⠀
Phác thảo một kịch bản tồi tệ về biến đổi khí hậu
Trên thế giới, khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người ốm một khi biến đổi khí hậu gia tăng. Riêng ở Việt Nam, 22 triệu người sẽ lâm vào cảnh khốn cùng…
Dẫn số liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), báo cáo của PGS.TS Nguyễn Đình Hoè, Chủ nhiệm bộ môn quản lý môi trường (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) và TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, nếu mực nước biển dâng cao 5m thì Việt Nam sẽ mất tới 16% diện tích đất đai; khoảng 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội bị đe doạ. Đặc biệt cộng đồng người nghèo sống tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và sông Mekong sẽ phải gánh chịu nhiều nhất những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Những nghiên cứu của IPCC đã phác thảo một viễn cảnh kinh hoàng… Khi Trái đất nóng lên sẽ kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng. Có khoảng 20-30% các loài động, thực vật có nhiều nguy cơ bị diệt chủng nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm từ 1,5-2,50 C so với mức trung bình của 20 năm cuối thế kỷ 20.
Sinh thái bị nhiễu loạn dẫn đến nguồn lợi đa dạng sinh học bị cắt giảm, điều này giáng một đòn chí mạng vào những vùng mà đời sống của một số đông dân chúng dựa chủ yếu vào nông nghiệp và nguồn lợi tự nhiên (hái lượm, đánh bắt).
Điều khiến các nhà khoa học Việt Nam lo lắng, đó là nguồn nước phục vụ cuộc sống và nông nghiệp. Gần 60% nguồn nước của Việt Nam là quá cảnh từ nước ngoài, chủ yếu qua các hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long. Đó cũng là lý do tại sao năm 2007 vừa qua mực nước sống Hồng của Việt Nam cạn ở mức kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Theo khuyến cáo của FAO, hiện nay chúng ta đã sử dụng khoảng 40% lượng nước, xấp xỉ lượng nước được sử dụng trong ngưỡng an toàn sinh thái.
Hiện nay, các nước thượng nguồn đã đắp đập, chiếm thế thượng phong trong nguồn nước. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, vì Việt Nam có 72% dân số sống bằng ngành nông nghiệp. Sự tan băng hà vùng thượng nguồn các sông Hồng và Mekong cũng như sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước sẽ dẫn đến tranh chấp nguồn nước của 2 hệ thống sông này.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Ngọc Sinh trong những năm gần đây biểu hiện của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam đã rất rõ nét như mưa lũ bất thường, hạn hán ngày càng khắc nghiệt… Bắc Trung Bộ có nguy cơ gia tăng bão lũ, trong khi vùng ven biển Nam Trung Bộ đang gia tăng độ khô hạn và có nguy cơ hạn hán. Hậu quả của bão lũ, hạn hán trực tiếp gây chết người, dịch bệnh sau lũ mùa màng mất mùa, làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng, giảm khả năng kháng bệnh.
Theo khuyến cáo của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP, với nhiệt độ tăng lên 2 độ C và mực nước biển dâng 1m sẽ làm cho 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa, trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đô thị công nghiệp không có nước thì sống bằng nghề gì?
Do vậy, biến đổi khí hậu có tác động mạnh vào những người nghèo đặc biệt là những người nông dân. Bài học thảm họa những cơn lũ ở miền trung năm qua đã minh chứng phần nào cho vấn đề này.
Đồng thời, khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh cũ và dịch bệnh mới phát triển mà con người khó có thể kiểm soát được.
Trong báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC) đã khẳng định dưới tác động của nhiệt các căn bệnh đã gia tăng như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não (truyền qua muỗi); các bệnh đường ruột (qua môi trường nước), các bệnh suy dinh dưỡng, bệnh phổi… Những bệnh này đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các vùngkinh tế kém phát triển, đông dân và có tỷ lệ đói nghèo cao.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến đổi khí hậu làm tăng tỷ lệ bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Dự báo mỗi năm biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người ốm.
Trong bối cảnh đó, vậy biến đổi khí hậu sẽ làm cho 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa, đói nghèo dịch bệnh gia tăng họ sẽ đi đâu? Làm gì? Hiện tượng tị nạn môi trường sẽ xảy ra và kéo dài trên diện rộng. Với đất đai đã có chủ sử dụng, đã quy hoạch, giao thông và thông tin thuận lợi, các dòng dân di cư sẽ khác xa so với trước đây.
Dòng người tị nạn xâm nhập dần vào các đô thị ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tạo ra các khu dân cư kiểu “xóm liều, ổ chuột”, gia tăng lực lượng lao động giản đơn, bán hàng rong, tạo thành các nhóm dân lang thang trong đô thị (floating peoples), góp phần nông thôn hoá đô thị và làm cho quy hoạch các khu vực đô thị trở thành không thể kiểm soát được.
Phụ nữ hoá quản trị hộ gia đình tại các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do đàn ôngphải rời nhà đi kiếm sống trong thời gian dài, tạo ra những hệ luỵ khó khắc phục về mặt giáo dục trẻ em, trật tự xã hội và kiểm soát các bệnh xã hội như HIV-AIDS, lao, STD (các bệnh lây truyền qua đường tình dục). Những vấn đề này đã từng xảy ra ở nhiều vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ đã được cảnh báo.
Các ổ sinh thái trống rỗng hoặc kiệt quệ do biến đổi khí hậu, tạo tiền đề cho các loài ngoại lai có khả năng thích nghi tốt hơn xâm nhập.Trong số đó, có thể có những loài cây trồng hay vật nuôi biến đổi gen (GMO) chưa được kiểm định về tính an toàn sinh học, được người dân hay các công ty giống vật nuôi cây trồng nhập vào mà cơ quan kiểm dịch động thực vật khó bề kiểm soát hết.
Theo VIETNAMNET (2013)
Tags: Thiên tai, Biến đổi khí hậu