Số phận bi thảm của hai hoàng hậu nhà Hậu Lê

Trong lịch sử, các đế vương nước Việt khi lên ngôi thường sắc lập hoàng hậu của mình, đó là những người không chỉ có sắc đẹp diễm lệ mà phải có đức hạnh, công bằng, giữ gìn lễ phép cẩn thận.

Số phận bi thảm của hai hoàng hậu nhà Hậu Lê

Riêng các vị vua đầu triều Hậu Lê lại không lập Hoàng hậu bởi một phép tắc bất thành văn từ thời Lê Thái Tổ, vì thế người phụ nữ đầu tiên trở thành hoàng hậu của vương triều này là ai, số phận thế nào thì ít có sử liệu biết.

Đôi nét về Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hậu Lê

Đến nay nhiều người vẫn lầm tưởng rằng “bất lập hoàng hậu”, một trong “tứ bất” là thông lệ được điển chế hoá xuất hiện từ đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, tuy nhiên không hề có văn bản nào về điều này được ban hành.

Về quy định “bất lập hoàng hậu” thực ra đó là quy chế đầu thời Hậu Lê, tuy nhiên đây cũng chỉ là một thông lệ “bất thành văn” bởi nó được thực hiện theo “thói quen”.

Trong sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, ở phần Liệt truyện đệ nhất có bài tựa Hậu phi truyện cho biết nguyên do của việc không sắc lập Hoàng hậu như sau:

“Triều Lê ta gia pháp rất đúng, giáo dục luân thường rất rõ ràng, kén chọn phi tần, tất lấy trong con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế; mà lễ trật phân biệt, tôn ti rạch ròi, không có cái tệ bất chính trong chốn buồng the của đời trước.

Nhưng từ vua Thái Tổ (tức Lê Lợi) không lập vương hậu, lại trải 5 đời vua, quen lấy đó làm phép thường. Các bà Cung Từ, Tuyên Từ, Quang Thục, Huy Gia đều do các vị tự quân lên nối ngôi rồi mới dâng tôn hiệu (hoàng thái hậu), chứ chưa có ngôi vị (hoàng hậu) trong cung từ trước”.

Theo ghi chép nói trên và dựa vào các sử liệu chính thống có thể biết Cung Từ tên thật là Phạm Thị Ngọc Trần (vợ Lê Thái Tổ và là mẹ Lê Thái Tông), Tuyên Từ tên thật là Nguyễn Thị Anh (vợ Lê Thái Tông, mẹ Lê Nhân Tông), Quang Thục tên thật là Ngô Thị Ngọc Dao (vợ Lê Thái Tông, mẹ Lê Thánh Tông) và Huy Gia tên thật là Nguyễn Thị Hằng, có tên khác là Huyên (vợ Lê Thánh Tông, mẹ Lê Hiến Tông).

Ngoài ra còn một số người là vợ vua cũng được phong hiệu như trên, đó là bà Trang Thuận Nguyễn Thị Ngọc Hoàn (vợ Lê Hiến Tông, mẹ Lê Túc Tông) và Chiêu Nhân Nguyễn Thị Cẩn (vợ Lê Hiến Tông, mẹ Lê Uy Mục), chưa kể tới những bà đã mất, sau đó mới được truy phong danh hiệu.

Nhà Hậu Lê chia làm hai thời kỳ Lê sơ và Lê Trung Hưng (Lê mạt), thời Lê sơ có tất cả 11 vị vua, ngoài 5 đời vua, kể từ Lê Thái Tổ mà trong Đại Việt thông sử Lê Qúy Đôn cho biết không sắc lập hoàng hậu, còn có Lê Nghi Dân, Lê Túc Tông là hai vua ở ngôi trong thời gian ngắn, chưa đầy một năm thì người bị lật đổ, người lâm bệnh mất sớm nên việc nội cung chưa sắp xếp rõ ràng.

Như vậy có tất cả 7 vị vua thời Lê sơ không lập hoàng hậu, phải đến khi anh trai của Lê Túc Tông là Lê Tuấn lên ngôi, trở thành hoàng đế thứ 8 của vương triều, mà sử sách thường gọi là Lê Uy Mục hay Đoan Khánh đế thì lúc đó mới lập Hoàng hậu và người vợ của ông chính là Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hậu Lê.

Bộ chính sử lớn là Đại Việt sử ký toàn thư cho hay lễ sắc phong hoàng hậu được thực hiện vào đầu năm Bính Dần (1506): “Mùa xuân, trước đây, viên quản lĩnh họ Trần người làng Nhân Mục vốn là cháu ngoại của triều Trần sinh được 2 người con gái, con trưởng tên là Tùng, con thứ tên là Trúc.

Vua nghe nói Tùng có sắc đẹp, chọn vào hậu cung, sinh được hoàng tử nhưng mất sớm. Sau Trúc cũng được vào hầu”. Sách Đại Việt thông sử cũng có ghi chép ngắn gọn về bà như sau:

“Hoàng hậu họ Trần, húy là Tùng, người xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì, là con gái quan quản lĩnh họ Trần, là cháu ngoại triều nhà Trần. Vua Uy Mục nghe nói bà có sắc đẹp, tuyển vào hậu cung, sinh ra hoàng tử (mất sớm).

Mùa xuân năm Đoan Khánh thứ 2 (1506) lập làm hoàng hậu. Về sau vua lại gọi em gái bà tên là Trúc vào hầu. Khi quân vua Tương Dực đánh chiếm kinh thành, bà trốn ra ngoài, náu ở nhà dân trong xã Hồng Mai, rồi treo cổ tự tử ở miếu chùa”.

Dã sử và truyền tụng trong dân gian cũng không cho biết nhiều về Trần hoàng hậu của vua Lê Uy Mục nhưng ít nhiều bổ sung thêm thông tin về bà, theo đó Hoàng hậu còn có tên là Trần Thị Xuân Tùng tuy chỉ là con gái viên quản lĩnh cấp bậc nhỏ nhưng nhờ có sắc đẹp mà vượt qua không biết bao nhiêu thiếu nữ, trở thành Hoàng hậu tôn quý.

Trong tiểu thuyết lịch sử “Mạc Đăng Dung” của nhà văn Lưu Văn Khuê thì hư cấu chuyện về Trần hoàng hậu trước khi vào cung đã có người yêu là tướng Trần Tuân, họ đều là con cháu nhà Trần, sinh sống lâu đời ở xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì.

Theo tiểu thuyết này thì Trần Tuân hơn Trần Thị Xuân Tùng 3 tuổi và trong họ tộc cũng là anh, cùng chung ông tổ đời thứ tư là Trần Văn Huy, đỗ tiến sĩ năm Đại Bảo thứ ba (1442), làm quan đến Tả thị lang. Trần Văn Huy sinh ra Trần Cẩn (ông nội Trần Tuân) và Trần Trọng (ông nội Trần Thị Xuân Tùng).

Sau này Trần Cẩn đỗ tiến sĩ đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Thượng thư bộ Lại; nhưng người cha của Trần Tuân thì không đỗ đạt gì, đến Tuân lại chỉ ham mê cung kiếm. Còn Trần Trọng mấy đời đều thiên hướng về võ, Trần Trọng làm đến Chánh đội trưởng Tuỳ quân; cha của Trần Thị Xuân Tùng thì làm quản lĩnh.

Đó là theo tiểu thuyết hư cấu, còn thực tế theo sách Đại Việt thông sử, Trần Tuân là người xã Quang Bị, huyện Bất Bạt (thuộc Sơn Tây cũ, nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội) còn Trần hoàng hậu người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (nay là làng Mọc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Tuy nhiên nhiều tư liệu không thống nhất về quê hương, gia thế của hoàng hậu Trần Thị Tùng, theo tư tịch về lịch sử về vùng đất Trung Hòa (nay là phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì xưa kia là xã Trung Kính gồm nhiều làng hợp lại, trong đó có làng Nhân Mục, tên nôm là Kẻ Đáy nhưng đây không phải là quê của Trần hoàng hậu mà là quê bà là làng Nhân Mục Môn, nằm cạnh làng cạnh Nhân Mục.

Chính vì tên gọi đó giống nhau dẫn đến một lầm lẫn tai hại; chuyện kể rằng sau khi Lê Uy Mục bị giết, Lê Tương Dực lên ngôi đã sai người trả thù, đốt phá những nơi có quan hệ với triều vua cũ, vì thế một toán lính được lệnh kéo về triệt hạ quê của hoàng hậu Trần Thị Tùng.

Biết trước việc đó, dân Nhân Mục Môn đón đường dâng rượu thịt khoản đãi toán quan binh rồi chỉ đường về phía làng Nhân Mục bởi vậy làng này bị đốt phá tan hoang.

Dân làng đồng lòng dâng sớ kêu oan, triều đình xét lại, biết là nhầm lẫn nên bắt dân làng Nhân Mục Môn phải cắt 300 mẫu ruộng công đền trả dân làng Nhân Mục được hưởng hoa lợi, cũng từ sự kiện làng đó nên Nhân Mục còn có tên là Tàn Xứ hay Nhân Mục Tàn, mãi sau này mới gọi là Hòa Mục.

Về sự kiện tàn khốc trên, không thấy ghi trong chính sử nhưng có lẽ có việc việc trả thù, truy sát họ hàng bà Hoàng hậu Trần Thị Tùng ở Nhân Mục là có thật vì những người này từng dựa thế làm càn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

“Bấy giờ, uy quyền thuộc về họ ngoại, phía đông thì làng Hoa Lăng (quê của mẹ nuôi vua), phía tây thì làng Nhân Mục (quê của vợ vua), phía bắc thì làng Phù Chẩn (quê của mẹ vua) đều chuyên cậy quyền thế, vùi dập các quan.

Kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân, kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, mọi thứ súc vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ vào và đòi lấy. Muôn dân ta oán mà vua vẫn không chừa, lại mang lòng ngờ vực, đố kỵ”.

Một số tư liệu thì cho biết cha của Trần hoàng hậu không phải là một người giữ chức quan quản lĩnh nhỏ bé mà ông có nguồn gốc danh giá, giữ quyền cao chức trọng.

Theo gia phả dòng họ Đặng gốc Trần (Đặng gia phả hệ toàn chỉnh thực lục) và thần tích ở xã Thượng Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ), nơi có đền thờ quan Thượng Bợ thì thần tên thật là Trần Văn Huy (1410 – 1485), người ở làng Bợ, xã Quảng Bị (nay là xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) vốn là con cháu nhà Trần, thân phụ ông là Trần Quốc Kiệt, hậu duệ đời thứ 5 dòng dõi Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, còn thân mẫu là Trần Thị Hướng.

Có chí lập nghiệp, Trần Văn Huy đã gắng công học tập và đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, đứng thứ 4 trong số 33 người đỗ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) đời Lê Thái Tông, tên tuổi được khăc trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, tước Dương Khê hầu.

Về sau Trần Văn Huy đổi tên là Đặng Hiên (còn gọi là Đặng Trần Hiên); ông có 8 người con (6 trai, 2 gái) là Đặng Trần Cận, Đặng Trần Du, Đặng Trần Lâm, Đặng Trần Thiếp, Đặng Trần Bình và Đặng Trần Nguyên đều đỗ đạt làm quan, có tước phong.

Hai người con đều trở thành vợ vua Lê Uy Mục, con gái lớn là Trần Thị Tùng được lập làm Hoàng hậu, con gái út là Trần Thị Trúc được phong làm Thái phi.

Số phận bà hoàng hậu đầu tiên của nhà Hậu Lê thăng trầm theo ngai vàng của chồng, ở ngôi vị cao nhất chốn hậu cung được 4 năm (1506 -1509) thì bà phải tự vẫn.

Nguyên do là chồng bà, vua Lê Uy Mục là người hung bạo, tàn ác, lạm sát người vô tội vạ, nhẫn tâm bức hại ngay chính tổ mẫu (tức bà nội là hoàng thái hậu Trường Lạc), giết chết các hoàng thân tôn thất, các đại thần quan lại nên có biệt danh là “Qủy vương”.

Sự tàn bạo quá đáng của đó đã gây nên một làn sóng bất bình trong dân chúng và trong hàng ngũ quan lại, dòng dõi họ Lê.

Bấy giờ một số đại thần đã phò giúp Giản Tu công Lê Oánh lên làm vua (tức Lê Tương Dực) rồi đem quân tấn công kinh đô Thăng Long, bắt được Lê Uy Mục ép phải uống thuốc độc mà chết sau đó dùng súng lớn bắn cho nổ tan nát hết thi thể.

Trước đó, khi quân khởi nghĩa tiến sát Thăng Long, dân chúng kinh thành hoảng sợ chạy trốn, Hoàng hậu Trần Thị Tùng cũng lánh đến xã Hồng Mai (tên Nôm là Kẻ Mơ), huyện Thanh Trì (nay là thôn Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ẩn náu ở nhà một người dân nhưng rồi biết khó thể thoát được cảnh truy bắt, không muốn chịu nhục bèn thắt cổ tự tử chết ở miếu chùa, khi đó hoàng hậu chưa tròn 20 tuổi.

Ngôi chùa mà bà tự vẫn có thể là chùa Nga My (còn gọi là chùa Hoàng Mai) vốn là cổ tự của vùng nam kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào đầu triều Lý (nay nằm trên đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hoàng hậu của “vua Lợn” Lê Tương Dực và một kết cục buồn

Sau khi lật đổ được Lê Uy Mục, hoàng thân Lê Oánh chính thức tức vị ngai vàng, đặt niên hiệu là Hồng Thuận, lại tự xưng là Nhân Hải động chủ, còn sử sách thường gọi là Lê Tương Dực. Là một người thông minh, có tài thơ văn nhưng Lê Tương Dực lại dần đi vào “vết xe đổ” của vị vua tiền nhiệm.

Trong hơn 6 năm làm vua (1510- 1516), Lê Tương Dực thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang.

Lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu Vũ Như Tô công trình sư làm điện lớn hơn trăm nóc, làm Cửu Trùng đài, trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang…

Tất cả khiến cho ngân khố quốc gia hao tổn, quân lính và dân chúng bị bắt phục dịch, xây dựng vô cùng khổ nhọc, bị ốm đau bệnh tật, chết chóc rất nhiều. Ngoài ra vua còn nghe lời dèm pha, giết hại người trong tôn thất khiến trong ngoài đều rung động, sợ hãi.

Điểm xấu lớn nhất của Lê Tương Dực là ham mê sắc dục, ngày đêm hoan lạc với phi tần mỹ nữ nhưng vẫn chưa thỏa mãn, vua còn bắt cung nhân của Lê Uy Mục và cung nhân của triều vua trước vào để thông dâm.

Ngày 26 tháng giêng năm Qúy Dậu (1513), nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sắc phong vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục.

Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn”. Chính sử khi đánh giá về Lê Tương Dực cũng chép rằng:

“Vua gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít ngày, mượn tên của anh để cướp nước của người khác, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khoá nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là “vua lợn” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trái ngược với tính cách của chồng, hoàng hậu của Lê Tương Dực lại là một người đoan chính, nhân hậu nhất mực.

Bà tên thật là Nguyễn Thị Đạo, quê ở huyện Văn Giang, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), con gái một viên quan nhỏ, vì có nhan sắc và đức hạnh nên được tuyển vào cung làm phi, không lâu sau được Lê Tương Dực lập làm Khâm Đức hoàng hậu và rất được vua sủng ái, yêu mến.

Chuyện kể rằng đúng hôm Nguyễn Thị Đạo nhập cung, vua Tương Dực đang trong tình trạng bất an vì việc triều chính rối ren, dân chúng nhiều nơi nổi dậy chống lại triều đình.

Lúc đó có viên quan nội thị vào tâu về việc tổng quản vừa đưa con gái của một số đại thần vào cung để vua lựa chọn, đang không vui, Lê Tương Dực bực tức nói:

“Một lũ ăn hại, chúng ăn cơm của triều đình, mà giúp gì được cho ta, lại còn muốn bắt ta chấp nhận con gái của chúng nữa. Thật khó chịu”. Tuy nhiên, vua đã nghĩ lại:

“Dù sao cũng phải chấp nhận, vì đó là sợi dây ràng buộc bọn bầy tôi, bắt chúng phải trung thành với ta”, nghĩ sao làm vậy, Lê Tương Dực bước đến nơi những mỹ nhân đang chờ đợi.

Vừa thấy vua, tất cả vội quỳ xuống hành lễ, trong số các cô gái đó, bất giác ánh mắt của Lê Tương Dực như bị cuốn hút vào một cô gái nhu mì, hiền thục, đó là Nguyễn Thị Đạo, người đã khiến nhà vua không thể làm ngơ…

Lập tức vua gọi viên tổng quản lại hỏi cô gái đó là con nhà ai và truyền đưa Nguyễn Thị Đạo tới trước hoàng đế. Cô gái rất đẹp nhưng không phải là một vẻ đẹp lộng lẫy mà dịu dàng, đằm thắm đầy vẻ đoan trang và nó đã nhanh chóng quyến rũ ông vua háo sắc… Từ đó, Lê Tương Dực giữ Nguyễn Thị Đạo ở bên mình rồi xuống chiếu sắc phong làm hoàng hậu.

Trong suốt năm tháng sống cùng vua, Khâm Đức hoàng hậu Nguyễn Thị Đạo hiểu rõ bản tính chuyên quyền, độc đoán, bạo ngược và ham sắc dục của chồng mình hơn ai hết, bà đã nhiều lần khuyên nhủ vua sớm tỉnh ngộ, bãi bỏ xa hoa, loại trừ nịnh thần, chấn chỉnh triều cương, ban ơn dân chúng; thế nhưng tất cả những lời tâm huyết đó Lê Tương Dực đều bỏ ngoài tai vì thế tâm trạng hoàng hậu lúc nào cũng bất an, lo lắng về một tương lai đen tối phía trước.

Tại triều đình, nhiều đại thần thấy xã hội rối loạn, xã tắc ngả nghiêng mới dâng sớ can ngăn, trong số đó có Trịnh Duy Sản vì nhiều lần can ngăn trái ý vua, bị đánh bằng trượng. Mang tâm trạng bực tức, Trịnh Duy Sản mới mật bàn cùng với một số người là Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mưu việc phế lập.

Vào hồi canh hai đêm mồng 6 tháng 4 năm Bính Tý (1516), những người này đem hơn 3000 người thuộc các vệ Kim ngô và Hộ vệ bất ngờ đánh vào cửa Bắc Thần. Vua Lê Tương Dực vội vã lên ngựa chạy khỏi cung, đến trước cửa nhà Thái Học (tức Quốc Tử Giám) thì bị chặn lại, Trịnh Duy Sản sai một võ sĩ là tên Hạnh cầm giáo đâm vua ngã ngựa rồi giết chết.

Xác vua được đưa về thiêu ở trước quán Bắc Sứ (nay thuộc khu vực phố Quán Sứ, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bấy giờ Khâm Đức hoàng hậu đang ở trong cung, nghe tin dữ báo vào khiến bà lặng người đi, dù vua có là người thế nào thì đó cũng là người chồng rất mực yêu mến mình, nay phải làm sao cho trọn tình trọn nghĩa. Nghĩ rồi, hoàng hậu sai thị nữ trang điểm cho mình thật đẹp, sau đó bà tự nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà chết.

Tư liệu về Nguyễn Thị Đạo, hoàng hậu thứ hai của nhà Hậu Lê không có nhiều, sách Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chỉ có vài dòng nhắc đến, riêng sách Đại Việt thông sử cho biết thêm một số thông tin:

“Khâm Đức hoàng hậu họ Nguyễn, húy là Đạo, người huyện Văn Giang, là con gái viên quản lĩnh họ Nguyễn. Bà là người có đức hạnh. Khoảng năm Hồng Thuận được lập làm Hoàng hậu. Sinh được ba hoàng nữ, con cả tên là Thọ Túc, phong là Bảo Phúc công chúa; con thứ hai là Thọ Nguyên, con thứ ba là Thọ Kính, đều chưa kịp phong.

Năm Hồng Thuận thứ 8 (1516), nhà vua bị Trịnh Duy Sản giết, đem thiêu ở quán Bắc Sứ, bà nghe có biến loạn, theo nghĩa không muốn sống thừa, bèn nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà mất.

Quan quân đem hai quan tài vua và hậu về táng ở Nguyên Lãng, thuộc xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên. Về sau truy tôn tên thụy là Khâm Đức Thuận Liệt Đôn Tiết hoàng hậu”.

Huyện Ngự Thiên, nơi Khâm Đức hoàng hậu được táng cùng chồng của mình là Lê Tương Dực, xưa là một trong 4 huyện thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam (nay là huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình), theo dữ liệu của tập Hồng Đức bản đồ thì huyện Ngự Thiên có tổng cộng 52 xã và 4 trang.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, có chép rằng sau khi an táng vua và hoàng hậu, triều đình cho lập điện Quang Hiếu ở xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà) làm nơi thờ cúng.

Xét trong lịch sử, cuộc đời và số phận của hai hoàng hậu đầu tiên nhà Hậu Lê có một kết cục buồn, nó gắn với chính số phận của chồng họ là hai hoàng đế, những người vì dục vọng cá nhân mà quên đi trọng trách của mình, khiến cho dân chúng lầm than, chính quyền của vương triều Hậu Lê lâm vào khủng hoảng, suy yếu trầm trọng.

Dù chỉ là những nét thoáng qua của lịch sử nhưng Hoàng hậu Trần Thị Xuân Tùng và Hoàng hậu Nguyễn Thị Đạo vẫn giữ được phẩm cách của bậc “mẫu nghi thiên hạ”, tài năng và đức hạnh của họ mãi được ghi nhớ, ca tụng, lưu truyền.

Theo LÊ THÁI DŨNG / NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: ,