Ông Lý Hiển Long có ý đồ gì khi xỉa xói Việt Nam?

Bài phát biểu của ông Lý Hiển Long không gì khác là một biểu hiện cho cuộc đấu tranh của Singapore, một quốc gia bé nhỏ vì lợi ích của chính mình trong tình hình quốc tế biến đổi liên tục, khôn lường.

Ông Lý Hiển Long có ý đồ gì khi xỉa xói Việt Nam?

Lược từ The X-File of History, Tác giả: NB Thục Minh.

Việc Singapore dùng “chuyện cũ nhắc lại” trong những lời đầu tiên để mở màn cho hội nghị Thượng đỉnh Shangri-La năm nay, cũng có thể ngầm hiểu là một đòn “phủ đầu” ngay trước khi Việt Nam đảm nhận ghế Chủ tịch ASEAN và trong bối cảnh “Việt Nam đang chuẩn bị được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách là thành viên không thường trực”. Ở đây, cần phải nhớ rằng, thời điểm mà ông Lý đưa ra phát biểu chỉ đúng một tuần trước khi Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu bầu 5 thành viên không thường trực vào ngày 7/6 và Việt Nam là ứng cử viên duy nhất từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Vậy tại sao Sing lại chọn “phủ đầu” Việt Nam vào thời điểm này?

Để trả lời câu hỏi trên, hãy bắt đầu từ một câu hỏi khác: Vậy giữa Việt Nam và Singapore, ai sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi cuộc chiến Thương mại Trung – Mỹ nổ ra?

VA CHẠM TRUNG – MỸ VÀ NGƯỜI HƯỞNG LỢI

Về cuộc chiến Thương mại Trung – Mỹ, hiện nay thái độ của các nước ASEAN thực sự khá tinh tế và chia thành nhiều nhóm mục đích.

Thế nhưng, nếu đặt lên bàn cân thì trong cuộc chiến Thương mại Trung – Mỹ này, Việt Nam là người hưởng lợi nhiều nhất. Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, quy mô đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng kỷ lục so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng ngày mà Lý Hiển Long phát biểu, truyền thông Singapore đã dẫn lại một bài viết từ hãng tin Bloomberg, mà qua đó có thể phần nào củng cố cho nhận định trên: “Được lợi từ va chạm thương mại Trung – Mỹ, dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore sau 10 năm nữa”. Điều đó khiến Singapore không khỏi chột dạ khi nhìn đến mối nguy cơ tiềm tàng từ Việt Nam trong tương lai.

Xét riêng từ góc độ kinh tế, Singapore là quốc gia có quy mô rất nhỏ, khó có thể hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển giao chuỗi công nghiệp toàn cầu.

VỊ THẾ SINGAPORE

Tuy nhiên, những mối quan ngại về kinh tế chưa phải điều cốt yếu. Như ông Lý Hiển Long nhiều lần nhấn mạnh, điều Singapore lo lắng hơn là cuộc đối đầu chiến lược Trung – Mỹ sẽ dẫn đến căng thẳng theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Bởi tác động chính trị của một cuộc đối đầu toàn diện giữa 2 siêu cường sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế quốc tế đặc biệt mà Singapore nhờ nỗ lực miệt mài qua nhiều thập kỷ mới có được.

Kể từ khi thành lập đất nước, Lý Quang Diệu đã ý thức rõ một điểm: là quốc gia có diện tích nhỏ nhất ở Đông Nam Á, nền tảng lập quốc của Singapore chắc chắn không phải là thiện chí của các cường quốc láng giềng, cũng không thể nhờ sức mạnh cứng rắn dựa vào thực lực của bản thân. Mà PHẢI là quan hệ chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và an ninh do quan hệ đó mang lại. Nếu không thể đại diện cho ASEAN, thì Singapore không là gì cả; nếu chỉ có ASEAN, thì Singapore cũng không là gì trong ASEAN – Lý Quang Diệu đã quán triệt nguyên tắc ngoại giao này cực độ. Cuối cùng, ông đã trở thành người trung gian và nhân tố đảm bảo cho mối quan hệ giữa các cường quốc bên ngoài khu vực và ASEAN; là đồng minh an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực; là người đặt cược kinh tế cho Trung Quốc và người phát ngôn ngoại giao của ASEAN. Nhờ đó đã mang lại cho Singapore một vị thế ngoại giao và uy tín quốc tế vượt xa nguồn lực của chính mình.

Nếu Trung và Mỹ đi đến một cuộc đối đầu toàn diện vào thời điểm này, không chỉ làm “môi trường” xung quanh Singapore biến mất, mà đối với một nước theo chủ nghĩa thực dụng như Mỹ, thì vị trí chiến lược của Indonesia và Việt Nam còn cao hơn nhiều so với Singapore. Khi ấy, sợ rằng Singapore sẽ từ vai trò ngọn cờ biến thành khán giả, thậm chí có nguy cơ trở thành quân cờ. Viễn cảnh đó rõ ràng không phải là điều Lý Hiển Long muốn thấy.

VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM

Đối nghịch với sự thất vọng của Singapore, từ Shang-ri La 2017, Việt Nam có chiều hướng “tin tưởng” hơn ở Tổng thống Donald Trump. Bởi thông qua Bộ trưởng Quốc phòng James Matis, Mỹ đã có những “đề xuất cụ thể hơn những người tiền nhiệm” trong quan hệ quốc phòng với khối ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam trong tư cách một quốc gia, cũng hết sức ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và các nước trong bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) đã khơi mào từ Shang-ri La 2018, dù chiến lược này chưa có gì rõ ràng lắm.

Ngược lại, Singapore – từ các phát ngôn của chính phủ, giới quân sự, lẫn học giả… lại không ủng hộ chiến lược này. Cơ bản là họ không tin vào một tổng thống Mỹ được cho là “sáng nắng chiều mưa”, tính khí thất thường và cho rằng chiến lược này với chủ đích là bao vây Trung Quốc, sẽ gây cạnh tranh và bất ổn cho khu vực. Đây là một thái độ trái ngược với sự ủng hộ nhiệt thành cho chiến lược tái cân bằng về châu Á – Thái Bình Dương của Chính quyền Obama trước đó.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày càng gia tăng. Không phải tự nhiên mà mối quan hệ Việt – Mỹ gần đây ngày càng nồng ấm, không phải đơn giản mà Mỹ chọn Việt Nam làm địa điểm cho hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2. Và cũng không phải vô cớ khi Việt Nam trúng cử vào vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) với tỷ lệ cao khó tin: 192/193 phiếu.

CÂU TRẢ LỜI

Đến đây, câu trả lời cho bài toán “Vì sao Lý Hiển Long lại tấn công Việt Nam vào thời điểm này?” cũng đã phần nào có lời giải. Đó là cố tình nhắc lại quá khứ để gợi lại góc nhìn về một “Tiểu bá” trong khu vực; nhằm gây nghi ngờ, giảm năng lực tập hợp của Việt Nam; hòng tránh sự gần gũi Việt – Mỹ lan vào nghị trình ASEAN 2020 và đồng thời làm giảm vị thế đang lên của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Tóm lại, từ những sự kiện và phân tích trên, có thể nhận thấy đường lối chính trị của Singapore trong thời gian sắp tới sẽ (có thể) xoáy vào 3 điểm chính:

– Có sự đổ vỡ “lòng tin chiến lược” giữa Singapore và người Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

– Singapore đang dần “xoay trục” về phía Trung Quốc.

– Singapore đang làm giá với cả 3 bên Mỹ, Trung và ASEAN mà phát biểu của Lý Hiển Long chỉ là một phép thử. Tiến trình xoay trục vẫn có thể tiếp diễn (nhiều) lần nữa bởi Singapore không hẳn sẽ hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc, nếu Trung Quốc nhất quyết đào kênh Kra – loại bỏ con đường hàng hải qua eo biển Malacca – cũng chính là túi tiền của Singapore.

Nhưng cần nói rõ, hành động “tái cân bằng” này của Singapore xuất phát hoàn toàn vì lợi ích quốc gia của họ chứ không phải vì ông Lý Hiển Long hay ¾ người dân Singapore có gốc từ Trung Quốc. Sự xoay trục của Singapore, nói cho cùng, chỉ là một biểu hiện cụ thể cho đường lối thực dụng nhất quán trong chính trị từ thời Lý Quang Diệu, mà có thể đúc kết như nhận xét của nhà báo lão thành Chin Kah Chong: Lý Quang Diệu không tôn thờ chủ nghĩa nào, không ngả hẳn theo bất cứ bên nào. Vào một thời điểm nào đó, điều gì, nước nào có thể mang lại lợi ích cho Singapore là ông ấy làm và xích lại gần thôi. Ông ấy là một người thực tiễn, thực dụng, mà nếu nói là cơ hội thì cũng không quá lời.

Người khôn ngoan thì có thể làm cho những điều nhỏ bé trở nên lớn lao và bài phát biểu của ông Lý Hiển Long không gì khác là một biểu hiện cho cuộc đấu tranh của Singapore, một quốc gia bé nhỏ vì lợi ích của chính mình trong tình hình quốc tế biến đổi liên tục, khôn lường.

Nhưng hãy cẩn thận, toan tính luôn đi kèm với hệ luỵ. Liệu Singapore và ông Lý Hiển Long đã lường hết được những gì sẽ xảy ra với mình trong canh bạc sắp tới hay chưa thì vẫn còn là một ẩn số.

Theo MẠNH QUÂN FACEBOOK 

Tags: , , ,