⠀
Nội dung Hiệp định về Vùng nước lịch sử của Việt Nam và Campuchia
Vùng nước nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến quần đảo Thổ Chu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của nước Cộng hoà nhân dân Campuchia là vùng nước lịch sử của hai nước theo chế độ nội thuỷ.
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Campuchia,
Với lòng mong muốn không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Campuchia, theo tinh thần Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Campuchia ký ngày 18/2/1979,
Căn cứ thực tế là vùng biển nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến quần đảo Thổ Chu của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của Cộng hoà nhân dân Campuchia, gồm những vùng biển từ lâu thuộc nước Việt Nam và nước Campuchia do những điều kiện địa lý đặc biệt của nó và ý nghĩa quan trọng của nó đối với quốc phòng và kinh tế của mỗi nước,
Đã thoả thuận những điều sau đây:
ĐIỀU 1
Vùng nước nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến quần đảo Thổ Chu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của nước Cộng hoà nhân dân Campuchia là vùng nước lịch sử của hai nước theo chế độ nội thuỷ, được giới hạn (theo kinh tuyến Greenwich Đông):
Về phía Tây Bắc bởi đường thẳng nối liền các toạ độ 9o54′.2 Bắc – 102o55′.2 Đông và 9o54′.5 Bắc – 102o57′.0 Đông ở đảo Poulo Wai (Campuchia) đến toạ độ 10o24′.1 Bắc – 103o48′.0 Đông và 10o25′.6 Bắc – 103o49′.2 Đông ở đảo Koh Sès (Campuchia) đến toạ độ 10o30′.0 Bắc – 103o47′.4 Đông ở đảo Koh Thmei (Campuchia) kéo đến toạ độ 10o32′.4 Bắc – 103o48′.2 Đông trên bờ biển tỉnh Kampot (Campuchia).
Về phía Bắc bởi đường bờ biển tỉnh Kampot từ toạ độ 10o32′.4 Bắc – 103o48′.2 Đông đến điểm mút trên bờ biển của đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Về phía Đông Nam bởi đường nối liền từ điểm mút trên bờ biển của đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia đến toạ độ 10o04′.2 Bắc – 104o02′.3 Đông ở mũi An Yên đảo Phú Quốc (Việt Nam) vòng theo bờ Bắc đảo đến mũi Đất Đỏ ở toạ độ 10o02′.8 Bắc – 103o59′.1 Đông kéo qua toạ độ 9o18′.1 Bắc – 103o26′.4 Đông ở đảo Thổ Chu (Việt Nam) đến toạ độ 9o15′.0 Bắc – 103o27′.0 Đông ở đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu (Việt Nam) .
Về phía Tây Nam bởi đường thẳng kéo tà toạ độ 9o55′.0 Bắc – 102o53′.5 Đông ở đảo Poulo Wai đến toạ độ 9o15′.0 Bắc – 103o27′.0 Đông ở đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu (Việt Nam).
ĐIỀU 2
Hai bên sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau để hoạch định đường biên giới trên biển giữa hai nước trong vùng nước lịch sử nói ở điềm 1.
ĐIỀU 3
Trong khi chờ đợi giải quyết đường biên giới trên biển giữa hai nước trong vùng nước lịch sử nói ở Điều 1:
Điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi nước nằm giữa biển trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ chu và đảo Poulo Wai và sẽ do hai bên thoả thuận xác định sau.
– Hai bên vẫn lấy đường gọi là đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này.
– Việc tuẫn tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này do cả hai bên cùng tiến hành;
– Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay. Đối với việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đó, hai bên sẽ cùng nhau thoả thuận.
Hiệp định này làm tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 7 tháng 7 năm 1982, thành hai bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Khmer, cả hai văn bản đều có giá trị ngang nhau.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (Đã ký) NGUYỄN CƠ THẠCH Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam |
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN CAMPUCHIA (Đã ký) HUN XEN Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Campuchia |
Theo THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Tags: Vịnh Thái Lan, Quan hệ Việt Nam - Campuchia, Chủ quyền Việt Nam