⠀
Quan hệ công chúng trong nền chính trị Việt Nam đương đại
Quan hệ công chúng (Public relations, PR)(1) là việc cung cấp thông tin tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa tổ chức và công chúng. PR ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là chính trị.
Chính phủ chính là một thương hiệu lớn với quy mô và cách thức hoạt động đặc thù rất cần đến vai trò của PR trong việc xây dựng hình ảnh uy tín trước nhân dân và bạn bè quốc tế. Hoạt động PR chính phủ được thể hiện dưới hai hình thức chủ yếu là PR đối nội thông qua thông tin, tuyên truyền, cổ động, dân vận và PR đối ngoại qua các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục,…
Mặc dù PR hiện đại với tư cách là một ngành chuyên nghiệp mới ra đời tại Mỹ vào cuối TK XIX, đầu TK XX trong xã hội thông tin dân chủ và nền kinh tế thị trường, nhưng những hoạt động mang tính chất ngành này đã xuất hiện từ rất lâu, song song với lịch sử phát triển của loài người. PR hiện hữu trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, xã hội. Ngày nay người ta tạm chia PR thành hai nhóm là thương mại và phi thương mại, ứng dụng trong lĩnh vực thương mại được xem là PR doanh nghiệp còn phi thương mại là PR chính phủ và phi chính phủ.
1. Khái niệm PR
Trên thế giới, hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về PR. Trong bài báo xây dựng một định nghĩa về PR đăng trên tạp chí Public Relations Review của Mỹ, nhà nghiên cứu Rex Harlow, một trong những học giả hàng đầu về PR cho hay, có 472 định nghĩa khác nhau về PR được tìm thấy trong khoảng thời gian từ năm 1900 – 1976. Tùy theo từng lĩnh vực khác nhau sẽ có những cách hiểu khác nhau về PR. Tại hội đồng quốc tế của những người làm PR tổ chức tại Mexico tháng 8-1978 đã đưa ra định nghĩa khá toàn diện về PR: “PR là một ngành khoa học xã hội nhân văn, phân tích những xu hướng, dự đoán những kết quả, tư vấn cho các nhà lãnh đạo của tổ chức và thực hiện các chương trình hành động đã được lập kế hoạch để phục vụ quyền lợi của cả tổ chức và công chúng”. Như vậy, PR ở đây liên quan đến sự tín nhiệm và danh tiếng của nhà lãnh đạo, của tổ chức.
Về cơ bản, tất cả các định nghĩa trên đều thống nhất ở một điểm: PR là những nỗ lực có kế hoạch, có tổ chức của một cá nhân hoặc tập thể nhằm thiết lập và duy trì mối quan hệ cùng có lợi giữa tổ chức với đông đảo công chúng của tổ chức đó.
2. Nội dung hoạt động và công cụ của PR
Ngày nay, PR có mặt trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động xã hội. Bằng việc cung cấp thông tin và tạo nên hoạt động thông tin hai chiều, PR tạo mối liên kết trong xã hội và là diễn đàn thúc đẩy dân chủ hóa xã hội.
Để thực hiện được nhiệm vụ và mục tiêu của mình, PR hoạt động dựa trên một số nội dung sau:
Lập kế hoạch và triển khai chiến lược truyền thông tổng thể bao gồm việc nghiên cứu, đánh giá tình hình, xác định các mục tiêu, đối tượng truyền thông, thông điệp truyền thông, các công cụ triển khai, hoạch định ngân sách, kế hoạch hành động, đánh giá hiệu quả chiến lược truyền thông
Quan hệ báo chí, truyền thông là cập nhật danh sách phóng viên, làm việc với phóng viên, cung cấp thông tin cho công chúng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tổ chức sự kiện, bao gồm các loại sự kiện trong nhà: họp báo, hội nghị, hội thảo, khai trương, ra mắt, giới thiệu sản phẩm mới, các lễ kỷ niệm, nhận danh hiệu, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, phát động cuộc thi và các sự kiện ngoài trời: lễ khởi công, động thổ, khánh thành, hội chợ, triển lãm, ra mắt sản phẩm, team building, các chuyến tham quan cơ sở, tiệc chiêu đài, lễ khánh thành, roadshows, lễ hội đường phố, các sự kiện thể thao, ca múa nhạc, festival; lập kế hoạch tổ chức thực hiện từng loại sự kiện chuyên nghiệp hiệu quả; lập ngân sách cho sự kiện, quản lý tài chính, quản lý thời gian và quản lý các vấn đề rủi ro trong quá trình thực hiện chương trình.
Quan hệ cộng đồng là việc tiếp xúc với cộng đồng địa phương, tham gia cùng với cộng đồng dân cư trong các cuộc hội họp, thuyết trình,…
Quản lý vấn đề và quản lý khủng hoảng là việc quản lý công việc, kiểm soát môi trường bên trong và bên ngoài tổ chức; quản lý các vấn đề rủi ro xảy ra, quy trình xử lý khủng hoảng, truyền thông trong khủng hoảng, khắc phục danh tiếng sau khủng hoảng.
Quan hệ chính phủ, quan hệ với các nhà đầu tư là làm việc với hệ thống cơ quan lập pháp và hành pháp từ trung ương đến địa phương có ảnh hưởng và liên quan đến tổ chức; cung cấp thông tin và tiếp xúc cá nhân, nhà đầu tư, đối tác của tổ chức.
Xuất bản ấn phẩm, tài liệu, sách báo là việc cung cấp hình ảnh, thông tin thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu, tạp chí, sách báo, tờ rơi, profile, bản tin nội bộ, hồ sơ truyền thông, website tổ chức.
Quan hệ công chúng nội bộ là việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, truyền thông với nhân viên, thiếp lập và củng cố mối quan hệ giữa những thành viên trong tổ chức thông qua các hoạt động như viết và xuất bản các tài liệu mang tính giáo dục, lịch sử công ty, các báo cáo thường niên, giới thiệu nhân viên mới, phát hành bản tin nội bộ, sổ tay nhân viên, mở lớp tập huấn, tổ chức hội nghị cán bộ công nhân viên chức, phát động cuộc thi, chiến sĩ thi đua, xuất bản kỷ yếu, hội thảo,…
Vận động hành lang(lobby) là sự gây ảnh hưởng, áp lực tới một nhóm người của một tổ chức liên quan đến việc thông qua một quyết định cần thiết của chính phủ nhằm mục đích có lợi cho tổ chức. Vận động hành lang giúp xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các cơ quan chính phủ với tổ chức.
Gây quỹ, tài trợ cộng đồng, đầu tư cho xã hội thông qua các hình thức khác nhau nhằm thiết lập mạng lưới xây dựng những người ủng hộ tổ chức; cung cấp tài chính cho một tổ chức, cá nhân, cộng đồng hay các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm quảng bá hình ảnh của tổ chức, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gây dựng mối quan hệ tốt đẹp với công chúng.
Mở các chiến dịch PR nhằm xây dựng và phát triển thành công thương hiệu của tổ chức bao gồm việc nghiên cứu, phân tích, lập kế hoạch, tiến hành triển khai, đánh giá hiệu quả sau khi kết thúc chiến dịch.
Để tiến hành các hoạt động, người cán bộ PR phải sử dụng các công cụ chuyên nghiệp như: viết thông cáo báo chí; viết chuyên đề, bài phỏng vấn, báo cáo thương niên, hồ sơ doanh nghiệp, hồ sơ truyền thông; sưu tầm thư viện hình ảnh; tổ chức họp báo; sản xuất bản tin nội bộ, báo tạp chí nội bộ, ấn phẩm, hệ thống nhận diện; sản xuất chương trình bằng hình ảnh, âm thanh như phim tài liệu, phóng sự, chuyên đề, phim quảng cáo doanh nghiệp đăng trên báo, truyền thanh, truyền hình,…; tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày; tổ chức các buổi hội thảo và các sự kiện đặc biệt; xây dựng biểu tượng văn hóa doanh nghiệp.
3. Hoạt động PR chính phủ
Trên thực tế mặc dù ngành PR chuyên nghiệp mới du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm, song trước đây, những hoạt động mang tính chất PR đã được thực hiện hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. PR đã hiện hữu trong đời sống văn hóa của nhân dân, từ vốn văn hóa ứng xử, giao tiếp hàng ngày đến công tác tuyên truyền vận động.
Những áng thiên cổ hùng văn như Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo hay bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt được truyền đi từ một đền thiêng trên dòng sông Như Nguyệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã đi vào tiềm thức người Việt làm nức lòng quân dân cả nước, thôi thúc người dân đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Trong đấu tranh chống Pháp và Mỹ, Đảng ta đã vận dụng sức mạnh của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, xây dựng lý tưởng cách mạng, phát động các phong trào thi đua sôi nổi trong cả nước nhằm cổ vũ động viên, khích lệ và huy động sức mạnh toàn dân tham gia kháng chiến, thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến vĩ đại, dành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Trong công cuộc đổi mới, công tác tuyền truyền vận động nhân dân tham gia vào công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước kết hợp với những nỗ lực đàm phán, xây dựng mối quan hệ đa dạng với nhiều quốc gia trên thế giới của chính phủ đã góp phần giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hội nhập thế giới, đưa đất nước thoát nghèo tiến lên một tầm cao mới. Điều đó cho thấy PR được ứng dụng trong chính phủ là rất lớn. Chủ thể chính của PR chính phủ là các chính trị gia, các đảng phái, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền và các cơ quan chính quyền. Đối tượng công chúng mà PR chính phủ nhắm tới là nhân dân và bạn bè quốc tế. Công cụ truyền tải thông điệp của chính phủ chủ yếu là các phương tiện thông tin đại chúng.
Chính phủ chính là một thương hiệu lớn, rất cần phải xây dựng hình ảnh, uy tín của mình trước công chúng. Hoạt động PR chính phủ được thể hiện dưới hai hình thức chủ yếu là PR chính phủ đối nội và PR chính phủ đối ngoại.
PR chính phủ đối nội
Chính phủ thiết lập mạng lưới các cơ quan đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ cung cấp và quản trị thông tin đến với quần chúng nhân dân nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân với chính phủ thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động và dân vận. Cụ thể như sau:
Bộ TT&TT chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến quần chúng nhân dân; cung cấp thông tin về các hoạt động của chính phủ và khích lệ người dân tham gia các hoạt động do chính phủ phát động; cập nhật các vấn đề thời sự nóng bỏng trong nước và quốc tế; phổ biến kiến thức cho người dân về làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nêu gương người tốt việc tốt, xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội,…
Bộ VHTTDL thiết lập mạng lưới văn hóa thông tin từ trung ương đến cơ sở nhằm tuyên truyền vận động người dân thực hiện theo các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước thông qua các hình thức: tuyền truyền cổ động trực quan, pano, áp phích, bandrol, khẩu hiệu, tranh ảnh, sách, báo; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, ca múa nhạc, hội diễn sân khấu; tuyền truyền miệng, diễn thuyết, phát biểu trước công chúng, tuyên truyền trên các phương tiện phát thanh địa phương; chiếu phim lưu động, tuyên truyền lưu động; tổ chức sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn, các lễ hội truyền thống đến các lễ hội hiện đại nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, tri ân các anh hùng liệt sỹ đồng thời giới thiệu quảng bá hình ảnh quê hương đất nước đến nhân dân và bạn bè quốc tế…
Một số bộ ban ngành khác cũng làm công tác thông tin tuyên truyền theo ngành dọc hay các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội đều có Ban tuyên huấn thực hiện chức năng thông tin tuyên truyền cổ động trong toàn ngành.
Các hoạt động PR chính phủ nội bộ được thực hiện dưới một số hình thức sau:
Phát ngôn viên dưới dạng văn bản hay khẩu ngữ (các tuyên bố, đối thoại, trả lời phỏng vấn).
Tổ chức họp báo, họp Quốc hội, họp Hội đồng nhân dân công khai dân chủ, tiếp xúc và đối thoại với cử tri.
Thiết lập mạng lưới tiếp xúc công dân từ trung ương đến cơ sở, cung cấp đường dây nóng, thực hiện các cuộc viếng thăm thân thiết.
Thiết lập mạng lưới thông tin tuyên truyền dưới các hình thức tin tức, sự kiện, phóng sự, phim ảnh, ca múa nhạc, mỹ thuật, hội họa trong hệ thống cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh đến các phương tiện tuyên truyền quảng bá ấn phẩm, sách báo của các tổ chức, hiệp hội, hệ thống trung tâm văn hóa, thông tin từ trung ương đến địa phương.
Đầu tư cho xã hội, quan hệ cộng đồng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm xã hội của chính phủ (hoạt động từ thiện, quyên góp, xóa đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội, xây dựng các công trình dân sinh phục vụ cộng đồng, tổ chức hiến máu nhân đạo,…).
Xuất bản ấn phẩm sách báo, tạp chí, bandrol, cờ phướn, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương.
Tổ chức các phong trào và sự kiện tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, về lãnh tụ (học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh), về các vấn đề chính trị xã hội (cải cách hành chính…), các lễ kỷ niệm ngày thành lập, các hội diễn, triển lãm, các giải thưởng (thi tay nghề giỏi, khéo tay hay làm, thi đấu thể thao) các chiến dịch thông tin (chống hút thuốc lá, hạn chế sinh nhiều con, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, phòng chống AIDS…).
Cung cấp thông tin: họp báo, diễn đàn, tư vấn trực tuyến, qua điện thoại.
Đặt tên tổ chức, thiết kế các hình ảnh (lôgô), thiết kế kiến trúc trụ sở.
Vận động hành lang là hoạt động ảnh hưởng đến tiến trình ban hành quyết định, rất cần thiết khi có các ý kiến tranh luận khác nhau về các lợi ích khác nhau. Vận động hành lang không phải là chuyện đi đêm, bôi trơn, phi pháp… mà thực là sự trao đổi lợi ích, trao đổi quyền lợi khả thi và hiệu quả. Chính phủ các nước đều xem trọng hoạt động này và chính phủ Việt Nam cũng vậy. Ở Việt Nam, chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội đều rất khôn ngoan khi sử dụng hoạt động vận động hàng lang hiệu quả để đối phó với vụ kiện cá tra, ba sa hay dệt may… nhằm thông qua các quyết định có lợi cho lao động Việt Nam. Khi thực hiện hoạt động này Việt Nam không chỉ tranh thủ sự ủng hộ của doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp và quan chức Mỹ. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có được Quy chế Quan hệ bình thường thương mại vĩnh viễn (PNTR) nếu không sử dụng vận động hành lang thì rất khó thành công.
Giải quyết hoặc quản lý khủng hoảng là một chức năng rất quan trọng trong hoạt động PR chính phủ. Những sự cố khủng hoảng có thể do yếu tố bất ngờ, thiên tai hay do con người cố tình gây ra nhằm tạo dư luận không tốt ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ trước nhân dân hay bạn bè quốc tế, thậm chí khi khủng hoảng ở cấp độ cao còn gây kích động một bộ phận quần chúng nhân dân, gây bất ổn về kinh tế, chính trị, trật tự trị an. Do vậy chính phủ cần phải có các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo trước khi khủng hoảng xảy ra hay xử lý và khắc phục hậu quả một cách nhanh chóng. Hàng loạt các vụ việc như việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng Hải Phòng ngày 5-1-2012 gây xôn xao dư luận, vụ Vinashin gây thất thoát hàng trăm nghìn tỉ đồng năm 2010,… hay các vấn đề về an toàn thực phẩm, giá cả lạm phát, thiên tai, bệnh dịch,… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân mà chính phủ phải chỉ đạo giải quyết nhanh chóng để lấy lại uy tín của chính phủ trước nhân dân.
PR chính phủ đối ngoại
Ngay từ khi mới ra đời, chính phủ đã rất chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền đối ngoại nhằm thiết lập mạng lưới quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày nay, vai trò của PR càng trở nên quan trọng trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, phát triển năng động, con người thân thiện mến khách và một nền văn hóa giàu bản sắc, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư và khám phá du lịch. PR góp phần quảng bá cho những sản phẩm, thương hiệu mang màu sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới nhờ đội ngũ cán bộ chuyên gia hiểu biết PR của các bộ, ngành làm công tác đối ngoại của chính phủ Việt Nam…
Hoạt động PR đối ngoại được thể hiện rõ nét nhất thông qua Bộ Ngoại giao. Trong những năm qua, Bộ Ngoại giao đã thiếp lập mạng lưới sứ quán Việt Nam tại các nước nhằm mục tiêu giao lưu, đối ngoại, quảng bá và tăng cường hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao cùng với các bộ ban ngành không ngừng nỗ lực tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các chuyến viếng thăm của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, hay các hoạt động đối ngoại, phát ngôn trước cộng đồng quốc tế trước một sự kiện quan trọng xảy ra nhằm thể hiện quan điểm, vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế. Nhằm thu hút kiều bào hướng về quê hương đồng thời tuyên truyền chống lại các luận điều xuyên tạc gây chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Bộ Ngoại giao thành lập các tổ chức, hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài. Hàng năm, Ngoại giao đoàn tổ chức chương trình xuân quê hương – Chủ tịch nước chúc tết kiều bào vào ngày 23 tháng chạp. Sự kiện này là dịp để kiều bào được gặp gỡ với các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trên mảnh đất quê hương và tận mắt chứng kiến sự thay đổi của quê hương đất nước, giúp họ hiểu hơn về chính sách đúng đắn trong việc khuyến khích bà con trở về quê hương đầu tư, làm ăn sinh sống.
Không chỉ giúp xây dựng và duy trì các mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia, PR trong ngoại giao còn giúp giải quyết những khủng hoảng chính trị xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc những hiểu lầm, nhờ đó sự thiếu hiểu biết hoặc thậm chí thái độ thù địch đối với quốc gia sẽ được chuyển thành sự thấu hiểu và thông cảm.
Ngày nay, hội nhập quốc tế trở thành xu hướng phát triển bắt buộc, phạm vi quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng thì sự phổ biến và giao lưu văn hóa ngày càng cần thiết; đi cùng với nó là vai trò của các hoạt động PR trong việc quảng bá giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Giao lưu văn hóa góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc, qua đó thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Muốn cho sự giao lưu diễn ra sâu rộng, cần có những hoạt động PR, xúc tiến giao lưu từ chính phủ của các quốc gia như tổ chức các tuần lễ văn hóa, các cuộc thi tìm hiểu văn hóa, các lễ hội, festival, chương trình giới thiệu điểm đến, chương trình giao lưu trao đổi học sinh…
PR còn góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh của các khu du lịch, những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, giúp phát triển tiềm năng du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án du lịch quốc gia. PR thông qua du lịch sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách và giúp giải quyết những khủng hoảng mà ngành du lịch quốc gia gặp phải.
Chính phủ Việt Nam chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam thành lập kênh VTV4, kênh dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. Đài truyền hình Việt Nam cùng với các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò là cầu nối cung cấp thông tin đến với kiều bào và bạn bè quốc tế; mở cổng thông tin điện tử của quốc gia để cập nhật tin tức và tiếp nhận phản hồi của kiều bào nhằm thiết lập mạng lưới quan hệ tốt đẹp giữa các bên.
Trong thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã vận dụng hiệu quả các công cụ của PR và đạt được những thành tựu đáng kể như: vận động Quốc hội Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và có được Quy chế PNTR năm 2006; mở chiến dịch tuyên truyền phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo, lập thành tích chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội; tham gia vào cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức New Open Word phát động và đưa Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới năm 2011; lập hồ sơ đề cử và vận động UNESCO công nhận ca trù Hà Nội, quan họ Bắc Ninh, nhã nhạc Cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên và gần đây là hát xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; chỉ đạo công tác tuyên truyền tổ chức thành công các kỳ đại hội Đảng các cấp, phát động các phòng trào thi đua lao động sáng tạo, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức các sự kiện lớn để quảng bá hình ảnh của đất nước, các tỉnh thành đến bạn bè quốc tế hay những nỗ lực đàm phán xây dựng mối quan hệ đa dạng với nhiều quốc gia trên thế giới góp phần giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hội nhập trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Như vậy, PR là một phần không thể thiếu trong quản trị chiến lược của chính phủ nhằm thiết lập và củng cố mối quan hệ lâu dài giữa chính phủ và công chúng nhằm tăng cường hiểu biết, hỗ trợ và đồng thuận đối với quá trình hoạch định và thực thi chính sách công của chính phủ để đạt đến sự hài lòng của nhân dân. Đồng thời thông qua các hoạt động PR chính phủ xây dựng hình ảnh đẹp về một đất nước Việt Nam hòa bình, con người Việt Nam cần cù, hiếu khách nhằm gửi gắm thông điệp Việt Nam muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy, là điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế.
Với những ưu điểm của mình, PR đem đến cho chính phủ những lợi ích lâu dài, bền vững. PR giúp chính phủ thiết lập, phát triển và duy trì các mối quan hệ bền vững với nhân dân và bạn bè quốc tế đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu mạnh quốc gia, nâng cao uy tín cho chính phủ. Do vậy, việc áp dụng các hoạt động PR một cách hữu hiệu sẽ góp phần tạo ra thương hiệu vị thế bền vững của chính phủ trước nhân dân và trên chính trường quốc tế và tạo ra ưu thế trong cạnh tranh, thu hút đầu tư nhằm xây dựng một quốc gia phát triển bền vững năng động hơn trong tương lai.
——————————————
Chú thích:
1. Hiện nay, ở Việt Nam, bản thân việc dịch từ Public Relations từ tiếng Anh sang tiếng Việt còn gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên thống nhất chung cách đọc phiên âm từ viết tắt tiếng Anh là PR, nghĩa là quan hệ công chúng, quan hệ cộng đồng. Bài viết sẽ sử dụng từ viết tắt PR để nói về quan hệ công chúng.
Theo NGÔ ÁNH HỒNG / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tags: Bộ máy hành chính, Quan hệ công chúng