Phật giáo và Trường Sa: Ý lực của tổ tiên

Ở đâu có người dân sinh sống thì ở đó có sự hiện diện của các ngôi chùa. Ở trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, tiếng chuông chùa, lời kinh tiếng kệ hòa vào tiếng sóng Biển Đông sớm hôm, như một thông điệp về hòa bình gởi đến với tất cả.

Từ thuở ấu thơ, chúng ta đã được nghe những câu chuyện của tổ tiên về công cuộc dựng nước và bảo vệ độc lập dân tộc gian khó nhưng đầy oai hùng.

Tự sâu thẳm trong trái tim, chúng ta ai mà không kiêu hãnh với câu chuyện cậu bé Gióng cưỡi ngựa sắt đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi, để rồi hóa thánh trong tâm thức người Việt.

Một Lý Thường Kiệt – vị tướng tài Phật tử với một quyết tâm trở thành đức tin bất diệt về nền độc lập của người Việt bao đời: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Giới phận đó đã được định rõ ràng ở sách trời/ Cớ sao kẻ thù lại dám đến xâm phạm/ Chúng mày nhất định sẽ nhìn thấy việc chuốc lấy bại vong).

Chúng ta không thể quên những tình thế tưởng như ngàn cân treo trên sợi tóc, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, đồng thuận từ người lãnh đạo cao nhất đến thứ dân đã làm nên bao chiến công trước quân Nguyên, Mông hung hãn sức mạnh gấp nhiều lần.

Thật xúc động mỗi khi nghe lại “Bình Ngô đại cáo” – “Muôn thuở nền thái bình vững chắc/ Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”… Sức mạnh làm nên những chiến thắng lẫy lừng Chi Lăng, Đống Đa, Mã Yên, Bình Than… không gì hơn được hun đúc bằng linh khí của tổ tiên, của khát vọng độc lập, tự chủ và hòa bình.

Khát vọng ấy, ý chí ấy đã đi vào lịch sử và liên tiếp hóa thân vào những phong trào, công cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta suốt mấy ngàn năm qua.

Gắn bó với dân tộc từ thuở bình minh của lịch sử, Phật giáo đã đồng cam cộng khổ với thăng trầm của đất nước qua bao thời đại, đúc kết nên truyền thống “Hộ quốc an dân”.

Hòa mình vào văn hóa bản địa, Phật giáo trở thành điểm tựa tâm linh cho dân tộc. Chúng ta có những vị vua, những vị tướng tài, nhiều nhà lãnh đạo đồng thời là Phật tử. Lịch sử cũng cho biết có nhiều vị thiền sư đã dấn thân tham gia các phong trào yêu nước, chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Ở đâu có người dân sinh sống thì ở đó có sự hiện diện của các ngôi chùa. Ở trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, tiếng chuông chùa, lời kinh tiếng kệ hòa vào tiếng sóng Biển Đông sớm hôm, như một thông điệp về hòa bình gởi đến với tất cả.

Tổ tiên chúng ta đã không quản ngại sinh mạng hy sinh cho nền hòa bình và độc lập dân tộc, nên hơn ai hết, chúng ta ý thức sâu sắc trách nhiệm phải tiếp tục gìn giữ, không thể đánh đổi với bất cứ giá nào. Đó là ý lực của tổ tiên, hóa thân thành lòng yêu nước âm ỉ trong lòng mỗi công dân Việt Nam.

Bối cảnh mỗi thời một khác, nhưng ý lực ấy vẫn luôn là một giá trị bất biến giữa dòng đời vạn biến. Nó trở thành niềm tin. Chung một niềm tin sẽ là yếu tố căn bản của sự đoàn kết. Có đoàn kết chắc chắn sẽ có sức mạnh để vượt qua những tình huống khó khăn nhất.

Theo GIÁC NGỘ ONLINE

Tags: ,