Nước Nga giai đoạn 1990-1999: Đống bầy nhầy khó ngửi của Yeltsin

Sau 10 năm tách khỏi Liên Xô, chủ yếu do những sai lầm của chính quyền Yeltsin, mà cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm, sức mạnh quốc gia tổng hợp cũng như vị thế, vai trò trên trường quốc tế của nước Nga suy giảm nghiêm trọng. Đó cũng là “di sản” mà Tổng thống Yeltsin để lại cho quyền Tổng thống V.Putin vào ngày 31/12/1999 – thời khắc “chuyển giao lịch sử” của nước Nga.

Trích đăng bài viết của PGS, TS Hà Mỹ Hương trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018.

Ngày 12/6/1990, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô. Tháng 12/1991, Liên bang Xô viết giải thể. Là quốc gia trụ cột, lớn mạnh nhất trong Liên bang Xô viết (gồm 15 nước), Nga bước ra vũ đài quốc tế với tên gọi “Liên bang Nga” và tư cách “quốc gia kế tục Liên Xô”, được hiểu là kế thừa những quyền lợi của Liên Xô trong quan hệ quốc tế (tiếp quản chiếc ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đại sứ và đại sứ quán của Liên Xô ở nước ngoài,…) và nghĩa vụ (trả các khoản nợ nước ngoài, thực thi các hiệp định, hiệp ước quốc tế mà Liên Xô đã ký,…).

Nhưng nước Nga từ đó suy giảm sức mạnh đến mức vào cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 rơi vào hàng các nước kém phát triển trên thế giới, mà nguyên nhân chủ yếu là do giới cầm quyền Nga đứng đầu là B. Yeltsin đã phạm quá nhiều sai lầm cả trong đường lối, chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Về chính trị đối nội, nước Nga thiếu một chủ thuyết phát triển quốc gia đúng đắn và một hệ thống chính trị hoàn chỉnh cho nước Nga “hậu Xô viết” vận hành, để đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, bất đồng sâu sắc giữa các nhánh quyền lực.

Trong 10 năm cầm quyền, Tổng thống Yeltsin đã thay tới 6, riêng 2 năm 1998-1999 có tới 4 lần thay đổi Thủ tướng chính phủ. Đặc biệt, bắt nguồn từ chính sách “đa nguyên đa đảng”, “dân chủ hóa”, “công khai hóa” được thực thi thời Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Gorbachev tiến hành “cải tổ”, mà ở nước Nga có tới hàng trăm đảng phái mọc lên như “nấm sau mưa”, tranh giành quyền lực với nhau gay gắt. Chủ nghĩa ly khai, khủng bố, các loại tội phạm, các trào lưu tư tưởng dân tộc cực đoan nổi lên, cuộc nội chiến Chechnya kéo dài, đó là bức tranh chưa đầy đủ về sự chia rẽ, hỗn loạn, bất ổn và bất an của nước Nga trong suốt thập niên 90 của thế kỷ 20.

Trên lĩnh vực kinh tế, bị chi phối bởi tư tưởng nóng vội của chủ nghĩa cấp tiến, ê kíp cầm quyền của Tổng thống Yeltsin đã hoạch định và thực thi cái gọi là “Chương trình kinh tế 500 ngày” và “Liệu pháp sốc”, mà nội dung cơ bản là tư nhân hóa nhanh chóng và ồ ạt tài sản quốc gia Nga, với hy vọng rằng chỉ trong một thời gian ngắn (500 ngày) là phục hưng được kinh tế Nga. Song hậu quả của các chương trình này là đã phá nát nước Nga: một mặt, nền kinh tế đất nước rơi vào suy thoái trầm trọng, luôn “đi dưới đường ngầm” (tăng trưởng GDP nhiều năm liền luôn ở số âm); mặt khác, làm xuất hiện giới chủ vô cùng giàu có và lũng đoạn đời sống chính trị Nga, biến nước Nga thành chủ nghĩa tư bản thân hữu, biến thể tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản. Khi nhìn vào thực trạng nước Nga “hậu Xô viết”, một học giả phương Tây nhận xét: “Nga có xu hướng tồn tại như một chính thể đa nguyên với nền dân chủ và luật pháp yếu kém, một xã hội dân sự mới phôi thai, một nền kinh tế dựa trên khai thác nguyên liệu thô và một dân số bần cùng hóa”(1).

Về đối ngoại, cũng do bị những tư tưởng của chủ nghĩa cấp tiến chi phối, chính quyền của Tổng thống Yeltsin đã phạm nhiều sai lầm, nhất là trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, thể hiện ở chính sách đối ngoại được gọi là “định hướng Đại Tây Dương”. Đây là một chính sách phiến diện, ngả theo Mỹ và các nước tư bản phát triển Phương Tây một cách thái quá, với ảo tưởng rằng Mỹ và thế giới phương Tây nói chung sẽ giang tay chào đón Nga “trở về với nền văn minh Bắc bán cầu…, trở lại liên minh với các cường quốc phương Tây”(2). Trong khi đó, Nga không dành đủ sự quan tâm đến việc thúc đẩy hay cài đặt lại quan hệ với các nước vốn cùng nằm trong ngôi nhà chung Liên Xô cũ cũng như các nước “bạn bè truyền thống”.

Hậu quả là, dù có thể lúc đó Mỹ và các nước phát triển phương Tây không coi Nga là kẻ thù, nhưng cũng không coi Nga là đồng minh, là “bạn bè”, trái lại, Nga bị các nước này lấn át, xem thường, coi là “đối tác lép vế”, luôn đặt Nga vào “sự đã rồi”. Ngay cả khi Tổng thống B. Yeltsin ngày 3/1/1993 ký với Mỹ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 2 (START-2) (trước đó, tháng 3/1991, Tổng thống Liên Xô M.Gorbachev đã giải thể Tổ chức Hiệp ước Warsaw, ngày 31/7/1991 ký với Mỹ Hiệp ước START-1), với rất nhiều điều khoản thua thiệt cũng như nhượng bộ Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế liên quan trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia Nga, Mỹ vẫn luôn xem nhẹ, thậm chí phớt lờ lợi ích của Nga.

Mặt khác, Nga gần như mất hết bạn bè, đồng minh cũng như đối tác tin cậy. Trong một thế giới mà xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa đang gia tăng cả về chiều rộng lẫn bề sâu, tình trạng không có kẻ thù nhưng cũng chẳng có đồng minh và bị cô lập trên trường quốc tế là một nguy cơ lớn đối với Nga. Trong nửa sau thập niên 90, cho dù chính quyền Tổng thống Yeltsin đã điều chỉnh chính sách đối ngoại từ “định hướng Đại Tây Dương” sang “định hướng Âu – Á”, nhưng kết quả đạt được vẫn rất hạn chế.

Tóm lại, sau 10 năm độc lập, chủ yếu do những sai lầm của chính quyền Yeltsin, mà cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm, sức mạnh quốc gia tổng hợp cũng như vị thế, vai trò trên trường quốc tế của nước Nga suy giảm nghiêm trọng. Đó cũng là “di sản” mà Tổng thống Yeltsin để lại cho quyền Tổng thống V.Putin vào ngày 31/12/1999 – thời khắc “chuyển giao lịch sử” của nước Nga.

—————————

Chú thích:

1) Thông tấn xã Việt Nam: “Nga: Sự suy thoái theo đường xoáy ốc”, Tin tham khảo chủ nhật,15-11-1998.
(2) B.Enxin: Những ghi chép của Tổng thống,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.300.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,