Quan hệ Nga – Mỹ sẽ đi về đâu?

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền tới nay, bên ngoài luôn không ngừng quan tâm tới mối quan hệ Nga – Mỹ, thậm chí đây còn trở thành đề tài thảo luận chủ yếu trong nền chính trị Mỹ.

Mối quan hệ này thay đổi như chong chóng, lúc thì muốn thực hiện “giao dịch lớn,” lúc lại trượt dốc, khiến người ta không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Dưới vỏ ngoài phức tạp này, thực chất của mối quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Tổng thống Trump rốt cuộc là gì, và sẽ đi về đâu?

Quan hệ Nga – Mỹ đang tốt lên hay xấu đi?

Sau khi ông Trump trúng cử, dư luận quốc tế đặc biệt đổ dồn sự chú ý vào “mối quan hệ mơ hồ” giữa ông và Tổng thống Putin. Thái độ đặc biệt của ông Trump đối với Nga đã khiến nhiều người tin rằng quan hệ Mỹ – Nga sẽ có một vòng khởi động mới, thậm chí có thể mở ra “thời khắc ngược lại Nixon,” hai nước liên kết thành đồng minh chiến lược cùng chung tay đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi ông Trump chính thức lên cầm quyền, dễ nhận thấy là sự mong đợi này đã trở nên vô ích. Không những vậy, dư luận còn tập trung tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy sự xấu đi của mối quan hệ này.

Cụ thể là các cuộc điều tra trong nước Mỹ đối với việc ông Trump và êkíp giúp việc liên quan tới vụ bê bối với Nga, Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngày càng quyết liệt, các biện pháp trừng phạt Nga không những không được hủy bỏ, ngược lại còn kéo dài thậm chí mở rộng; Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Montenegro, một lần nữa mở rộng về phía Đông, bắt đầu đồn trú quân ở Đông Âu.

Ngay cả trong vấn đề Syria mà Nga và Mỹ có khả năng hợp tác nhất thì Mỹ cũng không có những nhượng bộ thực chất đối với Chính quyền Bashar, thậm chí cuộc không kích Syria còn làm dấy lên sự bất mãn của phía Nga.

Trong tình hình này, dư luận quốc tế bắt đầu cho rằng quan hệ Nga – Mỹ không những thất bại trong việc khởi động lại mà còn xấu đi hơn nữa.

Nhận định này liệu có chính xác không? Xét bề ngoài, trong 6 tháng qua, quan hệ Nga – Mỹ dường như vẫn đang đi xuống, nhưng xét một cách tỉ mỉ, sự xấu đi này trên mức độ nào đó chỉ là một biểu hiện bên ngoài, quan hệ Nga – Mỹ dưới kỷ nguyên của ông Trump về tổng thể có xu hướng hòa dịu.

Thứ nhất, cảm nhận về mối quan hệ Nga – Mỹ đang xấu đi trên một mức độ rất lớn xuất phát từ các cuộc điều tra ở trong nước Mỹ về vụ bê bối liên quan đến Nga, Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Nói cuộc điều tra này là nhằm vào Nga không đúng bằng nói đó là nhằm vào Chính quyền Trump.

Từ thời Liên Xô đến nước Nga mới, Nga luôn là chủ đề được lợi dụng khi các lực lượng chính trị ở Mỹ tranh giành quyền lực. Dưới sự tô vẽ của các phương tiện truyền thông, Nga và Mỹ dường như hận thù sâu sắc, nhưng bản chất vẫn là cuộc đọ sức chính trị trong nước Mỹ.

Sau khi vụ bê bối liên quan đến Nga, Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ được tiết lộ, mâu thuẫn Nga – Mỹ được phóng đại hết cỡ. Các cuộc tranh giành quyền lực ở Mỹ quả thực đã hạn chế không gian để ông Trump cải thiện quan hệ với Nga, nhưng trừ khi có bằng chứng thuyết phục, cuộc đấu này sẽ không trực tiếp làm cho quan hệ Nga – Mỹ xấu đi.

Thứ hai, sự bất hòa giữa Mỹ và Nga cần được phân tích cụ thể trong từng vấn đề cụ thể. NATO mở rộng về phía Đông và triển khai quân ở Đông Âu là việc đã được lên kế hoạch từ lâu, chỉ là lộ trình được quyết định vào đúng năm nay. Sự theo dõi và đáp lại việc theo dõi giữa máy bay chiến đấu và tàu chiến Nga – Mỹ chưa từng dừng lại trong mấy thập kỷ qua.

Trên thực tế, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng Năm, ông Trump cố tình lảng tránh yêu cầu của các đồng minh châu Âu tiếp tục coi Nga là mối đe dọa quan trọng hàng đầu, mà nhấn mạnh mối quan tâm hàng đầu của NATO là chống khủng bố, trong bài phát biểu còn lược bỏ câu “ủng hộ điều khoản phòng vệ tập thể của NATO (chủ yếu nhằm vào Nga).

Tổng thống Trump hạ lệnh không kích căn cứ của quân đội chính phủ Syria là một phản ứng cần thiết đối với vụ tấn công bằng khí hóa học, đồng thời để chứng minh với trong nước rằng ông không thiên vị Nga.

Trước khi tấn công, Mỹ đã thông báo trước cho Nga 2 tiếng. Sau cuộc không kích, Nga cũng chỉ lên án bằng lời nói, tuyên bố dừng thực hiện bản ghi nhớ Nga – Mỹ về an toàn bay ở Syria, không lâu sau lại khôi phục. Năm nay, sự bất hòa Nga – Mỹ có vẻ tăng lên, nhưng chủ yếu là “võ miệng,” ít có “xung đột thực sự.”

Cuối cùng, những nỗ lực làm dịu quan hệ Nga – Mỹ của giới chức cấp cao hai nước chưa bao giờ ngừng nghỉ. Sau khi ông Trump lên cầm quyền, mặc dù giới chức ít ca ngợi hơn nhưng cũng không trực tiếp chỉ trích ông Putin.

Ngoại trưởng Rex Tillerson từng tiết lộ ông Trump chỉ thị cho ông không để các vấn đề nội bộ gây trở ngại cho việc cải thiện quan hệ với Nga. Nga giữ thái độ kiên định trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ.

Mấy năm gần đây, Tổng thống Nga Putin nhiều lần “phân trần” với Mỹ trên các diễn đàn quốc tế, hy vọng hai nước hợp tác chống khủng bố, muốn làm sống lại những tháng ngày kề vai sát cánh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong vấn đề Ukraina và Syria, năm nay Nga cũng tỏ ra đặc biệt bình tĩnh. Trong bối cảnh này, các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa hai nước diễn ra thường xuyên hơn.

Ngoại trưởng Tillerson đến thăm Nga vào tháng Tư, Ngoại trưởng Lavrov đến thăm Mỹ vào tháng Năm, cả hai đều đã có cuộc tiếp kiến với tổng thống nước chủ nhà.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cũng đã tiến hành hội đàm với nhau. Các cuộc tiếp xúc liên tục giữa Nga và Mỹ trong 6 tháng qua là điều chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraina.

Ngày 7/7, cuộc gặp Putin-Trump lần đầu tiên đã được dàn dựng theo đúng kịch bản ở Hamburg (Đức). Hai người “vừa gặp như đã thân quen,” “hối tiếc vì gặp nhau quá trễ,” cuộc gặp vốn dự kiến trong 35 phút đã kéo dài thành 2 giờ 16 phút.

Sau khi Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania nhắc nhở nhẹ nhàng, cả ông Putin và ông Trump vẫn nói chuyện thêm 1 giờ. Cuộc gặp Putin-Trump kéo dài đã khiến buổi hòa nhạc sau đó buộc phải lùi lại.

Cả hai tổng thống đã đạt được một số đồng thuận, chẳng hạn thỏa thuận ngừng bắn ở phía Tây Nam Syria, thành lập kênh trao đổi thông tin về vấn đề Ukraina, thiết lập nhóm làm việc an ninh mạng…

Nếu nói việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt vẫn còn quá sớm thì sự hợp tác có giới hạn giữa hai nước ở Syria là điều có thể xảy ra, xu thế quan hệ giữa hai nước ấm lên là điều có thể mong đợi.

Đằng sau xu thế ấm lên này còn có nguyên nhân sâu xa. Về cơ bản, đây là kết quả của tương quan lực lượng quốc tế có sự thay đổi.

Sau Chiến tranh Lạnh, trong tam giác Trung-Mỹ – Nga truyền thống, Trung Quốc liên tục trỗi dậy, Mỹ tương đối ổn định, trong khi sức mạnh của Nga tương đối suy giảm, sự mất cân bằng của tam giác này ngày càng nổi rõ. Nga đã không còn là đối thủ của Mỹ, ngược lại Mỹ cho rằng Trung Quốc ngày càng trở thành nước thách thức quyền bá chủ thế giới của mình.

Nhiều người nói rằng giới chiến lược Mỹ có cái nhìn hằn thù thâm căn cố đế đối với Nga, nhưng nhiều nhà chiến lược theo đường lối thực dụng nghiêm túc như ông Henry Kissinger, hay Zbigniew Brzezinski, mới qua đời cách đây không lâu, những năm gần đây đều ủng hộ Mỹ khôi phục và tăng cường quan hệ với Nga. Ông Kissinger, hơn 90 tuổi, cách đây không lâu còn có chuyến thăm đặc biệt đến Moskva, vận động cho quan hệ Mỹ – Nga.

Một số chuyên gia về vấn đề Nga cũng đề xuất nên thiết lập “quan hệ đối tác hạn chế” với Nga. Từ góc độ thực tiễn, quan điểm địa chính trị truyền thống cũng như chiến lược toàn cầu tập trung hơn vào trong nước của ông Trump đã mang lại động lực cho quan hệ Mỹ – Nga ấm lên.

Sự xấu đi của mối quan hệ này dưới thời Obama chủ yếu là do quan niệm giá trị của chủ nghĩa tự do, sự coi trọng đối với các đồng minh và sự truyền bá dân chủ kiểu phương Tây của Mỹ có sự va chạm dữ dội với quan niệm địa chính trị của Tổng thống Nga Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraina.

Nhưng dưới thời ông Trump, quan niệm chiến lược của Nga và Mỹ có xu hướng xích gần nhau hơn. Nước Mỹ dưới thời ông Trump không còn quá quan tâm tới các đồng minh châu Âu, càng sẽ không thể giúp châu Âu ghét lây Nga. Sự im lặng của Mỹ trong vấn đề Ukraina từ đầu năm nay là một ví dụ.

Nga và Mỹ sẽ thực hiện “giao dịch lớn”?

Nếu quan hệ Nga – Mỹ có xu hướng ấm lên, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump lại hợp ý với nhau như vậy thì mối quan hệ này sẽ được khởi động lại toàn diện, thậm chí tiến hành “giao dịch lớn,” biến từ kẻ thù thành đồng minh như một số nhà quan sát từng nhận định?

Trong tình hình hiện nay, khả năng này gần như không thể xảy ra, sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ này vẫn đối mặt với nhiều trở ngại.

Thứ nhất, các cuộc đấu chính trị trong nước Mỹ vẫn hạn chế không gian ông Trump điều chỉnh chính sách đối với Nga. Đảng Dân chủ đã lấy vụ bê bối liên quan đến Nga, Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ làm vũ khí vô song để công kích, hạn chế và làm suy yếu ông Trump, một số người trong “phe lật đổ Trump” trong Đảng Cộng hòa cũng tham gia.

Bốn ủy ban của Quốc hội Mỹ, một công tố viên đặc biệt được Bộ Tư pháp bổ nhiệm đang điều tra việc êkíp giúp việc của ông Trump dính líu tới vụ bê bối với Nga, các bằng chứng có liên quan liên tục được tiết lộ, vụ bê bối liên quan đến Nga đang bao vây những người thân tín của ông Trump như con rể Jared Kushner, Bộ trưởng Tư pháp Jefferson Sessions.

Mặc dù CNN gần đây đã sa thải 3 phóng viên bị nghi ngờ thổi phồng vụ bê bối liên quan tới Nga, dư luận nhận định Trump đã xả được nỗi tức giận của mình, nhưng điều này không thể đảo ngược tình hình về căn bản.

Các cuộc điều tra vụ bê bối liên quan đến Nga đã đe dọa tính hợp pháp cầm quyền của ông Trump, khiến ông không dám tùy tiện thúc đẩy quan hệ Nga – Mỹ có thay đổi thực sự, và còn gây trở ngại cho chính sách của Tổng thống Trump đối với Nga.

Sau sự biểu hiện thân mật giữa ông Putin và ông Trump ở Hamburg, không ngoài dự đoán, lực lượng chống đối ông Trump ở trong nước bắt đầu phản công mạnh mẽ, nhào nặn việc con trai của ông Trump tiếp xúc với luật sư của Nga, tìm cách có được thông tin tình báo bất lợi đối với Hillary.

Đồng thời ở trong nước Mỹ rất không hài lòng trước việc ông Trump tìm cách thiết lập nhóm công tác an ninh mạng với Nga. Quốc hội và quân đội Mỹ cũng chắc chắn sẽ hạn chế không gian hợp tác giữa Nga và Mỹ ở Syria.

Thứ hai, quan hệ kinh tế-thương mại yếu ớt làm cho nền tảng của quan hệ Nga – Mỹ không vững chắc. Đúng như lời của Putin, quan hệ kinh tế-thương mại vững chắc là “mạng lưới an toàn” đáng tin cậy duy nhất của quan hệ Nga – Mỹ.

Trên vũ đài chính trị quốc tế hiện nay, quan hệ kinh tế-thương mại vững chắc thường có thể làm dịu hiệu quả mâu thuẫn địa chính trị, sợi dây kinh tế-thương mại vững chắc giữa Trung Quốc và Mỹ đã đóng vai trò vật giữ thăng bằng trong quan hệ giữa hai nước này.

Tuy nhiên, quan hệ Nga – Mỹ thiếu điều kiện này, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước còn yếu, tính bổ sung cho nhau không mạnh. Theo thống kê của Nga, kim ngạch thương mại Nga – Mỹ năm 2016 chỉ đạt 20,28 tỷ USD, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong ngoại thương của Mỹ và Nga.

Không những vậy, ông Trump còn khăng khăng phát triển năng lượng truyền thống như dầu mỏ, khiến Mỹ biến từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga trên thị trường năng lượng quốc tế đang tăng lên. Mối quan hệ kinh tế và thương mại yếu ớt này không thể cứu giúp cho quan hệ chính trị giữa hai nước.

Thứ ba, giữa Mỹ và Nga có mâu thuẫn mang tính cơ cấu khó có thể giải quyết. Mặc dù ông Trump tỏ ra khá lạnh nhạt đối với các đồng minh châu Âu, không quan tâm tới NATO như trước đây, nhưng không thể vứt bỏ địa vị quan trọng của NATO trong an ninh châu Âu, càng không thể giải tán NATO, điều này có sự mâu thuẫn căn bản với việc Nga yêu cầu thiết lập khuôn khổ mới của an ninh châu Âu “bao quát hết mọi thứ.”

Đồng thời, sự phát triển nhanh của vũ khí không gian và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang phá vỡ sự cân bằng chiến lược giữa hai nước trong mấy chục năm qua. Trong tình hình sức mạnh quốc gia không thể so sánh với Mỹ, để duy trì khả năng đáp trả đối với Mỹ, Nga sẽ tập trung vào các lực lượng đáp trả phi đối xứng như mở rộng kho vũ khí hạt nhân, phát triển khả năng tấn công hạt nhân đa dạng cũng như đơn vị chiến tranh mạng, thông tin…

Từ vụ bê bối liên quan đến Nga có thể thấy ngoài ông Trump và các cộng sự thân thiết của mình, ở Mỹ từ trên xuống dưới, từ giới chính trị đến các phương tiện truyền thông rồi đến người dân đều giữ thành kiến với Nga. Sự thiếu lòng tin chiến lược khó có thể nhanh chóng bù đắp, những mâu thuẫn mang tính kết cấu này quyết định quan hệ Nga – Mỹ sẽ không có sự thay đổi về chất trong tương lai gần.

Nói tóm lại, quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Chính quyền Trump sẽ không tồi tệ hơn trước đó như một số phương tiện truyền thông nhận định, nhưng cũng không tốt lên.

Sự tương tác Nga – Mỹ hiện nay là chủ yếu là để giảm bớt sự thù địch, và dần dần khôi phục các cuộc tiếp xúc và mối liên hệ thông thường, đây là bước đầu tiên để làm dịu quan hệ giữa hai nước.

Trong tình hình Nga và Mỹ vẫn còn nhiều mâu thuẫn, tương lai của mối quan hệ này rất khó khởi động lại hoàn toàn, càng không thực hiện những “giao dịch lớn,” nhưng sự “hợp tác hạn chế” trong các vấn đề cụ thể là có thể mong đợi. Đây chính là “bộ mặt thật” của mối quan hệ này sau khi lớp mây mù được phá bỏ.

Theo VIETNAM PLUS / TẠP CHÍ TRI THỨC THẾ GIỚI

Tags: , ,