Quan điểm triết học Trung Hoa cổ đại về mô hình nhà nước lý tưởng

Trong tiến trình phát triển lịch sử triết học, nhà nước là một trong những vấn đề thu hút sự nghiên cứu của nhiều trào lưu triết học, nhiều triết gia từ cổ đại đến hiện đại.

Quan điểm triết học Trung Hoa cổ đại về mô hình nhà nước lý tưởng

Trung Quốc là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm và rực rỡ nhất, đồng thời đây cũng là một trong 3 “cái nôi” đầu tiên xuất hiện triết học (cùng với Ấn Độ và Hy Lạp). Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể lý giải được tại sao thời kỳ Xuân Thu- Chiến Quốc ở Trung Quốc khi công cụ bằng sắt chưa phổ biến, sản xuất chưa phát triển đã có quốc gia phong kiến và là thời kỳ “bách gia chư tử, bách gia tranh minh”( chư tử tranh minh khai học thức, bách hoa tề phóng tụ thanh phương)- thời kỳ học thuật phát triển như “nấm mọc sau cơn mưa”. Và dấu ấn rõ nhất của nền triết học Trung Quốc cổ đại để lại, còn ảnh hưởng sâu sắc đến ngày nay đó chính là quan điểm về mô hình nhà nước- quốc gia lý tưởng của một số trường phái triết học tiêu biểu: Nho gia (Khổng Tử); Đạo gia (Lão Tử); Mặc gia (Mặc Tử) và Pháp gia (Hàn Phi Tử).

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của triết học Trung Quốc cổ đại , đó là vừa thống nhất vừa đa dạng. Xuất phát từ điều kiện lịch sử xã hội đương thời: chiến tranh loạn lạc triền miên, các chư hầu đều muốn thôn tính lẫn nhau, dẫn tới sự bất ổn xã hội. Các trường phái triết học Trung Quốc thời cổ đại đều hướng đến mục đích nhằm ổn định xã hội, chấm dứt chiến tranh, kiến lập nên một chế độ ổn định lâu dài: Nho gia đưa ra đường lối chính danh, đức trị; Mặc gia với thuyết kiêm ái; Đạo gia với chủ trương vô vi; ở Pháp gia là đường lối pháp trị triệt để. Đa dạng ở chỗ mỗi trường phải trên đều có những chủ trương, đường lối của riêng mình trong việc đề ra những biện pháp cải tạo xã hội.

Thời đại Khổng Tử là thời đại “vương đạo suy vi”; “bá đạo” đang nổi lên lất át vương đạo của nhà Chu; trật tự lễ pháp cũ của nhà Chu đang bị đảo lộn, như ông than rằng “vua không phải đạo vua, tôi không phải đạo tôi; cha không phải đạo cha, con không phải đạo con”. Từ đó, ông chủ trương lặp lại pháp chế kỷ cương của nhà Chu với nội dung mới cho phù hợp . Từ đây, Khổng Tử đề ra mô hình nhà nước- quốc gia lý tưởng. Đó là xã hội phong kiến, nhà nước phong kiến theo điển chế của nhà Chu rất có trật tự tôn ti; từ thiên tử tới các chư hầu lớn nhỏ, quí tộc, bình dân ai có phận nấy, có quyền lợi và nhiệm vụ sống hòa hảo với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, giữ chữ tín với nhau, không xâm phạm nhau, ai cũng phải tu thân nhất là hạng vua chúa vì ngoài bổn phận dưỡng dân- lo cho dân đủ ăn đủ mặc thì còn có bổn phận giáo dân bằng cách làm gương cho họ và bằng lễ, nhạc, văn, đức. Bất đắc dĩ mới dùng tới hình pháp. Xã hội đó lấy gia đình làm cơ sở, trọng hiếu đễ, yêu trẻ, kính già để các giai cấp hòa hợp nhau, trên không hiếu dưới, dưới không oán trên. Đó là xã hội “tiểu khang” ( Thuật ngữ “tiểu khang” hiện nay đã được đưa vào trong nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 với mục tiêu xây dựng xã hội Trung Quốc “tiểu khang”- xã hội khá giả toàn diện trên cơ sở mối quan hệ tông tộc- gia đình, dòng họ).

Mặc gia với đại diện tiêu biểu là Mặc Tử chủ trương “kiêm ái”, muốn mọi người cùng thương yêu nhau và làm lợi cho nhau; mơ ước xây dựng một xã hội trong đó mọi người không có sự phân biệt sang- hèn, trên- dưới. Ông chủ trương nhà nước phải dùng người có tài, muốn xây dựng một quốc gia thống nhất, quyền hành tập trung vào một người tài đức do dân cử lên, không có đảng phái, tư tưởng từ trên xuống dưới nhất loạt như nhau, ai cũng lo lợi chung của đồng bảo, xã hội; dân đông đúc mà đủ ăn đủ mặc, cần và kiệm, không có sự xa hoa, muốn được “chính bình dân an”- thế giới đại đồng. Tư tưởng trên có điểm tương đồng với học thuyết xây dựng chủ nghĩa cộng sản của Mác-Ăngghen-Lênin với tư tưởng “của cải chung, mọi người sống bình đẳng, bác ái”.

Ngược lại với học thuyết xây dựng mô hình nhà nước-quốc gia lý tưởng của Nho gia (Khổng Tử) và Mặc gia( Mặc Tử), Đạo gia với đại diện tiêu biểu nhất là Lão Tử lại chủ trương “vô vi”. Trong Đạo đức kinh, chương thứ 80, Lão Tử đã phác họa ra mô hình quốc gia lý tưởng với những đặc điểm: Nước nhỏ, dân ít. Dù có khí cụ gấp trăm sức người cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu xa. Có thuyền xe mà không ngồi, có binh khí mà không bày. Bỏ hết văn tự, bắt dân dùng lại lối thắt dây thời thượng cổ. Thức ăn đạm bạc mà thấy ngon, quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phác mà lấy làm vui (nghĩa là chỉ lo ăn no mặc ấm, ở yên, sống vui, ghét xa xỉ). Các nước gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà, tiếng chó của nước kia mà nhân dân các nước ấy đều già chết cũng không qua lại với nhau.

Còn phái Pháp gia (Hàn Phi Tử) lại muốn có một quốc gia thống nhất như Mặc Tử, quyền hành tập trung vào một người là vua (không do dân cử mà cũng chẳng cần có đức chỉ cần biết thuật trị người); kinh tế phải khuếch trương (phát triển) để cho nước mạnh mà chiến thắng được những nước khác, không cần văn hóa cho cao, chỉ cần nông phẩm và binh khí cho nhiều; vua chẳng cần thi ân huệ, dạy dân, cứ ngất ngưởng ngồi trên mà điều khiển guồng máy bằng cách áp dụng pháp luật một cách nghiêm khắc và công bằng, không chút tư vị (dù là với người thân, vì vua không thân với ai hết; kể cả cha mẹ, vợ con). Đây chính là lý tưởng “quốc cường quân tôn”. Hàn Phi Tử chỉ rõ: cái thiết yếu của pháp luật là ở chỗ phải trình bày rõ ràng, trình bày công khai ra chỗ trăm họ; ai giữ pháp luật cẩn thận thì thưởng, ai trái pháp lệnh thì phạt công minh. Ông nêu yêu cầu các nước cần kiên trì, kiên quyết đổi mới chế độ chính trị theo con đường pháp trị để quốc gia đất nước được cường thịnh (tư tưởng trên đã được nước Tần cuối thời Chiến Quốc thực thi triệt để đường lối pháp trị của Hàn Phi Tử đã trở thành nước hùng mạnh, thôn tính sáu nước lớn còn lại, lần đầu tiên thống nhất Trung Quốc trong lịch sử).

So sánh học thuyết về nhà nước- quốc gia lý tưởng của bốn trường phái triết học trên chúng ta thấy rõ: chủ trương của Nho gia (Khổng Tử) thực tế hơn Mặc gia(Mặc Tử); Đạo gia(Lão Tử); nhân bản hơn học thuyết của Pháp gia(hàn Phi Tử) và ảnh hưởng trong văn hóa Trung Quốc và văn hóa của chế độ phong kiến phương Đông hơn hai ngàn năm qua thì Nho gia có ảnh hưởng rõ nhất, sâu sắc nhất. Hạn chế chung cơ bản của bốn trường phái trên trong quan điểm về mô hình nhà nước-quốc gia lý tưởng ở chỗ: chỉ xuất phát từ lập trường giai cấp đề ra những chủ trương phiến diện, thậm chí là cực đoan- phi thực tế, ảo tưởng như tư tưởng của Lão Tử, Mặc Tử.

Tuy nhiên, từ quan điểm về mô hình nhà nước- quốc gia lý tưởng nêu trên của bốn trường phái, chúng ta có thể thấy rõ những điểm tiến bộ ưu việt: Ở Nho gia là tư tưởng ai ở địa vị nào thì làm tốt cương vị đó, coi trọng gia đình là nền tảng, danh phải chính ngôn mới thuận; thượng bất chính, hạ tắc loạn; mọi người cư xử với nhau bằng nhân, nghĩa, lễ..Ở Mặc gia là tư tưởng mọi người thương yêu nhau, cần cất nhắc và sử dụng người có thực tài trong sử dụng, bổ nhiệm, không phân chia bè cánh-đảng phải. Ở Đạo gia là tư tưởng coi trọng thiên nhiên, sống hòa mình, gần gũi với thiên nhên, theo qui luật của tự nhiên. Ở Pháp gia đó là tư tưởng đề cao tinh thần thượng tôn của pháp luật phải được thực thi trong mọi mặt của đời sống xã hội, là tinh thần độc lập tự cường quốc gia, dân tộc. Đó là những “hạt nhân hợp lý” trong học thuyết xây dựng nhà nước- quốc gia lý tưởng và có giá trị sâu sắc trong điều kiện hiện nay. Và suy cho cùng, muốn đánh giá một học thuyết, hay quan điểm triết học là tiến bộ hay không thì trước tiên phải đặt nó trong bối cảnh đương thời, thấy được nó là tiến bộ so với các triết thuyết khác, và sau một khoảng thời gian vẫn thấy nó còn hợp lý thì có thể coi triết thuyết ấy là vĩ đại, vượt tầm thời đại.

Theo LÊ CAO ĐỘ / TRUONGCHINHTRINGUYENVANLINHHY.ORG.VN

Tags: , ,