Ô nhiễm môi trường là một nguyên nhân khiến trẻ thành phố hay ốm vặt

Ô nhiễm, khói xe, bụi bẩn từ công trình xây dựng là nguyên nhân gây tình trạng “ốm yếu” của nhiều trẻ nhỏ thành phố.

Ô nhiễm môi trường là một nguyên nhân khiến trẻ thành phố hay ốm vặt

Mệt mỏi vì con hay ốm

Chị Nguyễn Thu Hường trú tại Tây Sơn, Hà Nội tâm sự con trai chị đã hơn 2 tuổi nhưng bé vẫn ở quê với ông bà ngoại vì cứ lên Hà Nội là bé lại bị viêm mũi họng, về quê lại khỏi.

Chị Hường kể chị sinh con về quê 6 tháng nên bé rất khoẻ nhưng từ khi chị cho con lên Hà Nội ở với hai vợ chồng thì tháng nào cháu cũng ốm phải đến viện. Bác sĩ chỉ chẩn đoán viêm mũi dị ứng. Từ khi 6 tháng tuổi đến lúc 1 tuổi bé chỉ tang có 1kg. Xót con, chị Hường gửi bé về quê.

Về nhà rộng rãi, không khí trong lành chị thấy con ít ốm hơn hẳn. Cháu rắn rỏi hơn nên vợ chồng chị Hường yên tâm gửi con ở quê đến năm 5 tuổi chị mới đón cháu lên Hà Nội cho đi học.

Hay như trường hợp con chị Bùi Thị Ngà trú tại Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Chị Ngà thừa nhận con mình tăng cân ổn định nhưng tháng nào cháu cũng ốm phải đến bác sĩ. Có lần, đi học 1 tuần lại nghỉ 1 tuần. Chuyện con ốm đau khiến vợ chồng chị trở nên căng thẳng vì không biết nguyên nhân vì đâu.

Ở Hà Nội có dịch nào là cháu bị dịch đó dù rất ít khi đi xa. Nếu cho con đi chơi bằng xe máy chỉ cần đi quá 5km là ngày hôm sau cháu chảy nước mũi, vài ngày sau bắt đầu ho và viêm đường hô hấp. Có lẽ vì thế, mỗi lần đi đâu chị đều gọi taxi. Đến nay cháu đã 4 tuổi nhưng vẫn hay ốm vặt.

So sánh con chị với cháu ở quê, chị thấy bé hay ốm hơn dù sinh ra được 3,4 kg và khoẻ mạnh, ăn uống tốt hơn. Chị tự an ủi do môi trường chật chội, bí bích nên sức đề kháng của trẻ không được tốt.

Thủ phạm từ nhiễm không khí

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam – trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trong thực tế khám chữa bệnh, các bác sĩ gặp nhiều trường hợp bệnh nhi hắt hơi, khó thở, hen phế quản, viêm mũi dị ứng liên quan đến yếu tố khói bụi, ô nhiễm môi trường.

Có những tình huống bệnh nhân đang hoàn toàn bình thường, đi qua nơi công nhân xây dựng, bụi gạch đất là yếu tố kích thích khiến người bệnh lên cơn hen cấp. Hay mới đây, khoa Nhi tiếp nhận trường hợp cháu bé lên cơn hen do ngửi phải chất tẩy rửa.

Điều này cho thấy, bệnh nhân hen phế quản rất “nhạy” với các yếu tố khói bụi, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khói bụi là căn nguyên gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ, viêm xoang, viêm mũi dị ứng…

Ô nhiễm môi trường là một trong những nguy cơ khởi phát các cơn hen phế quản cấp tính. Nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào khi lên cơn hen. Chưa kể, nếu làm việc,sinh hoạt lâu trong môi trường khói bụi ô nhiễm, nguy cơ mắc hen phế quản cũng có thể de dọa bất cứ ai.

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn – nguyên bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho biết ô nhiễm không khí thực sự đe doạ người già và trẻ nhỏ nhất là những trẻ có cơ địa dị ứng gây ra các bệnh viêm nhiễm thời tiết.

Khói bụi, khí thải và tất cả những chất thải từ sinh hoạt đến môi trường cũng là nơi màu mỡ để vi khuẩn, vi rút ký sinh gây bệnh. Điều mà bác sĩ Tuấn lo nhất đó là các bệnh về hô hấp tăng cao nhất là viêm tắc nghẽn phổi mãn tính.

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí vì khói bụi, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi ra đường nên đeo khẩu trang. Về nhà rửa vệ sinh chân tay sạch sẽ bằng xà phòng.

Đặc biệt với những người có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen phế quản, việc tránh xa bụi nhà, bụi bẩn, các loại phấn hoa, lông thú vật, vi khuẩn, vi rút thực phẩm, nấm mốc, côn trùng; khói xe, khói thuốc lá, mùi than tổ ong, mùi vị thức ăn đặc biệt; thực phẩm lạ… là vô cùng quan trọng để tránh nguy cơ khởi phát cơn hen cấp tính có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Theo PHỤ NỮ ONLINE

Tags: , , ,