Vĩnh bị giặc Pháp bắt, nhà cửa bị tan nát, vẫn giữ vững khí tiết cho đến lúc hy sinh nơi lao tù. Những trang sử truyền thống của vùng quê Xuân Lập, Thọ Xuân, những dòng ghi về hành trạng cuộc đời Cử Vĩnh là một trong những niềm tự hào của quê hương…

Trong đời sống tinh thần của người Việt ta, có một niềm tự hào lớn về Giảng Võ, nơi xưa kia đã có những dinh thự, nhà giảng, khu tập luyện… cả một khu vực rộng lớn ở phía tây Kinh thành Thăng Long, từng đào tạo cho đất nước nhiều tài năng về võ học.

Có thể nói, cùng với Văn Miếu, nước Việt ta còn có một Võ Miếu?! Giảng Võ thực sự là một di sản tinh thần quý giá, cần được nghiên cứu đầy đủ và khẳng định giá trị di tích lịch sử này. Sao cho, người Việt Nam đã thường tự hào về các Trạng nguyên, Tiến sĩ văn học xưa, còn có thể tự hào về những Trạng nguyên, Tiến sĩ võ học ngày xưa!…

Theo TẠP CHÍ HỒN VIỆT

Tags: